Chủ nhật 08/12/2024 22:14
Website phim lậu lớn nhất thế giới vừa bị đánh sập

Chiến công xuất sắc của Công an Hà Nội

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Đây được coi là chiến công đặc biệt xuất sắc, thể hiện tinh thần quyết tâm đấu tranh trấn áp tội phạm của lực lượng CATP Hà Nội, tạo được tiếng vang không chỉ với dư luận trong nước mà cả quốc tế.
Chân dung Phan Thành Công được xác định là đối tượng chủ mưu, cầm đầu, tạo lập, điều hành, quản lý hệ thống website Fmovies tại cơ quan Công an Ảnh: CQCA
Chân dung Phan Thành Công được xác định là đối tượng chủ mưu, cầm đầu, tạo lập, điều hành, quản lý hệ thống website Fmovies tại cơ quan Công an Ảnh: CQCA

Khởi tố vụ án, khởi tố bị can

Cơ quan Cảnh sát điều tra CATP Hà Nội cho biết, đơn vị này đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Phan Thành Công (SN 1990; trú tại phường Mộ Lao, quận Hà Đông, Hà Nội), đối tượng chủ mưu, cầm đầu, tạo lập, điều hành, quản lý hệ thống website Fmovies (với khoảng gần 50.000 phim có dấu hiệu xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan).

Trước đó, CATP Hà Nội tiếp nhận vụ việc website Fmovies thu hút hơn 6,7 tỷ lượt truy cập trong 6 tháng đầu năm 2024, có hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan đối với các tác phẩm điện ảnh của Hiệp hội điện ảnh Hoa Kỳ - MPA. Phòng Cảnh sát Kinh tế phối hợp các đơn vị của CATP Hà Nội tiến hành xác minh nguồn tin về tội phạm.

Qua trao đổi với đại diện một số cơ quan an ninh, cơ quan liên quan của Hoa Kỳ, xác định hệ thống website Fmovies đang có khoảng gần 50.000 phim có dấu hiệu xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan, trong đó có rất nhiều phim của Hiệp hội điện ảnh Hoa Kỳ - MPA đang được bảo hộ. Hệ thống website Fmovies có quy mô trình chiếu trái phép các phim của Hiệp hội điện ảnh Mỹ - MPA đến người dùng trên toàn thế giới…

Phòng Cảnh sát Kinh tế phối hợp các đơn vị nghiệp vụ CATP đã khẩn trương triển khai các biện pháp nghiệp vụ, xác định thông tin, lai lịch của các đối tượng phạm tội, đồng thời thu thập tài liệu, chứng cứ làm rõ phương thức thủ đoạn hoạt động, cũng như vai trò của từng đối tượng. Từ đó, CQCA xác định được đối tượng chủ mưu, cầm đầu, tạo lập, điều hành, quản lý hệ thống website Fmovies là Phan Thành Công. Đối tượng này đã từng bị xử lý hành chính về hành vi tương tự và Nguyễn Tuấn Anh (SN 1990; trú tại phường Mộ Lao, quận Hà Đông, Hà Nội) với vai trò giúp sức, là người sao chép, đăng tải trái phép các phim của Hiệp hội điện ảnh Hoa Kỳ - MPA lên website Fmovies và các trang vệ tinh.

CQCA làm rõ, từ năm 2016 đến tháng 8/2024, các đối tượng đã thực hiện hành vi phạm tội, thu lời bất chính hàng trăm nghìn đô la Mỹ. Tại cơ quan điều tra, các đối tượng đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội. Hiện, Cơ quan Cảnh sát điều tra, CATP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Phan Thành Công và Nguyễn Tuấn Anh về hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan quy định tại khoản 2 Điều 225, Bộ luật Hình sự năm 2015. Ngay sau khi Cơ quan Cảnh sát điều tra, CATP Hà Nội điều tra, khởi tố vụ án Fmovies, các trang thông tin truyền thông trên thế giới (Mỹ, Anh...) đã có nhiều bài viết về việc CA Việt Nam đã đánh sập hệ thống website Fmovies chiếu phim lậu lớn nhất thế giới; Liên minh sáng tạo và giải trí - ACE, Hiệp hội điện ảnh Mỹ - MPA đánh giá cao và gửi thư cảm ơn CATP Hà Nội đã triệt phá thành công hệ thống website Fmovies.

Năng lực trách nhiệm hình sự ra sao?

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Đinh Thị Nguyên, Giám đốc Công ty Luật TNHH Đại Đông Á, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, việc cơ quan chức năng khởi tố vụ án, khởi tố các bị can về về hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan quy định tại khoản 2 Điều 225, Bộ luật Hình sự năm 2015 là có cơ sở. Luật sư Đinh Thị Nguyên phân tích thêm, các đối tượng bị khởi tố đều là các cá nhân có năng lực trách nhiệm hình sự và đã thực hiện tội phạm với lỗi cố ý; hành vi trên xâm phạm đến quyền tác giả, quyền liên quan được pháp luật bảo hộ, trường hợp hai đối tượng đã có các hành vi sao chép, khai thác, sử dụng các bộ phim có bản quyền… và dùng “công cụ phạm tội” để đưa lên trang web Fmovies khi không được phép của chủ thể có quyền sở hữu. Các hành vi của hai đối tượng khi cơ quan điều tra tiến hành điều tra và xác định các hành vi nêu trên đã xảy ra và xác định có thu lợi bất chính với số tiền đủ mức được quy định từ 50.000.000 đồng trở lên sẽ bị xử lý hình sự.

Theo đó, nếu số tiền thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng trở lên hoặc gây thiệt hại trên 100.000.000 đồng, người vi phạm có thể bị xử lý hình sự theo Điều 225, Bộ luật Hình sự 2015, với mức phạt tiền tối đa lên đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù đến 3 năm. “Tuy nhiên, quy định hình phạt hình sự là vậy, nhưng hiện nay hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan hầu hết đều xử lý bằng biện pháp hành chính và rất ít khi được xét xử hình sự, đồng thời, có những trường hợp việc áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính cũng còn rất hạn chế” - luật sư Đinh Thị Nguyên cho biết.

Luật sư Đinh Thị Nguyên cũng cho biết, ngoài việc xử lý về mặt hình sự, đối tượng vi phạm sẽ phải bồi thường thiệt hại và khắc phục hậu quả. Căn cứ khoản 1 Điều 584, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại, người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác. Ngoài ra, CQCA sẽ điều tra, làm rõ các đối tượng có thực hiện những hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự như quảng cáo các trò chơi điện tử, đánh bạc hay quảng cáo cho vay tín dụng… hay không.

Luật sư Đinh Thị Nguyên nhận định, quyền sở hữu trí tuệ luôn tạo ra và là một tài sản có giá trị lớn nên dễ xảy ra các mâu thuẫn, tranh chấp mà đỉnh điểm là các hành vi xâm phạm đến trật tự quản lý Nhà nước và các quyền của tổ chức, cá nhân. Do đó việc đấu tranh, phòng ngừa các tội phạm về sở hữu trí tuệ phải được coi trọng. Pháp luật có những hành lang và chế tài pháp lý; cá nhân, tổ chức có trách nhiệm đăng ký bảo hộ quyền tác giả, tác phẩm… Có thế, mới tạo ra môi trường kinh tế lành mạnh, kéo theo sự tin tưởng của các đối tác nhà đầu nước ngoài đầu tư tài sản, trí tuệ vào Việt Nam.

Luật sư Đinh Thị Nguyên cho rằng, căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam cũng như Công ước quốc tế, Điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia thì hiện nay hệ thống pháp luật của chúng ta có đầy đủ các quy định, chế tài để xử lý hành vi xâm phạm bản quyền tùy từng mức độ theo các biện pháp dân sự, biện pháp hành chính, thậm chí cả biện pháp hình sự.

Tuy nhiên, không chỉ ở Việt Nam, vi phạm bản quyền cũng là vấn nạn chung trên toàn cầu, khiến tất cả những người chịu ảnh hưởng đều “đau đầu” tìm các phương án để giải quyết. Việc này rất khó nhưng không thể không làm, nhất là khi nó ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn vong của nhà sản xuất, có tác động tiêu cực đến sự phát triển của nền điện ảnh đất nước và uy tín quốc gia trong quá trình hội nhập.

Khởi tố đối tượng cầm đầu website phim lậu với hơn 6,7 tỷ lượt truy cập trong nửa năm
Truy tìm Đào Văn Nguyên - liên quan vụ trộm cắp ở Hà Nội
Thái An
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động