Kỳ 2: Đẩy con vào vòng lao lý vì mối tình vụng trộm
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênBị cáo Nguyễn Văn Kiên tại tòa |
Mối tình vụng trộm...
Ngày 29/3/2012, Nguyễn Văn Kiên, SN 1991, trú tại huyện Thanh Oai, Hà Nội, ra trước vành móng ngựa với tội danh “Giết người”.
Theo cáo buộc, do biết chồng bà N.T.V, mẹ đẻ của Kiên, vừa qua đời, ông N.Q.H tìm đến nhà muốn “qua lại”.
Khoảng 21h ngày 14/11/2011, ông H đến nhà bà V chơi, sau đó kéo bà ra ngoài để nói chuyện. Do không chấp nhận mối quan hệ này, Kiên vào nhà lấy gậy gỗ đập một nhát thẳng vào thái dương ông H, làm ông này vỡ sọ não, tử vong. Tại phiên tòa, HĐXX đã tuyên án Kiên 13 năm tù giam.
Tại vụ án này, luật sư Thơm cũng được Đoàn Luật sư Hà Nội chỉ định bào chữa cho bị can Kiên. Ông kể, khi nhận vụ án ông đã tìm về Thanh Oai. Mới về đầu làng, chỉ hỏi thăm đã thấy dân làng xôn xao và chỉ ông vào tận nhà chàng trai ấy. Khi biết ông là luật sư bào chữa cho Kiên, bà N.T.V., mẹ Kiên tiếp ông với sự ngại ngần. “Tôi hiểu sự tủi thẹn nơi bà vì nguồn cơn tội lỗi của đứa con trai duy nhất của bà lại bắt nguồn từ chính những trái ngang nơi bà” – luật sư Thơm kể.
Câu chuyện của luật sư với người nhà bị can dần sáng tỏ. Hai vợ chồng bà V sinh ra và lớn lên ở đây, họ nên duyên chồng vợ và có với nhau 2 đứa con - Kiên là con lớn. Chồng bà V, làm thợ xây giỏi, ông ấy cùng với đội thợ ra nội thành Hà Nội làm ăn, đem tiền về nuôi cả gia đình. Nhưng run rủi, ông ấy mất bởi tai nạn khi đang thay bể lọc nước cho gia đình mình.
Sau cái chết của chồng, bà V buồn đau và cô đơn. Lúc đó ông N.Q.H, người cùng làng, vốn là bạn thân của chồng bà, thương cảnh vợ góa con côi nên đã thường xuyên đi lại giúp đỡ mấy mẹ con bà. Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén, gần gũi nhau riết rồi quen hơi bén mùi, bà V trở thành tình nhân của ông H từ lúc nào không rõ.
Mới đầu, 2 người còn giấu kín. Sau, bị người thân, hàng xóm phát hiện, tuy nhiên, họ lại tỏ ra công khai mối quan hệ tình cảm bất chính này khiến nhiều người dị nghị. Kiên cảm thấy xấu hổ và tỏ thái độ phản đối ra mặt mối quan hệ tình cảm của mẹ với ông H. Nhưng vì là phận con nên cậu không thể làm được gì, ngoài việc phải chấp nhận tủi buồn…
Và rồi, bi kịch xảy ra. Theo cáo trạng, khoảng 21 giờ ngày 14/11/2011, ông H đến nhà tìm mẹ Kiên, nhưng bà V không có nhà. Do bực tức trong người vì phải đợi lâu, vừa trông thấy tình nhân đi về, ông H kéo tay bà V ra đầu ngõ nói chuyện riêng tư như thể họ là vợ chồng của nhau. Do mẹ Kiên từ chối không đi, ông H lớn tiếng quát nạt, dùng sức mạnh thay cho lời nói.
Kiên lúc đó đang ở trong nhà, cầm chiếc thước gỗ to dài dùng trong xây dựng chạy ra sân bênh mẹ. Kiên đuổi ông H ra khỏi nhà mình và bảo mẹ vào nhà. Lời qua tiếng lại, ông H và Kiên xảy ra xô xát. Trong lúc tức giận, Kiên vung cây thước gỗ vụt trúng thái dương làm ông H ngã vật xuống đất. Mặc dù được đưa đi cấp cứu kịp thời, nhưng do vết thương quá nặng, ông H đã tử vong vào chiều ngày hôm sau, còn Kiên ra đầu thú tại CQCA…
Bị cáo bị kích động
Ở phiên tòa, quan điểm của VKS cho rằng hành vi phạm tội của bị cáo là côn đồ, hung hãn, thực hiện tội phạm đến cùng. Người bị hại đã bỏ chạy mà bị cáo vẫn dùng thước gỗ xây dựng vụt trúng thái dương gây tử vong. Việc quan hệ nam nữ giữa mẹ bị cáo và người bị hại (đang có vợ con) là “bình thường”. Đó không là nguyên nhân khiến bị cáo bức xúc gây ra cái chết cho nạn nhân. Trên cơ sở đó, VKS đề nghị 18-20 năm tù giam.
Tuy nhiên, luật sư Thơm lập luận rõ ràng, hành vi phạm tội của bị cáo đã bị kích động do hành vi trái pháp luật của người bị hại đối với mẹ bị cáo. Ông H đánh bị cáo trước, sau đó bị cáo cầm gậy đuổi vụt 1 phát trúng thái dương. Người bị hại đã có lỗi vì đang thực hiện hành vi xâm hại nhân phẩm mẹ bị cáo thì bị cáo ra ngăn chặn. Dù cho trước đó 2 người đã từng có một thời gian dài lén lút quan hệ bất chính, nhưng thời điểm xảy ra vụ án thì mẹ bị cáo đã dừng lại.
“Người bị hại đang có vợ con, do vậy đó là quan hệ bất chính chứ không phải quan hệ nam nữ “bình thường”. Và đây chính là nguyên nhân xuất phát hành vi phạm tội của bị cáo do bị ức chế, xấu hổ với dân làng nên đã rời bỏ làng quê đi làm thợ hồ... Bị cáo đã nhiều lần bị người làng châm chọc về quan hệ bất chính giữa mẹ và người bị hại. Chỉ khi mẹ chấm dứt quan hệ bất chính thì bị cáo mới dám trở về nhà” – luật sư Thơm nói.
Hành vi giết người của Kiên như một sự "bùng nổ" sau quá nhiều kìm nén, giằng xé. Cha mất chưa lâu, hàng ngày phải chứng kiến mẹ có "người mới", em còn nhỏ dại, bà thì già yếu… tất cả được coi là nguyên nhân gián tiếp khiến Kiên trở thành kẻ tội đồ.
Trong vụ án này, bị hại mặc dù có lỗi sai nhưng cái giá phải trả lại quá đắt. Không những thế, cái chết của nạn nhân tạo ra cả chuỗi bi kịch và những nỗi đau cho những người ở lại. Một chàng trai trẻ rơi vào vòng lao lý, một người mẹ già ngày đêm khóc hết nước mắt vì thương con, thương cháu, một người đàn bà góa bụa có giận, có thương mà không còn cách nào để trút bỏ…
Và với mẹ của Kiên, người tình chết, con trai đi tù, chịu cảnh người đời gièm pha, đàm tiếu… Cũng là cái giá quá đắt mà bà V phải gánh chịu bởi những sai lầm của mình. Có thương con, có hối tiếc về những ngày tháng đã qua thì cũng đã quá muộn…
“Tôi nhớ lần đầu gặp Kiên trong trại giam, tôi đã vô cùng xót xa khi nhìn thấy gương mặt khôi ngô, lành hiền của cậu ấy. Nếu không có cuộc tình ngang trái của mẹ, nếu cha cậu ấy không mất sớm, tôi cứ ước ao như vậy để không phải thấy cậu ấy ở đây, nơi bốn bề song sắt. Kiên nhận tội, không dám oán trách gì mẹ khiến tôi càng thương cậu ấy hơn” – luật sư Thơm kể. |
(Còn nữa)
Kỳ 1: Mẹ hại con đẻ - Sự "mù mịt" của nhận thức |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại