Chủ nhật 24/11/2024 10:20
Câu chuyện ở “xóm trên sông”:

Kỳ 2: Bấp bênh tương lai của những đứa trẻ dưới bến sông

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Gắn bó với cái xóm phao đã vài chục năm, hai người con gái của bà Mai cũng đã lấy chồng, sinh con và tiếp tục lênh đênh góp thêm nhân khẩu ở xóm nghèo này.
Sân chơi của những đứa trẻ tại xóm Phao
Sân chơi của những đứa trẻ tại xóm Phao

Một vòng luẩn quẩn giữa các thế hệ

Quanh quẩn bên cạnh bà Mai là cô bé Đ.N.B, SN 2018, cháu ngoại bà. Bà Mai cho biết, cô bé là con thứ hai của cô con gái út của bà. Chị của cô bé đã đi học ở trường tiểu học Phúc Xá, còn cô bé chưa đến tuổi đi học nên ở nhà với bà.

Mới 5 tuổi, nhưng bé N.B đã tỏ ra khôn ngoan hơn những đứa trẻ bằng tuổi. N.B kể, cô sống ở đây với bố mẹ và các “chị em họ”. Ban ngày các chị đi học, buổi chiều mới về chơi với B. Cả ngày ở nhà, B chỉ quanh quẩn dưới nhà phao, lên bờ hoặc nghịch ngợm quanh khu “sân chơi” mà có đoàn thanh niên nào đó dùng những bánh xe, vật liệu đơn giản dựng thành.

Khi được hỏi đã được bố mẹ cho đi đến lớp mần non chưa, B thỏ thẻ nói bé chưa từng được đến lớp. Nhưng được các chị dạy nên cũng đã biết mặt chữ.

Khi được hỏi về bạn bè, bé B kể, em không có bè bạn nào trên bờ, ngoài những anh chị sống cùng hoặc một số bạn bè, anh chị cùng xóm Phao. Với B, thế giới ngoài cái bến sông là cả một thế giới lạ lẫm, cách biệt với triền sông, bờ đất và những mảnh đất trồng rau nơi em đang sống. Niềm vui của em là ngày nghỉ có các chị, các bạn cùng xóm Phao chơi cùng, là ngày có các anh chị tình nguyện, các cô chú đến thăm và cho kẹo hoặc gói bim bim.

Nhìn bé B, bà Mai cho biết, cô bé là đứa bé nhất nhưng cũng là đứa lanh lợi nhất trong các đứa cháu của bà. Bởi không có hộ khẩu ở đây, đồng thời cũng không có tiền nên bé B không được đến trường mẫu giáo mà ở nhà với bà và những người chưa có việc làm ở xóm Phao này.

Còn hơn 1 năm nữa là B vào lớp 1, bà Mai cũng chưa biết bé B có được tiếp tục học ở Phúc Xá như các chị bé không. “Người dân có hộ khẩu ở đây còn khó, huống hồ những người vô gia cư như chúng tôi”, bà Mai thở dài.

Điều lo lắng nhất của bà Mai, đó là nếu không được học hành đến nơi đến chốn, cơ hội để thoát cái xóm nghèo này của những đứa trẻ sẽ lại mờ mịt như bố, mẹ chúng.

Bà Mai kể, bà có 4 người con, con cả theo bố trên Lào Cai làm bộ đội biên phòng, người con kế cũng vì sinh nhai đã phiêu dạt vào tận Đà Nẵng. Còn 2 cô gái út ở cùng với bà hiện đã có gia đình, con cái và đang ở trên hai cái nhà phao ở cạnh nơi bà sống.

“Hai đứa lấy chồng, một anh ở Chèm, phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, một cậu ở Phú Thọ nhưng rồi cả hai chị em đều đưa chồng xuống dưới sông với mẹ”, bà Mai kể.

Cuộc sống của các con bà cũng không khác bà là mấy, phụ nữ thì đi nhặt rác, gom phế thải, còn chồng thì cũng việc thời vụ đi phụ xây dựng, rẫy cỏ hay bất cứ việc gì có thể để kiếm tiền sinh nhai.

Bà nói, bởi không hộ khẩu, cũng chẳng có mảnh đất cắm dùi lại không có tiền nên cả hai cô con gái con bà đều không được đi học. Những năm 90 ở phường Phúc Xá có tổ chức lớp học tình thương cho lũ trẻ con các hộ gia đình ở dưới sông, lúc ấy bà mới gửi được hai cô con gái vào đó học.

Nói là học nhưng cũng chỉ đủ kiến thức để nhận được mặt chữ, biết viết và biết tính toán đơn giản, chứ không đủ kiến thức để có thể mơ mộng kiếm những cơ hội, kiếm những công việc tốt hơn.

Việc hai cô con gái của bà Mai lại lặp lại cuộc sống sinh nhai như bà Mai giống vòng tuần hoàn lặp lại của nghèo, đói và những nhận thức hạn chế của người dân xóm phao dưới lòng sông Hồng này.

Bà Mai bên căn bếp trong “ngôi nhà” của mình
Bà Mai bên căn bếp trong “ngôi nhà” của mình

Nỗi lo về chuyện học hành của con trẻ

Cũng lo ngại về tương lai những đứa trẻ như bà Mai hoặc bố mẹ bé B ở xóm Phao Ngọc Thụy, chị Trần Thị Yến, xóm vạn chài Nhật Tân cũng lo rằng, không biết chị và chồng chị có đủ lực để lo việc học cho 2 đứa trẻ hay không, khi mà nhiều khi cuộc sống của cả gia đình còn tạm bợ, trông chờ vào sự giúp đỡ của các mạnh thường quân thì nói gì đến tiền để cho các con đi học.

Đến khi con đi học, tiền học lại cũng phải đóng như các bạn, chả thiếu đồng nào dù hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn. Hơn nữa, nỗi lo của chị còn lớn hơn khi đứa con mới được mấy tháng của chị còn không đủ điều kiện để nhập khẩu. Đến có hộ khẩu còn khó khăn trong việc tiếp cận trường lớp, thì nếu chưa có gì thì không biết sau này con bé đi học thế nào, ở đâu?!

Vẫn còn may mắn hơn chị Yến, chị Nguyễn Thị Hiếu, SN 1985, tiếp chuyện PV sau 1 hồi bận mải thả lưới xung quanh chiếc bè trên xóm vạn chài Phú Thượng. Chị cho biết, cuộc sống của chị quanh năm bám vào những con nước ở đoạn sông này, nguồn cá tôm ở dòng sông này nuôi sống gia đình chị.

Hai đứa con chị đã học cấp 2, mặc dù không được nhà trường hỗ trợ, nhưng biết hoàn cảnh khó khăn nên hội phụ huynh trong lớp cũng như giáo viên chủ nhiệm của các cháu đã hỗ trợ hoàn toàn học phí, cũng như tiền học thêm cho các cháu.

Theo chị Hiếu, nguyện vọng để con được học hành lên cao, có nghề nghiệp để sinh nhai cũng là ước vọng của chị, cái ước vọng mà đời chị không thể thực hiện. Thế nhưng bởi kiến thức hạn chế, quan hệ xã hội càng không có nên chị đành hôm nay biết hôm nay chứ không tính được ngày mai.

Học hết cấp 2 lên cấp 3, nếu không có cộng đồng phụ huynh, nếu không có sự giúp đỡ của giáo viên đứng lớp của bọn trẻ, con chị có tiếp tục được học không cũng chưa biết.

Chuyện lo cho con đi học là điều cha mẹ nào cũng hết sức cố gắng, thế nhưng với sức khỏe đã ngày một yếu sau những ngày phơi mặt trên sông, sau những cơn choáng váng của căn bệnh tiền đình, không biết chị có đủ sức để lo hay không cũng còn chưa biết…

(Còn nữa)

Chuyện ở Chuyện ở "xóm trên sông": Kỳ 1: Sống cảnh "ba không"
Duy Linh
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động