Môi giới nuôi con nuôi bị truy cứu trách nhiệm hình sự?
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênCác hội nhóm cho và nhận con nuôi hoạt động tự do trên mạng xã hội với rất nhiều thành viên. Ảnh chụp màn hình |
Nhà nước bảo hộ quyền nuôi và quyền được nhận làm con nuôi
Cùng với những hội nhóm hiếm muộn, nhiều những nhóm như cho, nhận con nuôi cũng xuất hiện trên mạng xã hội. Những nhóm này thu hút tương đối nhiều thành viên với lượng bài liên quan đến vấn đề cho - nhận con nuôi được đăng tải liên tục hàng ngày.
Ở các bài đăng trên những nhóm này, những bài đăng mong được nhận trẻ do hiếm muộn, hoặc những phụ nữ do sa cơ nên muốn “gieo duyên” cho bố mẹ nào muốn nhận con nuôi đều đưa ra những thông tin khá đầy đủ như giới tính, thời gian sinh, cân nặng… của trẻ.
Thực tế, việc nhận con nuôi là mong muốn chính đáng và nhân văn đối với nhiều gia đình hiếm muộn. Vì mục tiêu đó, nên hoạt động này được pháp luật quy định hết sức chặt chẽ. Tuy nhiên, bất chấp quy định đó, việc cho - nhận con nuôi ở các nhóm này diễn ra hết sức tự do và thiếu sự kiểm soát.
Theo nhiều chuyên gia, những nhóm hoạt động thế này ngoài là hồi chuồng báo động về lối sống dễ dãi của các bạn trẻ, nó cũng là mảnh đất màu mỡ cho các đối tượng mua bán trẻ em hoạt động.
Về việc nhận con nuôi, theo luật sư Nguyễn Tiến Hùng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, Điều 6, Luật nuôi con nuôi quy định: Nhà nước bảo hộ quyền nuôi con nuôi và quyền được nhận làm con nuôi theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Tuy nhiên, việc cho và nhận con nuôi phải tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về điều kiện của người được nhận làm con nuôi và người nhận con nuôi, cũng như phải thực hiện các thủ tục đăng ký tại các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền (UBND cấp xã, Sở Tư pháp cấp tỉnh hoặc Cơ quan đại diện Nước CHXHCN Việt Nam ở nước ngoài) theo đúng quy định của pháp luật.
“Điều 4 của Luật này cũng quy định, việc nuôi con nuôi phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người được nhận làm con nuôi và người nhận con nuôi, tự nguyện, bình đẳng, không phân biệt nam nữ, không trái pháp luật và đạo đức xã hội.
Các hành vi lợi dụng việc nuôi con nuôi để trục lợi, bóc lột sức lao động, xâm hại tình dục; bắt cóc, mua bán trẻ em; giả mạo giấy tờ để giải quyết việc nuôi con nuôi, hoặc lợi dụng việc nuôi con nuôi để vi phạm pháp luật, phong tục tập quán, đạo đức, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc thì đều là các hành vi bị pháp luật nghiêm cấm, không được phép thực hiện” – theo luật sư Nguyễn Tiến Hùng.
Bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Việc các nhóm trên mạng xã hội với cho và nhận con nuôi đều không chịu sự giám sát của các cơ quan chức năng, nhiều nội dung hoạt động không đúng quy định của pháp luật, luôn tiềm ẩn những rủi ro rất lớn, cả người cho và người nhận con nuôi đều có thể trở thành nạn nhân của các đối tượng lừa đảo, hoặc lợi dụng việc cho nhận con nuôi để trục lợi, thậm chí là lợi dụng việc cho và nhận con nuôi để thực hiện các hành vi mua bán trẻ em.
Đây đều là các hành vi trái pháp luật, tùy thuộc vào nội dung, tính chất và mức độ vi phạm có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. “Như phân tích ở trên, trong các hội nhóm như thế hoàn toàn có thể xuất hiện những đối tượng môi giới nuôi con nuôi” - luật sư Nguyễn Tiến Hùng khẳng định.
Về nội dung này, tại Điều 7 của Nghị quyết số 02/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao quy định về “Truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp sử dụng thủ đoạn môi giới nuôi con nuôi”.
Cụ thể, người sử dụng thủ đoạn môi giới nuôi con nuôi dưới 16 tuổi bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán người dưới 16 tuổi theo quy định tại Điều 151 của Bộ luật Hình sự nếu thuộc một trong các trường hợp: biết mục đích của người nhận nuôi con nuôi dưới 16 tuổi là để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể, bán cho người khác hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác nhưng vẫn chuyển giao nạn nhân để nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác; lợi dụng việc cho nhận con nuôi để tiếp nhận con nuôi là người dưới 16 tuổi để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác; lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác để môi giới nhận nuôi con nuôi dưới 16 tuổi trái pháp luật hoặc tạo điều kiện cho việc môi giới, nhận nuôi con nuôi trái pháp luật mà biết mục đích của người nhận nuôi con nuôi là nhằm bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác.
Người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình để nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác để môi giới nhận nuôi con nuôi trái pháp luật hoặc tạo điều kiện cho việc môi giới, nhận nuôi con nuôi trái pháp luật, nhưng không biết người nhận nuôi con nuôi nhằm bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán người dưới 16 tuổi, nhưng tùy từng trường hợp cụ thể mà truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tương ứng theo quy định của Bộ luật Hình sự.
Tuy nhiên, nếu trường hợp người biết người khác thực sự có nhu cầu nuôi con nuôi (do hiếm muộn hoặc có lòng yêu trẻ) đã môi giới cho người này xin con nuôi của người vì hoàn cảnh gia đình khó khăn không có điều kiện nuôi con muốn cho con đẻ của mình đi làm con nuôi và có nhận một khoản tiền từ việc cho con và việc môi giới.
“Đây là trường hợp vì mục đích nhân đạo nên người môi giới, người cho con mình đi làm con nuôi và người nhận con nuôi không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Mua bán người”” - luật sư Nguyễn Tiến Hùng phân tích.
Chấm dứt việc nuôi con nuôi... | |
Tội phạm buôn người núp bóng “Hội cho và nhận con nuôi ba miền” |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại