Thứ sáu 22/11/2024 18:05
Những người lính biên cương vì hình hài Tổ quốc

Kỳ 1: Cuộc chiến bền bỉ, không khoan nhượng với tội phạm ma túy

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
“Chúng tôi luôn xác định công tác phòng chống ma túy vùng biên cương là cuộc chiến lâu dài, không ngừng nghỉ, bất cứ giá nào cũng phải quyết tâm tấn công trấn áp, không khoan nhượng với tội phạm ma túy…” - thượng úy Lò Xuân Tình - Đội trưởng Đội Phòng chống ma túy và tội phạm, Đồn Biên phòng Mường Pồn (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) khẳng định.
Kỳ 1: Cuộc chiến bền bỉ, không khoan nhượng với tội phạm ma túy
Cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên luôn vững chắc tay súng bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Ảnh: A.N

LTS: Tổ quốc Việt Nam - bốn từ thiêng liêng ấy cất lên khiến trái tim mỗi chúng ta không khỏi xúc động, tự hào. Càng hạnh phúc hơn khi chúng ta được sống ở Tổ quốc mình, cống hiến cho quê hương mình. Có câu nói rất hay rằng “Vinh dự lớn nhất là được bảo vệ Tổ quốc”. Đây cũng là trách nhiệm, bổn phận của bất cứ người dân Việt Nam nào. Trọng trách đó càng cao hơn đối với những người lính biên cương luôn một lòng quyết tâm, vững chắc tay súng bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, trong đó có các cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Điện Biên.

Ngọn cờ đầu trong công tác phòng chống ma túy vùng biên giới

BĐBP tỉnh Điện Biên quản lý, bảo vệ đường biên giới quốc gia dài 455,573km với 2 tuyến biên giới (Việt Nam - Trung Quốc dài 40,861km; Việt Nam - Lào dài 414,712km). Địa bàn gồm 29 xã biên giới, thuộc 4 huyện (Điện Biên, Mường Chà, Nậm Pồ và Mường Nhé), 299 thôn (bản); 3 cụm dân cư, với tổng dân số gần 28.000 hộ, 16 dân tộc (Mông, Thái, Kinh, Khơ Mú, Hà Nhì,…) cùng sinh sống. Nhân dân các dân tộc ở khu vực biên giới cơ bản chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương, yên tâm lao động sản xuất.

Tuy nhiên, đời sống của Nhân dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp và không đồng đều, còn nhiều hủ tục, tập quán lạc hậu, tỷ lệ hộ nghèo còn cao chiếm gần 35%. Bên cạnh đó, tình hình an ninh nông thôn có diễn biến phức tạp. Hoạt động tuyên truyền lôi kéo di, dịch cư tự do, xuất nhập cảnh trái phép còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ; hoạt động của tội phạm buôn bán vận chuyển các chất ma túy tinh vi, nhiều thủ đoạn khó lường,… Địa bàn trong khu vực đơn vị quản lý chủ yếu là đồi núi, nhiều đường mòn qua lại hai bên biên giới. Ngoài ra còn có các đạo lạ, tà đạo hoạt động lén lút lôi kéo tín đồ để chống phá Đảng, Nhà nước, gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới.

Đại tá Nhâm Văn Mạnh - Chính ủy BĐBP tỉnh Điện Biên cho biết: “Tội phạm ma túy có sự liên kết chặt chẽ giữa các tổ chức, đường dây phạm tội trong và ngoài nước, tính chất hoạt động, phương thức và thủ đoạn hoạt động tinh vi, manh động, liều lĩnh. Các đối tượng mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy thường xuyên thay đổi địa bàn hoạt động và phương thức vận chuyển; sử dụng nhiều hình thức, loại phương tiện để vận chuyển ma túy, triệt để lợi dụng sự phát triển của công nghệ thông tin để liên lạc, hình thành các đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy khép kín xuyên quốc gia, tài trợ khủng bố ở nước ngoài, tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến công tác đấu tranh phòng, chống ma túy và tội phạm của tỉnh. Trước tình hình trên, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị cơ sở làm tốt công tác vận động quần chúng, tuyên truyền đặc biệt cho Nhân dân các dân tộc ở khu vực biên giới, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới”.

Kỳ 1: Cuộc chiến bền bỉ, không khoan nhượng với tội phạm ma túy
BĐBP Đồn Thanh Luông (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) đang làm việc với các lực lượng chức năng. Ảnh: A.N

Với bản lĩnh chính trị vững vàng, các cán bộ, chiến sĩ BĐBP tỉnh Điện Biên không ngừng nỗ lực, quyết tâm vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ, có những đóng góp quan trọng vào công cuộc bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, an ninh lãnh thổ, củng cố quan hệ hợp tác và kiên trì đấu tranh, giải quyết nhiều vấn đề phức tạp nảy sinh, giữ vững biên giới hòa bình, hữu nghị và ổn định. Đặc biệt, BĐBP tỉnh Điện Biên còn là một trong những ngọn cờ đầu trong công tác phòng chống ma túy vùng biên giới.

Trong 3 năm 2021, 2022, 2023, BĐBP tỉnh đã chủ trì và phối hợp đấu tranh 489 chuyên án, vụ án; bắt giữ 591 đối tượng (51 chuyên án); thu giữ 711kg ma túy các loại. Riêng năm 2023, đơn vị đã phát hiện bắt giữ tổng 155 vụ/184 đối tượng (trong đó có 15 chuyên án). Vật chứng thu giữ: 52.660,28 gram heroine, 419.158 viên ma túy tổng hợp, 17kg ma túy tổng hợp dạng đá, 1.185,82 gram thuốc phiện, 500 gram ketamin,… Quý I năm 2024, BĐBP tỉnh chủ trì, phối hợp với các lực lượng phát hiện bắt giữ 37 vụ/43 đối tượng (trong đó có 4 chuyên án), tang vật thu giữ 4.298,95 gram heroin, 137.796 viên ma túy tổng hợp, 3600 cây thuốc phiện (phá nhổ 124 cây thuốc phiện) và nhiều tang vật khác có liên quan.

Với những thành tích xuất sắc, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Điện Biên được Chủ tịch nước tặng Huân chương Chiến công hạng Nhất, 2 cá nhân được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì, Ba. Nhiều tập thể, cá nhân được tặng thưởng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, UBND tỉnh Điện Biên.

Kỳ 1: Cuộc chiến bền bỉ, không khoan nhượng với tội phạm ma túy
Các cán bộ, chiến sĩ trong một chuyến kiểm tra tình hình an ninh trật tự tại địa bàn. Ảnh: NVCC

Mưu trí, dũng cảm, đảm bảo tuyệt đối an toàn về mọi mặt cho đồng đội, Nhân dân

Trung tá Nguyễn Văn Đại, Đồn trưởng Đồn Biên phòng xã Thanh Luông, huyện Điện Biên cho biết, đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ đoạn biên giới tuyến Việt Nam - Lào dài hơn 13km, với 7 mốc quốc giới. Địa bàn khu vực có biên giới giáp Lào (cụm bản Pồn Sày, huyện Mường Mày, tỉnh Phoong Sa Ly) và giáp ranh với TP Điện Biên Phủ, thuộc 3 xã Thanh Nưa, Thanh Luông và Thanh Hưng của huyện Điện Biên. Đây là địa bàn “nóng” về tình hình tội phạm ma túy của tỉnh Điện Biên trong nhiều năm qua. Các đối tượng buôn bán ma túy tổ chức thành các đường dây đưa ma túy vào nội địa tiêu thụ và nước thứ ba, ngoài ra còn nhiều tụ điểm bán lẻ chất ma túy.

Bên cạnh làm tốt công tác tuyên truyền, BĐBP Đồn Thanh Luông đã mở nhiều đợt cao điểm tấn công, trấn áp, triệt phá các vụ án liên quan đến tàng trữ, vận chuyển và sử dụng trái phép chất ma túy, góp phần bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn. Từ năm 2021 đến nay, đơn vị đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 42 vụ, với 44 đối tượng mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy. Thu giữ số lượng lớn tang vật, gồm: 12 bánh Heroin, 6kg ma túy tổng hợp dạng đá, 66.131 viên ma túy tổng hợp và 64 gram Heroin cùng nhiều tang vật quan trọng khác. Trong đó có 5 chuyên án lớn, bắt giữ 5 đối tượng trong diện quản lý nghiệp vụ và xóa 13 tụ điểm bán lẻ ma túy.

Kỳ 1: Cuộc chiến bền bỉ, không khoan nhượng với tội phạm ma túy
Những người lính luôn đặt Tổ quốc trong trái tim mình, hết lòng phụng sự đất nước, Nhân dân. Ảnh: A.N

Là người trực tiếp chiến đấu, chỉ huy đánh án ma túy trên địa bàn xã Mường Pồn, thượng úy Lò Xuân Tình - Đội trưởng Đội Phòng chống ma túy và tội phạm, Đồn Biên phòng Mường Pồn (huyện Điện Biên) chia sẻ: “Chúng tôi luôn xác định công tác phòng chống ma túy vùng biên cương là cuộc chiến lâu dài, không ngừng nghỉ, bất cứ giá nào cũng phải quyết tâm tấn công trấn áp, không khoan nhượng với tội phạm ma túy. Tất nhiên, các khâu trong kế hoạch đánh án phải được chuẩn bị kỹ. Trong hoàn cảnh nào cũng phải cố gắng phải bảo đảm tuyệt đối an toàn về mọi mặt cho các đồng đội, người dân. Chúng tôi cũng luôn động viên, tiếp lửa cho đồng chí, đồng đội của mình hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần đẩy lùi cái chết trắng ra khỏi địa bàn”.

Là cán bộ dạn dày kinh nghiệm khi tham gia nhiều chuyên án đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy, thượng úy Lê Huy Hoàng - Đội trưởng Đội Trinh sát, Đồn Biên phòng Thanh Luông (huyện Điện Biên) cho biết, việc vây bắt các đối tượng buôn bán ma túy phải hết sức cẩn trọng, đảm bảo an toàn cho cả lực lượng đánh án và quần chúng Nhân dân khu vực phá án, bởi các đối tượng thường trang bị vũ khí nóng. Chúng xác định nếu bị bắt sẽ phải chịu hình phạt ở khung cao nhất nên khi bị phát hiện, vây bắt thì sẵn sàng chống trả quyết liệt, nổ súng vào lực lượng chức năng.

Thượng úy Lê Huy Hoàng nhớ lại vụ đánh án cuối tháng 10/2023. BĐBP Đồn Thanh Luông nhận được nguồn tin có đối tượng từ Việt Nam sang Lào lấy ma túy mang về nước tiêu thụ. Ngay lập tức, đơn vị nhanh chóng lên kế hoạch, đi khảo sát những cung đường đối tượng có thể từ Lào về Việt Nam, sau đó chọn địa điểm đón lõng đối tượng. Để đánh án thành công, các khâu chuẩn bị đều được tính toán kỹ lưỡng, đảm bảo yếu tố bí mật, bất ngờ.

“Khoảng 21h ngày 28/10, chúng tôi bắt đầu triển khai lên khu vực biên giới giữa Việt Nam và Lào, đội mưa suốt 6 tiếng mới đến địa điểm tập kích. Quá trình hành quân gặp nhiều khó khăn. Mặc dù trời tối nhưng chúng tôi không được sử dụng đèn pin để tránh việc các đối tượng phát hiện, trốn thoát. Anh em vừa đi, vừa mò đường, cộng với trời mưa càng khiến đường trơn trượt. Đến 7h sáng hôm sau, chúng tôi xác định được hai đối tượng, trong đó một người đi trước quan sát, một người đi sau. Tổ mật phục lập tức tiến hành vây bắt. Hai đối tượng phát hiện có người theo dõi, lập tức đổi hướng, men theo lối mòn nhỏ khác chạy vào rừng. Nguy hiểm hơn, bên người hai đối tượng còn có 2 khẩu súng kíp. Tuy nhiên, với tinh thần quyết tâm, quyết liệt đấu tranh với tội phạm ma túy, các thành viên của tổ công tác đã vây bắt, khống chế thành công 2 đối tượng, thu giữ tang vật gần 500 gram heroin, khoảng 1.000 viên ma túy tổng hợp” - thượng úy Lê Huy Hoàng chia sẻ.

Kỳ 1: Cuộc chiến bền bỉ, không khoan nhượng với tội phạm ma túy
Một trong những đối tượng buôn bán ma túy bị bắt giữ. Ảnh: BĐBP Đồn Thanh Luông

Theo Thượng úy Lê Huy Hoàng, chiêu trò của các đối tượng buôn bán ma túy rất tinh vi. Họ thường lợi dụng lòng tin của bà con, mượn danh nghĩa người dân đi lên rừng hái măng rồi trà trộn ma túy vào trong những bao tải hàng. Bên cạnh đó, các đối tượng rất cảnh giác và linh hoạt, chủ động tìm kiếm những cung đường để vận chuyển ma túy. Họ chia nhau thành các tổ, về đến địa điểm sẽ liên hệ lại với các đối tượng trong nhóm, nếu có bất thường thì thay đổi đường đi.

“Chúng tôi cố gắng bố trí mật phục, chọn địa điểm chật hẹp, áp sát, khống chế các đối tượng. Khi tác chiến, chỉ cần chậm 1 giây hoặc lựa chọn khu vực đánh án không phù hợp, lực lượng chức năng sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong công tác vây bắt, khống chế các đối tượng, thậm chí còn bị đe dọa đến tính mạng. Với những đối tượng chống trả, chúng tôi cố gắng thuyết phục họ đầu hàng để hưởng sự khoan hồng của pháp luật” - thượng úy Lê Huy Hoàng cho biết.

Chia sẻ về những tháng ngày đóng quân trong rừng để thực hiện nhiệm vụ, thượng úy Lê Huy Hoàng kể: “Đồ tàng mang theo khi đánh án có khi chỉ đơn giản là chai nước, nắm xôi, chút cơm, quả trứng. Đánh án trong rừng, nhất là di chuyển trong đêm tối, mưa gió khá nguy hiểm, chuyện bị vắt cắn là bình thường nhưng anh em vì tập trung tiếp cận mục tiêu nên về nhà mới phát hiện vắt đã hút máu no mòng. Đó chỉ là những khó khăn rất nhỏ trong công việc của chúng tôi. Chỉ cần nghĩ đến nhiệm vụ được giao, với mong muốn mang lại cuộc sống bình yên cho người dân, tôi và các đồng đội lại động viên nhau cùng cố gắng. Dù nhiệm vụ nhiều chông gai, thử thách nhưng các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Thanh Luông vẫn giữ vững quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần giữ gìn biên cương sạch bóng ma túy”.

Kỳ 1: Cuộc chiến bền bỉ, không khoan nhượng với tội phạm ma túy
BĐBP Thanh Luông và người dân đồng lòng, quyết tâm bảo vệ biên cương Tây Bắc. Ảnh: A.N

Được biết, thượng úy Lê Huy Hoàng quê Thanh Hóa. Với ước mơ trở thành chiến sĩ BĐBP, anh đã nỗ lực thi đỗ vào Học viện Biên phòng. Anh và bà xã cũng có một tình yêu đẹp. Biết công việc của chồng vất vả, chị đã luôn bên cạnh động viên và là hậu phương vững chắc để thượng úy Lê Huy Hoàng yên tâm công tác.

Làm vợ lính vừa là niềm tự hào nhưng cũng là sự dũng cảm, bởi công việc của chồng bận rộn, phải xa nhà nhiều tháng ngày, người phụ nữ phải đảm đương các vai trò, vừa là mẹ, vừa là cha, là dâu thảo. Nhiều người trong giây phút “vượn cạn”, không có chồng bên cạnh, dù trong lòng cảm thấy tủi thân nhưng họ vẫn luôn thấu hiểu cho công việc của chồng, mạnh mẽ vượt qua những khó khăn.

Tôi nhớ những câu thơ hay trong bài thơ “Vì em là vợ lính” của tác giả Phạm Hùng:

“Xuân, Hạ qua rồi lại đến Thu, Đông

Lúc khó khăn đâu có chồng bên cạnh

Mọi thứ trong nhà mình em gồng gánh

Nội, ngoại hai bên trọn vẹn đôi đường.

Vì bình yên, vì Tổ quốc thiêng liêng

Tiền tuyến – Hậu phương ta cùng chia sẻ

Bất cứ đâu, biên cương hay hải đảo

Anh đứng nơi nào là ở đó có em”.

Xúc động khoảnh khắc ngày gặp mặt của các chiến sĩ Điện Biên năm xưa Xúc động khoảnh khắc ngày gặp mặt của các chiến sĩ Điện Biên năm xưa
Ký ức Điện Biên của cựu thanh niên xung phong Hà thành Ký ức Điện Biên của cựu thanh niên xung phong Hà thành
Gặp nhân chứng lịch sử Chiến dịch Điện Biên Phủ Gặp nhân chứng lịch sử Chiến dịch Điện Biên Phủ
An Nhiên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động