Cần đưa ra căn cứ khoa học chứng minh tác hại của đồ uống có đường trước khi áp thuế
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênToàn cảnh phiên thảo luận tại tổ 8, gồm các đoàn: Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ. Ảnh: Quốc hội |
Chứng minh tác hại của đồ uống có đường trước khi áp thuế?
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, các đại biểu đã thảo luận tại tổ về dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Các đại biểu đều tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật.
Góp ý tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Thanh Phong, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Vĩnh Long quan tâm tới nội dung bổ sung nước giải khát theo có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế và áp mức thuế tiêu thụ đặc biệt 10%. Đại biểu tán thành với những giải thích về việc bổ sung loại đồ uống này vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Tuy nhiên theo đại biểu, việc áp dụng mức thuế suất tiêu thụ đặc biệt 10% được dự báo sẽ tác động không thuận tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp sản xuất nước giải khát và các ngành công nghiệp phụ trợ. Ngoài ra, quy định này cũng có khả năng làm dịch chuyển xu hướng tiêu dùng của người dân sang gia tăng việc sử dụng các mặt hàng đồ uống được sản xuất không chính thức hoặc các sản phẩm sản xuất thủ công.
Để nội dung này nhận được sự đồng tình và có thể thực thi hiệu quả khi được ban hành, đại biểu đề nghị các cơ quan chuyên môn đưa ra những căn cứ, cơ sở khoa học để chứng minh rằng một trong những nguyên nhân gây béo phì, tăng tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2, tăng huyết áp… là do sử dụng nhiều nước giải khát có hàm lượng đường cao; và việc giảm tỷ lệ sử dụng nước giải khát có hàm lượng đường cao sẽ góp phần cải thiện tình trạng béo phì, các bệnh có liên quan.
Đại biểu Nguyễn Thanh Phong, Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long |
Vì theo đại biểu, việc đưa ra những căn cứ, cơ sở khoa học sẽ là nguồn tài liệu quan trọng để tuyên truyền hiệu quả, hướng đến mục tiêu quan trọng của việc bổ sung quy định này là điều chỉnh hành vi của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, đây cũng là căn cứ đủ sức thuyết phục đối với các doanh nghiệp sản xuất mặt hàng này. Từ đó doanh nghiệp có sự thay đổi công nghệ, điều chỉnh thành phần, công thức sản xuất nước giải khát, giảm tỷ lệ đường trong sản phẩm phù hợp với quy định và xu hướng chung là bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Đồng thời, đại biểu đề xuất dự thảo cần quy định lộ trình áp dụng mức thuế 10% này để doanh nghiệp có sự chuẩn bị các chiến lược phù hợp, hạn chế tác động đến việc sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.
Đánh giá tác động kỹ để xác định đúng, đủ các sản phẩm đồ uống có đường
Còn đại biểu Tạ Thị Yên, Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên cho rằng, nếu căn cứ nhiệm vụ nêu trong Chiến lược Dinh dưỡng Quốc gia thì rõ ràng việc đề xuất đánh thuế tiêu thụ đặc biệt chỉ đối với nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam là chưa bao quát đầy đủ, không những không thực hiện đầy đủ nhiệm vụ của Chiến lược Dinh dưỡng đã đặt ra mà còn có tác động ngược ở hai khía cạnh như sau:
Thứ nhất, theo đại biểu, tác động ngược với nhận thức của người tiêu dùng. Thực tế hiện nay, nhiều người tiêu dùng chưa nhận thức được rằng hàm lượng đường trong một số đồ uống có đường như nước ép hoa quả, sản phẩm từ ca-cao, sữa và thực phẩm dinh dưỡng dạng lỏng còn cao hơn nước giải khát.
Luật sửa đổi thuế sẽ gây hiểu lầm từ phía người tiêu dùng rằng chỉ cần không dùng nước giải khát có đường thì sẽ không bị bệnh thừa cân, béo phì. Người tiêu dùng có thể vẫn chọn lựa các sản phẩm đồ uống có lượng đường cao (nước ép, sản phẩm ca-cao, sữa và thực phẩm dạng lỏng với mục đích dinh dưỡng). Như vậy, sẽ không thể đạt được mục tiêu sức khỏe là giảm tỷ lệ thừa cân, béo phì.
Đại biểu Tạ Thị Yên, Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên. Ảnh: Quốc hội |
Thứ hai, có thể sẽ tạo ra sự bất bình đẳng giữa các ngành hàng. Giải trình của Chính phủ trong Hồ sơ dự án Luật khi cho rằng bước đầu chỉ áp thuế với nước giải khát, còn các sản phẩm đồ uống có đường khác thì sẽ nghiên cứu thêm và xem xét áp dụng sau là chưa thật sự thuyết phục. Bởi như vậy, vô hình chung việc ban hành sắc thuế tiêu thụ đặc biệt chỉ đối với nước giải khát có đường sẽ tạo sự phân biệt đối xử đối với ngành nước giải khát.
Do vậy, đại biểu Tạ Thị Yên đề nghị Chính phủ tiến hành nghiên cứu tổng thể và đánh giá tác động kỹ lưỡng để xác định đúng, đủ các sản phẩm đồ uống có đường (bao gồm: nước ngọt có ga hoặc không có ga, nước ép và đồ uống từ trái cây/rau củ, chất cô đặc dạng bột và lỏng, nước có pha chế hương liệu, nước tăng lực và đồ uống cho người chơi thể thao; trà pha sẵn, cà phê pha sẵn, đồ uống sữa có pha chế hương liệu) cần phải áp thuế tiêu thụ đặc biệt có thể thực hiện được đầy đủ nhiệm vụ đã được đặt ra trong Chiến lược Quốc gia về Dinh dưỡng và khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới.
Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng, Đoàn ĐBQH TP Cần Thơ góp ý, đối với vấn đề bổ sung mức thuế tuyệt đối với mặt hàng thuốc lá, đại biểu nêu rõ, Tờ trình đang đưa ra 2 phương án về lộ trình tăng thuế đối với các mặt hàng thuốc lá để góp phần tăng tính hiệu quả của chính sách trong định hướng tiêu dùng, phù hợp với xu hướng cải cách thuế của các nước.
Đại biểu cho rằng, cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng cả 2 phương án này. Đảm bảo rằng mức độ điều chỉnh phù hợp về vấn đề công ăn việc làm cho một lực lượng lớn cả người sản xuất và người trồng; đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất có thể điều chỉnh cho phù hợp với lộ trình tăng không quá “sốc”.
Đồng tình với sự cần thiết sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt để phù hợp với thực tiễn hiện nay, đại biểu Thái Thị An Chung, Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An cho rằng, dự thảo luật cần bổ sung thêm một số mặt hàng như nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Tuy vậy, mức thuế suất cần tính toán sao cho hài hòa lợi ích của các bên liên quan.
Cần có quy định bảo vệ nhà giáo | |
Xây dựng bảng lương riêng cho nhà giáo, đảm bảo cao hơn các ngành nghề khác |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại