Tăng giờ làm thêm, tránh để doanh nghiệp vắt kiệt người lao động
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênĐiều 106 của Bộ luật Lao động hiện hành quy định số giờ làm thêm tối đa của người lao động là không quá 30 giờ/tháng và 1 năm không quá 200 giờ, trường hợp đặc biệt không quá 300 giờ. Tuy nhiên, thời gian vừa qua, rất nhiều ý kiến đề nghị cần tăng thời gian làm thêm tối đa nhằm đáp ứng nhu cầu của đa số doanh nghiệp và một bộ phận không nhỏ người lao động có nguyện vọng tăng thu nhập; cũng như tăng tính cạnh tranh của thị trường lao động Việt Nam.
Thấp so với khu vực
Trong mối tương quan so sánh với các quốc gia trong khu vực, số giờ làm thêm tối đa của người lao động Việt Nam hiện ở mức thấp. Ví dụ, tại Trung Quốc, số giờ làm thêm tối đa là không quá 36 giờ/tháng, tại Indonesia là không quá 56 giờ/tháng, tại Singapore không quá 72 giờ/tháng, Malaysia không quá 104 giờ/tháng… Thậm chí, Campuchia và Philippines không khống chế số giờ làm thêm tối đa.
Chính vì vậy, dự thảo đang thể hiện 2 phương án quy định tại Điều 106 để xin ý kiến. Theo phương án 1, số giờ làm thêm và số giờ làm việc bình thường của người lao động không quá 12 giờ trong một ngày và không quá 5 ngày liên tục cho mỗi đợt làm thêm giờ. Tuy nhiên, tổng số giờ làm thêm của người lao động không được vượt quá 600 giờ trong một năm. Theo phương án 2, số giờ làm thêm và số giờ làm việc bình thường của người lao động không quá 12 giờ trong một ngày và không quá 5 ngày liên tục cho mỗi đợt làm thêm giờ (không giới hạn số giờ làm thêm trong năm).
Từ phía người lao động, nhiều lao động nữ cho rằng, không nên tăng số giờ làm thêm lên quá nhiều. Bởi thực tế đời sống công nhân hiện còn rất nhiều khó khăn, nếu làm việc liên tục họ hầu như không còn thời gian dành cho gia đình.
Chị Nguyễn Thị Duyên, công nhân tại khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Hà Nội) cho biết: “Khi chưa lập gia đình, không vướng bận con cái thì việc tăng ca giúp tôi có thêm thu nhập. Nhưng khi có gia đình và đặc biệt là khi đã có con thì ai cũng muốn về sớm để có thời gian chăm sóc gia đình. Nếu cho phép tăng số giờ làm thêm thì doanh nghiệp sẽ có cơ sở để yêu cầu công nhân làm thêm nhiều hơn”.
Tuy nhiên, cũng có những ý kiến đồng tình với phương án tăng số giờ làm thêm. Chị Hoàng Thu Hằng, công nhân thuộc một doanh nghiệp lắp ráp linh kiện điện tử tại Bắc Ninh cho rằng: “Chúng tôi thường đến từ các tỉnh xa nên đa phần phải thuê nhà, ngoài ra còn rất nhiều các chi phí khác cho sinh hoạt. Đồng lương công nhân hiện nay vẫn khá thấp, nếu chỉ trông vào lương thì hết sức khó khăn. Được tăng ca sẽ giúp chúng tôi có thêm thu nhập để có thể dành dụm hay giúp đỡ gia đình”.
Tránh để doanh nghiệp lợi dụng
Về quy định giờ làm thêm, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp cho rằng, việc xây dựng các quy định cần được xem xét kỹ lưỡng trên nhiều mặt như cơ sở khoa học, sức khỏe người lao động, tuổi thọ lao động, sự nghỉ ngơi, phòng tránh tai nạn do kéo dài giờ làm việc, các vấn đề xã hội, cân bằng cuộc sống, năng suất công việc, các luật pháp quốc tế mà Việt Nam là nước thành viên ký kết…
Bày tỏ quan điểm về các quy định tại dự thảo, ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, Tổng Liên đoàn không nhất trí với hai phương án trên. Việc tăng giờ làm thêm phải xem xét tới nhiều yếu tố, tránh để doanh nghiệp lợi dụng vắt kiệt sức người lao động. Làm thêm giờ liên tục trong môi trường làm việc chưa bảo đảm dễ dẫn đến tai nạn lao động, nhất là với những lao động trực tiếp, làm việc ngoài trời...
Ông Lê Đình Quảng cho rằng, có thể xem xét tăng số giờ làm thêm tối đa theo năm, từ “không quá 200 giờ, trường hợp đặc biệt không quá 300 giờ” như hiện nay, lên “không quá 300 giờ, trường hợp đặc biệt không quá 400 giờ”. Tuy nhiên, cần quy định rõ trường hợp nào là đặc biệt. Bên cạnh đó, để hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết các khó khăn thời vụ, Tổng Liên đoàn sẽ đề xuất bỏ giới hạn làm thêm giờ trong tháng (hiện quy định không quá 30 giờ/tháng).
Trong khi đó, đại diện công đoàn của khu chế xuất tại Hà Nội cho rằng: “Phải xây dựng đánh giá cụ thể về thể chất người Việt Nam bởi hiện tại tuổi thọ của người Việt Nam có tăng lên nhưng sức khỏe lại yếu đi. Qua khảo sát tại khu công nghiệp cho thấy, có nhiều công nhân mắc bệnh mãn tính như tiểu đường, tim mạch. Cá biệt, gần đây, đã có những công nhân đột quỵ trong khi đang sản xuất cho thấy cường độ lao động rất cao”.
Theo các chuyên gia, việc tăng giờ làm thêm phải đảm bảo các yêu cầu về sức khỏe cho người lao động, đặc biệt là để người lao động có đủ thời gian nghỉ ngơi nhằm tái tạo sức lao động.
Anh Tú / anninhthudo.vn
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại