Cần thực hiện tốt chức năng giám sát
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênBộ phận một cửa phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình.Ảnh: Văn Biên |
Thực hiện Nghị quyết 97/2019/QH14 của Quốc hội và Nghị định 32/2021/NQ-CP của Chính phủ, từ ngày 1/7/2021, TP Hà Nội thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại 175 phường thuộc 12 quận và thị xã Sơn Tây. Theo đó, không tổ chức HĐND phường nữa, mà chính quyền địa phương ở phường là UBND phường (cơ quan hành chính thuộc UBND quận, thị xã).
Sau hơn 1 năm triển khai cho thấy, việc thí điểm tổ chức quản lý theo mô hình này đã theo đúng tinh thần Nghị quyết 18 Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 6 khóa XII của Đảng, với tổ chức bộ máy chính quyền khu vực các quận gọn nhẹ, hoạt động nhanh nhạy, thông suốt hơn. Cơ quan hành chính phường chủ động điều hành, quyết định nhanh những vấn đề cấp bách tại địa bàn trên cơ sở xác định rõ trách nhiệm, rõ người, rõ việc, qua đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy hành chính Nhà nước nhưng vẫn bảo đảm quyền đại diện, làm chủ của nhân dân.
PGS. TS Bùi Thị An, nguyên đại biểu Quốc hội khóa XIII đánh giá, nhờ thực hiện mô hình chính quyền đô thị, việc tổ chức bộ máy chính quyền tại cấp phường trở nên tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, nhanh nhạy và thông suốt hơn. Cơ quan hành chính phường chủ động điều hành, quyết định nhanh những vấn đề cấp bách tại địa bàn trên cơ sở xác định rõ trách nhiệm, rõ người, rõ việc. Qua đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy hành chính Nhà nước nhưng vẫn bảo đảm quyền đại diện, làm chủ của nhân dân.
Theo PGS. TS Bùi Thị An, điểm nổi bật nữa khi thực hiện chính quyền đô thị mà người dân được hưởng là khi người dân đến làm các thủ tục hành chính tại phường rút ngắn được thời gian đi lại. Nhiều thủ tục hành chính giải quyết được ngay vì chủ tịch phường đã ủy quyền cho đồng chí công chức tư pháp hộ tịch làm công tác ký chứng thực các giấy tờ, văn bản theo quy định.
PGS. TS Bùi Thị An cũng cho rằng, khi mới đi vào thực hiện mô hình, nghị quyết nào đó thì đều sẽ nảy sinh nhiều vấn đề. Chẳng hạn như việc sáp nhập một số phường với nhau, tạo ra phường quy mô lớn, trong khi số lượng công chức có hạn. Những vấn đề này có thể dần giải quyết được trên cơ sở thực tiễn.
Với việc bỏ HĐND cấp phường, điều này cũng thiếu vắng đi một kênh rất quan trọng đại diện cho ý kiến, nguyện vọng chính đáng của người dân. Trong quá trình triển khai thực tế thí điểm bỏ HĐND cấp phường thì một số phường, một số nơi đã làm tốt nhưng một số nơi chưa làm tốt, nên Nhân dân vẫn phản ánh. Do đó, tới đây vai trò giám sát của MTTQ cần được nâng lên thực sự, không chỉ bằng lý luận, văn bản mà phải bằng thực tiễn để MTTQ có đầy đủ quyền năng thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.
Sau khi MTTQ giám sát, đưa ý kiến tới cấp chính quyền thì cấp chính quyền cần trả lời lại đến nơi đến chốn, như vậy việc bỏ HĐND cấp phường sẽ đạt hiệu quả như mong đợi.
Để mô hình chính quyền đô thị hoạt động hiệu quả hơn và đạt được mục tiêu tinh giản bộ máy, tinh giản biên chế, thu gọn bộ máy, PGS. TS Bùi Thị An cho rằng, vấn đề tăng cường hoạt động giám sát, thanh kiểm tra là vô cùng quan trọng.
“Để đánh giá địa phương nào, nơi nào, khâu nào làm tốt cần phải được giám sát thường xuyên, đặc biệt tăng cường vai trò giám sát của MTTQ, các tổ chức chính trị xã hội. Như vậy bộ máy hoạt động của các cấp chính quyền cơ sở sẽ hoạt động tốt theo đúng luật pháp, đáp ứng được nguyện vọng của Nhân dân…”, PGS. TS Bùi Thị An nhấn mạnh.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại