Thứ bảy 23/11/2024 08:49

Hà Văn Thắm là nhân chứng trong vụ xét xử thứ 2 với ông Đinh La Thăng

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Ngày 19-3, TAND Hà Nội mở phiên tòa thứ hai xét xử ông Đinh La Thăng. Ông Thăng bị cáo buộc vì đã “cố” rót 800 tỷ đồng của PVN vào Oceanbank. Dự kiến phiên tòa kéo dài 10 ngày.  

“Rót” sai 800 tỷ đồng

Có hơn 20 luật sư tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị cáo. Trong đó, bào chữa cho bị cáo Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch HĐQT PVN, có 5 luật sư, gồm: Nguyễn Huy Thiệp, Đào Hữu Đăng, Phan Trung Hoài, Nguyễn Ngọc Luận, Lê Văn Thiệp. Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Phó TGĐ PVN, có 4 luật sư bào chữa gồm: Nguyễn Đình Ngọc, Phạm Công Hùng, Nguyễn Minh Tâm và Nguyễn Thị Minh Châu. Bào chữa cho Ninh Văn Quỳnh, nguyên Kế toán trưởng kiêm Trưởng ban Tài chính kế toán và kiểm toán PVN, là luật sư Đỗ Ngọc Quang, Đỗ Ngọc Anh. Nguyên đơn dân sự trong vụ án là PVN.

Ngoài ra, tòa còn triệu tập 1 giám định viên; 4 người làm chứng; 6 cá nhân và 1 tổ chức (OceanBank) tham dự phiên tòa với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. HĐXX gồm 5 người: hai thẩm phán và ba hội thẩm nhân dân. Thẩm phán Nguyễn Thị Xuân Thu làm chủ tọa phiên tòa. Kiểm sát viên: Trần Thị Thanh Huyền và Nguyễn Thị Hồng Vân –VKSND TP Hà Nội, giữ quyền công tố tại phiên tòa.

Trong phiên tòa xét xử lần này, Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch HĐQT OceanBank, được triệu tập đến phiên tòa với tư cách là người làm chứng. Tòa còn triệu tập thêm Nguyễn Ngọc Sự, nguyên Phó TGĐ PVN, hiện đang bị tạm giam và là bị can trong vụ án khác và Phùng Đình Thực, nguyên Tổng GĐ PVN, đang là bị cáo trong vụ án khác, tới phiên tòa với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Theo các cơ quan tố tụng, sau khi Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) không được thành lập Ngân hàng TMCP Hồng Việt, Đinh La Thăng Chủ tịch HĐQT, chỉ đạo Nguyễn Ngọc Sự Phó TGĐ PVN và Nguyễn Xuân Sơn Trưởng ban trù bị Ngân hàng TMCP Hồng Việt làm việc với một số tổ chức tín dụng để thỏa thuận việc góp vốn trong đó có Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank).

Tháng 9-2008, Nguyễn Xuân Sơn và Hà Văn Thắm, Chủ tịch HĐQT OceanBank trao đổi, bàn bạc về việc PVN góp vốn trở thành cổ đông chiến lược của OceanBank. Do OceanBank đang có nhu cầu tăng vốn điều lệ để hoạt động và nhận thấy PVN là đơn vị có tiềm lực kinh tế, có nhiều nguồn vốn, nên Hà Văn Thắm đã đồng ý với đề nghị của Nguyễn Xuân Sơn.

Ngày 17-9-2008, Thắm được Sơn mời đến trụ sở PVN gặp gỡ, làm việc với đại diện PVN gồm Đinh La Thăng, Chủ tịch HĐQT PVN, Nguyễn Ngọc Sự, Phó Tổng GĐ PVN, Nguyễn Xuân Sơn, Trưởng Ban trù bị Ngân hàng TMCP Hồng Việt và Nguyễn Mạnh Hà, chuyên viên Ban trù bị Ngân hàng Hồng Việt để thống nhất thỏa thuận PVN tham gia góp vốn khi OceanBank tăng vốn điều lệ từ 1.000 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng trong năm 2008, bằng hình thức PVN góp 20% vốn điều lệ tương đương 400 tỷ đồng và các cổ đông là cán bộ công nhân viên của PVN đã tham gia góp vốn thành lập Ngân hàng TMCP Hồng Việt là 10% vốn điều lệ OceanBank, đồng thời OceanBank tiếp nhận số cổ đông này về làm việc và tiếp nhận cơ sở vật chất, thiết bị đã được Ban trù bị thành lập Ngân hàng TMCP Hồng Việt đầu tư, mua sắm.

Nguyễn Ngọc Sự, Phó Tổng GĐ PVN ký văn bản gửi Đinh La Thăng báo cáo kết quả đàm phán với Thắm kèm theo báo cáo đánh giá sơ bộ các chỉ tiêu tài chính của OceanBank.

Ngày 18-9-2008, dù không tổ chức cuộc họp HĐQT, không lấy ý kiến các thành viên HĐQT nhưng Đinh La Thăng đã ký thỏa thuận với Thắm để PVN tham gia góp vốn vào OceanBank theo các nội dung hai bên đã thống nhất. Ngày 30-9-2008, trong cuộc họp HĐQT PVN do Đinh La Thăng chủ trì và các thành viên, Nguyễn Xuân Sơn có báo cáo việc OceanBank mời PVN tham gia góp vốn, trong đó PVN góp 20%, cán bộ công nhân viên góp 10%. Từ thời điểm này các thành viên trong HĐQT PVN mới biết được việc PVN có chủ trương góp vốn vào OceanBank.

CQĐT làm rõ, với 3 lần góp vốn với tổng số tiền 800 tỷ đồng để nắm giữ 20% vốn điều lệ tại OceanBank, nhưng toàn bộ số tiền trên đến nay bị thiệt hại. Tại Văn bản số 8280 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Văn bản số 5988/BTC-TCDN của Bộ Tài chính trả lời cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an, xác định: “…việc Ngân hàng Nhà nước mua lại cổ phần bắt buộc tại OceanBank với giá bằng 0 đồng sẽ dẫn đến PVN phải ghi nhận một khoản lỗ khá lớn tương đương 800 tỷ đồng…” và “Khi Ngân hàng Nhà nước mua lại toàn bộ vốn góp của các cổ đông của OceanBank với giá 0 đồng thì quyền và nghĩa vụ của các cổ đông OceanBank chấm dứt, trong đó có PVN”.

Trách nhiệm đối với hậu quả thiệt hại nêu trên thuộc về Đinh La Thăng và các đồng phạm trọng đó Đinh La Thăng với tư cách là người đứng đầu PVN có trách nhiệm cao nhất trong việc quản lý và bảo toàn vốn của PVN.

ha van tham la nhan chung trong vu xet xu thu 2 voi ong dinh la thang
­Bị cáo Đinh La Thăng tại phiên sơ thẩm trước, nhận bản án 13 năm tù.

Kế toán trưởng khắc phục 20 tỷ đồng đã nhận!

Ngày 18-9-2008, Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) ký thỏa thuận hợp tác với Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank) và trở thành cổ đông, đối tác chiến lược góp 20% vốn điều lệ vào OceanBank. Nguyễn Xuân Sơn được PVN giới thiệu cử làm thành viên HĐQT kiêm Tổng GĐ OceanBank từ ngày 1-1-2009 đến ngày 15-11-2010, còn Ninh Văn Quỳnh giữ vị trí Kế toán trưởng, kiêm Trưởng ban Tài chính kế toán và kiểm toán PVN.

Hà Văn Thắm và Nguyễn Xuân Sơn trao đổi, bàn bạc về việc huy động vốn cho OceanBank, Sơn đề nghị Thắm để huy động được vốn từ PVN, OceanBank cần phải chi thêm khoản “chăm sóc khách hàng” ngoài lãi xuất tiền gửi quy định trong hợp đồng trên tổng số tiền gửi và giao cho Sơn toàn quyền quyết định việc chi phí mà không cần phải trao đổi chi tiết để Sơn chủ động giải quyết. Hà Văn Thắm đồng ý đề nghị của Nguyễn Xuân Sơn.

ha van tham la nhan chung trong vu xet xu thu 2 voi ong dinh la thang
Ông Đinh La Thăng trong phòng chờ trước khi vào phòng xét xử. ảnh: phát nguyễn

Tại phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án Hà Văn Thắm, cũng như lời khai tại cơ quan điều tra bị can Nguyễn Xuân Sơn khai trong số tiền nhận được 69 tỷ đồng Sơn đã đưa lại cho Ninh Văn Quỳnh khoảng 30-40 tỷ đồng để nhờ Quỳnh cảm ơn lãnh đạo PVN đã chỉ đạo các đơn vị thành viên trong Tập đoàn sử dụng dịch vụ, gửi tiền tại OceanBank.

Sang giai đoạn năm 2010 - 2014, khi Sơn về làm Phó Tổng GĐ PVN, Hà Văn Thắm tiếp tục nhờ Sơn nhận tiền để chi lãi ngoài hợp đồng tiền gửi cho nhóm khách hàng dầu khí gửi tiền tại OceanBank; trung bình khoảng 45 ngày thì Nguyễn Xuân Thắng, Phó GĐ Khối Khách hàng lớn và Đối tác chiến lược OceanBank (em con chú của Sơn) nhận tiền từ OceanBank đưa về cho Sơn khoảng 5 tỷ đồng để Sơn đưa lại cho Quỳnh; tổng cộng thời gian này Sơn nhận khoảng 200 tỷ đồng từ OceanBank và đưa hết toàn bộ cho Quỳnh.

Về số tiền nhận từ Nguyễn Xuân Sơn, Quỳnh biết rõ không phải là tiền của cá nhân Sơn, mà là nguồn tiền lãi ngoài của PVN gửi tại OceanBank; còn việc Sơn lấy tiền từ OceanBank bằng cách nào thì Quỳnh không biết. Lý do Nguyễn Xuân Sơn đưa số tiền 20 tỷ đồng cho Ninh Văn Quỳnh là do Quỳnh trên cương vị là Kế toán trưởng, kiêm Trưởng ban Tài chính kế toán và kiểm toán PVN, Sơn dùng tiền của OceanBank chi cho Quỳnh để Quỳnh có những quan tâm, giúp đỡ, tham mưu, đề xuất cho lãnh đạo PVN ban hành chủ trương, chỉ đạo có lợi cho OceanBank, như việc yêu cầu các đơn vị thành viên của Tập đoàn hỗ trợ, sử dụng các dịch vụ ngân hàng, gửi tiền tại OceanBank...

Quá trình điều tra, bị can Ninh Văn Quỳnh xin được cùng gia đình khắc phục số tiền chiếm đoạt 20 tỷ đồng.

7 bị cáo trong vụ án này gồm: Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch HĐQT PVN; Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Phó Tổng GĐ OceanBank; Nguyễn Xuân Thắng, Nguyễn Thanh Liêm, Vũ Khánh Trường, Phan Đình Đức (đều là nguyên thành viên Hội đồng thành viên PVN); Ninh Văn Quỳnh, Phó Tổng GĐ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Riêng Ninh Văn Quỳnh bị truy tố thêm tội “Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản”.
Hoa Đỗ
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động