Thứ bảy 23/11/2024 04:54

Người vay có phải trả tiền không khi các đường dây cho vay qua app bị triệt phá?

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Đường cho vay lãi nặng qua app và đòi nợ thuê bị triệt phá. Theo thông tin từ cơ quan điều tra, có những vụ con số người vay qua app lên tới cả triệu người. Vậy khi các đối tượng cho vay nặng lãi qua app bị khởi tố, người vay có phải tiếp tục trả tiền không là thắc mắc của không ít người.
Người vay có phải trả tiền không khi các đường dây cho vay qua app bị triệt phá?
Các đối tượng trong đường dây cho vay nặng lãi qua app bị triệt hạ ngày 27/5

Triệt hạ đường dây cho vay nặng lãi qua app xuyên quốc gia

Mới đây, Phòng CSHS - CA TP Hà Nội phối hợp với Cục CSHS - Bộ Công an và các đơn vị nghiệp vụ của CA TP triệt phá đường dây cho vay lãi nặng qua app và đòi nợ thuê có quy mô xuyên quốc gia, liên quan đến gần 300 đối tượng.

Theo đó, trong thời gian vừa qua, trên địa bàn Hà Nội và nhiều tỉnh, thành trên cả nước xuất hiện hiện tượng cho vay qua app và đòi nợ dưới hình thức “tín dụng đen”.

Người vay chỉ cần chụp ảnh CMND hoặc CCCD và thế chấp bằng danh bạ điện thoại là có thể vay số tiền từ 2.000.000 - 30.000.000 đồng mà không cần gặp mặt hay ký kết bất cứ một giấy tờ vay nợ nào.

Sau đó, các đối tượng sẽ thẩm định danh bạ điện thoại của người vay để xác định tính chính xác, lấy căn cứ cho việc đòi nợ sau này nếu "con nợ" không thanh toán được khoản vay, từ đó giải ngân bằng việc chuyển tiền vào tài khoản cho "con nợ".

Người vay sẽ phải thanh toán trong vòng 3-5 ngày số tiền gốc ban đầu, tiền lãi sẽ được các đối tượng cắt ngay khi giải ngân. Nếu "con nợ" không thanh toán được tiền gốc như cam kết, số tiền sẽ được nhân lên, “lãi mẹ đẻ lãi con” lên tới 1.570% - 2.190%/năm.

Đáng nói, khi người vay không thanh toán được, các đối tượng sẽ cho bộ phận đòi nợ được phân cấp khác nhau nhắn tin, gọi điện nhắc nhở, đe dọa, khủng bố tinh thần từ "con nợ" đến người thân của họ và toàn bộ các mối quan hệ trong danh bạ điện thoại mà "con nợ" cung cấp trước đó.

Thậm chí, chúng còn cắt ghép hình ảnh của "con nợ" rồi tung lên mạng xã hội nhằm bôi nhọ uy tín, hạ danh dự, làm nhục để thúc ép "con nợ", hoặc người nhà phải trả tiền, gây bức xúc trong dư luận.

Đã vay là phải trả

Đây không phải là đường dây qua app duy nhất bị triệt hạ. Mà trước đó đã có rất nhiều những đường dây tín dụng đen đã bị bắt, khởi tố. Câu chuyện đòi nợ kiểu xã hội đen hoặc bôi nhọ, làm nhục trên mạng xã hội hoặc khủng bố những người thân, người quen cũng không phải là chuyện lạ… Thế nhưng rất nhiều người vẫn lao vào vay qua áp.

Hầu hết những người vay qua các app này đều biết rất rõ rằng lãi xuất vay qua các app này rất cao. Nhưng do bởi thủ tục vay mượn rất dễ dàng, không phải chứng minh và phải thông qua nhiều khâu thẩm định như ở ngân hàng nên khi túng quẫn nhiều người coi đây là một giải pháp. Ngoài ra, cũng có nhiều đối tượng lợi dụng thủ tục thẩm định dễ dàng của hình thức vay qua app để vay rồi… quỵt nợ.

Vậy, các đường dây tín dụng đen đã bị triệt hạ thì người vay nợ có phải trả không? Về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Văn Túy – Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, vay tiền online hay vay tại ngân hàng, công ty tài chính đều là hình thức vay tài sản được quy định tại Điều 463 Bộ luật Dân sự năm 2015.

Như vậy, việc vay tiền qua app hay vay tiền trực tiếp tại ngân hàng, công ty tài chính đều phải trả nợ theo quy định tại khoản 1 Điều 466 Bộ luật Dân sự.

Nếu chậm trả lãi – gốc, người vay có nghĩa vụ phải trả lãi tiền vay theo quy định tại khoản 4, điều 13 Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng.

Theo đó, khi đến hạn thanh toán mà khách hàng không trả hoặc trả không đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay theo thỏa thuận, thì khách hàng phải trả lãi trên nợ gốc theo lãi suất cho vay đã thỏa thuận tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả. Trường hợp khách hàng không trả đúng hạn tiền lãi, thì phải trả lãi chậm trả theo mức lãi suất do tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận nhưng không vượt quá 10%/năm tính trên số dư lãi chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả;

Trường hợp khoản nợ vay bị chuyển nợ quá hạn, thì khách hàng phải trả lãi trên dư nợ gốc bị quá hạn tương ứng với thời gian chậm trả, lãi suất áp dụng không vượt quá 150% lãi suất cho vay trong hạn tại thời điểm chuyển nợ quá hạn.

Ngoài ra, việc vay mà không trả nợ người vay còn có thể chịu các hình thức xử lý từ phạt hành chính đến xử lý hình sự tùy mức độ.

Điểm c khoản 1 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, nếu một người đến hạn trả nợ tiền vay của người khác, mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả thì sẽ bị phạt tiền từ 02 - 03 triệu đồng.

Ngoài bị xử phạt hành chính, căn cứ vào tính chất, mức độ của hành vi trốn nợ khi vay tiền online, người vay còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 175 Luật sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự năm 2017.

“Theo khoản a Điều 175 Bộ Luật hình sự, việc vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả tùy mức độ có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm” – luật sư Túy cho biết.

Bắt người phụ nữ cho vay lãi nặng, thu lợi bất chính hơn nửa tỷ đồng
Cặp vợ chồng cho vay nặng lãi từ 108% đến 180%/năm
Bắt khẩn cấp 7 đối tượng trong đường dây cho vay lãi khủng
Mở rộng điều tra, bắt khẩn cấp thêm một đối tượng người nước ngoài
Minh Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động