Thứ sáu 26/04/2024 00:50

Nhân chứng lịch sử kể chuyện phá kho thóc Nhật

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Ở tuổi ngoài 90, tóc đã bạc trắng, sức khỏe kém đi nhiều những mỗi khi nhắc về thời khắc lịch sử của Cách mạng tháng Tám, đặc biệt là câu chuyện phá kho thóc tại làng Mọc năm đó, nhà giáo Trần Văn Nội (Quan Nhân, Thanh Xuân, Hà Nội) lại rưng rưng cảm xúc tự hào.

Như một thước phim quay chậm, PGS.TS Trần Văn Nội – nguyên Trưởng khoa Triết học, ĐH Sư phạm Hà Nội 1 (SN 1926, phố Quan Nhân, quận Thanh Xuân, Hà Nội) kể cho chúng tôi về hình ảnh mùa thu Cách mạng tháng Tám năm 1945 khi ông cùng với dân làng Mọc (tên gọi cũ làng Quan Nhân) dưới sự lãnh đạo của Việt Minh vùng lên phá kho thóc Nhật, lấy lương thực chia cho dân nghèo.

Nhân chứng lịch sử kể chuyện phá kho thóc Nhật
Nhà giáo Trần Văn Nội, nhân chứng lịch sử Cách mạng tháng Tám 1945

Ngày ấy, nhà giáo Trần Văn Nội tình nguyện tham gia vào Đoàn thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu. Ông Trần Văn Nội là người trực tiếp cùng với nhân dân làng Mọc nổi dậy phá kho thóc Nhật cứu đói.

Trong ký ức vẹn nguyên của 76 năm mùa thu lịch sử, nhà giáo Trần Văn Nội nhớ lại: “Do là vị trí địa lý thuận lợi, đường xá rộng thoáng, địa phương lại có đình to nên quân đội Nhật đã chọn đình làng Mọc là nơi tập kết “thuế thóc” vơ vét được của nhân dân vùng ngoại thành”.

Còn trước đó nạn đói năm 1945 cướp đi nạn đói của hơn 2 triệu người dân Việt Nam. Cơn đói lịch sử càn quét làng Mọc, cả một vùng ao chiêm trũng Quan Nhân chìm trong cơn đói.

Cảnh người đói ăn nằm vật vạ trên mọi nẻo đường. Người dân sống trong sự kìm kẹp, căm phẫn với chính sách của phát xít Nhật “nhổ lúa, trồng đay” cùng với đó là nạn sưu cao, thuế nặng của 3 tầng áp bức, phát xít, thực dân, phong kiến. Sống trong đói khổ nhưng với người dân làng Mọc, họ luôn đặt niềm tin vào cách mạng, chờ đợi ngày khởi nghĩa giành chính quyền.

Sau tin từ Bắc Ninh, Bắc Giang, Ninh Bình về việc người dân ào lên phá kho thóc cứu đói liên tiếp đổ về, mỗi người làng Mọc đều thấy trong mình sôi sục khí thế.

Nhận định thời cơ, Đội Tự vệ xung phong ngoại thành Hoàng Diệu đã mạnh dạn báo cáo với Ban cán sự Đảng và được các đồng chí đồng ý, hẹn khi phá thóc sẽ huy động Đoàn Thanh niên xung phong Hoàng Diệu từ nội thành ra hỗ trợ.

Nhận lệnh từ cấp trên, chiều 11-7-1945, các đội viên tỏa đi các làng hô hào, vận động bà con, nhưng không dám nói phá kho thóc mà nói rằng: “Bà con ra đình, có nhiều chuyện rất hay”.

Lúc này, lý trưởng các làng đã bị trấn áp, nằm im. Vào 18g, buổi diễn thuyết ngay trước cổng đình Quan Nhân được diễn ra. Cán bộ Việt Minh vạch tội ác của Pháp – Nhật thu thóc, phá lúa khiến cho dân ta chết đói và hô hào bà con tham gia cách mạng.

Ngay sau đó, đèn đuốc sáng choang cả khu vực đình làng Mọc, tiếng người hô hào ầm ĩ, hàng trăm ào ào cầm thủng, mủng xúm vào kho thóc duy nhất trong làng.

“Trong đêm phá kho thóc Nhật, tôi và các anh em trong đội đã nhận nhiệm vụ canh gác các ngả đường dẫn vào đình. Một nhóm thì canh gác cẩn mật ở nhà lý trưởng. Nếu có quân lính từ Pháo Đài Láng di chuyển về viện trợ, chúng tôi sẽ lập tức thông tin cho nhân dân để tránh thiệt hại về người”, nhà giáo Trần Văn Nội nhớ lại.

Cuộc phá kho thóc thắng lợi không chỉ cứu đói cho dân nghèo, mà chủ yếu là làm cho uy thế của Việt Minh càng được nâng cao, lôi cuốn quần chúng đi theo cách mạng.

Tại Hà Nội, đình Quan Nhân ngày nay là địa điểm đầu tiên được tổ chức phá kho thóc Nhật, cứu đói cho dân nghèo, mở đầu cho cao trào khởi nghĩa giành chính quyền cho Cách mạng tháng Tám thành công.

Trầm ngâm nhấp chén trà, nhà giáo Trần Văn Nội cho hay: "Do tình hình dịch bệnh Covid-19 nên cuộc gặp mặt truyền thống vào ngày 17-8 của Hội cựu thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu đã không thể diễn ra".

Đối với nhà giáo Trần Văn Nội, mỗi năm đến ngày 19-8, ông lại có thói quen lật giở lại những tờ báo cũ, kỷ vật của ông và đồng đội để nhớ về những năm tháng thanh xuân, cũng là dịp ôn lại vai trò thanh niên Hà Nội là lực lượng xung kích trong Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám thành công.

Lịch sử Đảng bộ TP Hà Nội, tập 1 (1926-1945), xuất bản năm 2012 đã ghi rõ sự kiện này: “Gây tiếng vang lớn trong nhân dân là cuộc phá kho thóc ở đình Mọc Quan Nhân tối 11-7-1945. Đoàn Tuyên truyền xung phong thành Hoàng Diệu đã phối hợp với Đội tự vệ xung phong ngoại thành tổ chức và huy động hàng nghìn nông dân, dân nghèo đến nghe diễn thuyết rồi phá kho thóc của Nhật ở đình làng. Vài hôm sau, có một tên sĩ quan Nhật đến nhòm ngó cái kho trống rỗng rồi lặng lẽ bỏ đi".
Mộc Miên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động