Đại diện VKSND TP Hà Nội: Bị cáo Đinh La Thăng “làm trước, báo cáo sau”
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênTheo đại diện VKSND, luật sư Phan Trung Hoài có quan điểm, thành viên HĐQT đã biết, thống nhất để bị cáo Đinh La Thăng ký thỏa thuận góp vốn ngày 18-9-2008 với Hà Văn Thắm. Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn và ông Nguyễn Ngọc Sự là thành viên HĐQT đương nhiên nắm được và mặc nhiên đồng ý.
Về việc này, quan điểm đối đáp của VKSND: Bị cáo Sơn chỉ là Trưởng ban trù bị Ngân hàng Hồng Việt, ông Sự là Phó TGĐ phụ trách tài chính kế toán PVN, chứ không phải là thành viên HĐQT.
Đại diện VKSND đối đáp lại quan điểm của luật sư, các bị cáo |
Việc thỏa thuận góp vốn trên được ký kết giữa bị cáo Đinh La Thăng với tư cách là Chủ tịch HĐQT PVN (đại diện PVN) và Hà Văn Thắm Chủ tịch HĐQT Oceanbank (đại diện Oceanbank) nhưng các thành viên HĐQT PVN chỉ biết thỏa thuận này tại cuộc họp ngày 30-9-2008.
Đối chiếu với Điều lệ tổ chức hoạt động của PVN, việc này phải được đưa ra HĐQT PVN thảo luận, lấy ý kiến và biểu quyết theo nguyên tắc tập thể.
Bị cáo Thăng ý thức được vi phạm này nên vào đầu năm 2017, khi bị Ủy ban kiểm tra Trung ương kiểm tra, bị cáo Thăng đã nhờ các ông bà Hoàng Xuân Hùng, Trần Ngọc Cảnh, Phan Thị Hòa, Đỗ Văn Đạo (nguyên thành viên HĐQT PVN) xác nhận có bàn bạc thống nhất về chủ trương và giao cho bị cáo Đinh La Thăng thực hiện.
KSV nêu, các bị cáo nói, không có sự cảnh báo nào của cơ quan có thẩm quyền nên mặc nhiên thực hiện coi đó là đúng. Ở văn bản nào, quyết định nào nói phải có sự cảnh báo, phải có sự nhắc nhở thì đó mới là vi phạm pháp luật. Theo VKSND, đó là sự nhận thức rất không phù hợp của các bị cáo, không có ý thức tự giác tuân thủ pháp luật, cố ý thực hiện các hành vi trái pháp luật.
“Các bị cáo cho rằng, việc đầu tư của PVN có hiệu quả, việc mất vốn do NHNN mua lại với giá 0 đồng. Hậu quả rủi ro sẽ được loại trừ trách nhiệm nếu các bị cáo không có hành vi cố ý làm trái” – lời KSV.
Cơ quan giữ quyền công tố khẳng định, các bị cáo là những người có trách nhiệm quản lý phần vốn của tập đoàn, có trách nhiệm bảo toàn và phát triển vốn của tập đoàn nhưng các bị cáo lại có hành vi vi phạm pháp luật từ khi quyết định đầu tư, để xảy ra hậu quả thì các bị cáo phải chịu trách nhiệm về hậu quả này.
Luật sư Nguyễn Huy Thiệp bào chữa cho bị cáo Đinh La Thăng |
Sau khi góp vốn, HĐQT không có cơ chế kiểm tra giám sát riêng cho người đại diện phần vốn góp của PVN tại Oceanbank; chỉ căn cứ vào báo cáo tài chính hàng năm mà các bị cáo khai là đã được kiểm toán. Kết luận thanh tra đã nêu, báo cáo tài chính này phản ánh không đúng bản chất hoạt động kinh doanh của Oceanbank.
Như vậy, PVN đã không phát hiện được những hành vi sai phạm, những tồn tại, những quản trị yếu kém, vi phạm pháp luật của ban điều hành cũng như HĐQT của Oceanbank. Chính hoạt động yếu kém đó đã khiến Oceanbank âm vốn chủ sở hữu và Nhà nước đã phải mua lại bắt buộc ngân hàng này. KSV bày tỏ, giữa hành vi đầu tư và hậu quả xảy ra, có mối quan hệ nhân quả rất chặt chẽ.
Bị cáo Đinh La Thăng tự bào chữa, không có quy định nào yêu cầu trình xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ trước khi ký nghị quyết. Nhưng VKSND nhận định, các bị cáo đều là cán bộ cao cấp, từng giữ nhiều cương vị quản lý khác nhau.
Bị cáo Thăng biết rõ những gì cần xin chủ trương thì phải được cấp có thẩm quyền xem xét về chủ trương, sau đó mới triển khai các thủ tục tiếp theo trên cơ sở chủ trương đó.
Nhưng đã “làm trước, báo cáo sau”, việc bị cáo Thăng và các luật sư cho rằng không có quy định nào buộc phải xin chủ trương rồi mới triển khai là sự biện minh.
Đại diện VKS cũng khẳng định, hành vi của bị cáo Quỳnh đã đủ căn cứ cấu thành tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản. Quỳnh đã chiếm đoạt tiền khi đang giữ chức vụ Kế toán trưởng ở PVN. Nếu không giữ chức vụ này thì bị cáo Sơn và ông Thắm đã không có chủ trương đưa tiền cho Quỳnh.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại