Thứ bảy 27/04/2024 00:07

Chuyện ở “xóm trên sông” - Kỳ cuối: Bài toán khó giải!

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Không mảnh đất cắm dùi, có lẽ ước mơ về việc an cư lạc nghiệp của những hộ dân sinh sống dưới bến sông còn quá xa vời. Đối với họ, việc mua nhà, mua đất không còn nằm trong suy nghĩ, mà điều thiết thực hơn là làm sao đủ sống, đủ lo cho sinh hoạt, con cái được học hành.
Chỉ cách mặt đất có vài bước chân, nhưng chả ai dám mơ về việc “an cư lạc nghiệp” tại đây
Chỉ cách mặt đất có vài bước chân, nhưng chả ai dám mơ về việc “an cư lạc nghiệp” tại đây

Cấp CCCD gặp khó khăn

Không rõ xóm Vạn chài và xóm Phao hình thành từ bao giờ, tuy nhiên cả lãnh đạo UBND phường Phú Thượng và Ngọc Thụy đều xác nhận, xóm Vạn chài và xóm Phao đều đã tồn tại cách đây hàng chục năm, thậm chí trải qua vài thế hệ cùng nhau sinh sống dưới bến sông.

Cụ thể, xóm Phao có 32 hộ dân với hơn 100 nhân khẩu, xóm Vạn chài có quy mô không bằng nhưng cũng có khoảng chục hộ dân sinh sống, đa phần có quan hệ họ hàng.

Tuy nhiên, nếu như ở xóm Vạn chài, đa phần người dân đều có hộ khẩu ở phường Phú Thượng từ xa xưa, tức là công dân của phường, thì người dân sinh sống ở xóm Phao là dân tứ xứ, từ nhiều tỉnh thành như Hải Phòng, Phú Thọ, Nam Định… dạt về. Xa xứ lâu, đến hộ khẩu, nhà cửa ở quê quán có những người còn không còn nên việc cấp CCCD rất khó. Điều này vô hình chung cũng khiến cuộc sống của họ bấp bênh hơn, không có công ăn việc làm ổn định cũng như những khoản trợ cấp, hỗ trợ theo quy định.

“Các hộ thuộc xóm Vạn chài đa phần là người dân thuộc địa bàn phường cho nên mọi chế độ, chính sách nếu có đều được hưởng như những người dân sống trên mặt đất. Trẻ em khi sinh ra đều được làm giấy khai sinh và khi đến tuổi đi học đều được tiếp nhận học tại các trường học các cấp trên địa bàn phường. Đợt làm CCCD, CA phường cũng đã cấp 21/21 đối tượng đủ điều kiện cho những người dân xóm này”, bà Phạm Thị Thuỳ Linh, Phó Chủ tịch UBND phường Phú Thượng cho biết.

Ngoài ra, trong đợt dịch Covid-19, UBND phường cùng các đoàn thể cũng có những hỗ trợ về nhu yếu phẩm và các khoản hỗ trợ cho các hộ dân nơi đây. Cùng với đó, hàng năm, vào mùa mưa lũ, đoàn thanh niên phường cùng các lực lượng đều hỗ trợ người dân chằng chống thuyền bè chống bão, sẵn sàng các phương án đảm bảo an toàn cho người dân sinh sống tại xóm Vạn chài.

Theo bà Linh, vướng mắc khó giải quyết nhất đối với người dân ở đây là việc nhập khẩu mới cho trẻ sơ sinh. Bà Linh cho biết: “Luật Cư trú quy định công dân được nhập khẩu với điều kiện họ phải có chỗ ở hợp pháp, thuộc quyền sở hữu của mình hoặc được người cho thuê, ở nhờ đồng ý. Còn trường hợp như ở xóm chài, họ thuộc đối tượng người sinh sống, người làm nghề lưu động trên phương tiện, họ hoàn toàn có thể có thể đăng ký thường trú với điều kiện phương tiện được đăng ký, đăng kiểm theo quy định của pháp luật… Tuy nhiên, hầu hết các phương tiện trên xóm Vạn chài đều không đạt với quy định này, nên việc nhập khẩu thực sự gây khó cho phường”.

Còn theo bà Nguyễn Thị Thu Hường, Phó Chủ tịch UBND phường Ngọc Thụy, xóm Phao hình thành từ cách đây vài chục năm, sự tồn tại của xóm Phao do lịch sử để lại. Về mặt vị trí, xóm Phao nằm trên hành lang thoát lũ, do vậy việc sinh sống tại đây không được pháp luật cho phép. Song do xóm đã hình thành từ lâu, nhiều thế hệ cùng sinh sống, nên việc quản lý, có phương án hỗ trợ cho người dân nơi đây gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc.

Theo đó, bởi đa phần người dân của xóm đều không có hộ khẩu, giấy tờ gì, cho nên việc giải quyết các thủ tục hành chính không thực hiện được. Hiện tại, phường Ngọc Thụy chỉ có thể hỗ trợ người dân trong việc đăng ký khai sinh, khai tử, hoặc hỗ trợ các cháu đến tuổi đi học có thể được học trên địa bàn phường.

Người dân xóm Phao “tán gẫu” lúc rỗi việc
Người dân xóm Phao “tán gẫu” lúc rỗi việc

Chỉ có thể phân bổ hỗ trợ từ nguồn xã hội hóa

Đến nay chưa có trường hợp nào xin học trên địa bàn phường Ngọc Thụy. Lý giải về điều này, bà Hường cho rằng, theo địa giới hành chính, xóm Phao nằm ở bãi giữa, thuộc quản lý của UBND phường Ngọc Thụy. Tuy nhiên, từ phường Ngọc Thụy lại không có đường đi ra, chỉ có 1 lối xuống rất nhỏ từ trên cầu Long Biên, mà lối này chỉ có thể đi bộ. Còn nếu muốn đi tới xóm Phao thường phải đi đường vòng rất xa qua cửa khẩu An Dương, thuộc địa bàn phường Yên Phụ. Có thể chính điều này khiến cho không có trẻ trong độ tuổi đi học nào học trên địa bàn Ngọc Thụy mà đa phần đều học tại Yên Phụ.

Cũng chính những bất cập này khiến việc quản lý, hỗ trợ đối với người dân nơi đây còn nhiều hạn chế. Ngoài ra, phần lớn người dân xóm Phao không có hộ khẩu, cũng như không đủ điều kiện đăng ký tạm trú trên địa bàn phường, nên không đủ điều kiện nhận được sự hỗ trợ từ nguồn đóng góp hay ngân sách. Phường chỉ có thể phân bổ hỗ trợ (nếu có) từ nguồn xã hội hóa, bởi vậy quyền lợi của người dân nơi đây là không nhiều. Trong đợt dịch Covid-19 bùng phát, UBND phường cùng đoàn thanh niên cũng đã cứu trợ lương thực, thực phẩm, thuốc men tới người dân nơi đây, mỗi hộ dân cũng được hỗ trợ 1,5 triệu đồng/hộ.

Bàn về việc an cư, lạc nghiệp của những người dân 2 xóm này, không chỉ có người dân, mà đại diện chính quyền đều cho rằng khó có phương án giải quyết. Sự tồn tại của những xóm trên sông này do lịch sử để lại, đã qua nhiều thế hệ, cho nên đến ngày nay lại càng khó khăn hơn trong việc giải quyết, nhất là từ chính quyền cơ sở. Cũng bởi vậy, người dân nơi đây dù còn nhiều khó khăn, thiếu thốn về vật chất, bất tiện trong sinh hoạt nhưng dường như cũng đều “an phận”. Vì dù chỉ cách mặt đất có vài bước chân, họ đều hiểu được rằng, đủ ăn, đủ mặc ở nơi thành thị đã là tốt lắm rồi!

Kết

Khó chồng khó, như một vòng tuần hoàn, những người dân ở các xóm nghèo bên sông tiếp tục cuộc sống mưu sinh của mình với những ước vọng ổn định, bình thường mãi xa vời. Và với những đứa bé đang tiếp tục nương nhờ dưới cái bóng vốn đã liêu xiêu của bố mẹ chúng dưới bến sông ấy tiếp tục chờ đợi những phép màu, những đột phá để có một tương lai sáng sủa hơn thế hệ trưóc của chúng…

“Về việc lo nơi ăn chốn ở cho người dân ở xóm Vạn chài, từ những năm 90, quận đã có phương án cấp đất tái định cư cho một số hộ ở đây. Song do nhiều lý do, một số hộ đã bán lại khu đất đó và tiếp tục xuống sông làm nghề chài lưới. Hơn nữa, phường cũng ghi nhận, có một số gia đình mặc dù bố mẹ sống dưới sông nhưng con cái cũng đã lên bờ và có kế sinh nhai ổn định”, bà Phạm Thị Thùy Linh - Phó Chủ tịch UBND phường Phú Thượng cho hay.
Chuyện ở "xóm trên sông": Kỳ 1: Sống cảnh "ba không"
Kỳ 2: Bấp bênh tương lai của những đứa trẻ dưới bến sông
Chuyện ở “xóm trên sông” - Kỳ 3: Ước mơ ngoài tầm với
Duy Linh
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động