Bài 3: Tạo cơ hội cho các ngành, nghề tiểu thủ công nghiệp và làng nghề truyền thống phát triển
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênPhó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh, cùng các đại biểu tham quan sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của TP Hà Nội. Ảnh: Sở Công Thương Hà Nội cung cấp. |
Hàng nghìn lượt cơ sở sản xuất được thụ hưởng chính sách
Theo báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội, với tổng kinh phí 37.626 triệu đồng, trong giai đoạn 2012 - 2019, Hà Nội đã tổ chức 625 lớp truyền nghề, nâng cao tay nghề cho gần 22.000 lao động nông thôn với các ngành nghề như: Dệt may, da giầy, chế biến thực phẩm, thủ công mỹ nghệ, cơ khí... Hỗ trợ 16 lớp truyền nghề, nhân cấy nghề cho 800 lao động tại các tỉnh miền núi phía Bắc nhằm liên kết vùng nguyên liệu và mở rộng thị trường sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ. Đưa các nghề truyền thống của Hà Nội đến các tỉnh miền núi phía bắc như Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Bắc Kạn....
Trong giai đoạn 2012 - 2022, Hà Nội đã tổ chức 137 lớp tập huấn nâng cao kỹ năng quản lý, quản trị doanh nghiệp, thiết kế mẫu, xuất nhập khẩu, quản trị bán hàng, quản trị tài chính... cho trên 15.000 lượt cán bộ lãnh đạo, quản lý các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT). Tổng kinh phí trên 6 tỷ đồng. Tuyên truyền, giới thiệu các văn bản, chủ trương, chính sách của Nhà nước, TP Hà Nội về khuyến công, phát triển nghề, làng nghề cho 6.000 lượt cán bộ làm công tác khuyến công các huyện, thị xã, các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội, các hội, hiệp hội và một số doanh nghiệp, cơ sở CNNT.
Hỗ trợ tổ chức 12 diễn đàn, hội nghị/hội thảo chuyên đề về kết nối cung cầu nguyên liệu đầu vào ngành TCMN giữa Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, quản lý mô hình quản trị sản xuất, thương mại và xu thế thị trường về các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, định hướng chiến lược xây dựng và phát triển thương hiệu hàng TCMN tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm… với tổng 2.270 đại biểu tham dự là lãnh đạo quản lý doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn trên địa bàn TP Hà Nội.
Cũng trong giai đoạn 2012 - 2022, Hà Nội đã triển khai hỗ trợ 110 lượt cơ sở CNNT đầu tư đổi mới thiết bị, ứng dụng máy móc tiên tiến, hiện đại vào sản xuất (đạt 128% kế hoạch) với tổng kinh phí 25.860 triệu đồng. Hỗ trợ đánh giá sản xuất sạch hơn cho 260 cơ sở sản xuất, doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội tư vấn các giải pháp sản xuất sạch hơn tập trung vào việc đổi mới trang thiết bị công nghệ tiên tiến, hiệu xuất cao, tổ chức quản lý sản xuất chưa được tốt.
TP Hà Nội đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ có hiệu quả cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất CNNT, đặc biệt là ngành thủ công mỹ nghệ quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm khách hàng và mở rộng thị trường tiêu thụ.
Theo đó, tổ chức 18 hội chợ, 4 triển lãm ngành hàng thủ công mỹ nghệ, sản phẩm CNNT TP Hà Nội với sự tham gia của 6.653 gian hàng của gần 3.000 lượt cơ sở, doanh nghiệp. Thông qua việc tổ chức các hội chợ, triển lãm, chất lượng của các mặt hàng, ngành hàng ngày càng được nâng cao, nhiều sản phẩm mới có tính sáng tạo được trưng bày thu hút nhiều nhà nhập khẩu, khách quốc tế, nhiều giao dịch và thỏa thuận hợp tác giao thương của các doanh nghiệp với sở sản xuất với các nhà nhập khẩu, khách thương mại trong nước và quốc tế được kết nối và ký kết.
Hỗ trợ 292 lượt cơ sở CNNT tham gia hội chợ, triển lãm trong nước với 574 gian hàng nhằm kết nối giao thương, giới thiệu, quảng bá hình ảnh của Thủ đô Hà Nội nói chung, làng nghề truyền thống Hà Nội nói riêng đến khách du lịch trong nước và du khách nước ngoài.
Trong giai đoạn 2012 - 2022, đã có 3.790 lượt cơ sở CNNT trên địa bàn TP được thụ hưởng chính sách khuyến công. Ảnh: Văn Biên |
Các làng nghề được duy trì và phát triển mạnh
Sở Công Thương Hà Nội cho biết, xác định phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (TTCN) và các làng nghề là một nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới, nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập góp phần xóa đói giảm nghèo, thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn. Từ khi mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội, TP Hà Nội đã có nhiều cơ chế hỗ trợ kinh phí cải tạo, nâng cấp, đầu tư cơ sở hạ tầng và phát triển làng nghề, khuyến khích và hỗ trợ phát triển các ngành, nghề TTCN và làng nghề truyền thống, các doanh nghiệp, HTX hoạt động trên lĩnh vực công nghiệp, TTCN trên địa bàn Thủ đô.
Cũng theo Sở Công Thương Hà Nội, với sự hỗ trợ từ nhiều mặt của TP Hà Nội, cùng với sự vào cuộc tích cực của chính quyền các địa phương, các doanh nghiệp, hộ sản xuất cũng đã không ngừng tìm tòi, học hỏi, đầu tư, đổi mới dây chuyền sản xuất, trang thiết bị máy móc. Qua đó, không chỉ giúp tăng năng suất lao động, mà còn tạo ra nhiều sản phẩm với mẫu mã mới, đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng. Nhờ đó, các làng nghề của Hà Nội đã tiếp tục được duy trì và phát triển mạnh.
Theo đó, tốc độ tăng trưởng bình quân của CNNT giai đoạn 2012 - 2019 đạt trên 10%/năm, góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngoại thành theo hướng công nghiệp - nông nghiệp - dịch vụ, tạo việc làm và tăng thu nhập cho lao động nông thôn, xóa đói giảm nghèo, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn. Thu nhập bình quân đạt 3,5 triệu đồng/người/tháng. Tình hình an ninh chính trị tại các địa phương được ổn định, đảm bảo an sinh xã hội và giảm thiểu tệ nạn xã hội…
Bà Trần Thị Phương Lan - Quyền Giám Sở Công Thương Hà Nội cho biết, tính riêng trong giai đoạn 2012 - 2022, ngân sách nhà nước đã hỗ trợ trực tiếp cơ sở CNNT là trên 235,2 tỷ đồng. Thông qua chương trình khuyến công TP Hà Nội, đã có trên 3.790 lượt cơ sở CNNT trên địa bàn TP được thụ hưởng chính sách khuyến công.
“Với sự hỗ trợ, đầu tư của TP Hà Nội, giá trị sản xuất CNNT tăng trưởng bình quân đạt trên 6 - 8%/năm, góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngoại thành theo hướng công nghiệp - nông nghiệp - dịch vụ, tạo việc làm và tăng thu nhập cho lao động nông thôn, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội cho khu vực nông thôn, góp phần giữ ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội” - bà Trần Thị Phương Lan nhấn mạnh.
Theo Sở Công Thương Hà Nội, trong giai đoạn 2012 - 2022, đơn vị đã tổ chức 4 kỳ bình chọn (năm 2015, 2017, 2019, 2021) và công nhận 180 sản phẩm, bộ sản phẩm là “Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp TP Hà Nội”. Chương trình được tổ chức nhằm phát hiện và tôn vinh các sản phẩm có chất lượng, giá trị sử dụng cao, có tiềm năng phát triển sản xuất, mở rộng thị trường, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng trong và ngoài nước. Đồng thời, lựa chọn các sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp TP tham gia bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực. |
Bài 1: Tầm nhìn từ quyết sách lớn | |
Bài 2: Mở ra nhiều cơ hội phát triển làng nghề |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại