Vĩnh Phúc: Phát huy hiệu quả vị thế tiềm năng du lịch vùng đất “địa linh nhân kiệt”
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênKhu danh thắng Tây Thiên, Tam Đảo với cảnh quan hùng vĩ tươi đẹp là điểm đến nổi tiếng thu hút khách du lịch trong nước về Vĩnh Phúc. |
Thế mạnh của vùng đất giàu tiềm năng
Những năm gần đây, khách du lịch đến Vĩnh Phúc tăng nhanh, giai đoạn 2015 - 2019 tăng trưởng bình quân về lượt khách là 15%/năm. Riêng năm 2022, khách tham quan du lịch đạt hơn 8,2 triệu lượt, tăng 400% so với năm 2021 và tăng 2,5% so kế hoạch năm, (trong đó khách quốc tế 73.500 lượt), doanh thu du lịch đạt hơn 3.280 tỷ đồng tăng 200% so với năm 2021 và tăng 31% so kế hoạch năm.
Trên địa bàn Vĩnh Phúc có hơn 1.300 di tích lịch sử, văn hóa, trong đó có 514 di tích được xếp hạng các cấp, 3 di tích quốc gia đặc biệt gồm: Khu di tích quốc gia đặc biệt Danh thắng Tây Thiên, Di tích quốc gia đặc biệt kiến trúc nghệ thuật tháp Bình Sơn, Di tích quốc gia đặc biệt đình Thổ Tang.
Lợi thế vùng đất giàu truyền thống lịch sử văn hóa đem lại cho Vĩnh Phúc tiềm năng lớn về phát triển du lịch tâm linh. |
Vĩnh Phúc còn nổi tiếng về du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. Thị trấn Tam Đảo được nhận giải thưởng “Thị trấn điểm đến hàng đầu thế giới” năm 2022, hệ thống sân golf Vĩnh Phúc được lọt tốp 5 - sân golf được yêu thích nhất năm 2022... Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận Tam Đảo là Khu du lịch Quốc gia.
Vấn đề khai thác tối đa tiềm năng hiệu quả vùng đất giàu truyền thống văn hóa, đẹp về cảnh quan thiên nhiên, nhằm thu hút nhiều khách du lịch hơn nữa, đặc biệt là khách du lịch quốc tế, đang tạo ra thách thức để ngành du lịch Vĩnh Phúc cần có những đổi thay và phát triển phù hợp.
Chưa khai thác hết lợi thế
Trao đổi với PV PL&XH về vấn đề phát triển dịch vụ du lịch, ông Nguyễn Xuân Thọ - Chủ tịch Hội doanh nghiệp Tam Đảo cho rằng: Với vị trí địa lý, cũng như những tiềm năng thế mạnh chưa được tận dụng khai thác tối đa hiệu quả, sẽ là điều hết sức đáng tiếc đối với một vùng đất được thiên nhiên ưu đãi, nhiều tiềm năng phát triển du lịch như Vĩnh Phúc.
“Tỉnh Vĩnh Phúc có nhiều tiềm năng và lợi thế để thu hút khách du lịch quốc tế, đặc biệt là các tiềm năng lợi thế về vị trí địa lý, địa hình, cảnh quan, khí hậu, văn hóa, con người… đều hội tụ đủ để tạo nên những sản phẩm dịch vụ du lịch đẳng cấp quốc tế” - ông Nguyễn Xuân Thọ nói.
Lấy ví dụ từ “thực trạng” dịch vụ golf - một sản phẩm được địa phương kỳ vọng là sản phẩm du lịch dịch vụ thu hút lượng khách du lịch quốc tế đến với Vĩnh Phúc, ông Nguyễn Xuân Thọ cũng cho biết, có nhiều ý kiến cho rằng địa phương cần có những chính sách để phù hợp với tình hình phát triển.
Về vị trí địa lý, Vĩnh Phúc gần Thủ đô Hà Nội - trung tâm kinh tế văn hóa xã hội của cả nước, gần sân bay quốc tế Nội Bài - có thể nói địa phương nằm ở vị trí lý tưởng, tiện lợi cho việc thu hút khách du lịch từ nhiều nơi di chuyển đến, kể cả khách du lịch nước ngoài.
Ngoài ra, khí hậu Vĩnh Phúc cũng ôn hòa dễ chịu, lại thêm cảnh quan thiên nhiêu hùng vĩ, tươi đẹp, đặc biệt là khu du lịch Tam Đảo, hay Khu danh thắng Tây Thiên đã trở thành những điểm đến nổi tiếng thu hút khách du lịch.
Du khách tham quan trẩy hội Tây Thiên. |
Theo ông Nguyễn Xuân Thọ, địa hình và địa thế đất ở Vĩnh Phúc đa dạng, có rừng núi sông hồ là những điều kiện lý tưởng để tạo nên những khu nghỉ dưỡng, du lịch đẳng cấp thế giới, kể cả dịch vụ golf chẳng hạn. Mà việc thu hút khách du lịch quốc tế, thì những dịch vụ du lịch đẳng cấp xứng tầm, như các khu nghỉ dưỡng cao cấp, hay dịch vụ golf thực tế cho thấy, đều là những điểm nhấn “ấn tượng” thu hút nhiều du khách, đem lại danh tiếng cho địa phương trên bản đồ du lịch.
Cần xây dựng quy hoạch bài bản mạng lưới dịch vụ du lịch
Thực tế, những năm qua, Vĩnh Phúc cũng đã triển khai nhiều chương trình quảng bá xúc tiến du lịch, trong đó có việc quy hoạch hệ thống dịch vụ sân golf cũng là một trong những động thái tích cực, có vai trò quan trọng để kêu gọi đầu tư phát triển du lịch. Việc xây dựng được một sản phẩm du lịch xứng tầm, thu hút được khách du lịch quốc tế cũng đồng nghĩa với việc địa phương nâng cao được vị thế, tạo ra sức hút đối với khách du lịch nói chung tìm đến địa phương tham quan trải nghiệm.
Flamingo Đại Lải, Vĩnh Phúc điểm đến du lịch nghỉ dưỡng hàng đầu miền Bắc. |
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Xuân Thọ - Chủ tịch Hội doanh nghiệp Tam Đảo, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển sản phẩm du lịch tại Vĩnh Phúc nói riêng, cần phải được nới rộng và tạo điều kiện nhiều hơn nữa cho doanh nghiệp.
“Ví dụ như dịch vụ golf - tiếng là sản phẩm thu hút khách quốc tế, nhưng hiện tại các doanh nghiệp làm dịch vụ này vẫn phải chịu thuế thu nhập đặc biệt, trong khi trên thế giới đây là môn thể thao đã trở thành phổ thông. Việc chưa xem golf là môn thể thao phổ thông, phổ biến như thực tế, gây áp lực tài chính đối với doanh nghiệp đầu tư, trong khi chi phí vận hành sân golf đã quá lớn, vô tình cũng tăng chi phí đối với người chơi - hạn chế người dân tiếp cận dịch vụ” - ông Nguyễn Xuân Thọ nhìn nhận.
Mặt khác, có những nơi đất lúa đất hoa màu canh tác không đem lại hiệu quả kinh tế cao, nên người dân bỏ hoang lãng phí, từ thực tế này ông Nguyễn Xuân Thọ cho rằng, Nhà nước nên kịp thời có những chính sách điều chỉnh, nới lỏng hơn để phù hợp với quy luật phát triển.
Ví dụ như Thái Lan, trong bán kính từ Thủ đô của họ đến các khu vực lân cận trong khoảng thời gian di chuyển 2 giờ đồng hồ, thì du khách có thể đến 200 sân golf, trong khi đó ở Việt Nam chỉ chưa đến 20 sân golf.
“Việc lượng khách quốc tế đến Vĩnh Phúc còn hạn chế, còn là do chúng ta chưa tạo ra được sự kết nối đồng bộ dịch vụ du lịch, hạn chế khả năng trải nghiệm hưởng thụ của du khách. Ví dụ, du khách đến Tam Đảo thì đa phần hiện nay gần như chỉ hưởng thụ khí hậu mát mẻ xong là nhiều người cũng về - chi phí sử dụng sản phẩm dịch vụ rất ít, bình quân mỗi người chỉ 300.000 - 500.000 đồng, mức chi phí như thế gần như là tối thiểu, mà hầu như chỉ đủ cho việc dọn rác, chứ chưa dư dật để tái đầu tư, phát triển đem lại lợi ích kinh tế cao như mong đợi" - ông Nguyễn Xuân Thọ nói.
Nguyên nhân khác nữa, ông Nguyễn Xuân Thọ cho rằng, do chúng ta chưa có những nơi vui chơi lưu trú hay những sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng vùng miền đủ sức lôi kéo họ trải nghiệm. Ví dụ như Đà Lạt, ngoài cảnh quan đẹp thì du khách đến với địa phương này cũng có thể trải nghiệm nhiều dịch vụ khác mang tính đặc trưng vùng miền mà họ làm rất tốt, có thể nói đến như đêm hội cồng chiêng, đốt lửa trại, các hoạt động sinh hoạt văn hóa, thăm thú danh lam thắng cảnh, hòa nhịp cuộc sống bản làng… Với nhiều dịch vụ rất đa dạng hấp dẫn, phù hợp với túi tiền của du khách nên kích thích nhu cầu chi tiêu, khiến du khách sẵn sàng dốc hầu bao trải nghiệm.
Nhìn từ kinh nghiệm phát triển du lịch ở nhiều địa phương, Chủ tịch Hội doanh nghiệp Tam Đảo cho rằng, Vĩnh Phúc muốn du khách tìm đến thì phải tạo ra những sản phẩm dịch vụ hấp dẫn, mang tính đặc trưng vùng miền để “lôi kéo” du khách tiêu tiền, tận hưởng dịch vụ.
Muốn vậy, bên cạnh các chương trình xúc tiến quảng bá, địa phương cần phải xây dựng quy hoạch mạng lưới dịch vụ du lịch, khu du lịch liên hoàn, bài bản. Tránh tình trạng để ngành du lịch dịch vụ phát triển manh mún, mạnh ai người đó làm như thực tế đã xảy ra.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại