Thứ tư 20/11/2024 18:25

Xây dựng bảng lương riêng cho nhà giáo, đảm bảo cao hơn các ngành nghề khác

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Theo đại biểu, việc ưu tiên nhà giáo còn thiếu cơ chế cụ thể về mức độ ưu tiên, khiến chính sách khó thực thi đồng bộ. Từ đó nhà giáo không cảm thấy được đảm bảo về thu nhập, đại biểu đề nghị xây dựng bảng lương riêng cho nhà giáo, đảm bảo mức lương cao hơn các ngành nghề khác…
Xây dựng bảng lương riêng cho nhà giáo, đảm bảo cao hơn các ngành nghề khác
Đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: Quốc hội

Sáng 20/11, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Nhà giáo.

Góp ý về vấn đề tuyển dụng, sử dụng Nhà giáo, đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Quảng Ngãi cho biết, thực tế hiện nay vẫn còn tình trạng thừa/thiếu giáo viên cục bộ, việc tuyển dụng nhà giáo công tác tại vùng sâu, vùng xa còn khó khăn, thậm chí có những địa bàn không tuyển dụng được giáo viên.

Đại biểu đề nghị cần có sự thống nhất đầu mối quản lý giáo dục, phân cấp, phân công hợp lý để tháo gỡ các nút thắt trong tuyển dụng và sử dụng nhà giáo. Đồng thời cần nghiên cứu bổ sung quy định về bảo lưu chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo được điều động sang cơ quan quản lý giáo dục.

Về quyền và nghĩa vụ của nhà giáo, đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương cho rằng đời sống của một bộ phận nhà giáo còn khó khăn, chưa thể sống bằng nghề, chưa được quan tâm và bảo vệ xứng đáng từ xã hội. Đại biểu đề nghị cần quy định rõ về quyền của nhà giáo liên quan đến việc làm, môi trường làm việc được bảo vệ an toàn, được tôn trọng. Đồng thời cần có chế độ bảo vệ, hỗ trợ phục hồi đối với nhà giáo bị ảnh hưởng từ các hành vi xâm hại, bạo lực; cần rà soát, điều chỉnh quy định về những việc không được làm của nhà giáo.

Về tiền lương và chế độ đãi ngộ, đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương đề nghị cần quan tâm đến đời sống, thu nhập của nhà giáo, đặc biệt là giáo viên mầm non và giáo viên trẻ. Bên cạnh đó, cần rà soát, điều chỉnh về bổ nhiệm, miễn nhiệm nhà giáo giữ chức vụ quản lý ở các cơ sở giáo dục.

Xây dựng bảng lương riêng cho nhà giáo, đảm bảo cao hơn các ngành nghề khác
Đại biểu Thạch Phước Bình, Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh. Ảnh: Quốc hội

Góp ý về chính sách tiền lương cho nhà giáo tại Điều 27, đại biểu Thạch Phước Bình, Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh cho rằng, quy định lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang, bậc lương hành chính sự nghiệp là chưa rõ ràng, dễ dẫn đến cách hiểu và áp dụng khác nhau; các phụ cấp ưu đãi nghề chưa đủ hấp dẫn, đặc biệt đối nhà giáo công tác ở vùng sâu, vùng xa, nơi có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn.

Đại biểu nhấn mạnh, việc ưu tiên nhà giáo ở các ngành nghề đặc thù còn thiếu cơ chế cụ thể về mức độ ưu tiên, khiến chính sách khó thực thi đồng bộ. Từ đó nhà giáo không cảm thấy được đảm bảo về thu nhập, đặc biệt ở vùng ở các vùng khó khăn dẫn đến tình trạng thiếu hụt giáo viên ở những nơi này. Đại biểu đề nghị xây dựng bảng lương riêng cho nhà giáo, đảm bảo mức lương cao hơn rõ ràng so với các ngành khác trong khối hành chính sự nghiệp. Tăng phụ cấp ưu đãi nghề đặc biệt ở các khu vực khó khăn, với tỷ lệ phụ cấp từ 50 đến 100% tùy theo mức độ đặc thù của từng địa phương. Quy định rõ mức độ ưu tiên và cơ chế thực thi cho nhà giáo ngành nghề đặc thù, đảm bảo công bằng, hiệu quả.

Về chính sách hỗ trợ nhà giáo tại Điều 28, dự thảo luật quy định chung chung về chăm sóc sức khỏe nghề nghiệp và các chính sách khác là chưa rõ ràng về cách triển khai và đối tượng áp dụng. Đại biểu đề nghị bổ sung quy định cụ thể hơn chính sách chăm sóc sức khỏe nghề nghiệp, như khám sức khỏe định kỳ, miễn phí hỗ trợ điều trị bệnh nghề nghiệp. Nâng mức phụ cấp lưu động và mở rộng phạm vi hỗ trợ cho nhà giáo biệt phái hoặc dạy liên trường, đảm bảo tối thiểu 50% chi phí đi lại.

Đại biểu Chamaléa Thị Thủy - Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận thống nhất với chủ trương là “cần phải xem giáo dục là quốc sách” trong mọi giai đoạn phát triển của đất nước. Vì vậy, việc chăm lo về chế độ chính sách, tôn vinh đội ngũ làm công tác giáo dục cần phải được chú trọng.

Tuy nhiên, để thực hiện được chế độ, chính sách được đề ra tại dự thảo Luật và dự thảo Nghị định quy định 9 nội dung chính sách tiền lương, phụ cấp hỗ trợ thu hút đối với nhà giáo, đại biểu cho rằng, cần phải căn cứ vào Luật Ngân sách có đảm bảo thực hiện được hay không, phải có đánh giá tác động chính sách thật kỹ. Đồng thời chính sách nếu có ưu tiên hơn thì cũng nên đặt trong mối tương quan hài hòa với các đội ngũ trí thức, lực lượng lao động khác của xã hội, những người cùng hưởng lương từ ngân sách Nhà nước.

Xây dựng bảng lương riêng cho nhà giáo, đảm bảo cao hơn các ngành nghề khác
Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh, Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long. Ảnh: Quốc hội

Phát biểu tranh luận với một số ý kiến cho rằng dự thảo Luật chưa tương xứng với vị thế và vai trò của nhà giáo, đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh, Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long nêu rõ, về những điểm mới trong dự thảo Luật, đại biểu nhận thấy quyền và nghĩa vụ của nhà giáo cũng được quy định rất rõ ràng, đầy đủ, có hệ thống, đồng thời cũng quy định những việc không được làm, góp phần khẳng định và nâng cao vị thế nhà giáo... Tại chính sách điều động, biệt phái, thuyên chuyển, dạy liên trường, liên cấp đối với các cơ sở giáo dục công lập cũng được quy định làm căn cứ để bố trí, phân công nhà giáo phù hợp với yêu cầu đổi mới giáo dục và tăng quyền tự chủ cho các trường.

Liên quan tới quy định về chính sách tiền lương, chế độ ưu tiên về tuổi nghỉ hưu đối với giáo viên mầm non, đại biểu nhận thấy đây là những nội dung còn nhiều bất cập đã được đề cập trong nhiều năm qua nhưng chưa được giải quyết, dự thảo Luật trình Kỳ họp thứ 8 đã đưa ra được một số giải pháp về vấn đề này. Tuy nhiên, đại biểu kiến nghị khi ban hành Nghị định, Thông tư, Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo cần cụ thể hóa các quy định chung này, đảm bảo thời gian, công sức lao động của giáo viên mầm non được ghi nhận với chế độ tương xứng. Cùng với đó cần có quy định về chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn trong việc đào tạo, tự bồi dưỡng, tạo điều kiện về thời gian, tài chính, quyền lợi cho nhà giáo tự học, tự bồi dưỡng để nâng cao năng lực chuyên môn, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Song song đó cần có chế độ đặc thù quy định về nâng lương trước thời hạn và khen thưởng đối với nhà giáo có thành tích xuất sắc.

Đại biểu cũng đề nghị nhà giáo được ưu tiên mua nhà ở xã hội và đảm bảo các điều kiện về vật chất, trang thiết bị phục vụ hoạt động dạy và học.

Đề xuất thí điểm mở rộng đất cho dự án nhà ở thương mại Đề xuất thí điểm mở rộng đất cho dự án nhà ở thương mại
Cần có quy định bảo vệ nhà giáo Cần có quy định bảo vệ nhà giáo
N.D
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động