Thứ sáu 21/06/2024 12:58

Hình phạt với trẻ vị thành niên phải chuyên biệt, “vừa nghiêm khắc, vừa nhân văn”

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Thảo luận về dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình đánh giá hệ thống hình phạt hiện nay với các cháu không hợp lý, rất bất cập, quá nặng với các cháu vị thành niên phạm tội...
Hình phạt với trẻ vị thành niên phải chuyên biệt, “vừa nghiêm khắc, vừa nhân văn”
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình. Ảnh: Quốc hội

Hệ thống hình phạt hiện nay quá nặng với trẻ vị thành niên phạm tội

Ngày 8/6, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên. Phát biểu tại tổ, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao (TAND) Nguyễn Hòa Bình cho hay, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên tham gia Công ước của Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em. Công ước khuyến cáo tất cả các quốc gia thành viên phải có bộ luật riêng về tư pháp người chưa thành niên.

Theo ông Nguyễn Hòa Bình, ASEAN chỉ còn 2 nước chưa có đạo luật riêng về tư pháp người chưa thành niên, trong đó có Việt Nam.

Nói về sự cần thiết ban hành đạo luật này, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho hay, khả năng kiểm soát các hành vi của trẻ kém hơn người trưởng thành, thường bốc đồng, thậm chí có lúc manh động.

Mặt khác, do kiến thức pháp luật không có nên khi phạm tội đối mặt với hệ thống tư pháp của chúng ta nặng nề như vậy các cháu dễ bị tổn thương.

Chánh án Nguyễn Hoà Bình đặt vấn đề, rằng một số cơ quan băn khoăn, chúng ta nhân văn quá với các cháu thì có phải thả tội phạm ra đường không? Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hòa Bình, nhiều nước nghiên cứu nếu các cháu phạm tội mà cho vào trại luôn chỉ làm các cháu chai sạn với nhà tù, dễ tái phạm. Nhiều ước áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng, với tinh thần cứu các cháu khỏi nhà tù, tỉ lệ phạm tội giảm khoảng 85%.

Ngoài ra, người đứng đầu ngành tòa án cũng đánh giá việc xử lý các cháu về mặt tư pháp phải sử dụng tới 10 đạo luật thì rất khó khăn cho các cơ quan tư pháp, do đó rất cần tích hợp vào một đạo luật riêng để xử lý chuyên biệt, “vừa nghiêm khắc, vừa nhân văn”.

“Dự thảo Luật được xây dựng trên kinh nghiệm của nhiều nước và khuyến cáo của Liên Hợp Quốc” - ông Nguyễn Hòa Bình nói và cho biết thêm rất nhiều yêu cầu tiến bộ trong đạo luật này, vừa nghiêm khắc để bảo đảm an toàn trật tự xã hội.

Chánh án Nguyễn Hoà Bình đánh giá hệ thống hình phạt hiện nay với các cháu không hợp lý, rất bất cập, quá nặng với các cháu vị thành niên phạm tội. Theo ông, chúng ta thiếu rất nhiều các biện pháp tư pháp thế giới đang áp dụng.

“Các cháu phạm tội, ngay lập tức bắt tạm giam đưa vào trại, đó là câu chuyện hiện nay. Nhưng dự thảo cho phép bắt, kiểm soát tại nhà bằng các biện pháp tư pháp chuyển hướng, kiểm soát bằng các thiết bị điện tử, không cho ra ngoài” - ông Nguyễn Hòa Bình nói.

Chánh án TAND tối cao cũng nói thêm việc đánh nhau, ăn cắp vặt trong siêu thị…. hoàn toàn có thể áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng, không nhất thiết phải đưa vào trại giam…

Dự án Luật thể hiện tính nhân văn cao, vừa bảo đảm tính nghiêm khắc

Thảo luận tại Đoàn Hà Nội, các đại biểu đều khẳng định sự cần thiết, đánh giá cao vai trò, tầm quan trọng cũng như tính nhân văn, hiện đại của Dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên. Đại biểu đánh giá hồ sơ Dự án Luật được chuẩn bị công phu trên cơ sở khảo sát tổng kết thực tiễn, tổ chức hội thảo khoa học đánh giá tác động, nghiên cứu các quy định pháp luật quốc tế liên quan...

Đại biểu Quốc hội Lê Quân nhận định, Dự án Luật là bước tiến mới trong công tác tư pháp nhằm bảo đảm quyền của người chưa thành niên. Tuy nhiên, trước nhiều ý kiến băn khoăn về một số phương án, nội dung trình ra Quốc hội, đại biểu nêu quan điểm cần đối chiếu và mạnh dạn áp dụng theo các thông lệ quốc tế liên quan đến người chưa thành niên.

Theo đại biểu, việc áp dụng có thể phát sinh nhiều công việc, chi phí, thủ tục, đầu tư, và phát sinh cả nhân lực…, nhưng những phát sinh này có thể được giải quyết trong bối cảnh hiện nay khi chúng ta đang có chuyển biến mạnh mẽ, đầu tư về cơ sở vật chất, xây dựng toà án điện tử. Xã hội cũng đang rất chú trọng đến công tác xã hội, tâm lý học đường quan tâm đến trẻ em.

Ngoài ra, cần phải có quy trình tố tụng riêng cho người chưa thành niên bởi nếu không việc xây dựng luật sẽ không mang nhiều ý nghĩa. Đại biểu cũng đề nghị, trong giai đoạn hiện nay có thể sử dụng Quỹ Bảo trợ Trẻ em Việt Nam (đang được sử dụng rất tốt vào các mục tiêu bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em) để mở rộng chức năng, nhiệm vụ giúp giải quyết được mục tiêu trước mắt, đáp ứng được yêu cầu bài toán cần nguồn lực để huy động, thực hiện nhiệm vụ. Giai đoạn sau này có thể tính toán các quỹ khác phù hợp hơn.

Phát biểu thảo luận, đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí cho rằng, đây là dự án Luật hết sức cần thiết, khắc phục những bất cập của hệ thống pháp luật hiện hành. Một số hình phạt không có sự phân hóa giữa người chưa thành niên và người trưởng thành, mức hình phạt có khi quá nhiêm khắc, đôi khi lại quá nhẹ vì không có các quy định áp dụng chuyên biệt, phù hợp. Đại biểu cũng nhận định, cấu trúc của Dự án Luật thể hiện tính nhân văn cao, vừa bảo đảm tính nghiêm khắc trong các hình thức phạt vừa tạo điều kiện để người chưa thành niên được hoàn lương, cơ cơ hội sửa chữa lỗi lầm.

Hình phạt với trẻ vị thành niên phải chuyên biệt, “vừa nghiêm khắc, vừa nhân văn”
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Chính, đoàn ĐBQH TP Hà Nội. Ảnh: P.V

Góp ý chuyên sâu vào 1 số điều của dự thảo Luật, đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Chính nêu các ý kiến đối với quy định về xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên phạm tội; hình phạt và các chính sách hình sự chuyên biệt…

Về thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng, đại biểu Nguyễn Hữu Chính cho rằng, việc quy định cơ quan điều tra áp dụng hoặc giao cho tòa, cả 2 phương án đều có lợi nhưng cũng đều có bất cập. Nếu giao cơ quan kiểm sát làm biện pháp chuyển hướng ngay thì có lợi về thời gian và người bị hại, tuy nhiên lại mâu thuẫn điều luật này về định nghĩa "biện pháp chuyển hướng".

Vì vậy, đại biểu đề nghị phải cân nhắc 2 biện pháp chuyển hướng này, nên kết hợp biện pháp chuyển hướng dành cho cơ quan điều tra và tòa án theo từng giai đoạn. Với quy định biện pháp tù có thời hạn quy định tại Điều 111 Dự thảo Luật, đại biểu đồng ý với quan điểm xử lý tuy nhiên đại biểu cho rằng với độ tuổi 14-16 chỉ áp dụng với một số trường hợp (như: giết người, hiếp dâm, hiếp dâm người dưới 16 tuổi, hiếp dâm người 13-14 tuổi, sản xuất ma tuý tôi) là chưa phù hợp vì còn nhiều tội đặc biệt nghiêm trọng khác như buôn bán ma túy, cướp tài sản. Đại biểu đề nghị bổ sung một số tội phải áp dụng biện pháp xử tù cho phù hợp với Bộ luật Hình sự.

Đối với quy định về án treo, đại biểu Nguyễn Hữu Chính bày tỏ nhất trí về thời gian quy định trong Dự thảo Luật quy định là không quá 3 năm tuỳ theo các tình tiết tội phạm; thời gian thử thách, nghĩa vụ trong thời gian này.

Tuy nhiên, đại biểu đề nghị quy định rõ thời gian cao nhất, thấp nhất cho từng nhóm tuổi (14-16 và 16-18 như Dự thảo Luật phân loại) để tránh quy định chung chung và áp dụng chung cho các nhóm. Tại Điều 13 khoản 2 quy định đối tượng toà xét xử kín, Dự thảo Luật quy định xử kín trường hợp hiếp dâm người chưa thành niên.

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Hữu Chính cho rằng hiện nay có nhiều tội ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý, sức khỏe, uy tín, của người bị hại như xúc phạm, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người bị hại chưa thành niên. Vì vậy, Dự thảo Luật không nên gói gọn chỉ xử kín tội hiếp dâm chưa thành niên mà bổ sung một số tội khác cần xử lý.

Cùng góp ý vào dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên, đại biểu Quốc hội Bùi Huyền Mai cho biết, đại biểu tán thành với biện pháp ngăn chặn được nêu tại Dự thảo Luật đã bổ sung 2 hình thức khác biệt so với hiện nay là giám sát điện tử và giám sát tại nhà nhằm hạn chế áp dụng biện pháp tạm giam. Tuy nhiên, các quy định có liên quan tại Điều 131 chưa có hướng dẫn cụ thể về hai hình thức giám sát này, đề nghị bổ sung quy định giao Chính phủ hướng dẫn chi tiết thực hiện các hoạt động giám sát.

Xem xét bổ sung về đình chỉ, rút khỏi cơ chế thử nghiệm có kiểm soát Xem xét bổ sung về đình chỉ, rút khỏi cơ chế thử nghiệm có kiểm soát
Quốc hội sắp xem xét cho Luật Đất đai sớm có hiệu lực thi hành từ 1/8 Quốc hội sắp xem xét cho Luật Đất đai sớm có hiệu lực thi hành từ 1/8
Minh Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động