Vụ “siêu lừa” Nguyễn Thị Hà Thành: Các ngân hàng phải trả lại tiền cho các đồng sở hữu?
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênVKS lập luận, các ngân hàng phải trả lại tiền trong sổ tiết kiệm cho các đồng sở hữu. |
Sáng 20/3, đại diện VKSND Hà Nội tiếp tục đối đáp tại phiên tòa sơ thẩm xét xử Nguyễn Thị Hà Thành cấu kết cùng các nhân viên ngân hàng lừa đảo chiếm đoạt tổng số tiền hơn 433 tỷ đồng của 3 ngân hàng và 4 cá nhân.
Theo cáo buộc, do cần tiền, Hà Thành đã nghĩ ra cách vay tiền của người khác dưới hình thức gửi tiết kiệm đồng sở hữu. Sau đó, Thành và các đồng phạm cầm cố các sổ tiết kiệm này để vay tiền và chiếm đoạt của các ngân hàng NCB 47,5 tỉ đồng, của PVComBank 49,4 tỉ đồng,VietABank 273,9 tỉ đồng và 63 tỉ đồng của một số cá nhân.
Quá trình làm thủ tục vay tiền, Thành và đồng phạm đã giả chữ ký, chữ viết của những người có tiền. Các cán bộ ngân hàng đã bỏ qua quy trình, quy định, tiếp tay cho hành vi lừa dối, chiếm đoạt của Hà Thành.
Trong bản luận tội trước đó, VKS xác định trong vụ án này, các Ngân hàng NCB, VietAbank và PVcombank là các bị hại bị Hà Thành và đồng phạm chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng.
VKS đề nghị bị cáo Thành bồi thường cho VietABank 249 tỷ đồng, bồi thường cho NCB 47,5 tỷ đồng và PVcomBank 49,4 tỷ đồng. Đối với số tiền 122 tỷ đồng mà ông Đặng Nghĩa Toàn có trong các sổ tiết kiệm gửi 3 ngân hàng trên, VKS đề nghị các nhà băng giữ lại để giải quyết việc vay mượn. Còn đại diện các ngân hàng lập luận họ không phải bị hại của Hà Thành mà chủ sổ tiết kiệm hoặc đồng sở hữu với Thành mới là bị hại. VietAbank, NCB và PVcombank cho rằng Hà Thành phải trả tiền cho các đồng sở hữu.
Trước những quan điểm này, VKS cho rằng cơ quan điều tra đã xác định rõ tư cách tố tụng của các ngân hàng là bị hại, chủ các sổ tiết kiệm là bên liên quan. Bị cáo Thành phải trả lại tiền cho ngân hàng. Các ngân hàng phải trả lại tiền trong sổ tiết kiệm cho các đồng sở hữu.
Mặc dù các ngân hàng khẳng định các khoản vay có tài sản bảo đảm nhưng VKS cho rằng bản chất các chủ sở hữu cùng gửi tiết kiệm không đồng ý cam kết cầm cố sổ tiết kiệm, điều này thể hiện rõ qua lời khai các bị cáo.
VKS nói trong vụ án này, phía ngân hàng sẽ không có lỗi trong trường hợp họ chứng kiến vợ chồng ông Toàn ký vào hợp đồng, hoặc kiểm tra trên hệ thống thấy chữ ký giống nhau. Tuy nhiên, hồ sơ vụ án nêu vợ chồng ông Toàn không biết việc ký, vì vậy nhân viên ngân hàng đã làm sai. Điều này tạo điều kiện cho Hà Thành chiếm đoạt tiền của nhà băng bằng thủ đoạn giả mạo chữ ký của chủ sổ tiết kiệm.
Về việc VietABank đã tất toán các sổ tiết kiệm để thu hồi nợ, theo VKS là không có căn cứ pháp luật. Vụ án được khởi tố từ năm 2018. Cơ quan điều tra đã yêu cầu ngân hàng không được tự ý tất toán bởi vụ án đang được điều tra nhưng VietABank không tuân thủ quyết định này.
Kiểm sát viên phân tích số tiền thiệt hại trong vụ án là rất lớn, nhưng so với lợi ích kinh doanh và thương hiệu các nhà băng gây dựng nhiều năm, nếu các ngân hàng cứ nhận là người liên quan, không phải bị hại và không giải quyết như đã cam kết khi khách hàng gửi tiền, là không phù hợp.
“Tiền gửi vào ngân hàng, khách hàng không đi rút hay thế chấp, tự dưng một ngày họ mất hết tiền rồi bị tất toán thì sẽ cảm thấy rất xót xa”, VKS lập luận.
"Tôi nghĩ sau phiên tòa này, những ai chứng kiến, nghe được diễn biến sẽ không yên tâm gửi tiền vào các ngân hàng", VKS nhìn nhận các ngân hàng là những pháp nhân, khi nhân viên có sai phạm đương nhiên pháp nhân phải có trách nhiệm.
Vụ Nguyễn Thị Hà Thành: Cựu cán bộ VietAbank đề nghị trả hồ sơ điều tra lại | |
Vụ “siêu lừa” Nguyễn Thị Hà Thành: Đại gia Đặng Nghĩa Toàn đề nghị 3 ngân hàng trả lại tiền |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại