Thứ năm 14/11/2024 08:29
Vụ việc Công ty GFDI mất khả năng thanh toán 3.700 tỷ đồng

Người dân có lấy lại được tiền?

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Liên quan đến vụ việc Công ty TNHH MTV tư vấn đầu tư GFDI vay tiền người dân nhưng mấy khả năng chi trả tổng số tiền nợ gốc lên đến 3.700 tỷ đồng, luật sư cho rằng, người cho vay chỉ có thể hy vọng thu hồi được tiền khi cơ quan điều tra truy thu được nguồn tiền đã bị mất.
Lực lượng Công an khám xét trụ sở và nơi làm việc của Tổng Giám đốc Công ty GFDI. Ảnh: CQCA
Lực lượng Công an khám xét trụ sở và nơi làm việc của Tổng Giám đốc Công ty GFDI. Ảnh: CQCA

Vay tiền của người dân để công ty hoạt động

Mới đây, CQCA TP Đà Nẵng tiến hành điều tra liên quan đến việc huy động vốn trái phép và các hoạt động có dấu hiệu vi phạm pháp luật tại Công ty TNHH MTV tư vấn đầu tư GFDI (Công ty GFDI). Bước đầu, theo cơ quan chức năng, công ty GFDI vay tiền của người dân bằng hình thức ký kết “Hợp đồng vay tài sản”.

Theo như các nội dung thể hiện trên hợp đồng vay tài sản giữa khách hàng và công ty GFDI, lãi suất công ty GFDI trả cho khách hàng là khoảng 12%/năm (khoảng 1%/tháng). Tuy nhiên, thực nhận của nhiều khách hàng lên tới 3,6%/tháng, cao điểm lên đến 50%/năm (thời điểm năm 2020). Cho đến thời gian gần đây, lãi suất thương lượng với công ty này dù giảm cũng vẫn còn 2,5%/tháng, tức là tới 30%/năm. Đến đầu tháng 11/2024, công ty mất khả năng chi trả cho 7.541 khách hàng với tổng số tiền nợ gốc hơn 3.700 tỷ đồng.

Cũng theo cơ quan chức năng, đánh vào tâm lý ham lãi suất tiền gửi cao của nhiều người dân, công ty GFDI đã thu hút được rất nhiều khách hàng. Và dù biết có rủi ro cao, nhưng vì hám lợi nhiều người dân vẫn bất chấp để đầu tư. Nhiều người gửi tiền biết là việc huy động vốn với lãi suất lên tới 30 – 50%/năm là tiềm ẩn rủi ro cao nhưng vẫn làm ngơ, và góp vốn. Điều này thể hiện rõ khi trên hợp đồng lãi suất cho vay là từ 11 – 12%/năm, thực nhận tới 30 – 50%/năm nhưng không có khách hàng nào lên tiếng về khoản chênh lệch này.

Hiện, CQCA đang tiếp tục điều tra các dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản đối với lãnh đạo công ty này và pháp luật sẽ xử lý nghiêm minh. Trước đó, tại TP này cũng xảy ra vụ án tương tự. Cụ thể, tháng 12/2023, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu, môi trường CATP Đà Nẵng tống đạt quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với Lê Trọng Linh (SN 1989, trú tại quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tài chính Vietnam Capital (trụ sở tại huyện Điện Bàn, Quảng Nam) và Trương Quốc Thái (SN 1986, trú tại quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) - Tổng Giám đốc cùng về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Theo điều tra, Công ty CP Tài chính Vietnam Capital ra đời hàng chục năm nay, không phải là tổ chức tín dụng, không có giấy phép thành lập và không hoạt động ngân hàng, không có chức năng nhận gửi tiền tiết kiệm. Ngoài trụ sở ở Quảng Nam, Linh và Thái mở nhiều địa điểm kinh doanh, tổ chức huy động tiền gửi tiết kiệm của người dân. Với thủ đoạn trả lãi cao hơn lãi suất tiền gửi ngân hàng, các đối tượng đã thu hút hàng nghìn người dân trên địa bàn Đà Nẵng và Quảng Nam gửi tiết kiệm với số tiền theo thống kê ban đầu lên đến hơn 200 tỷ đồng. Một phần số tiền huy động được, Linh và Thái dùng để trả lãi cho khách hàng, phần lớn còn lại các đối tượng sử dụng để đầu tư nhưng thua lỗ hoặc tiêu xài dẫn đến mất khả năng thanh toán.

Nhận định từ luật sư

Về vụ việc trên, luật sư Đỗ Thị Thanh Nhàn, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng khách hàng cho Công ty GFDI vay chỉ có thể hy vọng thu hồi được tiền khi cơ quan điều tra truy thu được nguồn tiền đã bị mất. Để đảm bảo quyền lợi của mình, người dân cần có đơn tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của người đại diện pháp luật của Công ty GFDI. Khi nhận thấy việc ký hợp đồng vay tài sản, nhận tiền đã có dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hay tham ô tài sản… có thể yêu cầu xử lý hình sự.

Ngoài ra, về phần dân sự cũng cần thể hiện yêu cầu cơ quan tố tụng buộc Công ty GFDI, người đại diện pháp luật hoặc người có quyền, nghĩa vụ liên quan phải trả lại số tiền mà khách hàng đã giao. Số tiền này bao gồm tiền gốc vay, lãi vay, phạt vi phạm hợp đồng, các yêu cầu khác (nếu có), người dân cần kèm theo tài liệu, chứng cứ chứng minh về việc ký kết hợp đồng, giao nhận tiền và các chứng cứ thỏa thuận khác. Trong trường hợp này khách hàng vay mà không có tài sản đảm bảo, khi có tranh chấp sẽ không trả được gốc vay và lãi vay, người cho vay chịu rủi ro cao khi thu hồi tài sản đã giao.

Cũng theo luật sư Đỗ Thị Thanh Nhàn, có 2 trường hợp có thể xảy ra trong vụ việc này. Theo đó, trường hợp nếu xác định được các cá nhân là lãnh đạo Công ty GFDI có hành vi gian dối, có ý định chiếm đoạt tài sản trước khi ký các hợp đồng vay tiền thì có dấu hiệu tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Hình phạt cao nhất có thể là 20 năm tù hoặc tù chung thân theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Trường hợp nếu như sau khi vay tiền mới có ý định chiếm đoạt tài sản thì có dấu hiệu tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và có thể có mức hình phạt cao nhất lên đến 20 năm tù. Đồng thời, cá nhân có hành phi sai phạm phải có trách nhiệm hoàn trả, bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân.

Đối với các cá nhân liên quan, tức là nhân viên của Công ty GFDI, nếu họ hoàn toàn không biết nguồn tiền huy động về được dùng làm gì, không biết mục đích của việc huy động, chỉ làm theo chỉ đạo của lãnh đạo công ty thì có thể họ không phải chịu trách nhiệm hình sự.

Chiến công xuất sắc của Công an Hà Nội
Cần xử lý nghiêm các hành vi bạo lực học đường
Minh Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động