Đong đầy tình yêu nghề báo
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênHình ảnh tác nghiệp của phóng viên Vi Giáng tại kỳ thi vào lớp 10 không chuyên Hà Nội năm học 2023 – 2024. Ảnh: Mộc Miên |
Dấu ấn tác nghiệp
10 năm, một cột mốc đáng nhớ trong nghề báo. Một hành trình nhiệt huyết của tuổi trẻ, tôi được rèn giũa, được say nghề với những trang báo sống động cùng thời cuộc.
Giữa thời điểm Hà Nội bước vào mùa thi lớp 10 vừa qua, có ngày nắng nóng cao điểm, nền nhiệt ngoài trời xấp xỉ trên 40 độ hay bất chợt xuất hiện cơn mưa rào vào buổi sáng ngày thi môn Toán cuối cùng. Mặc dù thời tiết bất lợi cũng không ngăn được tinh thần tác nghiệp hăng say của mỗi phóng viên. Để có thể đưa tin, gửi bài nhanh nhất về tòa soạn, nhóm phóng viên làm thi lớp 10 có thể ngồi dựng video, bài viết trực tiếp tại các điểm trường thi. Tận dụng chiếc ghế đá, bồn cây làm khu vực ngồi làm việc hay “đội mưa” để bắt cận hình ảnh sĩ tử đầu tiên bước ra điểm thi, ghi lại khoảnh khắc những cái ôm động viên, bắt tay thặt chặt của phụ huynh với sĩ tử.
Nụ cười và nước mắt mùa thi được thu nhỏ trong ống kính của những phóng viên trẻ. Đó là một Khánh Huy - phóng viên ảnh chuyên trách của Ban Pháp luật & Xã hội, tay máy cừ khôi nắm bắt các góc quay đẹp. Đó là một Hồng Giang nhanh nhẹn, tận tụy với công việc ghi lại cảm xúc, nhận định đề thi được đánh giá là hút “view” bạn đọc nhiều nhất. Đó là một Duy Linh tác phong chuẩn mực, đúng giờ, có số lượng ảnh tác nghiệp sớm nhất, nhiều nhất. Mùa thi lớp 10 đong đầy lửa nghề nhưng khó có thể so với những đồng nghiệp khác trong tòa soạn sẵn sàng tác nghiệp vùng bão lũ, thiên tai, những chuyến lênh đênh trên tàu ra Trường Sa hay lăn xả thâm nhập vào đời sống dân sinh để thực hiện các loạt bài phóng sự chất lượng - trang báo “đinh” thu hút độc giả mỗi số báo.
Nghề báo gắn với cụm từ “đi và viết”, bởi thế hành trang trên những nẻo đường tác nghiệp của những phóng viên là chiếc balo với lỉnh kỉnh máy ảnh, máy tính, bút, sổ, máy ghi âm… Tròn 10 năm công tác, được phân công “bám” mảng văn hóa, xã hội, mảng đề tài gần gũi với đời sống dân sinh, tưởng dễ nhưng lại khó “nhằn” vì đòi hỏi không chỉ viết bài phản ánh thực tế, có chiều sâu, thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, còn thu hút được bạn đọc, tăng lượt tương tác cho báo.
Trên hành trình tác nghiệp, tôi nhớ nhất lần tác nghiệp sau vụ cháy nghiêm trọng xảy ra tại chung cư mini ở phố Khương Hạ (phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội) hồi tháng 9/2023. Sau gần một ngày xảy ra vụ cháy thảm khốc, khung cảnh tang thương bao trùm con phố nhỏ. Đồng cảm trước nỗi đau mất mát quá lớn của các gia đình nạn nhân trong vụ cháy, rất đông người dân ở khu phố lân cận và trên địa bàn Hà Nội đã đến thắp hương và ủng hộ tiền mặt, nhu yếu phẩm, đồ dùng sinh hoạt… Giữa phố thị phồn hoa, giữa những đau thương, mất mát ấy, vẫn lắng đọng tình người ấm áp. Bài viết “Người dân miễn phí phòng trọ cho các gia đình nạn nhân vụ cháy chung cư mini phố Khương Hạ” được lượng độc giả rất lớn đón đọc.
Truyền lửa tình yêu nghề
Trong đợt tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, tôi được chứng kiến tình đồng chí, đồng đội ngày gặp mặt, tri ân cựu chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ đang sinh sống trên địa bàn TP Hà Nội.
Khán phòng sân khấu của Thành ủy Hà Nội sôi nổi có sự góp mặt của 250 đại biểu chiến sĩ Điện Biên năm xưa đại diện cho hơn 2.000 chiến sĩ đang sinh sống trên địa bàn TP Hà Nội cùng ôn lại những ký ức về một thời hoa lửa hào hùng.
Trong số 250 nhân chứng lịch sử đến tham dự buổi lễ gặp mặt, tri ân có Đại tá, nhà giáo Nguyễn Thụ (SN 1933, quê Bắc Ninh). Năm 16 tuổi, ông Thụ xung phong nhập ngũ, tham gia nhiều chiến dịch trong những năm chống thực dân Pháp. Năm 1953, ông Thụ giữ chức Trung đội trưởng thuộc Đại đội 269, Tiểu đoàn 54, Trung đoàn 102, Đại đoàn 308, đóng góp thành tích Chiến dịch Thượng Lào.
Năm 1954, đơn vị của ông Thụ được lệnh trở về Điện Biên Phủ cùng tham gia chiến dịch tiêu diệt tập đoàn cứ điểm A1 - trận địa khốc liệt nhất. Đóng góp trực tiếp thắng lợi của toàn chiến dịch, ông Thụ và 1 đồng chí nữa được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba.
Ở tuổi 91, khi sức khỏe, trí tuệ còn khá minh mẫn, ông Thụ vẫn dành thời gian sáng tác văn học, viết báo, viết tác phẩm về người lính, chiến tranh để bồi đắp thêm tình yêu quê hương, đất nước cho thế hệ trẻ, nhắc nhở về “một thời hoa lửa” hào hùng của quân và dân ta. Tinh thần của cựu chiến sĩ Điện Biên năm xưa đã truyền lửa cho những thế hệ phóng viên trẻ sự say nghề, nhiệt huyết, cống hiến hết mình với nghề.
Nghề báo đã giúp tôi được đi, gặp gỡ, được thỏa sức đam mê, rong ruổi với nhiều đề tài khác nhau. Có những chuyến đi lưu giữ nhiều kỷ niệm về nghề như đợt công tác Lý Sơn năm 2014; phỏng vấn chiến sĩ Đinh Văn Dương - người sống sót duy nhất trong vụ chiếc máy bay Mi - 171 bị rơi cháy tại Thạch Thất năm 2015. Có những câu chuyện cảm động về người thầy khiếm thị Phạm Đình Thắng, là hành trình thiện nguyện của bà Phan Thị Bính - người phụ nữ bán đất tiền tỷ làm từ thiện, là nghị lực vươn lên của các “gương mặt vàng” thể thao Hà Nội như Dương Thúy Vi (Wushu), Đinh Văn Thành (Thể dục dụng cụ), Bùi Thị Thu Thảo (Điền kinh), là tấm gương cán bộ làm công tác hòa giải như bà Lê Thị Thu (quận Ba Đình)…Từ những câu chuyện đời của các nhân vật đã “truyền lửa” đam mê nghề báo để tôi có thêm nỗ lực cống hiến, vượt qua thử thách trong thời đại báo chí công nghệ số 4.0.
Tháng 6 có ngày đặc biệt, ngày của nghề báo. Là dịp để mỗi phóng viên, nhà báo chúng tôi cùng vui với ngày “Tết nghề”, để những nhọc nhằn, gian truân vui buồn theo từng con chữ được gác lại phía sau, dành tâm huyết cho các bài báo hay, chất lượng đồng hành cùng bạn đọc.
Trong không khí kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, tôi nhớ vẹn nguyên bài phát biểu về “Phát huy tinh thần tiên phong, đổi mới, ứng dụng công nghệ hiện đại” của đồng chí Hà Minh Hải - Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội tại hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện phong trào xây dựng cơ quan báo chí văn hóa và văn hóa của người làm báo Báo Kinh tế và Đô thị. Đồng chí Hà Minh Hải đề nghị, Báo Kinh tế và Đô thị tiếp tục phát huy tinh thần tiên phong, đổi mới nội dung và hình thức, nâng cao năng lực, tính chuyên nghiệp, ứng dụng công nghệ hiện đại, chuyển đổi xanh, số để đáp ứng nhu cầu thông tin đa dạng và phong phú của độc giả. Ngoài ra, xây dựng tòa soạn số, tòa soạn thông minh; xây dựng cơ quan báo văn hóa, người làm báo văn hóa, xây dựng tòa soạn số, hướng tới xây dựng tòa soạn thông minh và hạnh phúc. |
Mạch nguồn cảm xúc nuôi dưỡng tình yêu nghề báo | |
Nơi neo giữ ký ức ân tình nghề báo | |
Những khoảnh khắc nghề Báo |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại