Thứ ba 07/05/2024 17:34

Chuyện ở "xóm trên sông": Kỳ 1: Sống cảnh "ba không"

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Không nhớ đã sống bao nhiêu năm ở cái xóm Phao bãi giữa sông Hồng, phường Ngọc Thụy, quận Long Biên này, với bà Đinh Thị Mai, SN 1954, dù Thủ đô Hà Nội đã phát triển, hiện đại và văn minh nhưng cái xóm nghèo nơi bà đang ngụ cư vẫn còn nhiều thiếu thốn.
Những căn nhà nổi ở xóm Phao – bãi giữa sông Hồng
Những căn nhà nổi ở xóm Phao - bãi giữa sông Hồng.

Không điện lưới, không nước sạch

Loay hoay trong căn bếp với vài đồ đạc sơ sài trên căn nhà phao lênh đênh ở dưới lòng sông, bà Mai cho biết, bà vốn sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Ngày còn bé, bà sống với bố mẹ ở phố Bạch Mai, lớn lên bà phải lòng và lấy một người đàn ông ở tận Hưng Yên. Bỏ phố xá, bà theo chồng về quê sinh sống, nhưng chẳng được bao lâu thì gia đình nhà chồng chuyển lên Lào Cai làm kinh tế. Tuy nhiên, vì cái tính trăng hoa của chồng, khuyên nhủ mãi chẳng được, bà tay ẵm tay bồng mang con quay lại nhà bố mẹ đẻ ở Hà Nội.

“Hồi ấy khó khăn, nhà cũng không còn chỗ để chứa mấy mẹ con. Tôi đành ôm con đi kiếm chỗ tá túc, bố tôi bảo để cháu lại để bố tôi nuôi, nhưng tôi nghĩ mình ở đâu thì con ở đó nên cứ vậy mà bồng con đi”, bà Mai kể. Không còn nhớ chính xác năm nào, bà chỉ nhớ đó là tầm những năm đầu của thập niên 80. Ban đầu, bà lang thang, tá túc tạm bợ ở mái hiên bưu điện Bờ Hồ. Không lâu sau, bà dạt đến bãi giữa sông Hồng, gia nhập xóm cùng những người dân ở đây.

Bà Mai cho biết, cuộc sống ở cái xóm Phao này bao nhiêu năm nay vẫn thế. Ở xóm này cũng chỉ có người đến chứ không có người đi. Cả xóm có khoảng hơn 30 hộ với hàng trăm nhân khẩu, công việc chủ yếu là đi thu nhặt đồng nát, làm thuê, làm mướn, công ăn việc làm không ổn định.

“Trước bán đồng nát còn có giá, chứ giờ giá mua giấy, sắt vụn… rẻ lắm. Ngày nào giỏi thì kiếm được 100 nghìn đồng, còn đâu cũng chỉ vài chục nghìn đồng. Mà không phải ngày nào cũng đi làm được. Những ngày mưa gió, nồm ẩm như tháng 2 này gần như chỉ ở nhà”, bà Mai nói.

Ở nhà có nghĩa là không có thu nhập, là lại chắt bóp, gom góp để đủ ăn, đủ sống. Cái nhà phao bà đang ở vẻn vẹn chưa đến 10m2 với khoang dành cho chỗ ngủ là rộng rãi nhất cũng chỉ vừa trải đủ tấm chiếu, còn đâu cứ tạm bợ để quây thành bếp và chỗ phơi đồ. Mùa đông gió hun hút thổi, nằm trong nhà mà không khác gì nằm ngoài trời, mùa hè thì nóng như hun, chiếc quạt con không đủ đuổi cái nóng nên đành lên bờ trú ở những tán cây. Ngày sông êm, sóng lặng còn đỡ, những ngày mưa gió hay bão bùng thì cả xóm lại có những ngày không yên.

Bà Mai bảo, ở xóm Phao này bao nhiêu năm nay là bấy nhiêu năm bà không biết đến việc có điện hay được sử dụng nước sạch. Nếu ngày trước phải múc nước sông lên đánh phèn để sử dụng thì giờ đã đỡ hơn, các tổ chức đoàn thể đã hỗ trợ cả xóm 3 cái giếng khoan. Nguồn nước của xóm trông cả vào đấy, thế nhưng đợt vừa rồi mới hỏng 1 cái nên chỉ còn 2 cái còn sử dụng được. Để có nước dùng, hàng ngày bà vẫn phải cặm cụi xách từng xô nước dù tuổi đã ngấp nghé 70.

Việc thiếu nước sinh hoạt thì đã tạm được giải quyết, còn điện thì vẫn không. Nguyên do là bởi, toàn bộ người dân ở đây đều không có hộ khẩu và cũng chẳng ai dám mắc điện ra cái bến trên sông này, vậy nên bao nhiêu năm trước vẫn tù mù đèn dầu. Mấy năm trở lại đây, các tổ chức hỗ trợ bình điện năng lượng mặt trời. Thế nhưng bởi là năng lượng mặt trời nên mùa hè còn đỡ, còn đủ nhiệt để chạy quạt, chạy đèn điện chứ mùa đông sáng nổi 1 chiếc đèn đã là tốt lắm rồi.

Chuyện ở "xóm trên sông": Kỳ 1: Sống cảnh "ba không"
Con đường nhỏ dẫn vào xóm vạn chài

Không giấy tờ tùy thân

Góp vào câu chuyện của bà Mai, ông Nguyễn Văn Hùng, SN 1959 cho biết, bao nhiêu năm sống trên bãi sông này, là bấy nhiêu năm ông không biết thế nào là chứng minh thư, hộ khẩu.

Ông Hùng quê quán ở Hải Phòng, thoát ly gia đình từ rất sớm, đi làm đủ nghề từ Bắc chí Nam và cuối cùng cũng dạt về cái xóm Phao này. Bởi có chút sức khỏe nên ông còn có thể làm phụ xây dựng, bốc vác thuê… Mấy năm gần đây, có người trên bờ thuê ông làm rẫy cỏ nên cũng có thu nhập. “Ngày công làm từ sáng đến tối khoảng từ 250 - 300 nghìn đồng/ngày. Tuy nhiên công việc không đều, ngày có ngày không”, ông nói.

Ông Hùng cho biết, xóm Phao này bao gồm dân ở các tỉnh Hưng Yên, Quảng Bình, Nam Định, Thanh Hóa… có những gia đình vài thế hệ bám víu lấy cái nhà phao mà sống. “Như nhà bà Mai, bà ấy rồi đến các con gái, con rể đến các cháu ngoại cứ quây quần ở cái bãi sông này mấy chục năm nay”, ông Hùng cho hay. Thế nhưng, dù đã sinh sống đến vài thế hệ, hầu hết người dân nơi đây không có hộ khẩu, cũng chẳng có căn cước công dân. “Năm ngoái CA phường Ngọc Thụy có gọi chúng tôi lên lăn tay, chụp ảnh, nhưng đã gần 1 năm trôi qua tôi vẫn chưa nhận được CCCD”, ông Hùng cho biết.

Bà Mai bảo, bà hiện có 4 đứa cháu ngoại, 3 đứa đang độ tuổi đi học, bé út mới 5 tuổi đang ở nhà với bà. Tuy nhiên, để những đứa trẻ được đi học, bà cũng phải nhờ cậy sự “giúp đỡ” của người quen.

Chuyện ở "xóm trên sông": Kỳ 1: Sống cảnh "ba không"
Xóm vạn chài nhìn từ bờ sông.

Không như ở xóm Phao, chị Trần Thị Yến, SN 1991, hiện đang sống cùng chồng ở xóm vạn chài ở dưới chân cầu Nhật Tân, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ cho biết, cô con gái thứ 2 của chị hiện đã có giấy khai sinh nhưng hộ khẩu vẫn chưa được nhập.

Chị Yến kể, chị vốn là người Phú Thọ, xuống Hà Nội làm thuê ở các quán ăn. Năm 2014, chị lấy chồng và theo chồng lên chiếc thuyền nhỏ lênh đênh dưới chân cầu Nhật Tân để sinh sống. Ban đầu, chị cùng chồng có thuê một căn phòng nho nhỏ trên cạn để sống và chị đi làm, thế nhưng cuộc sống bấp bênh vì tiền kiếm được không nhiều mà chi phí lại cao, vậy nên hai vợ chồng đành dắt nhau xuống thuyền ở với bố mẹ chồng.

Bố mẹ chồng đã mất sau đó mấy năm, để lại tài sản duy nhất cho vợ chồng chị đó là con thuyền đơn làm chỗ trú mưa trú nắng. Con thuyền bồng bềnh quanh năm mà hồi mới xuống, chị mất hàng tuần say sóng, vật vã mãi mới quen nổi, giờ đây là nơi vợ chồng sinh hoạt, cả nhà ăn uống, “sân chơi” của con bé mới mấy tháng tuổi, là góc học tập của con bé lớn đang tuổi học sinh tiểu học…

Cả nhà 4 người trông vào mỗi vài tấm lưới và cá tôm trên sông, nhưng cũng buổi có cá, buổi không. Ngày nhiều thì được 500 nghìn đồng, nhưng được ngày kha khá như thế thì đến 4-5 ngày sau lại chẳng bắt được con nào…

Khó khăn vậy nhưng đến giờ hai vợ chồng vẫn gồng gánh vượt qua, nhưng cái phiền muộn nhất của chị có lẽ đó chính là việc học hành của những đứa trẻ. “Con bé lớn thì học ở trường tiểu học Phú Thượng, nhưng cũng không có ưu ái gì. Vẫn đủ các chi phí như những đứa trẻ khác. Còn con bé con thì mãi đến giờ mặc dù đã có giấy khai sinh nhưng vẫn chưa nhập được hộ khẩu mặc dù tôi đã năm lần bảy lượt lên phường hỏi. Họ bảo, do vợ chồng tôi không sống trên bờ, không có nhà đất nên khó khăn trong việc nhập khẩu cho con bé út. Giờ không nhập được khẩu tôi cũng chưa biết việc học hành, sinh sống của con bé sau này sẽ ra sao…”, chị Yến ngậm ngùi.

(Còn nữa)

Không có CCCD, không có hộ khẩu có nghĩa khó khăn đủ bề trong công việc, những thứ liên quan đến thủ tục hành chính đến việc giải quyết trẻ con đi học, đi làm.
Người bạn tin cậy, luôn đồng hành cùng bạn đọc
Sẽ không còn cảnh người dân phải sống lênh đênh trên sông nước
Duy Linh
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động