Thứ bảy 23/11/2024 04:27
Xét xử bị cáo Đinh La Thăng và đồng phạm

Ông Đinh La Thăng cho rằng, đã “rót” vốn hiệu quả?

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Sau 3 ngày xét xử, HĐXX của TAND TP Hà Nội tiếp tục xét hỏi với bị cáo Đinh La Thăng và đồng phạm để làm rõ việc “rót” 800 tỷ đồng của PVN vào Oceanbank…

Có lợi nhuận và được chia cổ tức?

Bị cáo Đinh La Thăng cho rằng, việc đầu tư vào Oceanbank còn là để giải quyết hệ lụy từ việc không thành lập được Ngân hàng TMCP Hồng Việt. Trước đó PVN đã thành lập Ban trù bị thành lập Ngân hàng TMCP Hồng Việt nhưng sau đó ngân hàng này đã không thành lập được. Cựu Chủ tịch HĐTV PVN nói, đầu tư hiệu quả vào Oceanbank.

Năm 2010, Oceanbank làm ăn có lãi, có lợi tức và bị cáo không biết đến Kết luận thanh tra 427 của Ngân hàng Nhà nước đối với Oceanbank. Như con số mà đại diện VKSND công bố, kết luận này nêu, tính đến ngày 31-12-2012, Oceanbank lỗ lũy kế 922 tỷ đồng và lợi nhuận âm 1,1 nghìn tỷ đồng.

Về thông tin này, ông Thăng cho rằng, thời điểm đó, bị cáo đã chuyển công tác và tập trung cho nhiệm vụ mới nên không nắm rõ. Sau này, việc thoái vốn không được vì không nhận được sự chấp thuận. Năm 2010, PVN mua cổ phần của Oceanbank, giá cổ phiếu trên thị trường là khoảng 2 chấm và PVN mua với giá rẻ hơn. Cổ tức ngân hàng chia cho cổ đông là 16%, các số liệu cụ thể được cung cấp bởi Cty kiểm toán độc lập và Oceanbank đã niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Theo đại diện VKSND, lần góp vốn thứ 2, PVN “rót” thêm 300 tỷ đồng dù chưa xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ. Bị cáo Thăng khai rằng, đã được chấp thuận. PVN nhận cổ tức đều đặn từ 2009-2013, đó là lợi nhuận, là hiệu quả của khoản đầu tư. Bị cáo chuyển công tác từ 8-2011 và 2 năm sau đó PVN vẫn được nhận cổ tức nên khoản đầu tư đó là đúng chủ trương của PVN.

Ông Thăng trình bày, về việc “rót” vốn vào Oceanbank Nguyễn Xuân Sơn có báo cáo, Oceanbank có thể chấp thuận các điều kiện tập đoàn đưa ra. Bị cáo Thăng lấy làm mừng vì đã làm việc với nhiều ngân hàng trước đó nhưng không kết quả.

“Tập đoàn đã triển khai đúng trình tự. Nghị quyết là bước tiếp theo trong quá trình chuẩn bị đầu tư, đánh giá hoạt động ngân hàng. Sau khi HĐQT thống nhất, đã gửi văn bản đến các cơ quan chức năng và nhận được sự đồng ý cho phép góp vốn. Văn bản của Bộ Tài chính, đồng ý tập đoàn dầu khí đủ điều kiện và lưu ý những điều để thực hiện. Nếu có vấn đề, các cơ quan đã có văn bản không đồng ý. Các cơ quan kiểm tra giám sát của NHNN cũng không có ý kiến” – lời ông Thăng.

Cũng như phân tích của bị cáo, việc đầu tư này đem lại cổ tức và nâng tầm phát triển của Oceanbank . Oceanbank được công nhận là ngân hàng bán lẻ tốt nhất, xếp hạng 3. Như lời ông Thăng, lần góp vốn 1,2 là đúng pháp luật, có hiệu quả. Còn lần góp vốn thứ 3, bị cáo không biết nhưng bị cáo nhận trách nhiệm của người đứng đầu.

ong dinh la thang cho rang da rot von hieu qua
Bị cáo Đinh La Thăng nhận trách nhiệm của người đứng đầu.

Lời chứng của Chủ tịch HĐQT Oceanbank!

Phiên tòa này, ông Hà Văn Thắm, cựu Chủ tịch HĐQT Oceanbank, được tòa triệu tập với tư cách nhân chứng. Theo VKSND TC, tháng 9-2008, Nguyễn Xuân Sơn và Hà Văn Thắm trao đổi, bàn bạc về việc PVN góp vốn trở thành cổ đông chiến lược của Oceanbank. Sau đó, Thắm làm việc với đại diện PVN ( bị cáo Đinh La Thăng, Nguyễn Ngọc Sự, Nguyễn Xuân Sơn - Trưởng ban trù bị Ngân hàng TMCP Hồng Việt) để trao đổi về việc PVN tham gia góp vốn khi Oceanbank tăng vốn điều lệ từ 1.000 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng trong năm 2008, bằng hình thức PVN góp 20% vốn điều lệ tương đương 400 tỷ đồng.

Ngày 18-9-2008, ông Sự gửi bị cáo Thăng báo cáo đánh giá sơ bộ các chỉ tiêu tài chính của Oceanbank, trong đó có nội dung, Oceanbank là ngân hàng quy mô nhỏ, khả năng thanh khoản thấp, đang đứng trước khó khăn trong vấn đề huy động vốn với lãi suất hợp lý để cân đối với nguồn sử dụng.

Cùng ngày, dù không họp HĐQT, không lấy ý kiến các thành viên HĐQT, ông Thăng vẫn ký thỏa thuận với Thắm để PVN tham gia góp vốn vào Oceanbank theo các nội dung hai bên đã thống nhất... Cơ quan tố tụng kết luận, biết rõ hiện trạng yếu kém của Oceanbank nhưng ông Thăng không xin ý kiến HĐQT.

Về vấn đề này, ông Sự trả lời HĐXX rằng, năm 2008, PVN có chủ trương thành lập ngân hàng của ngành dầu khí, lấy tên Ngân hàng TMCP Hồng Việt, kêu gọi vốn nước ngoài. PVN đã thành lập Ban trù bị Ngân hàng Hồng Việt. Nhưng Chính phủ và NHNN ra thông báo, các DNNN không được thành lập ngân hàng riêng, chỉ được phép mua cổ phần ngân hàng khác với tỷ lệ không quá 20%. PVN đã gặp gỡ các ngân hàng để đặt vấn đề hợp tác, nhưng không thành công. Sau đó được giới thiệu Oceanbank để cùng hợp tác đầu tư chiến lược.

Ông Sự khai, đã gửi bị cáo Thăng báo cáo đánh giá trong đó nêu, Oceanbank là ngân hàng có quy mô nhỏ, khả năng thanh khoản thấp, vốn điều lệ rất nhỏ, chỉ có 1.000 tỷ đồng. Tuy vậy, Oceanbank được xếp hạng là ngân hàng trung bình khá. Về việc này, trả lời tòa, ông Hà Văn Thắm nói, Oceanbank cần đối đối chiến lược nên việc hợp tác giữa PVN và Oceanbank là việc cần cho cả hai bên. Điều kiện để hợp tác mà ông Thăng đưa ra là, Oceanbank phải tiếp nhận nhân viên và cơ sở vật chất của Ngân hàng TMCP Hồng Việt.

"Anh Thăng nói, nếu cậu ký thì phải chắc chắn tôi mới báo cáo lên Thủ tướng", Thắm trình bày. “Chúng tôi mong muốn PVN góp vốn nên nhiệt tình thái quá. Chúng tôi nhiệt tình lắm vì rất mong có cổ đông” – lời ông Thắm.

Cũng theo cựu Chủ tịch HĐQT Oceanbank, hợp đồng hoàn thành khi PVN góp vốn vào Oceanbank. Oceanbank được phép đầu tư bất động sản, đầu tư cơ sở vật chất bằng 40% vốn điều lệ, hơn 1000 tỷ đồng. Ngân hàng Oceanbank có sở hữu một số lượng lớn bất động sản. Cho đến khi Thắm bị bắt thì Oceanbank chưa bao giờ bị đánh giá là yếu kém cả. Sau khi có kết luận thanh tra về việc ngân hàng yếu kém, Oceanbank đã có văn bản giải trình, hồi đáp.

Theo cáo trạng, từ năm 2009 - 2013, Ninh Văn Quỳnh đã nhận từ Nguyễn Xuân Sơn 20 tỷ đồng, được lấy từ nguồn tiền do Hà Văn Thắm đưa. Trả lời HĐXX, bị cáo Quỳnh xác nhận với HĐXX về việc đã nhận số tiền này. Quỳnh khai, Nguyễn Xuân Thắng, nguyên thành viên HĐTV PVN đưa làm 2 lần (tháng 4-2012 và khoảng tháng 6 đến tháng 8-2012). Cả 2 lần đều do Quỳnh gặp Thắng tại phòng làm việc của Nguyễn Xuân Sơn, nguyên TGĐ PVN. Quỳnh khai rằng, nhiều thành viên của HĐTV PVN gửi tiền vào Oceanbank.

Sau khi nhận 20 tỷ đồng, Quỳnh đã dùng để mua nhà, mua xe và gửi vào tiết kiệm, chi phí sinh hoạt cho con đi học nước ngoài. Tuy nhiên, sau khi Quỳnh bị khởi tố và bắt tạm giam về hành vi này, gia đình Quỳnh đã khắc phục hết số tiền đó. Về vấn đề này, Nguyễn Xuân Sơn thừa nhận, đưa Quỳnh tiền. Bà Nguyễn Thị Thanh, vợ Quỳnh, khi được tòa hỏi đã trả lời rằng, gia đình đã tích cực khắc phục hậu quả. Giai đoạn điều tra, bị cáo đã trả lại 20 tỷ đồng. Bà Thanh đề nghị được hủy lệnh phong tỏa căn hộ để bán đi lấy tiền khắc phục.

Hoa Đỗ
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động