Thứ hai 01/07/2024 01:51
Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi):

Tạo cơ chế đặc thù để Hà Nội phát triển

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Sáng nay (28/6), theo chương trình, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Trong đó, Luật Thủ đô (sửa đổi) có nhiều nội dung quy định các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, khác với quy định pháp luật chung hiện hành; được xây dựng nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập phát sinh trong quá trình thực hiện để xây dựng, phát triển Thủ đô thật sự xứng tầm.
Tạo cơ chế đặc thù để Hà Nội phát triển
Người dân thực hiện TTHC tại Sở Tư pháp Hà Nội. Ảnh: Công Phương.

Phân quyền mạnh mẽ cho Hà Nội

Dự thảo Luật thủ đô (sửa đổi) đặc biệt chú trọng phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho chính quyền địa phương. Đây là bước đột phá quan trọng, tạo tiền đề, cơ sở để thành phố có thể chủ động hoàn thiện bộ máy tổ chức và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, bảo đảm thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách đặc thù khác được giao trong dự thảo luật.

Chia sẻ về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) trình Quốc hội, bà Nguyễn Phương Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này theo hướng phân quyền mạnh mẽ hơn cho Thủ đô cũng như chính quyền các cấp, các nội dung liên quan đến tổ chức bộ máy, liên quan đến biên chế, tăng thẩm quyền, nhiệm vụ quyền hạn.

Ví dụ, cấp thành phố, HĐND TP được tăng cường thêm về số lượng đại biểu từ 95 lên tối đa là 125 đại biểu, số đại biểu hoạt động chuyên trách cũng được bổ sung. Quan trọng hơn là cơ chế hoạt động của HĐND sẽ có nhiều đổi mới, thường trực HĐND sẽ phát huy vai trò chủ động và tích cực hơn trong việc quyết định một số vấn đề giữa hai kỳ họp của HĐND. HĐND cũng được quyền tổ chức một số Ban tham mưu giúp việc theo từng lĩnh vực, không chỉ đóng cứng ở 4 Ban như Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện nay.

Tạo cơ chế đặc thù để Hà Nội phát triển
Bà Nguyễn Phương Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. Ảnh: Quốc hội.

Bà Nguyễn Phương Thủy cho biết thêm, cùng với HĐND, UBND TP cũng được bổ sung phân quyền một số thẩm quyền cụ thể mà trước đang giao cho Chính phủ hoặc cấp trên thực hiện. Về mặt tổ chức bộ máy, UBND cũng được thành lập thêm một số các cơ quan chuyên môn hoặc tổ chức hành chính trực thuộc để thực hiện những nhiệm vụ phát sinh phù hợp với tính chất, đặc điểm của Thủ đô.

Ở cấp quận, thị xã, TP thuộc TP (nếu sau này được thành lập) thì trong dự thảo Luật cũng đưa ra một số quy định tăng cường thêm tổ chức bộ máy cũng như tăng cường thêm về thẩm quyền cho cấp này để gánh vác những trách nhiệm, nhiệm vụ quyền hạn mới được bổ sung thêm cũng như đảm nhiệm vai trò của HĐND phường không được thành lập.

Về đội ngũ cán bộ công chức, viên chức thì trong dự thảo Luật cũng đã có những quy định theo hướng linh hoạt hơn, mở hơn. Ví dụ liên quan đến biên chế, trong Luật đưa ra một nguyên tắc là bảo đảm tỷ lệ cán bộ công chức, viên chức của Hà Nội trên tổng số dân không thấp hơn mức bình quân của cả nước, đây là điểm đổi mới hết sức quan trọng làm cơ sở cho cấp có thẩm quyền có thể xem xét quyết định cao hơn hiện nay.

Cán bộ công chức cấp xã thì sẽ được chuyển thành cán bộ công chức theo quy định của Luật cán bộ công chức để tạo sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống công vụ, tạo điều kiện cho việc nâng cao hơn nữa năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức tại địa bàn Thủ đô Hà Nội.

Phát triển Thủ đô như một đô thị đặc biệt

Theo bà Nguyễn Phương Thủy, tại Điều 14 quy định về cơ chế phân cấp ủy quyền các cơ quan thuộc chính quyền TP Hà Nội. Hiện tại trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương thì chúng ta đã có cơ chế phân cấp, ủy quyền, những quy định này đã thực hiện một thời gian khá dài và qua thực hiện thực tế thì có thể phát sinh một số bất cập.

Tạo cơ chế đặc thù để Hà Nội phát triển
Đại biểu Khương Thị Mai, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định. Ảnh: Quốc hội.

Vừa qua, qua theo dõi thì Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu về thực hiện phân cấp, ủy quyền cho các cơ quan ở cấp dưới thực hiện những nhiệm vụ phù hợp với cả điều kiện, năng lực của từng địa phương. Tuy nhiên, chúng ta có quy định về nguyên tắc nhưng thiếu cơ chế để đảm bảo thực hiện và thực hiện còn vướng mắc nên Điều 14 của dự thảo Luật đã đưa ra một cơ chế tương đối hoàn chỉnh về việc thực hiện phân cấp và ủy quyền giữa các cơ quan tổ chức trong chính quyền của TP Hà Nội.

Theo đó, xác định rõ các cơ quan nào được phân cấp, ủy quyền, mở rộng phạm vi các cơ quan, tổ chức, cá nhân được nhận ủy quyền, quy định rõ trách nhiệm của bên phân cấp ủy quyền cũng như bên thực hiện ủy quyền. Và kèm theo việc phân cấp ủy quyền thì cũng giao cho cơ quan được quyền điều chỉnh các quyết định về trình tự, thủ tục để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ được phân cấp ủy quyền đó và có xác định điều kiện cụ thể. Ví dụ, phải bảo đảm yêu cầu về cải cách thủ tục hành chính, không quy định thêm thành phần hồ sơ, không tăng thêm yêu cầu cũng như thời hạn giải quyết so với quy định hiện hành.

Đại biểu Khương Thị Mai, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định cho biết, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) có nhiều nội dung thể hiện tăng cường phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho chính quyền TP Hà Nội trên một số lĩnh vực, thể chế hóa kịp thời chỉ đạo, kết luận của Trung ương và của Bộ Chính trị, ví dụ như khoản 3, Điều 9, quy định HĐND TP được chủ động hơn trong việc thành lập các ban của HĐND TP, giao HĐND TP một số thẩm quyền, như quyết định việc thành lập mới, tổ chức lại, giải thể các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính thuộc UBND TP.

"Tôi hoàn toàn nhất trí với dự thảo luật về nội dung thể hiện tăng cường phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho chính quyền Hà Nội. Với tính chất, yêu cầu, vị trí đặc biệt quan trọng của thủ đô cần phải được chú trọng đầu tư và phát triển như một đô thị đặc biệt, một đơn vị hành chính đặc biệt, việc dự thảo quy định Luật Thủ đô là đô thị đặc biệt là phù hợp với yêu cầu phát triển tình hình thực tiễn, bảo đảm đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đô thị theo Nghị quyết số 06 và Kết luận số 80 của Bộ Chính trị" - đại biểu Khương Thị Mai nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn cho biết, Nghị quyết số 15 của Bộ Chính trị nêu rất cụ thể là cần phải phân cấp phân quyền mạnh mẽ cho chính quyền Thủ đô để bảo đảm tính tự quyết, tự chủ, tự chịu trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ phát triển, bảo vệ, quản lý Thủ đô. Luật Thủ đô lần này đã hoàn thành sứ mệnh đó.

"Luật Thủ đô (sửa đổi) được thông qua với những quy định được chỉnh sửa trong Luật thì cơ bản đã tạo được tính chủ động rất cao cho chính quyền Hà Nội trong giải quyết những công việc hàng ngày lớn của Thủ đô hơn 10 triệu dân. Quy định về phân cấp phân quyền của Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này đáp ứng được thực tiễn, nhu cầu phát triển, quản lý, bảo vệ Thủ đô" - ông Lê Hồng Sơn nhấn mạnh.

Kỳ vọng mở ra Kỳ vọng mở ra "kỷ nguyên mới" cho Hà Nội

Đại biểu Trương Xuân Cừ, Đoàn ĐBQH TP Hà Nội cho rằng, Quốc hội thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ là cơ sở ...

Công Phương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động