Thứ năm 21/11/2024 18:05

Hội thảo khoa học "Triển khai Luật Thủ đô số 39/2024/QH15: một số vấn đề lý luận và thực tiễn"

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Sáng 14/11, Thành ủy - Hội đồng Nhân dân - Ủy ban Nhân dân TP Hà Nội phối hợp với Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản tổ chức Hội thảo khoa học "Triển khai Luật Thủ đô số 39/2024/QH15: một số vấn đề lý luận và thực tiễn".
Hội thảo khoa học
Quang cảnh buổi Hội thảo khoa học "Triển khai Luật Thủ đô số 39/2024/QH15: một số vấn đề lý luận và thực tiễn". Ảnh: Vương Vân

Luật Thủ đô có ý nghĩa đặc biệt vì Hà Nội

Tham dự Hội thảo về phía Trung ương có: PGS.TS Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản. Về phía TP Hà Nội có: Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong; Phó Chủ tịch HĐND TP Phạm Quí Tiên; Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai.

Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS Lê Hải Bình cho biết, ngày 28/6/2024, Quốc hội Khóa XV đã thông qua Luật Thủ đô, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025. Luật gồm 7 Chương, 54 Điều (tăng 3 chương, 27 điều so với Luật Thủ đô năm 2012) với nhiều nội dung mới, hướng đến việc phân cấp, phân quyền mạnh mẽ trên các lĩnh vực... cùng nhiều giải pháp chính sách đặc thù, vượt trội, phù hợp với tình hình thực tiễn, định hướng phát triển đất nước, Thủ đô Hà Nội trong giai đoạn mới.

Luật Thủ đô (sửa đổi) ra đời nhằm đáp ứng mục tiêu đặt ra của 3 Nghị quyết (Nghị quyết 15, Nghị quyết 06 và Nghị quyết 30 năm 2022) của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Luật Thủ đô được ban hành để quy định về các nguyên tắc quản lý, bảo vệ và phát triển Thủ đô Hà Nội, tạo nền tảng pháp lý cho việc xây dựng Hà Nội thành một đô thị văn minh, hiện đại và phát triển bền vững.

Theo PGS.TS Lê Hải Bình, đây là luật có ý nghĩa đặc biệt vì Hà Nội là trung tâm chính trị, hành chính, văn hóa và kinh tế quan trọng của cả nước. Luật Thủ đô đã xóa nhiều rào cản hành chính, tháo gỡ các điểm nghẽn, đáp ứng nhu cầu phát triển ngày càng cao của Hà Nội trong bối cảnh đô thị hóa nhanh chóng, đồng thời, khơi thông pháp lý để Thủ đô Hà Nội phát triển một cách bền vững và hiện đại.

Hội thảo khoa học
PGS.TS Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Vương Vân

Hội thảo Luật Thủ đô là hoạt động nằm trong chuỗi hoạt động nhằm triển khai Luật Thủ đô của TP Hà Nội trong thời gian vừa qua kể từ khi Luật được thông qua. Triển khai Quyết định số 4279/QĐ-UBND về việc thành lập Tổ công tác và Tổ giúp việc thi hành Luật Thủ đô, tập trung vào ba nhiệm vụ chính: chỉ đạo triển khai thi hành Luật Thủ đô; phối hợp với các bộ, ngành trong công tác liên quan và điều phối việc thực hiện luật song hành với Quy hoạch chung Thủ đô.

Cụ thể, tập trung đưa Luật Thủ đô vào cuộc sống, tận dụng tốt các cơ chế đặc thù, vượt trội để phát triển, rà soát, đề xuất hoàn thiện các quy định pháp luật hiện hành. Triển khai các giải pháp chiến lược thực hiện Luật Thủ đô, đề xuất hỗ trợ hạ tầng giao thông xanh và đô thị thông minh. Ưu tiên giải pháp môi trường, phát triển bền vững. Xây dựng lộ trình di dời cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Xây dựng chính sách phát triển giáo dục chất lượng cao. Xây dựng hệ thống cấp cứu ngoại viện theo chuẩn quốc tế…

Giải pháp tổ chức thi hành Luật Thủ đô hiệu lực, hiệu quả

Hội thảo được tổ chức nhằm làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn thúc đẩy việc ban hành Luật Thủ đô; tuyên truyền nâng cao nhận thức về ý nghĩa, vai trò của Luật Thủ đô trong xây dựng và phát triển Thủ đô. Nhận diện Luật Thủ đô trong bối cảnh mới, điều kiện mới, phân tích những cơ hội, thách thức đặt ra trong việc triển khai Luật Thủ đô.

Cùng với đó là lộ trình, trách nhiệm, sự phối hợp của các cấp, các ngành và địa phương trong việc thi hành Luật Thủ đô thực hiện Luật Thủ đô trên các lĩnh vực, nội dung cụ thể. Đề xuất một số giải pháp tổ chức thi hành Luật Thủ đô bảo đảm kịp thời, đồng bộ, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả, phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh, sử dụng có hiệu quả cao nhất các nguồn lực để phát triển Thủ đô trong tình hình hiện nay. Để đạt được mục đích trên, trong Hội thảo này PGS.TS Lê Hải Bình đề nghị các đại biểu tập trung làm rõ một số nội dung trọng tâm các vấn đề.

Trước hết là sự cần thiết của việc triển khai Luật Thủ đô một cách kịp thời, qua đó, tạo cơ hội để Thủ đô Hà Nội có những chính sách "mở đường", đột phá, vượt trội trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội. Đề xuất xây dựng một hệ thống các văn bản, quy định, giải pháp để cụ thể hóa các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội nhằm thúc đẩy Thủ đô phát triển nhanh, bền vững, đóng góp nhiều hơn cho công cuộc xây dựng phát triển đất nước.

Đồng thời, vừa nhấn mạnh tính khả thi, thống nhất, đồng bộ với hệ thống chính sách, pháp luật hiện hành của đất nước, vừa làm rõ được những cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội dành cho Thủ đô. Đây là yếu tố quyết định để Luật Thủ đô sớm đi vào cuộc sống, khắc phục được những tồn tại, hạn chế của việc triển khai thi hành Luật Thủ đô trong giai đoạn trước đây.

Đặc biệt là thống nhất tư tưởng, tạo sự đồng thuận trong đội ngũ cán bộ Đảng, chính quyền và người dân Thủ đô Hà Nội trong việc thực hiện Luật Thủ đô. Nêu các vướng mắc pháp lý có thể xảy ra, các "điểm nghẽn" cần được nhận thức, quán triệt và đồng lòng tháo gỡ… trong quá trình thực hiện Luật Thủ đô.

Từ kinh nghiệm quốc tế, gợi mở cho Hà Nội việc vận dụng những cơ chế, chính sách phù hợp với vị trí, vai trò, chức năng của Thủ đô theo quy định của Hiến pháp năm 2013; giúp cho Thủ đô thực hiện hiệu quả, rõ nét hơn chức năng, nhiệm vụ không chỉ là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, mà còn là trung tâm lớn về kinh tế, về văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ và hội nhập quốc tế; có sự so sánh giữa Luật Thủ đô với một số luật của thủ đô một số nước trên thế giới.

PGS.TS Lê Hải Bình nhấn mạnh, những yêu cầu quản trị, phát triển đặt ra đối với Hà Nội - một Thủ đô có quy mô dân số lớn so với thủ đô của các nước thế giới, của một quốc gia có quy mô dân số rất lớn, có nền kinh tế đang trong quá trình phát triển nhanh.

Từ đó, đề xuất nhiều cơ chế, chính sách rất mới, có những cơ chế, chính sách chưa được quy định trong Luật Thủ đô, gợi mở cho việc tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện pháp luật về Thủ đô. Nhiều cơ chế, chính sách được đề xuất trong các tham luận phù hợp với xu thế phát triển của thời đại, phù hợp định hướng trong dự thảo Báo cáo chính trị của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV và quan điểm chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Hội thảo đã nhận được 62 bài viết của nhiều tác giả là các nhà khoa học, cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp về nhiều chủ đề, nhiều khía cạnh khác nhau của việc thực hiện Luật Thủ đô. Ban tổ chức Hội thảo cũng đã biên tập và hiệu đính để có cuốn kỷ yếu hội thảo bảo đảm chất lượng.

Huyện Sóc Sơn tuyên truyền Luật Thủ đô 2024 đến cán bộ và Nhân dân trên địa bàn

Huyện Sóc Sơn tuyên truyền Luật Thủ đô 2024 đến cán bộ và Nhân dân trên địa bàn

Thực hiện Kế hoạch số 325/KH-UBND ngày 29/1/2023 của UBND TP Hà Nội về phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải cơ sở, chuẩn ...

Công Phương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động