Thứ ba 30/04/2024 00:30
Tội phạm vị thành niên:

Kỳ 2: những trẻ em nào dễ trở thành nạn nhân của tội phạm?

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Hiện tượng liên tục xảy ra những vụ việc nghiêm trọng mà đối tượng là trẻ vị thành niên theo các chuyên gia, nó phản ánh những điều bất thường trong xã hội.
Hình ảnh nhóm tội phạm vị thành niên mang hung khí,  đe dọa một nạn nhân để cướp tài sản vào rạng sáng 15/3 tại quận Hà Đông, Hà Nội     	Ảnh cắt từ clip
Hình ảnh nhóm tội phạm vị thành niên mang hung khí, đe dọa một nạn nhân để cướp tài sản vào rạng sáng 15/3 tại quận Hà Đông, Hà Nội. Ảnh cắt từ clip

“Cha mẹ là nhân, con cái là quả”

Nhận định về hành vi của tội phạm vị thành niên, xét về tâm lý học hành vi, theo tiến sĩ – thượng tá Đào Trung Hiếu, chuyên gia tội phạm học Bộ Công an, mặc dù tâm lý tuổi thơ chưa mất đi, nhưng ở lứa tuổi này, trẻ em đã có khả năng nhận thức và điều khiển hành vi.

Trẻ em ở độ tuổi 14, 15, sự chín chắn, trưởng thành trong suy nghĩ mới bắt đầu, đang định hình, tâm lý tuổi thơ đang mất đi nhưng chưa chấm dứt, khiến trẻ chênh chao, dao động, cảm xúc trồi sụt theo biến động của hoàn cảnh.

Khi gặp các tác động bất lợi từ môi trường sống, trẻ không biết ứng xử ra sao. Lúc này nếu bản thân đã tiếp cận quá nhiều với phim ảnh, trò chơi bạo lực, rất dễ vô thức hành động theo những hình ảnh, cách xử sự đã được nhìn thấy.

“Nguyên nhân sâu xa, thủ phạm giấu mặt trong những tội ác này, theo tôi, là do sự sa sút về đạo đức lối sống” – theo thượng tá Đào Trung Hiếu.

Ông phân tích, điều này phản ánh trong nhân cách các đối tượng đã chứa đựng những đặc điểm tiêu cực. Đó có thể là sự hỗn hào, vô ơn, coi thường các giá trị chuẩn mực đạo đức, hoặc không được giáo dục để biết đến các giá trị này. Bên cạnh đó là thói quen sống phóng túng, hoặc ích kỷ, hưởng thụ, tuyệt đối hóa lợi ích cá nhân, thói quen đòi hỏi vô lối.

Về tính cách đã bị tiêm nhiễm từ môi trường sống xung quanh thói quen ứng xử bạo lực, thiếu kiên nhẫn, thích thể hiện cái tôi… Với một nhân cách đã chứa đựng những phẩm chất lệch lạc như trên, khi gặp phải các tình huống bất như ý, dễ làm các đối tượng cảm thấy bị tổn thương, kích động, biến thành cơn giận dữ bên trong và nhu cầu giải tỏa bức xúc bằng các biện pháp bạo lực, gây hại cho đối tượng.

Cũng theo thượng tá Đào Trung Hiếu, những lệch lạc, tiêu cực trong nhân cách đối tượng không phải tự nhiên mà có, mà đó là kết quả của quá trình “xã hội hóa cá nhân”. Nghĩa là các tác động bất lợi từ môi trường gia đình, nhà trường và xã hội trong sự tương tác với các phẩm chất mang tính cá nhân của đối tượng đã hình thành nên những sai lệch trong tâm lý, tính cách.

Hiện nay giới trẻ đang bị bủa vây từ các yếu tố bất lợi trong môi trường sống, đặc biệt là tác động tiêu cực từ trò chơi game bạo lực, ấn phẩm bạo lực phản văn hóa đầy rẫy trên không gian mạng cùng phim ảnh nước ngoài. Điều này tác động sâu sắc đến định hướng giá trị, thẩm mỹ, phong cách ứng xử.

“Bên cạnh đó, môi trường gia đình hiện nay cũng có quá nhiều vấn đề tác động đến người trẻ. Trước hết do áp lực cuộc sống, bươn chải mưu sinh, nên nhiều gia đình bố mẹ không có thời gian để quan tâm đến con cái. Đời sống xã hội với nhiều cám dỗ, cuốn các thành viên chạy theo danh lợi phù phiếm, làm mọi việc vì tiền, khiến sợi dây liên kết giữa các thành viên trong gia đình trở nên lỏng lẻo, gia đình Việt đang đứng trước cơn đại dịch có tên ly hôn” – thượng tá Đào Trung Hiếu phân tích.

Trong hoàn cảnh gia đình ấy, những đứa trẻ dần lớn lên mà thiếu vắng đi sự bảo ban, giám sát, quan tâm, uốn nắn kịp thời của người lớn. Cũng có trẻ lớn lên trong môi trường gia đình thiếu hòa khí, bố mẹ nghi kỵ, cãi cọ, đánh nhau, hoặc cách giáo dục con bằng bạo lực, ép uổng học hành quá mức để đạt thành tích cao, rất để lại những vết hằn trong tâm lý.

“Cha mẹ là nhân, con cái là quả” – ông nhận định. Trẻ ở các gia đình này có xu hướng dùng bạo lực giải quyết các bức xúc tâm lý theo đúng cách mà chúng nhìn thấy ở bố mẹ mình.

Đồng thời, khi không được tôn trọng, chăm sóc giáo dục đúng cách, trẻ thất vọng về gia đình, về cha mẹ, nảy sinh suy nghĩ chán ghét... Khi đã chán nhà, trẻ sẽ tìm niềm vui từ bên ngoài, tìm những người cùng cảnh ngộ để được vuốt ve cái tôi bản ngã, được tâm sự chia sẻ để giải tỏa áp lực tâm lý.

Hiện trên mạng xã hội có rất nhiều những nhóm, diễn đàn thu hút giới trẻ. Nếu trẻ bị lôi cuốn vào các nhóm xã hội tiêu cực đầy rẫy trên mạng xã hội, bị sự rủ rê lôi kéo, trong khi chưa đủ khôn để phân định đúng sai, sự trượt dốc, thoái hoá về nhân cách là điều dễ hiểu.

“Đặc biệt trẻ em trong hoàn cảnh “lời ru chia đôi” phải theo mẹ hoặc bố ở với người mới, rất dễ trở thành nạn nhân của tội phạm, hoặc chính chúng do buồn chán, thất vọng, hụt hẫng và bị dẫn dụ vào các việc làm vi phạm pháp luật” – thượng tá Đào Trung Hiếu kết luận.

Nhóm thanh thiếu niên gây rối trật tự công cộng bị Công an Huyện Đông Anh bắt giữ ngày 25/9/2023.         Ảnh: Công an cung cấp
Nhóm thanh thiếu niên gây rối trật tự công cộng bị Công an Huyện Đông Anh bắt giữ ngày 25/9/2023. Ảnh: Công an cung cấp

Thiếu sót trong việc quản lý văn hóa - xã hội của các cơ quan Nhà nước

Cũng đồng tình với ý kiến của thượng tá Đào Trung Hiếu, luật sư Nguyễn Phương Tuyến – Đoàn Luật sư Hà Nội, cho rằng, thời gian qua, xã hội đã có những biến động do tác động của toàn cầu hóa dẫn đến một số tiêu cực có chiều hướng lấn át những giá trị truyền thống, vi phạm giá trị đạo đức tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Luật sư Nguyễn Phương Tuyến phân tích, giống như những phân tích của thượng tá Đào Trung Hiếu nêu trên, văn hóa phẩm có nội dung kích động bạo lực tồn tại khá phổ biến thời gian qua, đặc biệt là các hình ảnh trên một số trang mạng điện tử. Cùng với đó là lỗ hổng trong quản lý dịch vụ loại hình giải trí đó là trò chơi trực tuyến trên mạng internet. Nhiều hình thức, nhiều trò chơi đã ảnh hưởng không nhỏ tới tư duy, suy nghĩ của giới trẻ.

“Đó là những thiếu sót trong việc quản lý văn hóa - xã hội của các cơ quan nhà nước” – theo luật sư Nguyễn Phương Tuyến.

Luật sư Nguyễn Phương Tuyến cũng cho rằng, sự thiếu quan tâm từ phía gia đình luôn là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật hình sự của người chưa thành niên.

Bên cạnh đó, là cơ chế quản lý còn lỏng lẻo, thiếu sót, chưa có sự phối hợp hiệu quả giữa gia đình và nhà trường, chưa thực sự đầu tư trang bị kỹ năng sống cho học sinh.

Bên cạnh công tác giáo dục đạo đức, giáo dục công cân, ý thức pháp luật cũng như việc quản lý học sinh còn nhiều hạn chế thì bệnh thành tích trong môi trường giáo dục cũng là một trong những nguyên do. “Một số nhà trường sợ ảnh hưởng đến thành tích và danh dự nên không kịp thời báo cáo lực lượng chức năng để có biện pháp quản lý giáo dục…” – luật sư Nguyễn Phương Tuyến nói.

(Còn nữa)

Kỳ 1: những câu chuyện buồn…
Minh Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động