Thứ năm 09/05/2024 01:40

Tăng giờ làm thêm: Cần phương án trả lương lũy tiến cho người lao động

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Đồng ý với quy định về việc mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ trong Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), tuy nhiên theo đề xuất của đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Đoàn Hà Nội) nên xây dựng phương án trả lương lũy tiến cho người lao động (NLĐ).

Đại biểu Ngọ Duy Hiểu – Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho hay, từ góc độ cơ quan đại diện cho NLĐ không hề mong muốn NLĐ phải làm thêm giờ để có thời gian tái tạo sức sản xuất lao động, tìm bạn đời, chăm sóc gia đình, con cái. Tuy nhiên tiền lương của NLĐ hiện rất thấp, nếu không làm thêm NLĐ sẽ không có thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Chưa kể trên thực tế khảo sát tại nhiều DN, NLĐ cũng đang làm thêm 500-600 giờ”.

“Do đó, nếu NLĐ làm thêm giờ thì cần xây dựng phương án trả lương lũy tiến, các giờ làm việc sau mức lương cần cao hơn. Bởi lẽ càng làm thêm nhiều giờ thì nguy cơ bị tai nạn ngày càng cao”.

Cùng quan điểm, Đại biểu Trương Thị Bích Hạnh- Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương cho biết việc làm thêm giờ là nhu cầu có thực xuất từ cả hai phía DN và NLĐ. “Doanh nghiệp muốn NLĐ làm thêm giờ nhiều để giải quyết đơn hàng, nhất là lĩnh vực gia công, hàng xuất khẩu, giảm bớt tuyển dụng lao động, và thu được lợi nhuận. Còn với NLĐ, mục đích đầu tiên và cũng là cuối cùng là tăng thu nhập để đảm bảo đời sống”.

Do vậy, theo Đại biểu Trương Thị Bích Hạnh, Luật cần bảo vệ quyền lợi và tiền lương của NLĐ như mục tiêu xây dựng điều khoản này. “Luật tăng lên thêm 100 giờ làm thêm mà giữ nguyên mức tính lương như cũ thì không thể nói là bảo vệ quyền lợi của NLĐ. Vì vậy tăng làm thêm thì phải tăng tiền lương làm thêm cho NLĐ. Hoặc tăng lương lũy tiến: 2 tiếng đầu tăng một mức thì tiếng thứ 3, 4 phải tăng lên so với mức tăng ban đầu đó”.

tang gio lam them can phuong an tra luong luy tien cho nguoi lao dong
Đại biểu Ngọ Duy Hiểu: “Nếu NLĐ làm thêm giờ thì cần xây dựng phương án trả lương lũy tiến, các giờ làm việc sau mức lương cần cao hơn”

Trước đó, theo kết quả khảo sát được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện tại 25 tỉnh, thành phố có đông lao động công nghiệp dịch vụ, đại diện cho các loại hình DN và vùng lương trong năm 2018 thì có đến 44% NLĐ được hỏi cho biết có làm thêm giờ, số giờ làm thêm trung bình là 28,5% giờ (cao nhất là 50 giờ) với số tiền nhận được trung bình 832 nghìn đồng/người/tháng.

“NĐ buộc phải làm thêm chứ không thích thú gì. Bởi lương thực tế còn thấp. Khoản tiền làm thêm đóng góp phần đáng kể trong tổng thu nhập của NLĐ. Đặc biệt, dịp lễ, tết thì càng muốn làm thêm nhiều để có tiền đem về gia đình”, Viên trưởng Viện Công nhân công đoàn Vũ Quang Thọ nhận định.

Hiện Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) quy định mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ trong các trường hợp đặc biệt: tăng thêm 100 giờ/năm so với hiện hành (từ tối đa 300 giờ/năm lên 400 giờ/năm).

Theo Ban soạn thảo Dự án sửa đổi Luật Lao động, việc mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ nhằm đáp ứng yêu cầu của DN và nhu cầu của một bộ phận NLĐ. Mức giờ tăng thêm là tương đối phù hợp xét trên tổng hòa các yếu tố về: điều kiện kinh tế-xã hội; tính cạnh tranh của thị trường lao động và thu hút đầu tư; nhu cầu DN; nhu cầu, sức khỏe và yêu cầu bảo vệ tiền lương của NLĐ. Mức tăng giờ làm thêm này cũng chỉ áp dụng đối với một số ngành nghề nhất định và vào các thời điểm nhất định (thời điểm hoàn thành đơn hàng theo mùa, vụ).

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng việc tăng giờ làm thêm cũng ảnh hưởng tới sức khỏe của NLĐ và có thể gây ra thiếu việc làm do DN không muốn tuyển lao động mới mà huy động NLĐ hiện có làm thêm giờ.

Để khắc phục những tác động tiêu cực về làm thêm giờ và bảo bảo đảm sức khỏe trước mắt cũng như lâu dài cho NLĐ, Dự thảo Bộ luật quy đinh: Nguyên tắc tự nguyện: chỉ khi người lao động đồng ý thì DN mới được huy động làm thêm giờ; Bảo đảm tổng số giờ làm việc trong một ngày không quá 12 giờ kể cả làm bình thường và làm thêm giờ; Trả lương cao hơn: ít nhất bằng 150% nếu làm thêm giờ vào ngày thường, 200% nếu làm việc vào ngày nghỉ hàng tuần và 300% nếu làm việc vào ngày nghỉ lễ, Tết. Ngoài ra, Dự thảo bổ sung quy định hai bên thỏa thuận trả lương lũy tiến cao hơn mức trên để bảo đảm ổn định và phát triển của DN cũng như bảo vệ quyền lợi tiền lương của NLĐ và thúc đẩy thương lượng về tiền lương phù hợp với điều kiện của từng DN.

Cùng với đó, Nghị định quy định chi tiết của Chính phủ sẽ quy định 3 nguyên tắc tổ chức làm thêm quá 200 giờ. Đó là: DN phải thông báo và được chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh; Không được huy động người lao động làm thêm giờ trong thời gian dài liên tục và phải bố trí thời gian nghỉ giải lao hợp lý cho NLĐ khi làm thêm giờ; Quy định rõ các ngành nghề được mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ như một số ngành nghề gia công (dệt, may, da, giày...) và các ngành nghề sản xuất có tính thời vụ (như chế biến nông, lâm, thủy sản).

Theo chương trình, chiều 12-6 tới Quốc hội sẽ thảo luận ở Hội trường về các nội dung của Dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi), trong đó có quy định về giờ làm thêm.

Thanh Hải
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động