Gặp nhân chứng lịch sử Chiến dịch Điện Biên Phủ
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênCựu chiến binh Nguyễn Công Dinh (hàng ghế đầu, áo sáng màu) tại Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ của phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, Hà Nội. Ảnh: A.N |
Bất ngờ vì được nhận nhiệm vụ đặc biệt
Mặc dù đã 97 tuổi, đi lại khó khăn nhưng mỗi khi nhắc đến những năm tháng tham gia cách mạng, đặc biệt là Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, cựu chiến binh Nguyễn Công Dinh lại ánh nên niềm xúc động, tự hào, giọng nói hào sảng và say sưa.
Ông Dinh sinh ra và lớn lên ở Huế. Năm 1945, khi Nhật đảo chính Pháp, ông quyết định bỏ học về quê nhà ở huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Phong trào Việt Minh khi đó phát triển mạnh. Ông còn tham gia Đoàn Thanh niên cứu quốc, cướp chính quyền vào tháng 8/1945. Năm 1946, ông Dinh vào quân đội, công tác tại Phòng Tham mưu của Quân khu 4 (đóng quân ở Nghệ An). Năm 1947, ông chuyển sang công tác ở Phòng Chính trị. Cùng năm, ông chính thức trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 1949, theo sự phân công nhiệm vụ của cơ quan, ông Dinh được cử ra Hà Nội học, sau này về sẽ phát triển đơn vị. Sau khi học xong, ông được Bộ Tổng tham mưu chọn về làm cán bộ Cục Tác chiến.
Chia sẻ về lần làm nhiệm vụ đặc biệt nhất trong cuộc đời cách mạng là giao mật thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông Dinh kể, tháng 11/1953, khi thành lập Bộ Chỉ huy Chiến dịch Đông Xuân để giải phóng Lai Châu, do Tướng Hoàng Văn Thái chỉ huy, ông tham gia trong Ban Tác chiến của Bộ Chỉ huy. Đơn vị hành quân từ Thái Nguyên lên đến Tuần Giáo (hang Thẩm Púa) để chuẩn bị lực lượng tiêu diệt địch ở Lai Châu thì phát hiện hàng ngày, máy bay địch đưa quân từ Hà Nội đổ bộ xuống khu vực Mường Thanh (khi đó là huyện Điện Biên của tỉnh Lai Châu) và các tiểu đoàn của địch cũng rút về Mường Thanh. Lúc này, quân Pháp có kế hoạch củng cố Điện Biên thành một tập đoàn cứ điểm lớn để bảo vệ Tây Bắc.
Trưa 27/1/1954, khi ông Dinh vừa ăn cơm xong, thì Tướng Hoàng Văn Thái xuống tìm ông và nói: “Cậu Dinh, cậu ăn cơm xong rồi lên gặp anh Văn (Đại tướng Võ Nguyên Giáp) để nhận nhiệm vụ mới”. Khi tôi vừa vào đến lán của Đại tướng, chưa kịp chào ông thì ông đã nhẹ nhàng bảo: “Cậu Dinh đấy à, cậu ngồi xuống đây!”. Rồi Đại tướng nói: “Đây là bức thư mật, tôi đã viết kỹ, dán kỹ. Cậu có nhiệm vụ mang lá thư này gấp về báo cáo với Bác Hồ và Trung ương (ở An toàn khu Định Hóa, Thái Nguyên) để xin chỉ thị của Bác. Tôi phải viết thư, vì không thể đánh điện được, phòng tránh địch phát hiện sẽ biết kế hoạch của ta. Thư rất quan trọng, phải đi càng nhanh càng tốt, bảo đảm thư đến tận tay Bác Hồ. Cậu có làm được không?”. Tôi đoán chắc là về việc lui lại lịch đánh và rút quân ra. Tôi đáp lại: “Báo cáo anh, tôi đã sẵn sàng chấp hành nhiệm vụ. Tôi sẽ cố gắng hết sức để hoàn thành công việc anh giao”.
Đại tướng dặn ông Dinh: “Hiện giờ Bộ Chính trị đang họp nên cậu về đến nơi thì xin gặp Bác để đưa thư, nếu Bác cần hỏi gì thêm thì báo cáo, còn không thì cứ đưa thư là được. Còn trường hợp nếu Bác đang họp, không gặp được, thì phải xin gặp anh Văn Tiến Dũng và nhờ anh ấy đưa ngay thư cho Bác”.
Quyết tâm bảo vệ mật thư
Trước khi ông Dinh đi, Đại tướng còn dặn thêm: “Đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng, cậu phải đi nhanh và an toàn. Cậu lấy chiếc xe Jeep của tôi mà đi”. Đây là chiếc xe mà quân ta lấy được trong trận Biên giới 1950, sau này là xe riêng của Đại tướng. Con đường từ Điện Biên về An toàn khu phải đi qua 3 trọng điểm địch bắn phá ác liệt là đèo Pha Đin, ngã ba Cò Nòi và bến phà Âu Lâu.
Trong hơn 2 ngày di chuyển từ Điện Biên về An toàn khu, ông Dinh gặp nhiều tình huống nguy hiểm, còi báo động máy bay thi thoảng lại kêu vang. Khi vừa mới từ phà lên đất liền, ông đã thoát chết trong gang tấc khi máy bay địch thả bom lệch vài trăm mét xuống lòng sông. Ông Dinh kể: “Ngày đó, tôi giữ chặt lá thư trong người chứ không dám đeo ở túi vì sợ rằng nếu mình có hy sinh, đồng đội tìm mình sẽ thấy được lá thư”.
Ngày 29/1/1954, ông Dinh về đến An toàn khu. Vì Bác Hồ bận họp nên ông Dinh đã bảo đồng chí bảo vệ cho mình gặp đồng chí Văn Tiến Dũng để đưa bức thư. “Gặp anh Dũng, tôi nói: “Tôi ở chỗ anh Văn và anh Văn có gửi thư cho Bác, bức thư rất gấp”. Anh Dũng cầm bức thư và nói: “Để tôi mang vào rồi tranh thủ gửi Bác, vì hiện giờ Bác đang họp rất bận”. Tôi ngồi chờ đến hết giờ chiều, anh Dũng ra nói là đã đưa thư cho Bác, dặn tôi cứ về nghỉ, sáng mai sang đây. Sáng hôm sau, tôi lại sang ngồi ở cổng bảo vệ từ sớm. Đến khoảng 10h thì anh Dũng ra bảo là Bác đã đọc hết thư rồi. Bác còn dặn anh Dũng cho đồng chí đưa thư về để còn phục vụ đơn vị. Ở đây, Bác sẽ trả lời cho anh Văn”, ông Dinh nhớ lại.
Sau khi đưa lá thư cho Bác và đợi phản hồi, ông Dinh trở về Điện Biên. Vừa gặp lại Đại tướng, ông đã được thông báo rằng Bác Hồ đã gửi điện báo đồng ý thay đổi phương châm tác chiến. “Sau này, tôi có nhiệm vụ phụ trách nghe điện thoại của Sư đoàn 312, cũng chính là sư đoàn đánh ở Him Lam" - ông Dinh cho biết thêm.
Kết thúc Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Dinh tiếp tục về công tác tại Cục Tác chiến, rồi chuyển một vài đơn vị. Năm 1968, ông chuyển ngành sang Bộ Nông nghiệp, rồi công tác ở Cục Thủy sản. Năm 1991, ông nghỉ hưu. Về với cuộc sống đời thường, ông Dinh vẫn tích cực tham gia các hoạt động ở địa phương như làm Bí thư Chi bộ, tham gia Hội Cựu chiến binh,… Những đóng góp to lớn của ông Dinh đã góp phần làm nên Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Đây không chỉ là mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam mà còn là một kỳ tích trong lịch sử nhân loại ở thế kỷ XX, tạo động lực cho Nhân dân yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới tiếp tục cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc.
“Đây là một trong những khoảnh khắc đặc biệt trong cuộc đời tôi. Lúc đó, tôi cũng không thể mường tượng ra viễn cảnh chỉ 4 tháng sau, chúng ta đã bắt sống được tướng De Castries. Hoàn thành nhiệm vụ, tôi mừng quá, vì mình đã làm đến nơi đến chốn. Trong suốt Chiến dịch Điện Biên Phủ, tôi ở bộ phận tác chiến tại Sở Chỉ huy Mường Phăng" - lời ông Nguyễn Công Dinh. |
Ký ức một thời hoa lửa | |
Nhân chứng lịch sử kể chuyện phá kho thóc Nhật | |
Chiến thắng đánh dấu một mốc son chói lọi của lịch sử dân tộc |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại