Kỳ 1: Mẹ hại con đẻ - Sự "mù mịt" của nhận thức
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênBị cáo Nguyễn Thị Sự tại phiên tòa năm ấy |
Nổi tiếng là vị luật sư chuyên bênh vực người yếu thế, luật sư Nguyễn Anh Thơm – Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội tâm sự, với ông, mỗi vụ án nhận lời đều ít hay nhiều khiến ông day dứt. Có những vụ án khiến ông cảm thấy xa xót, đau đớn, có những vụ án khiến những người đã quen với mặt trái ở đời với những chế tài nghiêm minh vẫn phải rơi nước mắt.
Và bao nhiêu năm qua, khi nói chuyện về các vụ án mình đã làm, ông vẫn không quên vụ án mà trong đó, những người đàn bà, những số phận, những cảnh huống khác nhau - nhưng họ giống nhau bởi cuộc đời họ là những bi kịch.
Cuối tháng 11/2015, luật sư Thơm được Đoàn Luật sư TP Hà Nội chỉ định làm luật sư cho Nguyễn Thị Sự, SN 1972, trú tại Sóc Sơn, Hà Nội. Đây là bị can duy nhất trong vụ án mẹ ruột ra tay giết con đẻ xảy ra tại Sóc Sơn hồi tháng 12/2014.
“Tôi đã xuống hiện trường vụ án là nhà riêng của bị can, tôi cũng đã gặp cô ấy nhiều lần trong suốt giai đoạn cô ấy bị tạm giam và từng có lần tôi ước, giá như cô ấy bị tâm thần thì tốt biết bao. Bởi một người mẹ bình thường như cô ấy, tại sao lại ra tay tàn ác đến vậy với đứa con trai 11 tuổi vô tội của mình? Đáng tiếc là cô ấy hoàn toàn khỏe mạnh, sức khỏe tâm thần hoàn toàn bình thường” – luật sư Thơm kể.
Mười tám đôi mươi, ở quê, cũng giống như bao thôn nữ khác, Nguyễn Thị Sự cũng làm nông và lấy chồng. Người chồng đầu tiên cùng quê nhưng sau khi có với nhau 2 mặt con thì ly hôn. Cô ấy nuôi đứa con trai đầu. Song, cháu đã rời bỏ mẹ ra đi mãi mãi sau một tai nạn giao thông. Rồi Sự tái hôn.
Nhưng đó là một cuộc hôn nhân công khai mà không có hôn thú. Bởi người đàn ông thứ hai này đã có vợ con đề huề ở nội thành Hà Nội, cách làng cô chỉ chừng hơn 20 km. Vợ con người ấy không ghen tuông gì, hình như họ chấp nhận.
Cô lần lượt có 2 đứa con chung với ông ta. Cháu N.C.T, SN 2004 và cháu N.T.T, SN 2008. Người chồng chung ấy đi đi về về giữa vợ và cô, nhưng bởi không có hôn thú nên trong giấy khai sinh của hai đứa con phần tên cha, cô bỏ trống.
Hai đứa trẻ, đặc biệt là C.T, dường như sớm nhận ra cuộc sống thiếu thốn của mình nên rất ngoan. Cháu tuy mới 11 tuổi nhưng đã biết đỡ đần mẹ mọi việc và hầu như không bao giờ dám làm trái ý mẹ.
Thế rồi, người chồng chung ấy phận mỏng, ông mắc bệnh ung thư rồi qua đời. Chồng chết, nguồn chu cấp nuôi con cũng hết.
Sự kể, không chỉ thế, cô còn phải gánh món nợ khổng lồ 600 triệu đồng từ tín dụng đen. Thiếu thốn, cô vay ít thôi nhưng lãi mẹ đẻ lãi con, cuối cùng gánh nợ lên đến con số khổng lồ hãi hùng ấy. Cũng là do cô tiêu pha mà vay nợ. Chồng thì chết mà căn nhà mẹ con cô ở cũng chỉ là dựng tạm trên mảnh đất của cha mẹ, khó mà gán nợ được. Và rồi cuối cùng, đỉnh điểm của tấn bi kịch, Sự muốn giải thoát khỏi những sai lầm của cuộc đời bằng cái chết. Nhưng oái oăm là cô không muốn chết một mình. Cô muốn đem theo cả hai đứa con đi.
Tại phiên tòa, Sự khai, khó khăn chồng chất khiến Sự nảy sinh ý định giết chết hai con ruột rồi tự tử theo.
Ngày 14/12/2015, Sự nói với cháu C.T: “Nhà mình giờ chẳng còn gì, nhà cửa cũng sắp bị người ta lấy mất. Vì vậy ba mẹ con mình cùng chết để được ở bên nhau. Ngộ nhỡ mẹ có làm điều gì không phải thì con hãy tha thứ cho mẹ”… Và khi C.T. đang ngủ thì Sự ra tay sát hại con.
Chiều cùng ngày, khi con gái là cháu N.T.T đi học về, do có hàng xóm sang chơi nên Sự không thực hiện được hành vi giết con. Khi phát hiện vụ việc, người nhà bị cáo đưa cháu C.T. đi cấp cứu nhưng do vết thương quá nặng nên cháu qua đời.
Ngày 15/9/2016, TAND TP Hà Nội mở phiên xét xử sơ thẩm và tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị Sự lãnh án 18 năm tù về tội “Giết người”.
“Tôi đã thương cô ấy, không phải thương con người, mà thương cho những bi kịch bị sinh ra bởi những nhận thức tối tăm. Khi tôi về nhà cô ấy gặp người anh trai làm cán bộ xã để nhắn giùm cô ấy rằng cậy nhờ anh nuôi nấng cháu T, đứa con gái may mắn thoát khỏi cái chết, tôi nhói lòng nhìn thấy đôi mắt tròn xoe ngân ngấn nước của cháu lúc hỏi về mẹ.
Số phận hai đứa trẻ vô tội đã vô tình bị ràng buộc vào những lỗi lầm của người mẹ và phải chịu đau đớn. Tôi chỉ mong sao cháu T được sống tốt, được nuôi dạy nên người. Tôi đã nghĩ nhiều và xót xa trước những bi kịch của sự nhận thức tăm tối. Lần đầu tiên trong đời làm luật sư, tôi đã khóc ngay khi bắt đầu vào phiên bào chữa. Chủ tọa phiên tòa, thẩm phán Nguyễn Quốc Thành đã phải cho phép tôi dừng lại và phải cố lắm tôi mới kìm nén được cơn xúc động để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ của mình.
Tôi không bào chữa cho tội ác của Sự. Bởi tất cả đã rõ ràng và khó mà dung thứ. Nhưng tôi muốn chỉ thêm những nguồn cơn dẫn đến tội ác này, tôi muốn nói đến sự hạn chế, hay nói đúng hơn là tăm tối trong nhận thức của bị cáo, vốn chỉ học hết lớp 5 và cuộc sống ở vào thời điểm phạm tội là cô đơn và cùng quẫn. Để, mong HĐXX xem xét khi lượng hình. Bản án 18 năm tù giam, tôi nghĩ là đã có sự xem xét nhất định của HĐXX” – luật sư Thơm nói.
Luật sư Thơm cũng cho biết thêm, trong quá trình tạm giam, trước ngày xét xử, bị can Nguyễn Thị Sự đã mong muốn anh nhận con gái N.T.T là con nuôi và chăm sóc và dạy bảo cháu. Tuy nhiên do gia đình anh trai bị can đã đưa cháu vào làng trẻ em SOS nên ông không thực hiện được nguyện vọng của bị can. “Hy vọng sau này người mẹ chấp hành án trở về sẽ còn có cơ hội gặp lại con cái…” – ông xa xót nói.
(Còn nữa)
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại