Bài cuối: Tạo sức bật cho làng nghề ở Hà Nội phát triển
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênBí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng thăm các sản phẩm làng nghề của Nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát tại thị xã Sơn Tây. Ảnh: Sở Công Thương cung cấp. |
Hỗ trợ nhiều hơn nữa về vốn và mặt bằng
Ông Đinh Công Minh - Chủ tịch Hiệp hội làng nghề thôn Cự Đà (xã Cự Khê, huyện Thanh Oai) cho biết, Hiệp hội làng nghề thôn Cự Đà được thành lập năm 2013, trong suốt thời gian qua, các Hội viên đã nhận được nhiều sự hỗ trợ của TP Hà Nội và huyện Thanh Oai. Tuy nhiên, các hội viên trong Hiệp hội mong muốn nhận được nhiều hơn nữa sự hỗ trợ về vốn và mặt bằng của TP.
Theo ông Đinh Công Minh, hiện nay, đa số các hộ sản xuất trong Hiệp hội có mặt bằng sản xuất rất hẹp, chủ yếu sản xuất tại nhà, do đó xảy ra nhiều bất cập trong việc xử lý nước xả thải, phương tiện ra vào lấy hàng hóa.
“Mong muốn lớn nhất của các hội viên thời gian tới TP và huyện xem xét bố trí quỹ đất làng nghề để Hiệp hội có địa điểm sản xuất tập trung, bảo đảm cho việc phát triển lâu dài và bền vững” - ông Minh kiến nghị.
Cũng theo ông Minh, hiện nay, Hiệp hội đang được vay vốn ưu đãi với lãi suất thấp (0,4%/tháng) với gói hỗ trợ 550 triệu và đã có 11 hội viên trong Hiệp hội đang vay, mỗi hội viên 50 triệu đồng. Thời gian tới, mong muốn TP và huyện có giải pháp hỗ trợ nhiều gói ưu đãi hơn và số tiền được vay cao hơn so với hiện tại.
“Để sản xuất miến thì cần một số lượng nguồn vốn rất lớn. Bởi nguồn nguyên liệu để làm miến chỉ có vào khoảng thời gian từ cuối tháng 11 âm lịch cho đến Tết Nguyên đán. Để có nguồn nguyên liệu phục vụ cho sản xuất cả năm thì bà con phải nhập nguyên liệu với số lượng lớn, do đó cần rất nhiều vốn” - ông Minh chia sẻ.
Trong khi đó, nghệ nhân Tạ Thu Hương - chủ cơ sở nón là làng Chuông cho rằng, sau khi mở rộng địa giới hành chính, nhằm bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề Hà Nội, TP đã tập trung nguồn vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để triển khai thực hiện 3 nhiệm vụ trọng tâm: Bảo tồn làng nghề truyền thống; Phát triển làng nghề kết hợp với du lịch; Xây dựng làng nghề mới đồng thời với công tác xử lý môi trường làng nghề
Tuy nhiên, sự phát triển làng nghề truyền thống của Hà Nội hiện nay còn tồn tại nhiều điểm bất cập. Hầu hết các làng nghề phát triển theo hướng tự phát, quy mô sản xuất nhỏ lẻ dưới dạng hộ gia đình, chưa được đầu tư nhiều về công nghệ dẫn đến năng suất, chất lượng, mẫu mã và thẩm mỹ sản phẩm chưa cao, sức cạnh tranh thấp.
Việc bảo tồn văn hóa truyền thống của sản phẩm làng nghề chưa được chú trọng và quan tâm. Làng nghề phát triển theo kiểu phân tán, gặp khó khăn, bị động trong nguồn cung nguyên liệu và thị trường tiêu thụ, thiếu trung tâm trưng bày và giới thiệu sản phẩm. Chưa được đầu tư cơ sở hạ tầng, mặt bằng sản xuất chật hẹp xen lẫn không gian sinh hoạt dẫn đến môi trường làng nghề có nguy cơ ô nhiễm cao cộng với chất lượng an toàn lao động chưa được đảm bảo.
Theo nghệ nhân Tạ Thu Hương, để phát triển bền vững làng nghề, đặc biệt là làng nghề truyền thống gắn với sản phẩm du lịch thì cần phải có mặt bằng (cụm công nghiệp, khu công nghiệp), địa điểm quảng bá sản phẩm, nơi check-in...
“Thời gian tới, mong muốn TP và huyện Thanh Oai hỗ trợ cho các làng nghề truyền thống trên địa bàn nói chung và cơ sở sản xuất nón lá làng Chuông nói riêng mặt bằng sản xuất và địa điểm để trưng bày, quảng bá sản phẩm làng nghề” - bà Tạ Thu Hương kiến nghị.
Gian trưng bày và bán sản phẩm nó lá làng Chuông tại Aeon Long Biên. Ảnh: Văn Biên |
Ưu tiên công tác quy hoạch mặt bằng sản xuất, đầu tư cơ sở hạ tầng
Với góc độ đơn vị quản lý, theo UBND huyện Phúc Thọ, hiện nay, quy mô sản xuất kinh doanh của các ngành nghề ở một số xã của huyện như Thanh Đa, Hát Môn, Long Xuyên, Tam Hiệp, Liên Hiệp, Võng Xuyên... mặt bằng sản xuất còn chật hẹp. Đồng thời, chưa dụng công nghệ thông tin, khoa học công nghệ trong sản xuất nên chất lượng sản phẩm còn thấp, do đó chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường và giảm sức cạnh tranh. Ngoài ra, ô nhiễm môi trường làng nghề như không khí, bụi, tiếng ồn, nước thải, chất thải rắn, cháy nổ... ảnh hưởng đến sức khỏe của người lao động chưa được giải quyết.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Kiều Trọng Sỹ, thời gian tới, mong muốn Trung ương và TP Hà Nội có cơ chế hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề, truyền nghề, nâng cao tay nghề đặc biệt với đối tượng thanh niên để có thể sáng tạo sản phẩm mới, có mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, giá thành hạ, nhằm tạo cơ hội tìm kiếm việc làm, ổn định đời sống của người lao động tại địa phương có ngành nghề truyền thống phát triển.
Tạo điều kiện thu hút và đầu tư vốn vào phát triển làng nghề truyền thống. Khuyến khích các tổ chức tín dụng, các quỹ hỗ trợ tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân vay vốn ưu đãi để đầu tư, mở rộng phát triển nghề truyền thống tại địa phương.
“Tiếp tục hỗ trợ cho các cơ sở nghề và làng nghề tham gia hội chợ triển lãm, tiếp cận thị trường. Thường xuyên giới thiệu thông tin về thị trường, các chủ trương chính sách của Nhà nước về phát triển làng nghề cho các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất và kinh doanh ngành nghề truyền thống. Đầu tư kinh phí thực hiện một số đề tài nghiên cứu khoa học về mô hình phát triển nghề và làng nghề trong nông thôn; quan tâm chăm lo xây dựng quan hệ sản xuất trong các xã làng nghề” - ông Kiều Trọng Sỹ nhấn mạnh.
Trưởng Phòng Kinh tế huyện Thanh Oai Dương Bá Mẫn mong muốn, TP Hà Nội quan tâm hơn nữa đến việc tổ chức các chương trình đào tạo nghề gắn với định hướng nghề, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động đảm bảo đem lại hiệu quả thiết thực giúp giải quyết được việc làm, thu nhập ổn định cho người học nghề. Phát triển các dịch vụ hỗ trợ, chương trình giáo dục trải nghiệm, du lịch gắn với phát triển làng nghề
Mong muốn UBND TP Hà Nội, Sở NN&PTNT, Sở LĐTB&XH, Sở Công Thương tổ chức các chương trình phát triển nghề, làng nghề thiết thực như gắn với quảng bá, giới thiệu tiêu thụ sản phẩm, phát triển du lịch trải nghiệm tại các làng nghề. Tổ chức các chương trình tập huấn, trải nghiệm tại các làng nghề gắn với việc quảng bá, kích thích phát triển du lịch, dịch vụ thương mại...
“Quan tâm đặc biệt đến việc hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng tại các làng nghề phù hợp để phát triển làng nghề gắn với phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch tại các làng nghề. Hỗ trợ các làng nghề thiết lập, tiếp cận và vận hành kết nối với các website, sàn giao dịch thương mại điện tử bán hàng online… kết hợp liên kết với các kênh vận chuyển thương mại điện tử để đảm bảo lưu thông trong giao dịch thương mại điện tử. Nâng cao các chương trình tập huấn trải nghiệm thực tế mang tính thiết thực cho các làng nghề” - ông Dương Bá Mẫn kiến nghị.
Sở Công Thương Hà Nội cho biết, thời gian qua, việc triển khai công tác khuyến công xuống các địa bàn cấp xã, cấp huyện còn gặp nhiều khó khăn về địa lý, phương tiện đi lại và nguồn nhân lực. Cơ chế chính sách chế độ cho chương trình còn chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn.
Để phát triển bền vững làng nghề, thời gian tới, cần quy hoạch lại không gian, mặt bằng sản xuất của làng nghề, quản lý và tổ chức thực hiện quy hoạch. Quy hoạch lại không gian cũng như mặt bằng sản xuất của một làng nghề truyền thống để phát triển du lịch bao giờ cũng phải đáp ứng được các yếu tố như tính truyền thống, bảo đảm về môi trường và thu hút hấp dẫn khách du lịch.
Trước những đòi hỏi ngày càng cao của khách du lịch và các quy định của pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng thì việc đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch của làng nghề là rất cần thiết và luôn đóng một vai trò quan trọng cho sự phát triển bền vững du lịch làng nghề.
Để có thể đẩy mạnh tăng cường đầu tư phát triển du lịch làng nghề, các cơ quan, ban, ngành cần phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành tập trung đầu tư cải tạo, xây dựng kết cấu hạ tầng cơ sở để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất nghề thủ công và hoạt động du lịch của làng nghề.
Các cơ quan chức năng cần có kế hoạch nâng cao nhận thức của cộng đồng cư dân địa phương về lợi ích của du lịch làng nghề. Khuyến khích người dân địa phương tham gia tích cực vào các hoạt động đón tiếp khách du lịch cũng như ý thức bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống của sản phẩm làng nghề và văn hóa đặc sắc địa phương để tạo môi trường văn minh, lịch sự, hấp dẫn du khách đến tham quan làng nghề...
Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho rằng, thời gian tới, Bộ Công Thương cần Ban hành tiêu chuẩn định mức, đơn giá dịch vụ công trong hoạt động khuyến công làm cơ sở để các Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp cấp tỉnh tổ chức triển khai thực hiện.
“Tập trung hỗ trợ các nội dung hoạt động khuyến công mang tính liên vùng, liên khu vực, liên tỉnh, là tiền đề phát triển bền vững công nghiệp nông thôn nhằm nâng cao hiệu quả công tác khuyến công. Đồng thời mở rộng các nội dung hỗ trợ khuyến công theo quy định tại Nghị định 45/2012/NĐ-CP của Chính phủ về Khuyến công” - bà Trần Thị Phương Lan nhấn mạnh.
Để khuyến khích các dự án trong lĩnh vực bảo tồn phát triển nghề, làng nghề, TP Hà Nội chủ trương sẽ cho các đơn vị sản xuất vay vốn không tính lãi, thời hạn từ 3 - 5 năm từ các quỹ của TP Hà Nội cũng ưu tiên công tác quy hoạch mặt bằng sản xuất, đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng chợ đầu mối cung ứng nguyên liệu, hỗ trợ kinh phí tổ chức đào tạo nghề, truyền nghề và xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ cho nghệ nhân làng nghề. Tập trung xây dựng và phát triển thương hiệu. Hỗ trợ kinh phí thuê gian hàng triển lãm. Tăng cường quảng bá, giới thiệu làng nghề trên cổng giao dịch điện tử của TP. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại