e magazine
08:25 | 19/08/2021
Ký ức một thời hoa lửa

08:25 | 19/08/2021

Trong ký ức của những người thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu ngày ấy, 76 năm mùa thu Cách mạng tháng Tám không chỉ là dấu son của lịch sử mà còn là niềm tự hào của lớp lớp thanh niên cách mạng Thủ đô vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Và trong cuộc sống hối hả hôm nay, những “nhân chứng của lịch sử” ngày ấy chính là tư liệu sống, khơi dậy tinh thần yêu nước, xây dựng bảo vệ non sông cho mọi thế hệ.
Ký ức một thời hoa lửa
Ký ức một thời hoa lửa

Cuộc trò chuyện với ông Lê Đức Vân (SN 1926) – Trưởng ban Liên lạc cựu thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu trước cách mạng tháng Tám cho chúng tôi được biết nhiều hơn về sự nhiệt tình, sáng tạo của tuổi trẻ Thủ đô đối với những hoạt động tiền khởi nghĩa và thúc đẩy phong trào Thanh niên Cứu quốc ngày một lớn mạnh.

Theo câu chuyện kể, chúng tôi được biết ông Lê Đức Vân là người chịu trách nhiệm phụ trách tờ “Hồn nước" - Tiếng nói của nam nữ Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu trong những ngày tháng Tám lịch sử. Không chỉ được diện kiến tờ báo đặc biệt thời cách mạng, những câu chuyện cảm động nhưng có ý nghĩa lịch sử đặc biệt xung quanh việc tổ chức viết bài, in ấn, phát hành… giữa sự vây bắt ráo riết của quân địch được ông Lê Đức Vân kể lại rành mạch, rõ ràng.

Sống trong những lời kể bình dị về những ngày đầu năm 1944, lúc đó ông Lê Đức Vân là một thanh niên trẻ đang học trường Bưởi, từng tham gia hội Tu Thân (sau đó trở thành đội Ngô Quyền) được kết nạp vào Đoàn thanh niên cứu quốc và nhanh chóng trở thành đảng viên Đảng Cộng sản từ năm 16 tuổi.

Đó là lớp đảng viên mang tên Hoàng Văn Thụ, người chiến sỹ vừa hi sinh, để nhắc nhở tinh thần: “Một người đảng viên ngã xuống thì sẽ có thêm một lớp đảng viên trẻ khác sẵn sàng nối bước đi lên.”

Lớp học do đồng chí Lê Quang Đạo giảng bài. Chương trình học có nhiều nội dung, trong đó công tác tuyên truyền đấu tranh và làm báo để tuyên truyền. Sau khi lớp học kết thúc, ông Lê Đức Vân được đồng chí Lê Quang Đạo giao cho nhiệm vụ phụ trách một tờ báo của nam nữ thanh niên cứu quốc Thủ đô. Theo chỉ đạo của Thường vụ TƯ Đảng, tháng 2-1943: “Mỗi thành phố lớn phải có một ban thanh vận và ra một tờ báo riêng của thanh niên”.

Trước yêu cầu của cách mạng và dưới sự lãnh đạo của Đảng, tháng 8-1944, tại số 46 phố Bát Đàn (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) và cũng là nhà riêng gia đình ông Lê Đức Vân, Đoàn thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu chính thức được thành lập. Khi đó, ông Lê Đức Vân cùng đông đảo học sinh của các trường Bưởi, Thăng Long, Gia Long, Đồng Khánh, Văn Lang… đã hoạt động công khai, tuyên truyền về tổ chức Việt Minh ở nơi công cộng như các chợ, trường học, rạp chiếu bóng, xí nghiệp bằng nhiều hình thức từ tuyên truyền miệng đến rải truyền đơn nhằm chuyển tải đến mọi tầng lớp nhân dân về lý tưởng Cách mạng soi đường.

Cuối năm 1944 ông Lê Đức Vân cùng một vài anh em hợp sức xuất bản tờ báo trong hoàn cảnh bí mật tuyệt đối. Đó là những căn phòng sâu trong ngôi nhà của dân, là ngôi nhà hoang của một nhà giáo ở đường Láng,…

Tờ báo ra đời trong hoàn cảnh khó khăn như thế, bên cạnh đó câu hỏi làm thế nào để ra được tờ báo khi mà tuổi đời các đồng chí còn trẻ là một thử thách mới. Với tinh thần xung kích, cũng được rèn luyện bản lĩnh từ đợt tham gia phong trào thanh niên trường học, các hoạt động ủng hộ cách mạng từ việc truyền đơn các tờ báo “Cứu quốc”, “Giải phóng”, “Kèn gọi lính”, tổ làm báo có nhiều cách làm hay.

Tham gia tổ làm báo “Hồn nước”gồm 5 người, trong đó ông Lê Đức Vân phụ trách phần nội dung, tổ chức in ấn và phát hành, các đồng chí Lều Văn Hoán (tức Mai Luân), Nguyễn Kim Chi (tức Chi Hiền), Nguyễn Đỗ Cung (tức Trần Thư) và Nguyễn Hải Hùng là cán bộ in báo. Số đầu tiên, báo “Hồn nước” ra mỗi số 2 trang, mỗi số in khoảng 1–2 trăm tờ, có các bài xã luận, tin tức thời sự, thơ văn cách mạng tập trung tuyên truyền chủ trương, đường lối cách mạng của Việt Minh, phản ánh hoạt động của thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu.

Ông Lê Đức Vân chia sẻ: “Việc ra báo trong hoàn cảnh hoàn toàn bí mật, mà lúc đó tôi và anh em còn quá trẻ, chưa viết được bài xã luận, chỉ những tin tức thời sự tôi trực tiếp viết hoặc dẫn lại nguồn tin từ các tờ báo khác. Còn bài xã luận có tính định hướng do các anh Lê Quang Đạo, Vũ Oanh, Nguyễn Khang…viết.

Ký ức một thời hoa lửa

Thời đó, việc in báo chỉ là những kỹ thuật in vô cùng lạc hậu, thô sơ chỉ với mất tập giấy nhỏ, mấy hộp mực vài con lăn đựng trong một cái bị cói. Các đồng chí phụ trách in báo sống và làm báo trong hoàn cảnh tuyệt đối bí mật. Nhiều hôm, giữa ban ngày mà các đồng chí Cung, Kim Chi phải ngồi trong buồng thắp đèn dầu lên để viết, để in. Ăn uống vô cùng kham khổ. Có thời gian, cả tháng trời, mọi người chỉ ăn toàn cá khô, không có nước mắm phải thay bằng tương ớt, người gầy gò, xanh như tàu lá.

Nhớ lại quãng thời gian làm báo, ông Lê Đức Vân kể: “Ngày đầu, xưởng in bằng tảng thạch dùng để ăn, viết bằng mực tím đặc, sau đó đặt tờ giấy để in. Tuy nhiên, việc in bằng thạch lại không được bền, chỉ in đến tờ thứ 5, thứ 6 hàng chữ rồng rắn, mờ nhạt. Vì vậy, từ số báo thứ 2 bỏ việc in theo kiểu thạch và in thử bằng đá Litho (đá ẩm), một loại đất sét trắng, đóng trong khay với kích thước 65x75 được ông Lê Đức Vân mua từ chỗ cửa hàng đục bia Hàng Mắm thời đó. Trước khi in bằng công nghệ in bằng đá Litho đòi hỏi phải mài mặt đá thật nhẵn lì, lúc viết bằng thứ mực đặc biệt (có tên tiếng Pháp là charbonaise). Kiểu viết chữ ngược trên mặt đá, và phải là những cây bút giỏi mới viết được và người viết phải vừa thiết kế và biên tập chữ”.

Từ thời gian cuối năm 1944 đến tháng 8-1945, nhà in chỉ làm được 6 số báo mà phải thay chỗ 5 lần. Từ việc bị lộ, khi có anh hàng xóm mất gà, ban đêm soi đèn đi tìm, bắt gặp mấy thợ in đang tập trung làm việc, lúc khác lại ở nơi trống trải nên phải chuyển... Thế nhưng, tờ báo đã trở thành vũ khí tuyên truyền, giới thiệu hoạt động của Việt Minh đến với đông đảo quần chúng Nhân dân Hà Nội ủng hộ Việt Minh. Nhờ tuyên truyền, Nhân dân đã mua tín phiếu, ủng hộ thuốc men… trở thành “Mạng lưới cảm tình” rất quan trọng trong việc giác ngộ thanh niên và kết nạp đoàn viên mới vào tổ chức Thanh niên cứu quốc.

Ký ức một thời hoa lửa

Nói về ý nghĩa tên báo “Hồn nước”, ông Lê Đức Vân cho biết, tờ báo thể hiện tinh thần độc lập, chống ngoại xâm. Nhà in mang tên Ký Con Đoàn Trần Nghiệp, xuất phát từ việc anh thanh niên trong phong trào Quốc dân Đảng bị Pháp bắn chết khi còn rất trẻ. Kỷ niệm trong ông Lê Đức Vân về nhà in lạc hậu ấy nhưng lại giành được kỷ lục “in tờ áp phích lớn nhất Hà Nội” lúc bấy giờ. Đó là tấm áp phích khổ 40x60, vẽ một anh du kích đội nón, tay ôm súng đứng gác trông rất hiên ngang, cùng với dòng chữ đỏ: “Đánh đuổi Nhật - Pháp”.

Ngoài ra, “nhà in” còn in nhiều truyền đơn, cuốn sách cách mạng khổ nhỏ. Với công việc phát hành tờ báo, truyền đơn cũng rất nguy hiểm. Những người thực hiện nhiệm vụ này thường đi theo nhóm, mỗi nhóm 3 người được phân công công việc cụ thể: một người cảnh giới, một người phết hồ, người còn lại chỉ việc đặt áp truyền đơn, tờ báo lên đó. Những truyền đơn, tờ báo được dán khắp nơi, đông người qua lại như Văn Miếu, cổng chùa Láng, đình làng Quan Nhân, Chính Kinh,…

Ký ức một thời hoa lửa

Theo dòng lịch sử, tháng 8-1945, Hội nghị đại biểu toàn quốc của Đảng họp tại Tân Trào (Tuyên Quang) khẳng định: “Cơ hội rất tốt cho ta giành độc lập đã tới” và quyết định phát động toàn dân khởi nghĩa giành chính quyền từ tay phát xít Nhật và tay sai trước khi quân Đồng minh vào Đông Dương. Ngày 16-8-1945, Đại hội Quốc dân họp tại Tân trào thông qua “10 chính sách lớn của Việt Minh”; thông qua “Lệnh tổng khởi nghĩa”; quy định Quốc kỳ, Quốc ca; thành lập Ủy ban Dân tộc giải phóng Trung ương, tức Chính phủ Lâm thời do đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư kêu gọi Nhân dân cả nước tổng khởi nghĩa, trong đó chỉ rõ: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”.

Ký ức một thời hoa lửa

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhân dân cả nước đồng loạt vùng dậy, tiến hành tổng khởi nghĩa, giành chính quyền. Trong đó, Hà Nội đã xác định đúng thời cơ, vận mệnh, xoay chuyển tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, làm chủ chính quyền.

Ông Lê Đức Vân nhớ lại: Giữa năm 1944, phát xít Nhật đảo chính Pháp, phong trào đội ngũ thanh niên Hà Nội tuyên truyền công khai và nhận được sự tham gia của đông đảo người dân. Trước ngày Tổng khởi nghĩa, nắm được tin Tổng hội viên chức của Chính phủ Trần Trọng Kim sẽ tổ chức cuộc mít-tinh vào 14 g chiều ngày 17-8-1945 tại quảng trường Nhà hát lớn, Đội thanh niên cứu cuốc cùng hàng vạn thanh niên được triệu tập huy động đến dự và nhận nhiệm vụ “biến” buổi lễ thành cuộc mít-tinh ủng hộ Việt Minh tiến tới khởi nghĩa.

Ngay trước giờ khai mạc, theo phân công đồng chí Thái Uy bảo vệ cho đồng chí Lê Phan lấy micro trên sân khấu giao cho chị Trang Anh – nữ Thanh niên cứu quốc hô vang báo tin Nhật đầu hàng, phong trào Việt Minh ngày càng lên cao, bà con ủng hộ Việt Minh, ủng hộ toàn quốc giành thắng lợi. Sau đó, chị Nguyễn Khoa Diệu Hồng, đọc lời hiệu triệu được viết sẵn. Từ lúc đồng chí Trang Anh nói, có cờ đỏ sao vàng to lớn buông xuống từ Nhà hát Lớn. Ở bên dưới, các hội Phụ nữ, Công nhân, Thanh niên, đi dự cũng giơ lá cờ đỏ được cất trong túi áo vẫy tạo thành cơn sóng ủng hộ Việt Minh, Việt Nam độc lập…Trong lúc cuộc mít tinh sục sôi khí thế, đội danh dự có một anh giơ cao lá cờ bằng vải, và hô vang “Đồng bào theo tôi…”. Cả đám đông đi theo lá cờ đỏ sao vàng, đi ngược con phố hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Giầy… Đoàn đã trở thành đoàn biểu tình lớn, rầm rộ như cơn lũ, đồng bào Nhân dân hai bên đường xuống đường ủng hộ. Ngay cả một số lính cảnh sát, lính bảo an cũng chạy theo. Cuộc mít tinh đã trở thành diễn đàn của Việt Minh, biến thành hàng chục cuộc biểu tình nhỏ trên khắp con phố Hà Nội, đến 7 – 8 giờ tối mới kết thúc”.

Thời cơ Cách mạng đã đến. Thành ủy Hà Nội quyết định triệu tập hội nghị của Ủy ban Quân sự cách mạng sẽ khởi nghĩa giành chính quyền ngày 19-8-1945. Chính cuộc biểu tình ngày 17-8 đã đưa đến quyết định cần phải khởi nghĩa ngay, không thể nhanh hơn được và cũng không thể chậm hơn.

Đúng 11g ngày 19-8-1945, cuộc mít tinh bắt đầu. Ngay sau khi nghe Ủy ban Khởi nghĩa hiệu triệu, quần chúng Nhân dân chia thành hai đoàn biểu tình có lực lượng vũ trang dẫn đầu đi chiếm Phủ khâm sai, Tòa thị chính, Trại bảo an binh và một số cơ sở hành chính khác. Đến chiều tối ngày 19-8-1945, hầu hết các cơ quan đầu não của chính quyền bù nhìn thân Nhật đã lọt vào tay Cách mạng.

Ngày 20-8-1945, Xứ ủy Bắc Kỳ quyết định thành lập chính quyền cách mạng lâm thời ở Bắc Bộ, đóng trụ sở ở Phủ Khâm sai và cử đồng chí Nguyễn Khang làm Chủ tịch Ủy ban nhân dân Cách mạng Bắc Bộ và thông báo tới các địa phương: Hà Nội đã giành chính quyền và các địa phương cũng đồng loạt khởi nghĩa.

Ký ức một thời hoa lửa

Với thế trận lòng dân, với sự lãnh đạo tài tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự phát triển của Đảng Cộng Sản Việt Nam khi ấy mới 15 tuổi, với khoảng năm nghìn đảng viên dẫn đường và dấu mốc 19-8-1945-cuộc khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở Hà Nội đã tạo bước đệm cho các địa phương khác vùng lên giành thắng lợi hoàn toàn.

Đồng chí Trường Chinh, nguyên Tổng Bí thư của Đảng đánh giá: “Thắng lợi của Hà Nội mở đường cho thắng lợi của cả nước”. Cả nước theo gương Hà Nội, vận dụng kinh nghiệm khởi nghĩa ở Hà Nội nên đã nhất tề đứng lên khởi nghĩa thành công, giành được độc lập cho dân tộc. Đồng thời, Hà Nội khởi nghĩa thành công đã tạo điều kiện thuận lợi để chính quyền Cách mạng chủ động chuẩn bị cho ngày 2-9-1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

“Cuộc khởi nghĩa phá tan đời nô bộc/Lần đầu tiên theo cờ đỏ sao vàng” (“Ngọn quốc kỳ” - Xuân Diệu). Cách mạng tháng Tám thành công là kết quả một quá trình đấu tranh lâu dài, kiên cường, bất khuất của nhân dân ta, được tôi luyện trong thử thách gian khổ, trong máu lửa đấu tranh lật đổ chế độ thực dân, đế quốc hàng trăm năm.

Trên tinh thần ngày toàn thắng dân tộc, đối với cựu thanh niên thành Hoàng Diệu Lê Đức Vân, ấn tượng của ông chính là vai trò thanh niên Hà Nội là lực lượng xung kích trong Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám thành công. Đến nay, tuổi trẻ Thủ đô đã và đang tiếp bước thế hệ cha anh với tinh thần chủ động, sáng tạo trong công cuộc dựng xây đất nước, tô sáng trang sử vàng của dân tộc.

Ký ức một thời hoa lửa
Ký ức một thời hoa lửa

Bài, ảnh: Vi Giáng

Thiết kế: Thanh Tuấn