Kỳ cuối: Tạo thể chế thuận lợi cho Thủ đô được chủ động trong việc sử dụng ngân sách
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênMột góc TP Hà Nội nhìn từ trên cao. Ảnh: Khánh Huy |
Những quy định mới, đặc thù nhằm khắc phục những vướng mắc hiện nay của Hà Nội
Điều 36 gồm các quy định được kế thừa từ Nghị quyết số 115/2020/QH14 như: việc sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để chi đầu tư phát triển; sử dụng nguồn chi thường xuyên để cải tạo cải tạo, mở rộng hoặc xây dựng mới các hạng mục trong các cơ sở, công trình tài sản công đã có); đồng thời thể chế hóa các Nghị quyết của Trung ương.
Điều 36 có quy định cho phép: sử dụng ngân sách TP Hà Nội để thực hiện dự án đầu tư, công trình, dự án trọng điểm có tính chất vùng, liên tỉnh nằm trên ranh giới, địa giới hành chính giữa Thủ đô và địa phương khác.
Ngoài ra, tại Điều 36 còn có những quy định mới, đặc thù nhằm khắc phục những vướng mắc hiện nay của TP, gồm: quyết định nguồn vốn ngân sách để lập các loại quy hoạch: quy định này giúp TP chủ động quyết định nguồn vốn đầu tư công hoặc nguồn vốn sự nghiệp để lập các quy hoạch, do hiện nay, theo quy định của Luật Quy hoạch, Luật Quy hoạch đô thị và Luật Xây dựng chưa có quy định thống nhất về nguồn vốn lập quy hoạch. Thực tiễn việc sử dụng nguồn vốn đầu tư công để lập quy hoạch cũng có những khó khăn nhất định trong việc bố trí vốn và quá trình triển khai thực hiện.
TP được quy định chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách mới hoặc cao hơn của trung ương để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô, phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách TP Hà Nội mà ngân sách trung ương không hỗ trợ.
Quy định này nhằm giúp TP có thể chủ động trong việc quy định chế độ, định mức chi ngân sách phù hợp với tình hình thực tiễn, hợp lý, bảo đảm cho việc triển khai nhiệm vụ hiệu quả hơn.
Theo quy định hiện hành, nhiều chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách do Trung ương ban hành khung hoặc mức chi cụ thể để áp dụng thống nhất trên toàn quốc. Tuy nhiên, trong điều kiện phát triển kinh tế xã hội nhanh, giá cả tiêu dùng có những biến động theo thị trường của từng địa phương, đặc biệt là các TP lớn, một số định mức, chế độ chi ngân sách không còn phù hợp. Do đó, việc giao thẩm quyền này cho Thủ đô là rất cần thiết nhằm xây dựng những chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách TP Hà Nội mà ngân sách Trung ương không hỗ trợ.
Đây là quy định phù hợp với chủ trương đẩy mạnh phân quyền, phân cấp, tăng tính chủ động, tự chủ, tự chịu trách nhiệm của địa phương trong việc sử dụng ngân sách. Việc cho phép Thủ đô được ban hành chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, đẩy nhanh quá trình tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập của TP.
Nhiều tiềm năng, lợi thế của Thủ đô vẫn chưa được đánh giá, khai thác, phát huy đầy đủ
Theo PGS.TS. Phạm Thị Giang Thu - Trường Đại học Luật Hà Nội, trước hết, cần xác định vị thế của Hà Nội trong lộ trình phát triển. Theo đó “Hà Nội là Thủ đô và là đô thị đặc biệt, văn hiến, văn minh, thanh lịch, đẹp, giàu bản sắc dân tộc và hiện đại, tiêu biểu cho cả nước, xứng đáng là trái tim của cả nước, đầu não, chính trị - hành chính quốc gia của một nước phát triển với khoảng 110 - 115 triệu dân; người dân có mức sống cao về vật chất và tinh thần, có tính cách thân thiện, hữu nghị và mến khách; các khu trung tâm chính trị, trung tâm hành chính quốc gia, khu ngoại giao đoàn và tổ chức quốc tế, trung tâm quốc tế, khách sạn cao cấp, hệ thống thông tin quốc tế… được xây dựng theo quy hoạch, điều kiện làm việc tốt, được bảo vệ an toàn tuyệt đối”.
Thứ hai, xem xét khả năng nguồn tài chính và sử dụng nguồn trong bối cảnh chung của nền kinh tế đất nước. Bên cạnh bối cảnh quốc tế có nhiều thay đổi, nền kinh tế, xã hội Việt Nam cũng phát triển tương ứng và tác động trực tiếp bởi các yếu tố quốc tế. Việt Nam “phấn đấu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; mô hình tổ chức không gian phát triển quốc gia hiệu quả, thống nhất, bền vững, hình thành được các vùng, trung tâm kinh tế, đô thị động lực, có mạng lưới kết cấu hạ tầng cơ bản đồng bộ, hiện đại; giữ vững các cân đối lớn, nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế; bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh lương thực và an ninh nguồn nước; môi trường sinh thái được bảo vệ, thích ứng với biến đổi khí hậu…”.
PGS.TS. Phạm Thị Giang Thu - Trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng, với giả định nguồn lực tài chính tư được hình thành và sử dụng trong Luật Thủ đô (như đã phân tích) thì yêu cầu về minh bạch và giám sát trong quá trình thực hiện là hoàn toàn cần thiết và tạo ra lòng tin cho các chủ thể đối với các nguồn tài chính của họ được sử dụng hữu ích. Ảnh: Khánh Huy |
Thứ ba, xem xét nguồn tài chính trong năng lực của chính Hà Nội. Những yêu cầu mới đề cập trên đặt ra cho Hà Nội nhiều thách thức, bên cạnh chính những thách thức nội tại của Hà Nội. Nghị quyết của Đảng đã chỉ rõ bên cạnh những kết quả và thành tích đã đạt được, Hà Nội vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém cần khắc phục. Nhiều tiềm năng, lợi thế của Thủ đô vẫn chưa được đánh giá, khai thác, phát huy đầy đủ. Tăng trưởng kinh tế chưa thực sự bền vững. Chưa hoàn thành một số mục tiêu, chỉ tiêu quan trọng Nghị quyết đã đề ra. Hà Nội chưa thể hiện rõ vai trò là trung tâm, động lực tăng trưởng và phát triển của vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; năng lực cạnh tranh còn thấp, nhất là so với khu vực và thế giới.
Hạ tầng kinh tế, xã hội phát triển chưa đáp ứng được yêu cầu; công tác quy hoạch, quản lí quy hoạch, quản lí đất đai, xây dựng, phát triển đô thị, trật tự, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường còn hạn chế; phát triển kinh tế, xã hội, phát triển đô thị chưa toàn diện, thiếu đồng bộ; nhiều dự án lớn chậm được triển khai, gây lãng phí nguồn lực; việc quy hoạch xây dựng các đô thị vệ tinh không đạt kế hoạch. Phát triển văn hoá, xã hội, xây dựng con người Hà Nội chưa thực sự tương xứng với vai trò, vị thế, tiềm năng và nền tảng lịch sử - văn hoá ngàn năm văn hiến của Thủ đô. Hệ thống y tế, nhất là y tế dự phòng, y tế cơ sở còn nhiều bất cập. Tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên một số địa bàn vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Liên kết, hợp tác giữa Thủ đô với các địa phương trong vùng và cả nước chưa hiệu quả.
Thứ tư, cần nhìn nội dung dự thảo ở góc độ quan điểm, đường lối của Đảng về các vấn đề kinh tế, xã hội, đặc biệt là Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 về việc tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền.
Theo PGS.TS. Phạm Thị Giang Thu, điểm 5 “Mục II. Quan điểm” có ý nghĩa quan trọng khi xác định “Những vấn đề thực tiễn đòi hỏi, đã rõ, thực tiễn chứng minh là đúng, có sự thống nhất cao thì kiên quyết thực hiện; những vấn đề chưa rõ, còn nhiều ý kiến khác nhau thì tiếp tục nghiên cứu”. Quan điểm này rất quan trọng khi xây dựng Luật Thủ đô sửa đổi, bổ sung.
Cùng với đó, cần xác định yêu cầu minh bạch, cơ chế giám sát trong hoạt động của chính quyền và UBND các cấp của Thủ đô. Đề xuất này xuất phát từ việc xác định nguồn lực tài chính công và ngân sách là nguồn có sự đóng góp của tổ chức và cá nhân trên địa bàn thông qua quan hệ thuế, cần nhận định nguyên tắc minh bạch theo Luật Ngân sách Nhà nước.
Với giả định nguồn lực tài chính tư được hình thành và sử dụng trong Luật Thủ đô (như đã phân tích) thì yêu cầu về minh bạch và giám sát trong quá trình thực hiện là hoàn toàn cần thiết và tạo ra lòng tin cho các chủ thể đối với các nguồn tài chính của họ được sử dụng hữu ích.
Kỳ 2: Nâng cao năng lực và tính chủ động về ngân sách Nhà nước của Thủ đô Về tiền thu từ đất (khoản 5 Điều 35): Quy định này xác định, Ngân sách TP Hà Nội được giữ lại tối đa các ... |
Kỳ 1: Đề xuất Hà Nội được quyết định áp dụng một số loại phí, lệ phí ngoài danh mục |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại