Mạch nguồn cảm xúc nuôi dưỡng tình yêu nghề báo
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênNiềm vui của nghề “phu chữ”
Đối với người làm báo như tôi, niềm vui đôi khi vô cùng đơn giản: Đó là phát hiện được đề tài hay, gặp được nhân vật có tính cách thú vị, độc đáo để rồi dồn tâm huyết qua bài viết với câu từ được cân nhắc lựa chọn, chau chuốt kỹ lưỡng… Và khi hình hài nhân vật được khắc họa hoàn chỉnh, ưng ý cũng đủ để dâng lên niềm vui vì đã hoàn thành công việc. Đó thực sự là niềm vui, là cảm xúc rất khó diễn tả của những người làm nghề “phu chữ”.
Trong rất nhiều người tôi đã từng khắc họa chân dung bằng câu chữ có anh Chinoros Benjachavakkul, quốc tịch Thái Lan. Anh Chinoros đã có gần 20 năm làm việc, sinh sống tại Việt Nam; với gần 50 lần tham gia hiến máu tình nguyện cứu người ở cả Thái Lan khi còn là sinh viên và tiếp tục duy trì khi đến Việt Nam làm việc (tính đến năm 2019).
Anh Chinoros Benjachavakkul có tên tiếng Việt là Nguyễn Bá Tý. Nói tiếng Việt rất rõ ràng, rành mạch, anh chia sẻ: Hiến máu ở Việt hay ở Thái đều như nhau. Máu lúc nào cũng cần thiết. Người bệnh ở đâu cũng cần được cứu chữa, người bệnh cần máu mình có máu thì giúp đỡ - đó là việc nên làm.
Vô cùng cảm kích bởi quan niệm, nghĩa cử của người đàn ông đặc biệt này, tôi đã viết bài: “Người đàn ông Thái Lan 22 lần hiến máu tại Việt Nam”. Bài viết năm đó gửi đi dự thi giải báo chí viết về gương Người tốt, việc tốt của UBND TP Hà Nội và đạt giải Khuyến khích. Dù chỉ là giải nho nhỏ nhưng tôi cũng thấy vui bởi việc làm của anh đã được ghi nhận.
Nguyễn Thị Phương, nhân viên y tế học đường ở trường THCS Chương Dương, huyện Thường Tín, Hà Nội, chia sẻ: Mình tình nguyện vì làm theo sự mách bảo của trái tim |
Xúc động từ quan niệm sống
Đại dịch Covid-19 bất ngờ ập đến với nhân loại khiến cho kinh tế-xã hội toàn cầu thay đổi. Trong khi cộng đồng còn lo lắng thì các tình nguyện viên tại Hà Nội lại sẵn sàng lao vào vùng dịch với mong muốn góp sức mình hỗ trợ cộng đồng đẩy lùi dịch bệnh.
Đó là vào những ngày tháng 3-2020, khi Việt Nam mới đưa ra chính sách cách ly tập trung với người ở các nước có dịch về; là khi Hà Nội xuất hiện ca bệnh liên quan đến BV Bạch Mai, TP Hà Nội triển khai xét nghiệm trên diện rộng những người liên quan, tôi đã tình cờ tiếp cận được các tình nguyện viên ở khu cách ly tập trung Tứ Hiệp-quận Hoàng Mai, khu cách ly BV CATP hay tại khu cách ly trường Quân sự, tình nguyện viên phân luồng, hỗ trợ xét nghiệm ở Trung tâm Y tế quận Đống Đa.
Tôi đã thực sự xúc động mạnh mẽ bởi quan niệm sống, quan niệm cống hiến của họ. Sau thời gian thu thập thông tin, chuyện trò chia sẻ, xây dựng đề cương… tôi đã hoàn thành loạt bài “Những người tình nguyện dấn thân vào vùng nguy hiểm”.
Đây là loạt bài viết tôi vô cùng tâm đắc bởi khi tiếp xúc với các nhân vật, các tình nguyện viên tôi học được ở họ-những người còn rất trẻ một tinh thần tình nguyện cống hiến cho cộng đồng một cách vô tư, không màng đến lợi ích của mình. Ở họ là những trái tim luôn tràn đầy nhiệt huyết, tràn đầy ngọn lửa đam mê được góp sức cùng dân tộc, chung tay đẩy lùi dịch bệnh.
Như chia sẻ của Nguyễn Thị Phương, nhân viên y tế học đường ở trường THCS Chương Dương, huyện Thường Tín, Hà Nội (tình nguyện viên của Trung tâm Y tế Đống Đa) chia sẻ trên facebook: Đây là cuộc chiến chung không phải của Chính phủ hay của một tổ chức, cá nhân nào mà của tất cả chúng ta. Có thể bạn cho rằng việc tôi đang làm là điên rồ, ngu ngốc nhưng có những việc bạn làm vì trái tim bạn mách bảo. Đến lúc bạn hiểu bạn làm vì cái gì, hy sinh cho cái gì thì bạn sẽ hiểu.
Đối với Nguyễn Hải Anh, trưởng nhóm tình nguyện viên tại TTYT Đống Đa-người có vai trò “nối vòng tay lớn”, thổi lên ngọn lửa của tình yêu công việc, của khát khao cống hiến thì lý do tham gia tình nguyện đơn giản vì mong muốn đóng góp sức lực nhỏ của mình nơi tuyến đầu góp phần cùng cả nước dập dịch.
Sau khi cùng làm việc, cùng cống hiến với những người trẻ tuổi, Phương thốt lên: Em thấy các bạn trẻ bây giờ rất nhiệt huyết, tuyệt vời, không quản ngại khó khăn, mưa gió, dịch bệnh… đều sẵn sàng đương đầu, lăn xả. Lửa nhiệt tình, “dòng máu nóng” của tuổi trẻ ấy đã bồi thêm cho em niềm tin vào lòng tốt trong cuộc sống. Mỗi người có được tấm lòng như các bạn ấy thì xã hội này sẽ còn tốt đẹp hơn rất nhiều.
Chứng kiến những việc làm “theo mách bảo của trái tim” mà các tình nguyện viên đã làm khiến tôi thực sự cảm động. Dường như tinh thần ấy đã lan tỏa, tạo mạch nguồn cảm hứng chảy mạnh mẽ trong tôi. Thay vì viết riêng về từng người sẽ nhàn hơn rất nhiều, tôi đã lên đề cương để khắc họa xuyên suốt chân dung của những người tình nguyện...
Tôi bắt đầu say sưa viết nên câu chuyện về họ với tất cả sự ngưỡng mộ, cảm động và trân quý. Khi bài viết đã kết thúc ở kỳ thứ 4 nhưng những cảm xúc này vẫn chảy trong tôi, khiến tôi không ngừng suy nghĩ, không ngừng rung động.
Mặc dù giải thưởng không có thứ hạng cao nhưng đối với tôi đó là niềm vui, là sự động viên rất lớn khi “đứa con tinh thần” của mình được đón nhận. Và chắc hẳn, câu chuyện về tinh thần tình nguyện, về lòng tốt của các tình nguyện viên đã và sẽ còn được lan tỏa; là nơi níu giữ niềm tin, yêu vào những điều tốt đẹp trên cuộc đời.
Niềm vui của người viết báo không chỉ dừng lại sau khi hoàn thiện tác phẩm, thấy hình hài tác phẩm trên mặt báo mà còn là ở sự ghi nhận của cộng đồng, của giới chuyên môn. Loạt bài của tôi khi gửi dự thi đã đạt 2 giải Khuyến khích: Giải báo chí về phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh năm 2020; giải báo chí Ngô Tất Tố của Hội Nhà báo Hà Nội năm 2020. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại