Chuyện buồn sau mỗi vụ án của người luật sư - Kỳ cuối: Còn khoảng trống pháp lý?
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênGiết người vì mâu thuẫn tiền bạc với tiếp viên quán karaoke. Ảnh minh họa |
Với luật sư Nguyễn Tiến Hùng - Đoàn Luật sư Hà Nội, nhiều những vụ án hình sự khi đi sâu vào căn nguyên đều khiến người ta có những tiếc nuối, day dứt. “Những vụ án hình sự mà các đối tượng liên quan là những đứa trẻ vị thành niên, những vụ án giết người mà những đối tượng đều là người lao động thiếu hiểu biết về pháp luật, hạn chế về nhận thức… đều khiến người làm luật sư nặng lòng”, ông nói.
Ông bảo, trong quãng thời gian làm luật sư của mình, ông chứng kiến nhiều người rơi nước mắt trên những phiên tòa. Đó là bị can, bị cáo, là người nhà nạn nhân, là người nhà của chính bị cáo, thậm chí có cả những luật sư... Nhưng day dứt nhất, đó là những giọt nước mắt ân hận của những thanh niên tuổi còn trẻ. Ông đã chứng kiến những thanh niên khi đứng trước vành móng ngựa đã bật khóc như trẻ con, bởi khi sự việc xảy ra rồi, trong quá trình giam giữ mới thực sự ý thức được hậu quả của mình gây ra. Sự non nớt về nhận thức xã hội, sự mù mờ về nhận thức pháp luật khiến nhiều người gây ra chuyện mà không hề biết mình đang phạm trọng tội…
Luật sư Hùng kể về một vụ án mà ông đã tham dự cho PV nghe, với tư cách người đại diện quyền lợi cho bị cáo. Vụ án ấy có thể xảy ra rất nhiều, gặp rất nhiều trong xã hội, những mâu thuẫn tương tự diễn ra cũng không hiếm… Và cái day dứt trong ông, nó là sự tiếc nuối với cả bị hại cũng như bị cáo.
Ông còn nhớ năm 2021, ông được chỉ định làm luật sư bào chữa cho bị cáo D.Q.U (SN 1993, trú tại huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng), một trong những bị cáo trong vụ án giết người.
Theo cáo trạng, tối ngày 9/7/2020, bị cáo U cùng các bạn thuê trọ tại xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội có đến một quán karaoke tại phường Yên Sở, quận Hoàng Mai, Hà Nội để ca hát.
Tại đây, theo yêu cầu của nhóm nên nhân viên phục vụ tại quán karaoke gọi điện thoại kêu các nhân viên nữ lên phòng hát. Người nhân viên này tiếp tục gọi điện cho T.V.H, SN 1983, trú tại huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định, làm chăn dắt gái dịch vụ nhắn đưa nhân viên đến phục vụ tại quán.
Đến khoảng 1h40 ngày 10/7/2020, N.H.Y (một trong những cô gái phục vụ trong phòng karaoke) nói hết ca làm và rời khỏi phòng hát xuống tầng 1. Lúc này, có 2 thanh niên cùng nhóm với U đi theo Y xuống tầng 1 giữ Y lại và yêu cầu ở lại phục vụ nếu không sẽ không cho tiền “quà”. Do đã khuya nên Y không đồng ý và đi ra cửa quán, Y có gọi điện cho H kể lại sự việc. Sau khi nghe điện thoại, H đã gọi thêm 3 thanh niên đến quán karaoke đón Y.
Lúc này, nhóm hát của U cũng ra về, trong lúc trao đổi, đám thanh niên có thể hiện việc sẽ không trả tiền “quà” cho Y. Việc không thống nhất được trả hay không trả tiền khiến đôi bên xảy ra cãi vã. Quá trình cãi nhau, hai bên có xảy ra xô xát, U cùng đồng bọn đánh H, đồng thời lấy gạch đập và ném làm H gục xuống đường. Không dừng lại, nhóm của U tiếp tục dùng chân đá, đánh vào người H. Sau đó cả nhóm bỏ về nhà trọ. H được người dân đưa đi cấp cứu, nhưng do bị chấn thương sọ não nặng nên đã tử vong.
Ngày 11/7/2020, U cùng các đồng phạm bị Cơ quan CSĐT CA quận Hoàng Mai bắt giữ để điều tra về hành vi giết người.
“Phiên tòa xét xử hôm ấy, các bị cáo có mặt đều rất trẻ, đều bị truy tố bởi hành vi Giết người có tính chất côn đồ. Điều đáng tiếc, xót xa, tất cả đều là trụ cột trong các gia đình…” - luật sư Hùng bày tỏ.
Trong vụ án ấy, kể cả bị cáo lẫn bị hại đều có có vợ dại, con thơ, có cha mẹ già cần phụng dưỡng. Từ tranh cãi không đáng có, cùng sự kích động với nhận thức hạn chế về pháp luật, dẫn đến lấy đi mạng sống của một người. “Hành vi bộc phát, ngông cuồng của các bị cáo đã phải trả một giá quá đắt. Một người mất đi mạng sống, một gia đình mất đi thành viên, con mất cha, vợ mất chồng… còn những người khác thì đối diện với án tù tội.
Trong vụ án ấy, cho dù phán xét thế nào thì những nỗi đau của những người ở lại vẫn rất dai dẳng. Những mất mát cho cả hai bên gia đình là không thể bù đắp nổi”, theo luật sư Hùng. Cũng theo ông, những vụ việc như vậy ở xã hội có rất nhiều, mà với vai trò là luật sư, những vụ án ấy khiến người ta hết sức nặng lòng.
Bởi theo ông, họ là những người lao động chân chất, không phải có bản tính côn đồ, do chút bốc đồng, xốc nổi gây nên hậu quả mà không chỉ mình họ phải gánh chịu. “Tại phiên tòa, nhìn vợ dại con thơ, nhìn những mái tóc hoa râm của bậc sinh thành của bị hại, bị can bị cáo mới thấy nhói lòng… Sự ân hận không còn ý nghĩa với nỗi đau của những người có mặt trong phiên tòa hôm ấy. Cũng qua những câu chuyện như trên, nói về trách nhiệm thì không chỉ những bị can, bị cáo mới là người phải gánh, mà đó rộng hơn còn là câu chuyện của từng gia đình, nhà trường cũng như xã hội”, luật sư Hùng quan điểm.
Luật sư Hùng lập luận, với những người dân lao động, việc cơm áo gạo tiền đè nặng, họ ít có thời gian để quan tâm đến các vấn đề xã hội cũng như hiểu được quyền lợi cũng như nghĩa vụ mình. Theo luật sư Hùng, bởi lẽ trong thời gian qua xảy ra nhiều những câu chuyện, những vụ án mà bị can, bị cáo cũng như bị hại đều tuổi còn rất trẻ là điều rất đáng tiếc. Trong những câu chuyện đó, cái cần nhìn nhận và xem xét đó là việc giáo dục pháp luật trong nhà trường, bởi theo ông, hệ thống giáo dục Việt Nam từ xưa đến nay bỏ quên hẳn việc giáo dục pháp luật trong nhà trường.
“Bởi thiếu kiến thức pháp luật nên bố mẹ, ông bà trong gia đình đều hổng vậy nên không có kỹ năng giáo dục con cái. Đến lứa con cái cũng hồn nhiên lớn, tự nhiên trưởng thành tiếp tục mang trong mình những lỗ hổng về nhận thức pháp luật. Còn trong nhà trường, xem xét các bộ môn hiện nay thì may ra có môn giáo dục công dân có chút kiến thức để trang bị các em về hiểu biết pháp luật. Tuy nhiên, những giờ để có thể phổ biến các vấn đề ấy cho học sinh lại không nhiều, hơn nữa nếu có dậy cũng chỉ dạy lý thuyết mà chưa đề cập đến chế tài xử lý, hoặc đề cập đến chế tài xử lý chưa đủ mạnh…” - luật sư Hùng lập luận. Vì vậy theo ông, ở mỗi vụ án, mỗi phiên tòa, cái nhìn nhận không chỉ riêng là bản án, mà nó còn là những vấn đề xã hội, giáo dục, nhân sinh… xung quanh đó.
Kết
Mỗi vụ án là một câu chuyện, mà xem xét ở khía cạnh nào thì cũng khiến những người chứng kiến nặng lòng, nhức nhối. Cũng có cảm xúc như những người bình thường, lại liên tục tiếp cận với những câu chuyện luật pháp, có những khi, chính những người tưởng chừng cứng cỏi như những luật sư cũng rơi lệ. Những án phạt, những ngày tù đầy hay những án tử hình không phải là cách giải quyết, mà căn nguyên của vấn đề lại là câu chuyện khác… Đó là những điều, những nặng lòng trong câu chuyện của mỗi luật sư.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại