Thứ tư 24/04/2024 17:10
Chuyện buồn sau mỗi vụ án của người luật sư:

KỲ 4: Nỗi lòng người cha...

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Không như những vụ án hình sự, những vụ tranh chấp dân sự cũng không khiến luật sư khi nhận nhẹ lòng bao nhiêu. Nhất là những vụ liên quan đến tranh chấp tài sản thừa kế… Luật sư Lê Hồng Hiển tâm sự: Không như các vụ án hình sự, những vụ tranh chấp tài sản máu không rơi nhưng nước mắt rơi…
Những vụ tranh chấp tài sản máu không rơi nhưng nước mắt rơi
Những vụ tranh chấp tài sản máu không rơi nhưng nước mắt rơi

Anh còn nhớ câu chuyện ấy… Cách đây tròn 2 năm, thời tiết Hà Nội những ngày cuối Xuân với gió mùa, mưa phùn càng thêm phần ủ ê sau câu chuyện của vị khách đặc biệt vừa tới Hãng luật Lê Hồng Hiển và Cộng sự nhờ tư vấn.

“Sở dĩ, tôi dùng từ đặc biệt bởi đây là vị khách lớn tuổi nhất của luật sư từ trước đến nay (gần 90 tuổi), và hơn cả, câu chuyện của cụ cũng gây ám ảnh nhất trong số những vụ việc liên quan tới thừa kế mà tôi từng nhận.” – luật sư Hiển bắt đầu câu chuyện.

“Nó cho cháu nội dụ tôi uống thuốc ngủ rồi lấy trộm sổ đỏ, cả giấy tờ hộ khẩu…”, ông cụ mở đầu câu chuyện, ánh mắt buồn bã đầy đau đớn. “Nó còn thuê người tới dọa nạt tôi. Chúng dí tay vào trán tôi mà rằng: Ông hãy cẩn thận". Cụ kể cho luật sư nghe, lời nói trầm buồn, run rẩy và chất chứa những nỗi đau. “Giờ tôi luôn sợ hãi lo lắng tới mất ăn mất ngủ. Tôi từng này tuổi không sợ chết, nhưng sợ bị con trai thuê người bắt nhốt, giam lỏng, như cái cách mà nó đang làm với bà nhà tôi vậy” nói đến đây, ông cụ đờ đẫn, khuôn mặt đầy nếp nhăn run lên bần bật. Những giọt nước mắt đang được kìm nén trong đôi mắt đã mờ, rạn chân chim… Chua xót, bất lực.

Theo lời cụ, “nó” ở đây là người con trai duy nhất của cụ và vợ. “Nó” cũng từng là niềm tự hào lớn nhất mà cụ có được khi đi gần hết chặng đường đời: Học rộng, điều hành một công ty có cả trăm nhân viên, nhà cửa đất đai không thiếu. Do hoàn cảnh mà cụ không ở gần vợ con, tuy tình cảm cha con không thực sự tốt, nhưng trước nay cũng không có vấn đề gì. Bi kịch chỉ thực sự bắt đầu khi giữa năm 2020, cụ quyết định viết di chúc và ngôi nhà mặt tiền giữa Thủ đô rộng gần 150m2 cụ tính để cho con trai 1 phần, 1 phần cho em gái và cháu, 1 phần cụ tính làm từ thiện…

Thế nhưng, dự định của cụ vấp phải sự phản đối kịch liệt của vợ chồng anh con trai. Theo lý lẽ của anh này, anh ta là con trai duy nhất, lẽ dĩ nhiên tất cả tài sản của bố mẹ phải thuộc về anh ta. Chuyện bố định chia cho người khác là vô lý. Hoặc giả, cũng bởi lòng tham, mảnh đất kia nhẩm sơ cũng vài chục tỷ, dễ gì muốn sẻ chia cho người khác… Chưa kể, ngoài mảnh đất đắt đỏ ấy, cụ còn 1 ngôi nhà hiện đang ở Hưng Yên và Hà Nam, là đất tổ tiên để lại…

Và thế là, không trừ một thủ đoạn nào, vợ chồng anh con trai từ việc thuê giang hồ “dằn mặt” bố, xúi con chuốc ông nội uống thuốc ngủ để trộm sổ đỏ, rồi “giam lỏng” mẹ già với mục đích không cho ông bà ký vào di chúc. Đến giờ, ông muốn trở về nhà mình cũng phải trải qua tới 3 vòng “giám sát” – đã được vợ chồng anh con trai thuê mướn. Đó là hàng xóm, người giúp việc, và chị vợ bất kể lúc nào bố về nhà là xuất hiện sau 30 phút…

Đau lắm chứ, người Việt ta có lối suy nghĩ việc nhà “đẹp đẽ phô ra, xấu xa đậy lại”. Thế nhưng cái việc đi “tố” con cái là việc cực chẳng đã. Đã vậy, lại phải phơi hết ra cái đốn mạt của đứa con trai đã từng là niềm hy vọng, là tự hào, đứa con mà một tay vợ chồng cụ chăm bón từng ngụm sữa, thìa cháo… Khổ lắm chứ khi mà “trẻ cậy cha già cậy con”, vậy mà giờ đây cụ phải nhờ đến pháp luật để bảo vệ chính mình cũng như để ngăn chặn con trai khỏi làm điều bất hiếu….

cách nào để con trai không cướp trắng nhà của mình, liệu cụ mất hết giấy tờ có ảnh hưởng đến việc thực hiện di chúc hay không? Là trăn trở lớn nhất của cụ đặt lòng tin vào tay luật sư, một người chẳng liên quan, không hề cùng huyết thống.

“Nghe tôi tư vấn và hứa sẽ làm đến cùng để đạt được tâm nguyện cuối đời của cụ, cụ nở nụ cười mà tôi nom còn đáng thương hơn cả khóc: “Dù thế nào tôi cũng muốn nhờ luật sư giữ kín danh tính con trai, tôi thực lòng không muốn nó chịu điều tiếng”…” – luật sư Hiển kể. Thương thay tấm lòng bậc sinh thành, cho đến lúc cuối cùng cụ vẫn muốn giữ lại chút danh tiếng cho đứa con bạc bẽo!

“Sau buổi làm việc, cụ chào tôi, vất vả leo lên chiếc taxi về Hưng Yên cho kịp giờ cơm tối, bỏ lại tôi đứng chơ vơ với tâm trạng nặng trĩu. Lần đầu gặp khách hàng mà tôi muốn khóc. Tôi nhớ cha tôi, nhớ mẹ tôi và tự hỏi: “Người con kia, khi trở thành đứa trẻ “mồ côi” như tôi liệu có hối hận với những việc anh ta đang làm hay không? Và liệu, chữ Hiếu kia anh ta định giá bao nhiêu, hay chỉ đơn giản bằng căn nhà mặt phố….?".

Không ám ảnh như những vụ án hình sự, những vụ tranh chấp thừa kế khiến người ta thực sự nặng lòng. “Trước nay, người Việt ta thường có lối suy nghĩ tránh việc chia thừa kế và không rõ ràng về tài sản khi vẫn còn sống. Bởi quan niệm chia thừa kế chỉ diễn ra khi người nằm xuống, còn sống, họ sợ xui, sợ đen… nên rất nhiều lảng tránh.” – luật sư Hiển lý giải.

Tranh chấp thừa kế tài sản vốn là loại án chiếm tỷ lệ thấp trong tổng số án mà các tòa án thụ lý, thế nhưng loại án này lại thuộc loại phức tạp, khó giải quyết và thường kéo dài nhất. Bởi lẽ, chủ thể tham gia quan hệ và tranh chấp thừa kế thường liên quan đến nhiều người trong gia đình, họ tộc.

Và theo luật sư Hiển, án này cũng là một trong những loại án khiến những người luật sư như anh nặng lòng nhất. Bởi lẽ, đây là cuộc chiến của chính những người trong cùng 1 gia đình, dòng tộc. Giữa bố mẹ, con cái, anh chị em ruột… Người xưa bảo “một giọt máu đào hơn ao nước lã”, thế nhưng trong các vụ xa xót này, chẳng còn tình thân, những tranh cãi, mâu thuẫn kéo dài và cũng gây nhiều tổn thương cho người trong cuộc…

“Việc lập di chúc rõ ràng khi để lại tài sản thừa kế là điều cần thiết để tránh xung đột và tranh chấp về sau. Mặc dù có một số trường hợp có lập di chúc vẫn tranh chấp, nhưng thường không quá căng thẳng và việc giải quyết cũng sẽ dễ dàng hơn…” – quan điểm của luật sư Hiển.

(Còn nữa)

Kỳ 2: Đẩy con vào vòng lao lý vì mối tình vụng trộm
Kỳ 1: Mẹ hại con đẻ - Sự "mù mịt" của nhận thức
Minh Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động