Thứ bảy 23/11/2024 09:28

Vĩnh Phúc: “Siết” thực hiện văn hóa ứng xử học đường

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Sau vụ việc nữ sinh bị cắt tóc trên lớp, ngành giáo dục Vĩnh Phúc mới đây đã ra văn bản tăng cường triển khai thực hiện nội quy, quy tắc văn hóa ứng xử trong các cơ sở giáo dục...
Vĩnh Phúc: “Siết” thực hiện văn hóa ứng xử học đường
Việc ký cam kết tực hiện văn hóa ứng xử trong học đường đối với học sinh còn có thêm chữ ký xác nhận của phụ huynh.

Cam kết thực hiện văn hóa ứng xử

Sở GD&ĐT tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Công văn số 344/SGDĐT-TCCB-CTTT về việc triển khai thực hiện nội quy, quy tắc văn hóa ứng xử trong các cơ sở giáo dục.

Theo đó, phạm vi thực hiện văn hóa ứng xử trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc được thực hiện thống nhất và toàn diện. Các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và học sinh trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh sẽ ký cam kết thực hiện văn hóa ứng xử, trong đó, cam kết của học sinh có chữ ký xác nhận của phụ huynh.

Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc yêu cầu thủ trưởng Phòng GD&ĐT các huyện, TP, thủ trưởng các đơn vị trực thuộc, giám đốc các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên cấp huyện nghiêm túc triển khai thực hiện và báo cáo bằng văn bản về Sở GD&ĐT trước ngày 31/3/2023.

Việc triển khai thực hiện văn hóa ứng xử trong các cơ sở giáo dục gồm các nội dung chính như sau:

Thứ nhất, tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các văn bản quy phạm pháp luật, các quy định của ngành Giáo dục và Đào tạo như: Quyết định số 1299/QĐ-TTg ngày 03/10/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018 - 2025”; Quyết định số 16/2008/QĐ-BGDĐT ngày 16/4/2008 của Bộ GD&ĐT tạo ban hành quy định về đạo đức nhà giáo…

Thứ hai, mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, học sinh cần tuân thủ: Nghiêm túc chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; các quy định của ngành GD&ĐT, của địa phương, nơi cư trú, nội quy cơ quan, đơn vị, trường lớp…

Yêu cầu chuẩn mực về đạo đức, lối sống, tác phong, phù hợp với thuần phong mỹ tục và truyền thống văn hóa của dân tộc. Chuẩn mực về ngôn ngữ, thái độ, hành vi trong giao tiếp, ứng xử. Chuẩn mực về đạo đức nghề nghiệp; tinh thần, thái độ làm việc, học tập nghiêm túc, tích cực, trách nhiệm, cầu thị.

Thứ ba, tuyệt đối không để xảy ra hiện tượng vi phạm đạo đức nhà giáo, vi phạm đạo đức công vụ, vi phạm các quy định của ngành, quy tắc văn hóa ứng xử trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và học sinh.

Thứ tư, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của ngành, Quy tắc văn hóa ứng xử trong nhà trường. Ban Giám hiệu các cơ sở giáo dục kiểm tra trực tiếp trên lớp học vào đầu các buổi học để nắm tình hình thực hiện nội quy, nề nếp, trang phục của giáo viên, học sinh và kiểm soát các yếu tố mất an toàn, cảnh quan môi trường học đường.

Thứ năm, thủ trưởng các cơ sở giáo dục, cán bộ quản lý, giáo viên chịu trách nhiệm trước người đứng đầu cơ quan quản lý giáo dục theo phân cấp về việc để xảy ra các hiện tượng: vi phạm đạo đức nhà giáo, vi phạm Quy tắc văn hóa ứng xử trong trường học, đặc biệt là hiện tượng bạo lực học đường, vi phạm pháp luật an toàn giao thông, tệ nạn xã hội.

Nghiêm khắc chứ không nên hà khắc…

Công văn số 344/SGDĐT-TCCB-CTTT của Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc là một động thái chấn chỉnh việc triển khai thực hiện văn hóa ứng xử trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn, trước tình trạng thời gian vừa qua có nhiều biểu hiện thiếu chuẩn mực tại một số cơ sở giáo dục trên địa bàn - có thể kể đến hiện tượng xô xát đánh nhau giữa các học sinh, vi phạm luật giao thông, văng tục chửi thề, sử dụng chất kích thích như thuốc lá điện tử, đặc biệt là sự việc giáo viên dùng kéo cắt tóc học sinh để trừng phạt vừa xảy ra ở trường THPT Đội Cấn.

Vĩnh Phúc: “Siết” thực hiện văn hóa ứng xử học đường
Học sinh tham gia lao động tại nhà trường...

Nhiều ý kiến đồng tình ủng hộ với việc “siết” lại các quy định trong thực hiện văn hóa ứng xử trong môi trường giáo dục, kiên quyết đấu tranh với các biểu hiện không chuẩn mực nhằm làm trong sạch môi trường giáo dục.

“Nhà tôi ở gần trường học, tôi cảm nhận rất rõ các cháu học sinh bây giờ khác biệt rất nhiều so với 10 năm trước. Các cháu dễ bị kích động hơn, sự nhã nhặn kìm chế rất kém, nhiều cháu có cách nói chuyện rất xấc xược thô lỗ, văng tục chửi thề thậm chí vi phạm pháp luật, nhiều khi chỉ vì một câu đùa mà quay ra hành hung bạn, thậm chí “đánh hội đồng” bạn.

Các hiện tượng vi phạm luật giao thông, như không đội mũ bảo hiểm, đi xe mô tô phân khối lớn khi chưa có bằng lái cũng xảy ra thường xuyên. Đặc biệt, hiện tượng sử dụng chất kích thích, như thuốc lá thậm chí là thuốc lá điện tử… “trẻ hóa” rất nhiều so với trước đây.

Trước kia việc hút thuốc tôi thường thấy ở các cháu cuối cấp 2, và cấp 3, nhưng bây giờ rất nhiều cháu mới học lớp lớp 4 lớp 5 cũng phì phèo thuốc lá điện tử. Do vậy, việc chấn chỉnh văn hóa ứng xử trong nhà trường là cần thiết, để ngăn ngừa các biểu hiện lệch chuẩn, sai trái” - bác Nguyễn Văn Nam, một người dân trú tại phường Liên Bảo cho biết.

Bên cạnh các ý kiến cho rằng cần phải mạnh tay cứng rắn xử lý nghiêm khắc các lỗi vi phạm của học sinh, nhiều ý kiến lại cho rằng cần phải xem xét kỹ càng thấu đáo trước khi áp dụng các biện pháp trừng phạt. Bởi lẽ, các em học sinh nhiều khi rất dễ a dua theo phong trào xấu, chứ không hẳn là bản thân các em xấu - đôi khi chỉ là làm theo mà không biết hậu quả, làm theo để “sĩ diện” với bè bạn, chứ thâm tâm không muốn làm. Do vậy, tùy từng trường hợp cần phải đánh giá kỹ càng thận trọng để có phương án xử lý phù hợp, tránh tối đa việc làm tổn thương các em.

Từ thực tế đã cho thấy qua sự việc cô giáo dùng kéo cắt tóc học sinh xảy ra ở trường THPT Đội Cấn mới đây, nhiều ý kiến cho rằng quan điểm xử lý nên nghiêm khắc nhưng không hà khắc. Đồng thời cũng nên xem xét lại các nội quy quy định trong nhà trường có phù hợp hay không, ví dụ như việc nhuộm tóc, có ý kiến cho rằng nhu cầu làm đẹp cũng là chính đáng, thậm chí nên khuyến khích thay vì áp dụng những biện pháp cứng nhắc để ngăn cản.

Ngành Giáo dục tăng cường công tác xây dựng văn hóa học đường Ngành Giáo dục tăng cường công tác xây dựng văn hóa học đường
Vĩnh Phúc: Xử lý vụ việc “giáo viên cắt tóc học sinh” Vĩnh Phúc: Xử lý vụ việc “giáo viên cắt tóc học sinh”
Vĩnh Phúc: Tưng bừng Ngày hội văn hóa đọc và kể chuyện theo sách Vĩnh Phúc: Tưng bừng Ngày hội văn hóa đọc và kể chuyện theo sách
Sỹ Hào
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động