Những cách hữu hiệu để phòng tránh nắng, nóng kéo dài ở miền Bắc
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênViệc người dân thực hiện các biện pháp phòng chống nắng, nóng trong những đợt nắng, nóng kéo dài là điều vô cùng cần thiết để bảo vệ sức khỏe |
Tiếp xúc với nắng nóng
Trường hợp tiếp xúc dưới nắng cường độ cao trong thời gian dài, cơ thể dễ bị sốc nhiệt, cháy nắng, say nắng dẫn đến ngất, thậm chí nặng hơn là đột quỵ. Do vậy, mọi người cần hạn chế đi ra ngoài đường vào giờ cao điểm nắng nóng. Tránh ra ngoài đường trong khoảng thời gian từ 11h đến 15h vì đây thường là khoảng thời gian nắng gay gắt nhất.
Đối với những người bắt buộc đi ra ngoài hay làm việc ngoài trời cần trang bị giải pháp chống nóng phù hợp như mặc quần áo chống nắng, thấm mồ hôi tốt, rộng rãi và có khả năng tản nhiệt tốt. Nên chọn quần áo có chất vải tối màu để giảm hấp thụ nhiệt từ bức xạ. Cùng với đó là đội mũ nón, đeo kính chống nắng.
Với những người làm việc dưới thời tiết nắng nóng nên mặc đồ bảo hộ lao động cẩn thận. Lưu ý, mọi người không nên làm việc ngoài trời quá lâu. Cứ sau mỗi 45 phút đến 1 giờ cần nghỉ dưới bóng râm mát 10-15 phút để cơ thể phục hồi và bù nước.
Nên bôi kem chống nắng bảo vệ da, với các sản phẩm chống nắng có chỉ số SPF 50 trở lên để bảo vệ da hiệu quả.
Bổ sung đầy đủ nước, thức ăn đa dạng, đảm bảo dinh dưỡng
Cơ thể sẽ dễ mất nước, mất khoáng khi trời nắng nóng nên cần tăng cường sức đề kháng bằng cách bù nước, bù khoáng chất và vitamin. Khi ra ngoài đường, vui chơi cần phải mang nước để cung cấp cho cơ thể khi cần.
Cải thiện chế độ ăn, dinh dưỡng giàu trái cây có khả năng thanh nhiệt, vitamin A, C, E… Nên uống sữa tươi để bổ sung protein và sức đề kháng.
Thức ăn trong mỗi bữa ăn nên đa dạng, đảm bảo đủ chất dinh dưỡng. Nên ăn chín, uống sôi, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Với trẻ em và người già, cần chú ý cải thiện chế độ ăn, dinh dưỡng đủ chất để chống say nắng, sốc nhiệt.
Hạ nhiệt cơ thể đúng cách
Cơ thể sau khi đi ngoài đường, cần được hạ nhiệt đúng cách để tránh sốc nhiệt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
Tăng cường vệ sinh cá nhân nhưng không nên tắm ngay khi mới đi nắng về vì cơ thể đang ra nhiều mồ hôi, nhiệt độ cơ thể cao, tắm sẽ khiến cơ thể bị sốc nhiệt dễ dẫn đến đột quỵ. Nên ngồi quạt nhẹ nghỉ ngơi một chút để cơ thể hạ nhiệt.
Không nên uống nước đá lạnh hay nước ngọt có ga. Điều này sẽ dễ khiến cơ thể bị mất nước. Tốt nhất nên chọn nước lọc để nguội, nước hoa quả hay điện giải.
Sử dụng điều hòa đúng cách
Các thiết bị làm mát là công cụ đắc lực để mọi người cảm thấy thoái mái hơn trong mùa hè nắng nóng. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách sử dụng các thiết bị làm mát đúng cách, đặc biệt là phù hợp với người cao tuổi và trẻ nhỏ.
Đối với quạt điện các loại, không nên lùa thẳng vào người, nên để xa và cho quay để lưu thông không khí.
Với điều hòa, không nên để nhiệt độ quá thấp vì sẽ dễ gây nhiễm lạnh, viêm phổi, đồng thời khiến cơ thể dễ bị sốc nhiệt khi ra ngoài. Nhiệt độ ở mức 25-26 độ là phù hợp.
Vệ sinh nhà ở, bảo vệ các công trình
Thường xuyên dọn dẹp, vệ sinh nhà ở để tạo môi trường sạch sẽ, thông thoáng.
Mùa hè nắng nóng ở miền Bắc kéo dài, các gia đình nên tìm các giải pháp chống nóng cho nhà ở để giảm bức xạ nhiệt ảnh hưởng đến không gian sống. Tùy đặc trưng thiết kế nhà ở, các gia đình sẽ lựa chọn biện pháp chống nóng phù hợp:
Lợp mái tôn chống nóng, xây tầng hay tường thạch cao cho các vị trí hấp thụ nhiệt lớn.
Sơn cách nhiệt cho tường, ốp tường bằng đá chống nóng, giảm hấp thụ nhiệt cho tường hướng tây.
Chống nóng bằng film cách nhiệt cửa kính, rèm vải cách nhiệt, mái hiên…
Xây cửa thông gió, giếng trời để lưu thông không khí trong nhà ở, giải pháp làm mát nhà tự nhiên.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại