Thứ ba 30/04/2024 03:17
Tội phạm vị thành niên:

Kỳ cuối: cần có pháp luật hình sự riêng biệt cho trẻ vị thành niên

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Ngoài việc tăng cường giáo dục và các thiết chế văn hóa, theo các chuyên gia luật, đối với người dưới 18 tuổi phạm tội thì cần có chính sách pháp luật riêng, đặc biệt là các giải pháp phòng ngừa, giáo dục.
Hình ảnh Lê Văn Luyện trước giờ nghị án tại phiên xét xử sơ thẩm tháng 1/2012.    Ảnh: T.H
Hình ảnh Lê Văn Luyện trước giờ nghị án tại phiên xét xử sơ thẩm tháng 1/2012. Ảnh: T.H

Phòng chống tội phạm không phải là tăng hình phạt

Theo quy định của pháp luật hình sự Việt Nam thì người từ đủ 14 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự trong một số trường hợp, còn người từ đủ 16 tuổi trở lên thì phải chịu trách nhiệm hình sự đối với mọi loại tội phạm.

Cụ thể, Điều 12 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định: người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác; người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng theo quy định đã nêu trong luật.

Bộ luật Hình sự cũng quy định người từ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi được hưởng chính sách về người dưới 18 tuổi phạm tội, theo đó: không áp dụng hình phạt tù chung thân, tử hình đối với người dưới 18 tuổi; đối với người từ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thì hình phạt tù cao nhất không quá 12 năm; đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi thì hình phạt tù cao nhất không quá 18 năm tù; trường hợp áp dụng tù có thời hạn thì hình phạt với người dưới 18 tuổi sẽ không quá 3/4 mức hình phạt đối so với người đã thành niên...

Như vậy, có thể nói rằng, chính sách pháp luật hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội ở Việt Nam đã có những thay đổi theo hướng khoan hồng, nhân đạo hơn, tạo điều kiện cho người dưới 18 tuổi có cơ hội sửa chữa lỗi lầm phù hợp với luật pháp quốc tế, với xu hướng phát triển kinh tế-xã hội, phát triển con người, đảm bảo quyền con người, thể hiện tính nhân văn, hướng thiện và chú trọng các giải pháp phòng ngừa. Tuy nhiên, thời gian gần đây với những vụ án nghiêm trọng do trẻ vị thành niên gây ra, nhiều ý kiến cho rằng, nên tăng nặng hình phạt để răn đe.

Về vấn đề này, theo luật sư Nguyễn Tiến Hùng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, chính sách pháp luật đối với người dưới 18 tuổi phạm tội hướng đến mục đích cải tạo, giáo dục, tạo điều kiện để người dưới 18 tuổi có cơ hội sửa chữa sai lầm, trở thành người tốt, sống có ích cho xã hội.

“Việt Nam đã tham gia vào Công ước quốc tế bảo vệ quyền trẻ em thì giải pháp để ngăn ngừa, phòng chống tội phạm đối với trẻ vị thành niên không phải là tăng hình phạt” – luật sư Nguyễn Tiến Hùng nói. Bởi theo ông, những kinh nghiệm này cũng đã được ghi nhận ở một số quốc gia phát triển như Nhật Bản, Vương quốc Anh… từng trải nghiệm những điều chỉnh tư pháp bất lợi hơn cho trẻ vị thành niên, song vẫn không làm giảm tình hình trẻ vị thành niên vi phạm, trái lại còn tăng cao.

“Có thể coi việc thanh thiếu niên ngoài xã hội phạm tội cũng tương tự như trong gia đình có một đứa con hư. Con hư, bố mẹ bực bội, giận dữ rồi đánh cho hả giận thì khả năng dẫn đến trẻ em sẽ không còn sợ khi đã dạn đòn. Trừng phạt là biểu hiện của sự bất lực, là hạ sách. Nếu người lớn bình tĩnh, tìm hiểu nguyên nhân sâu xa vì sao nó hư để có cách dạy dỗ, đứa trẻ sẽ thay đổi theo hướng tích cực” – luật sư Nguyễn Tiến Hùng quan điểm.

Luật sư Nguyễn Tiến Hùng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội.   Ảnh: T.H
Luật sư Nguyễn Tiến Hùng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội. Ảnh: T.H

Tách bạch pháp luật hình sự riêng biệt

Dẫn ý kiến Phó Giáo sư, tiến sĩ Hồ Trọng Ngũ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh, luật sư Nguyễn Tiến Hùng cho biết, Phó Giáo sư, tiến sĩ Hồ Trọng Ngũ cũng cho rằng không nên sửa Luật Hình sự theo hướng tăng nặng hình phạt mà có thể xử lý bằng cách khác, đó là xác định lại tuổi thành niên cho hợp lý. “Thực tế nhiều quốc gia đã quy định tuổi thành niên từ đủ 16, nhiều nước quy định tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự từ 12 tuổi và 14 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự một cách đầy đủ. Theo tôi, đây cũng là một hướng hay mà các nhà làm luật cần xem xét” – luật sư Nguyễn Tiến Hùng gợi ý.

Ngoài ra, theo luật sư Nguyễn Tiến Hùng, luật pháp cũng cần phải có những cơ chế và biện pháp can thiệp sâu hơn nữa vào vai trò, trách nhiệm giáo dục của cha mẹ đối với trẻ em. Thậm chí có chế tài xử lý nghiêm khắc về trách nhiệm dân sự như bồi thường tổn thất về tinh thần, thiệt hại về vật chất đối với những bậc cha mẹ, người thân của trẻ vị thành niên phạm tội. Ðối với những hành vi vi phạm về quyền trẻ em, cần kiên quyết áp dụng các biện pháp can thiệp kịp thời, tránh để trẻ phải sống trong một gia đình thiếu lành mạnh, thiếu giáo dục và có những tác động tiêu cực đến sự phát triển và hình thành nhân cách. Nếu thực hiện được những giải pháp đồng bộ này, mới có thể giảm được.

Do đó, muốn đấu tranh phòng chống tội phạm chưa thành niên hiệu quả, thì phải tìm ra những nguyên nhân, điều kiện làm phát sinh loại tội phạm này, từ đó tìm ra những giải pháp hữu hiệu để ngăn ngừa tội phạm chưa thành niên phát sinh. Cũng giống như người thầy thuốc, muốn chữa hết bệnh cho bệnh nhân phải tìm được đúng bệnh và áp dụng đúng phác đồ điều trị. “Các nhà lập pháp xem xét, cấu trúc lại hệ thống tội danh phù hợp hơn đối với từng độ tuổi và theo xu hướng tách bạch pháp luật hình sự riêng biệt cho trẻ vị thành niên” – theo luật sư Nguyễn Tiến Hùng.

Biện pháp xử lý chuyển hướng

Một nội dung quan trọng khác tại dự thảo luật Tư pháp người chưa thành niên là quy định về xử lý chuyển hướng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.

Theo quy định hiện hành tại bộ luật Hình sự năm 2015, trường hợp miễn trách nhiệm hình sự, người dưới 18 tuổi sẽ được áp dụng một trong 3 biện pháp giám sát, giáo dục sau: khiển trách, hòa giải tại cộng đồng hoặc giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

Tuy nhiên, TAND tối cao cho rằng tên gọi các biện pháp giám sát, giáo dục không còn phù hợp. Cơ quan soạn thảo đề xuất thay thế bằng các biện pháp xử lý chuyển hướng, tách bạch hoàn toàn với quy trình tố tụng hình sự thông thường. Việc này nhằm mục đích chính là giáo dục, phục hồi đối với người chưa thành niên chứ không phải trừng phạt.

TAND tối cao đưa ra 11 biện pháp xử lý chuyển hướng, trong đó giữ nguyên 2 biện pháp đang quy định trong bộ luật Hình sự là khiển trách và giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Biện pháp hòa giải tại cộng đồng được tách thành 2 biện pháp, gồm xin lỗi người bị hại và bồi thường thiệt hại.

Cùng với đó là bổ sung 6 biện pháp xử lý chuyển hướng mới: tham gia các chương trình học tập, dạy nghề; tham gia các buổi điều trị, tư vấn tâm lý bắt buộc; lao động công ích; cấm tiếp xúc; cấm đến một địa điểm nhất định; hạn chế khung giờ sinh hoạt, đi lại.

Dự thảo cũng chuyển biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng trở thành biện pháp xử lý chuyển hướng nghiêm khắc nhất trong các biện pháp xử lý chuyển hướng.

Kỳ 1: những câu chuyện buồn…
Kỳ 2: những trẻ em nào dễ trở thành nạn nhân của tội phạm?
Kỳ 3: giáo dục là biện pháp căn cơ nhất
Minh Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động