Thứ sáu 26/04/2024 19:48

Sẵn sàng đáp ứng các tiêu chí chuẩn tiếp cận pháp luật mới

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Với việc Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật sắp có hiệu lực thi hành vào 1-1-2022, nhiều người hi vọng, các tiêu chuẩn tiếp cận pháp luật sẽ ngày một có tính thực tế hơn...

Tỷ lệ xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật ngày càng cao

Theo báo cáo mới nhất, Hà Nội có 558/579 xã, phường, thị trấn được công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, đạt tỷ lệ 96,37% (cao hơn năm 2019: 546/584: đạt tỷ lệ 93,5%).

Nhiều quận, huyện có số phường, xã được công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đạt tỷ lệ 100% như: Ba Đình, Cầu Giấy, Đan Phượng, Đông Anh... Một số quận, huyện có số xã được công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đạt tỷ lệ thấp như: Thanh Oai, Sóc Sơn, Hoài Đức, Ứng Hòa. Các xã, phường, thị trấn không đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, phần lớn do có cán bộ, công chức bị xử lý kỷ luật bằng hình thức từ cảnh cáo trở lên, do vi phạm pháp luật trong thực thi công vụ hoặc phải bồi thường thiệt hại do hành vi công vụ trái pháp luật gây ra; một số ít do không đạt điểm số theo quy định. Hà Nội có 4.975 tổ hòa giải với tổng số 32.075 hòa giải viên, trong đó có 2.637/4.975 tổ hòa giải đạt “Tổ hòa giải 5 tốt” (đạt tỷ lệ 53%).

Chuẩn tiếp cận pháp luật là nền tảng pháp lý quan trọng trong việc đánh giá tổ chức thi hành pháp luật tại cơ sở
Chuẩn tiếp cận pháp luật là nền tảng pháp lý quan trọng trong việc đánh giá tổ chức thi hành pháp luật tại cơ sở

Theo đánh giá của Phòng Tư pháp quận Long Biên, việc xây dựng chuẩn tiếp cận pháp luật cấp xã, phường đã tạo chuyển biến về nhận thức trong cán bộ lãnh đạo các phòng, ban ngành của quận, UBND các phường, từ đó có sự quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện, làm tốt công tác quán triệt, tuyên truyền đến cán bộ và nhân dân trên địa bàn phường, xã.

Các tiêu chí, chỉ tiêu phạm vi điều chỉnh rộng lại thiết thực, như: Thi hành Hiến pháp, luật, văn bản hành chính của cấp trên, phổ biến giáo dục pháp luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo, an ninh trật tự, giải quyết thủ tục hành chính, hòa giải cơ sở, thực hiện dân chủ ở cơ sở, đều liên quan đến người dân trên địa bàn phường.

Do đó, UBND các phường đã có sự tập trung hơn trong chỉ đạo điều hành khắc phục các tồn tại, trên các lĩnh vực theo bộ chỉ tiêu, tiêu chí phường chuẩn tiếp cận pháp luật còn hạn chế, nâng cao hiệu quả giải quyết công việc tạo chuyển biến tích cực trong các lĩnh vực ban hành văn bản tổ chức thi hành Hiến pháp, luật, các nhiệm vụ cấp trên giao, giải quyết thủ tục hành chính, phổ biến giáo dục pháp luật, thực hiện dân chủ ở cơ sở... qua đó người dân được tiếp cận pháp luật tốt hơn.

Phòng Tư pháp huyện Đông Anh tham mưu UBND huyện Đông Anh ban hành Kế hoạch thực hiện xây dựng xã, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã xác định việc xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật là nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống chính trị, gắn với thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của địa phương, kết quả xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật là tiêu chí đánh giá xã đạt chuẩn nông thôn mới và thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh.

Tuy tỷ lệ xã đạt chuẩn pháp luật ngày càng cao, bộ quy chuẩn cũ còn được xem là có phần rườm rà

Chuẩn tiếp cận pháp luật là nền tảng pháp lý quan trọng trong việc đánh giá tổ chức thi hành pháp luật tại cơ sở
Chuẩn tiếp cận pháp luật là nền tảng pháp lý quan trọng trong việc đánh giá tổ chức thi hành pháp luật tại cơ

Tiêu chí bám sát thực tiễn

Quyết định 25/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất, hiệu quả trong triển khai công tác đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên toàn quốc. Trên cơ sở giảm bớt số lượng chỉ tiêu từ 25 xuống còn 20, sửa đổi một số điều kiện, trình tự đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, quy định mới được đánh giá là khoa học, sát thực tiễn hơn.

Theo quy định mới, xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật phải đạt 5 tiêu chí với 20 chỉ tiêu. So với Quyết định 619/QĐ-TTg, bộ tiêu chí đã lược bỏ 8 chỉ tiêu trùng lặp, không thuộc trách nhiệm của chính quyền cấp xã, 16 chỉ tiêu được kế thừa nhưng có chỉnh sửa để phù hợp, đồng thời bổ sung 4 chỉ tiêu theo hướng chú trọng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý, sự gương mẫu của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ và chấp hành pháp luật, bảo đảm an toàn về an ninh trật tự…

Các tiêu chí mới về đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật được xem là khoa học, sát thực tiễn hơn
Các tiêu chí mới về đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật được xem là khoa học, sát thực tiễn hơn

Những quyền cơ bản của người dân được tạo cơ chế thuận lợi thực hiện như: Tiếp cận thông tin, phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý, hòa giải ở cơ sở, thực hiện dân chủ ở cơ sở, được giải quyết các kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo, thủ tục hành chính theo quy định của pháp luật. Quyết định 25/2021/QĐ-TTg tiếp tục thúc đẩy trách nhiệm của chính quyền cấp xã trong thực hiện các nhiệm vụ được giao theo quy định của pháp luật; kỷ luật, kỷ cương và tính công khai, minh bạch trong hoạt động của chính quyền cấp xã được củng cố, duy trì.

Với việc không phân loại cấp xã loại I, loại II và loại III nhằm bảo đảm sự công bằng trong thụ hưởng quyền, lợi ích theo quy định của pháp luật. Quyết định mới bỏ điều kiện về kết quả đánh giá sự hài lòng của tổ chức, cá nhân trong thực hiện thủ tục hành chính ở cấp xã tại Quyết định số 619/QĐ-TTg. Việc đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật vẫn thực hiện theo quy trình cấp xã tự đánh giá và cấp huyện đánh giá, công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Tuy nhiên, thời hạn thực hiện đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được sửa đổi theo hướng tăng cho cả cấp xã và cấp huyện, bảo đảm phù hợp với yêu cầu và nhiệm vụ được giao của từng cấp.

Có thể hiểu rằng, tổ chức triển khai Quyết định số 25/CP đồng thời là giải pháp để thúc đẩy công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và thực hiện dân chủ ở cơ sở theo phương châm lấy người dân làm trung tâm và là đối tượng phục vụ. Các cơ quan chức năng cần có kế hoạch, chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả, tạo chuyển biến nhận thức, sẵn sàng cho các tiêu chí của Quyết định số 25/CP.

Anh Hùng
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động