Thành lập Quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênDi tích lịch sử Hoàng thành Thăng Long là một trong các công trình văn hóa được bảo vệ, bảo tồn và phát huy từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Quỹ Bảo tồn di sản và phát triển văn hóa Thủ đô. Ảnh: Bạch Dương |
Quỹ Bảo tồn di sản và phát triển văn hóa Thủ đô
Tại khoản 4 và 5 Điều 23 Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đề xuất thành lập Quỹ Bảo tồn di sản và phát triển văn hóa Thủ đô. Theo Dự thảo thì đây là quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách để đầu tư cho nghiên cứu, bảo vệ di sản văn hóa, hỗ trợ hoạt động giáo dục, quảng bá và sáng tạo dựa trên di sản văn hóa Thủ đô…
Theo quan điểm của TS.Trần Vũ Hải, việc thành lập Quỹ Bảo tồn di sản và phát triển văn hóa Thủ đô là cần thiết trong bối cảnh hiện nay nhưng cần thiết chú ý những nội dung sau:
Một là, ngoài quy định tại Luật Ngân sách nhà nước (NSNN) và thực tiễn hiện nay ở một số địa phương, cần dẫn chiếu thêm Luật Di sản văn hóa năm 2001 (sửa đổi, bổ sung năm 2009). Tại Điều 57 Luật Di sản văn hóa có quy định Nhà nước khuyến khích việc xã hội hoá hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá, đồng thời tại Điều 58 ghi nhận nguồn tài chính để bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá bao gồm NSNN, các khoản thu từ hoạt động sử dụng và phát huy giá trị di sản văn hoá và tài trợ và đóng góp của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài.
Hai là, cần quy định rõ nhiệm vụ chi “ngoài nhiệm vụ chi của NSNN” được hiểu thế nào vì Luật Ngân sách nhà nước xác định nguyên tắc “không trùng với nguồn thu, nhiệm vụ chi của NSNN” chứ không phải là “ngoài nhiệm vụ chi của NSNN”...
Ba là, có thể gộp khoản 4 và 5 của Điều 23 thành một khoản để đảm bảo tính liên tục của quy định. Không nên viết là “Quỹ Bảo tồn di sản và phát triển văn hóa Thủ đô hoạt động theo các quy định sau đây”, vì quy định để quản lí Quỹ này không chỉ ở Điều 23 mà còn ở nhiều văn bản pháp luật khác. Thực chất, nội dung tại khoản 5 Điều 23 nên được xem là những nguyên tắc hoạt động của Quỹ thì đúng hơn. Do đó nên sửa lại là: “Quỹ Bảo tồn di sản và phát triển văn hóa Thủ đô hoạt động theo các nguyên tắc sau đây.”
Bốn là, đối với Điều 23 nói chung và khoản 4, 5 nói riêng, để có thể thực hiện được trên thực tế thì rất cần việc quy định chi tiết của Chính phủ, nhất là trong bối cảnh chưa có quy định cụ thể về Quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách. Do đó, khoản cuối cùng của Điều 23 nên là quy định “Chính phủ quy định chi tiết Điều này”.
Quỹ Bảo tồn, tái thiết khu nội đô lịch sử của Thủ đô Hà Nội
Tại khoản 6 và 7 Điều 32 Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đề xuất thành lập Quỹ Bảo tồn, tái thiết khu nội đô lịch sử của Thủ đô Hà Nội để thực hiện cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa khu vực nội đô lịch sử…
TS.Trần Vũ Hải cho rằng, việc thành lập Quỹ Bảo tồn, tái thiết khu nội đô lịch sử của Thủ đô Hà Nội về cơ bản là hợp lí và góp ý thêm một số nội dung: Một là, cần quy định để xác định rõ để không chồng lấn về chức năng của Quỹ Bảo tồn, tái thiết khu nội đô lịch sử của Thủ đô Hà Nội với Quỹ Bảo tồn di sản và phát triển văn hóa Thủ đô.
Hai là, cần hết sức cân nhắc quy định về nguồn thu khác của Quỹ gồm khoản “đóng góp của các chủ đầu tư xây dựng các khu đô thị mới” và khoản “trích một phần lợi nhuận để nộp quỹ” của cá nhân kinh doanh dịch vụ, du lịch tại khu vực nội đô lịch sử, các khu thúc đẩy thương mại, văn hoá. Quy định như vậy được hiểu là các khoản thu bắt buộc, trong khi đó cơ sở cho các khoản thu này không thật sự hợp lí…
Ba là, về mặt kĩ thuật, góp ý đối với nội dung này cũng tương tự như đối với phần quy định về Quỹ Bảo tồn di sản và phát triển văn hóa Thủ đô. Tức là cũng nên gộp khoản 6 và khoản 7 Điều 32 thành một khoản, đồng thời khoản cuối cùng của Điều 32 nên là quy định “Chính phủ quy định chi tiết Điều này”.
Quỹ Học bổng dành cho học sinh tài năng của Thủ đô
Tại điểm c khoản 5 Điều 24 Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) có quy định về Quỹ Học bổng dành cho học sinh tài năng của Thủ đô được tuyển chọn, cử đi học tập, đào tạo ở các cơ sở giáo dục và đào tạo có uy tín trên thế giới, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự phát triển của Thủ đô.
Theo TS.Trần Vũ Hải, chủ trương quy định thành lập Quỹ Học bổng dành cho học sinh tài năng của Thủ đô chưa thật sự “chín”. Mặc dù GD&ĐT là một chính sách quan trọng, nhưng chính sách này đúng với cả nước, không chỉ riêng Hà Nội, tức là việc thành lập quỹ này không đảm bảo tính chất đặc thù chỉ có ở Thủ đô.
Trong khi, với mức độ phát triển của giáo dục Hà Nội cùng mặt bằng thu nhập của người dân, việc khuyến khích thông qua học bổng sẽ tạo cảm giác là “nước chảy chỗ trũng”, là “hỗ trợ người giàu”. Còn đối với các đối tượng khó khăn thực sự thì đã chính sách chung của Nhà nước.
Trên thực tế, chính sách đầu tư phát triển nhân tài thông qua cử đi đào tạo ở nước ngoài đã được một số địa phương triển khai trong thời gian qua nhưng không thu được kết quả như kì vọng. Do đó, việc thành lập quỹ này là chưa phù hợp tại thời điểm hiện nay.
Theo TS.Trần Vũ Hải có 02 phương án trung dung hơn có thể nghiên cứu. Một là, có thể thành lập Quỹ, nhưng chỉ là quỹ tự nguyện, không phải sử dụng NSNN để cấp vốn điều lệ.
Hai là, thành lập Quỹ đào tạo, bồi dưỡng nhân lực chất lượng cao dành cho đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan của TP Hà Nội, chứ không phải dành cho học sinh trên địa bàn Thủ đô Hà Nội.
Nâng cao chất lượng thực hiện chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa | |
Giải pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính | |
Sử dụng nguồn lực tài chính, ngân sách cho phát triển Thủ đô |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại