Hòa giải viên chia sẻ kinh nghiệm hòa giải ở cơ sở
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênÔng Nguyễn Tuấn Hùng – Bí thư chi bộ, Tổ trưởng tổ hòa giải thôn Thượng, xã Dương Hà, huyện Gia Lâm, Hà Nội chia sẻ kinh nghiệm hòa giải cơ sở tại Lễ Tổng kết 10 năm triển khi Luật Hòa giải ở cơ sở trên địa bàn huyện Gia Lâm. Ảnh Bạch Dương |
Bám sát từng hộ dân, hòa giải ngay từ khi vụ việc mới manh nha
Ông Nguyễn Tuấn Hùng – Bí thư chi bộ, Tổ trưởng tổ hòa giải thôn Thượng, xã Dương Hà, huyện Gia Lâm, Hà Nội chia sẻ, trong cuộc sống hàng ngày, do sự khác nhau về quan điểm, về nhận thức và tính cách…nên việc nảy sinh mâu thuẫn, tranh chấp giữa các thành viên trong gia đình, giữa các hộ gia đình, giữa cá nhân với nhau là điều tất yếu, không thể tránh khỏi.
Những mâu thuẫn, tranh chấp này nếu không được giải quyết kịp thời thì “chuyện bé xé ra to”, từ tranh chấp thuần túy dân sự có thể bùng phát nghiêm trọng thành vụ án hình sự, gây mất đoàn kết trong nội bộ nhân dân. Xuất phát từ truyền thống văn hóa của dân tộc, cọi trọng tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, nên công tác hòa giải ở cơ sở được hình thành từ rất sớm, là phương thức giải quyết các mâu thuẫn, các tranh chấp ở cộng đồng dân cư.
Ông Hùng cho biết, thôn Thượng, xã Dương Hà có tổng số 617 hộ gia đình, với 2.035 nhân khẩu; thôn có 6 tổ liên gia; ngành nghề chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, dịch vụ vận tải, may mặc và buôn bán nhỏ. Trong những năm qua, dưới sự chỉ đạo sát sao của Đảng ủy – Hội đồng Nhân dân- UBND xã, cán bộ và Nhân dân thôn Thượng đã nỗ lực phấn đấu để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, tạo tiền đề cho địa phương từng bước đổi mới, cơ sở vật chất, xây dựng cơ bản của địa phương đã được đổi thay, văn hóa xã hội phát triển, kinh tế chính trị ổn định, đời sống tinh thần và vật chất của Nhân dân ngày càng được cải thiện, an ninh quốc phòng được giữ vững.
Bên cạnh cuộc sống về vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao, song vẫn thường xuyên xảy ra những chuyện đời thường cần phải giải quyết như: Chuyện tranh chấp đất đai, chuyện xây dựng lấn chiếm sang nhà nhau, chuyện đánh cãi chửi nhau rồi chuyện ly hôn ... Mỗi câu chuyện, mỗi sự việc đều có những mâu thuẫn khác nhau và cách giải quyết khác nhau.
Tiểu phẩm cuộc thi "Hòa giải viên giỏi" năm 2023 của huyện Gia Lâm. Ảnh Bạch Dương |
“Hiện nay, tổ hòa giải thôn Thượng, xã Dương Hà có 7 thành viên, để thực hiện tốt công tác hòa giải ở cơ sở, tổ hòa giải chúng tôi đều phải bám sát với từng hộ dân, phát hiện và tiến hành hòa giải ngay khi mới manh nha những mâu thuẫn, bất đồng. Trong công tác hòa giải, đều thực hiện đúng theo pháp luật hiện hành, khi mời đương sự đến hòa giải, chúng tôi thường lấy tình nghĩa xóm làng làm chủ yếu.
Trước khi đưa vụ việc ra hòa giải, đều phải tổ chức xác minh, nắm rõ nguồn gốc, nguyên nhân xảy ra tranh chấp, khiếu kiện; đồng thời tổ chức họp tổ, phân tích nội dung đơn thư yêu cầu, xác minh nguồn gốc, nguyên nhân xảy ra tranh chấp, khiếu kiện để các thành viên trong tổ nắm rõ. Sau đó, tổ sẽ tiến hành mời các bên đến Nhà văn hóa thôn và mời thêm một số người có uy tín ở địa phương cùng tham gia hòa giải; điều rất quan trọng là tập thể tổ đều có định hướng trước về nội dung và phương hướng phân tích, giải thích để tuyên truyền vận động hai bên đương sự”, ông Hùng cho biết.
Hòa giải thành đạt trên 90%
Hàng năm tổ hòa giải thôn Thượng đã chứng kiến và thực hiện hòa giải nhiều vụ việc xảy ra (trung bình mỗi năm hòa giải từ 07 - 10 sự việc), mức độ thành công đạt trên 90%, số còn lại liên quan đến chuyên môn như: Địa chính, xây dựng cần phải đưa lên cấp trên giải quyết.
Bên cạnh đó, tổ hòa giải thôn Thượng còn thường xuyên tìm hiểu học hỏi các kỹ năng trong công tác hòa giải như: Kỹ năng phân tích, đánh giá, lập biên bản hòa giải và chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn công tác hòa giải của đơn vị bạn; đề xuất với cấp có thẩm quyền tháo gỡ vướng mắc bất cập, vấn đề mới phát sinh trong công tác hòa giải ở địa phương.
Để tiếp tục phát huy công tác hòa giải và nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở, trong thời gian tới tổ hòa giải thôn Thượng mong các cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu tiếp tục quan tâm hơn nữa trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở một cách thực chất và hiệu quả.
Tăng cường tuyên truyền, phổ biến về hòa giải ở cơ sở nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội đối với công tác này. Nâng cao hơn nữa năng lực cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở về cả kiến thức và kỹ năng nhằm đáp ứng nhu cầu giải quyết tranh chấp ngày nhiều và ngày càng phức tạp nảy sinh do sự phát triển kinh tế - xã hội, sự hội nhập giao lưu quốc tế hiện nay.
Theo ông Nguyễn Tuấn Hùng, đối với hòa giải viên ở cơ sở, cần xác định “sứ mệnh” của mình không chỉ đơn thuần là giải quyết tranh chấp, vi phạm pháp luật tại cộng đồng dân cư mà hoạt động của hòa giải viên phải mang lại cuộc sống yên bình, hạnh phúc cho cộng đồng, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội và củng cố khối đại đoàn kết dân tộc ngày một vững mạnh; hòa giải viên phải đi sâu, đi sát xuống từng hộ dân, lắng nghe dân để nắm bắt tâm tư nguyện vọng của bà con, từ đó mới tìm được nguyên nhân sâu xa của mâu thuẫn và khi đã hiểu được nguyên nhân thì phải thật công tâm, phân tích quy định pháp luật, quyền lợi mỗi bên. Từ đó tạo sự đồng thuận, đồng lòng xây dựng và phát triển địa phương, đất nước giàu mạnh.
Tăng cường vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc và sự phối hợp của các tổ chức chính trị - xã hội. Trong công tác hòa giải, Mặt trận Tổ quốc cần gắn chặt chẽ hơn nữa việc thực hiện hoạt động hòa giải ở cơ sở vào các cuộc vận động các phong trào do Mặt trận Tổ quốc phát động như “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc”, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc”... Thông qua đó để tăng cường phổ biến pháp luật cho nhân dân nhằm tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội.
Hoà giải ở cơ sở Luật Hoà giải ở cơ sở đã được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 20/06/2013 và có hiệu lực từ ... |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại