Quy định về tiêu chuẩn, điều kiện của nhà đầu tư chiến lược
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên- Dự án nhà máy nước thải Yên Xá, Thanh Trì, Hà Nội. Ảnh: Khánh Huy |
Theo khoản 2 Điều 41 Dự thảo, nhà đầu tư chiến lược là nhà đầu tư đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây: Thực hiện dự án đầu tư thuộc Danh mục dự án, ngành, nghề thu hút nhà đầu tư chiến lược vào Thủ đô quy định tại khoản 1 Điều này; Chứng minh được năng lực về tài chính, năng lực quản trị, công nghệ và kinh nghiệm thực hiện thành công ít nhất một dự án tương tự với tổng mức đầu tư ít nhất bằng mức vốn quy định đối với danh mục dự án, ngành nghề thu hút nhà đầu tư chiến lược theo quy định tại khoản 1 Điều này; Có cam kết bằng văn bản về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; đáp ứng các yêu cầu về quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật Việt Nam.
TS. Nguyễn Thị Yến đánh giá quy định này là khá đầy đủ, đảm bảo lựa chọn được nhà đầu tư có thể đảm đương được các dự án đầu tư quan trọng của Thủ đô. Tuy nhiên, TS. Nguyễn Thị Yến có một số góp ý về nội dung này như sau: Một là, việc nhà đầu tư chứng minh năng lực về tài chính, năng lực quản trị, công nghệ phải được thể hiện bằng các minh chứng cụ thể và phải đáp ứng trong suốt quá trình thực hiện dự án. Có thể tham khảo Nghị quyết 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM.
Khi Nghị quyết này quy định năng lực tài chính mà nhà đầu tư chiến lược phải đáp ứng bằng số tiền cụ thể, tương ứng với các lĩnh vực mà nhà đầu tư dự định đầu tư (khoản 3 Điều 7). Có như vậy, nhà đầu tư mới có thể thực hiện được các dự án trọng điểm, có ý nghĩa quyết định đến vị thế đầu tàu của Thủ đô. Đi kèm với điều kiện này, cần quy định cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ nhà đầu tư chiến lược; quy định về chế tài nếu nhà đầu tư không đáp ứng được yêu cầu.
Điều này sẽ tránh được trường hợp có thể ngay từ thời điểm được lựa chọn, nhà đầu tư sẽ tìm mọi cách để đáp ứng được tiêu chuẩn, điều kiện của nhà đầu tư chiến lược; nhưng sau khi được lựa chọn trở thành nhà đầu tư chiến lược để thực hiện dự án, họ lại không đảm bảo điều kiện trong suốt quá trình thực hiện. Các nội dung này có thể được quy định tại 01 điều của Dự thảo Luật, có thể được hướng dẫn trong Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật, nhưng phải rõ ràng, cụ thể và đảm bảo tính khả thi.
Hai là, điều kiện có “kinh nghiệm thực hiện thành công ít nhất một dự án tương tự với tổng mức đầu tư ít nhất bằng mức vốn quy định đối với danh mục dự án, ngành nghề thu hút nhà đầu tư chiến lược theo quy định tại khoản 1 Điều này” khó khả thi. Bởi vì, các dự án trọng điểm của Thủ đô không quá nhiều, và không dự án nào hoàn toàn tương tự với dự án nào, nhất là thực hiện trong Danh mục dự án, ngành nghề thu hút nhà đầu tư chiến lược vào Thủ đô.
Nếu phải thực hiện thành công ít nhất một dự án tương tự với tổng mức vốn quy định đối với danh mục dự án, ngành nghề thu hút nhà đầu tư chiến lược mới thỏa mãn một trong ba điều kiện, Dự thảo đang bó hẹp đối tượng nhà đầu tư được lựa chọn để trở thành nhà đầu tư chiến lược. Vì có những nhà đầu tư có đủ năng lực về tài chính, năng lực quản trị, công nghệ; và có thể đã thực hiện nhiều dự án đầu tư lớn, quan trọng; nhưng nếu chưa từng thực hiện dự án nào tương tự như dự án nhà đầu tư dự định tham gia thì sẽ không thỏa mãn điều kiện.
Hơn nữa, để “có kinh nghiệm”, nhà đầu tư phải “đã thực hiện dự án”; nhưng để “thực hiện dự án” tương tự, đòi hỏi phải “có kinh nghiệm” mới thỏa mãn điều kiện. Vì thế theo TS. Nguyễn Thị Yến, quy định này nếu được thông qua sẽ khó áp dụng; và bỏ sót các nhà đầu tư có đầy đủ tiềm lực, có nhiều kinh nghiệm triển khai các dự án quan trọng, nhưng không “tương tự” như dự án mà nhà đầu tư dự định tham gia.
Do đó, TS. Nguyễn Thị Yến kiến nghị nên chỉnh sửa điều kiện này, bỏ chữ “tương tự” và giữ nguyên các nội dung khác. Như thế sẽ làm tăng tính khả thi của quy định này, đồng thời tạo điều kiện cho Thủ đô có thể lựa chọn được các nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu khi triển khai các dự án trọng điểm.
Ba là, điều kiện “có cam kết bằng văn bản về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; đáp ứng các yêu cầu về quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật Việt Nam” là khá chung chung. Theo TS. Nguyễn Thị Yến, cần cân nhắc bổ sung nội dung cam kết, quy định cụ thể trách nhiệm của nhà đầu tư chiến lược với dự án triển khai; quy định chế tài áp dụng đối với nhà đầu tư chiến lược nếu họ không triển khai, hoặc triển khai không đúng, không đầy đủ những gì đã cam kết… Nội dung này có thể quy định ngay trong Dự thảo Luật, hoặc trong Nghị định hướng dẫn thi hành, để cụ thể hóa các vấn đề nêu trên.
Có thể thấy, điều kiện trở thành nhà đầu tư chiến lược theo khoản 2 Điều 41 Dự thảo khác biệt so với điều kiện trở thành nhà đầu tư chiến lược theo khoản 3 Điều 6 Nghị định số 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 về chuyển doanh nghiệp (DN) Nhà nước và CTy TNHH một thành viên do DN Nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành Cty cổ phần.
TS. Nguyễn Thị Yến nhận định, đây là quy định hợp lý, vì nhà đầu tư chiến lược trong DN cổ phần hóa có những tiêu chuẩn riêng, nhà đầu tư chiến lược đầu tư vào các dự án, ngành nghề trọng điểm của Thủ đô có những tiêu chuẩn riêng, phù hợp với đặc thù của mỗi lĩnh vực.
Giải pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính | |
Sử dụng nguồn lực tài chính, ngân sách cho phát triển Thủ đô | |
Thành lập Quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại