Quy hoạch y tế không chỉ cho Nhân dân Thủ đô mà đây là quy hoạch cho một quốc gia
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV Ảnh: Quốc hội |
Tiếp tục kỳ họp thứ 7, sáng 20/6, Quốc hội sẽ xem video clip về quy hoạch Thủ đô. Sau đó các đại biểu thảo luận ở hội trường về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đồng thời thảo luận đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.
Quy hoạch y tế không chỉ cho nhân dân Thủ đô mà đây là quy hoạch cho một quốc gia
Góp ý vào quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; và đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch thủ đô Hà Nội đến 2045, tầm nhìn đến năm 2065, đại biểu Nguyễn Anh Trí, đoàn ĐBQH TP Hà Nội đánh giá, đấy là hai văn bản là rất trí tuệ, rất là trách nhiệm.
Tuy nhiên, góp ý vào 2 quy hoạch, đồ án này, đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng, vấn đề phát triển trục sông Hồng để sông Hồng thực sự là trung tâm phát triển Thủ đô về sự phân bổ hài hòa các không gian về sinh thái, văn hóa, lịch sử, đô thị hiện đại.. ở hai bờ sông, đây là nội dung rất ấn tượng.
Vấn đề cải tạo khu chung cư cũ, đại biểu đánh giá TP đã làm việc này rất tốt, đặc biệt trong việc tình hình cháy nổ đang xảy ra hết sức nghiêm trọng và giờ vấn đề này trở thành vấn đề cấp thiết, bức xúc, rất cần thiết phải làm.
Tương tự, các vấn đề về giải quyết triệt để ô nhiễm các dòng song, vấn đề nước thải, rác thải… Hà Nội đã có kế hoạch rõ ràng.
Tuy nhiên, đại biểu cũng có những vấn đề mong được chú ý nhiều hơn. Cụ thể, về vấn đề quy hoạch lại thành phố, theo đại biểu cần chú ý phải có đường rộng để đi, có đường thoát khi có sự cố cháy nổ, các sự cố nghiêm trọng. Phải giảm và tiến đến không còn nhà ống tại Hà Nội và việc này phải bàn với dân để tìm sự đồng thuận cao.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí, đoàn ĐBQH TP Hà Nội. Ảnh: Quốc hội |
“Chúng ta đã trải qua mấy thập kỷ nhà ống và để lại tình trạng đến bây giờ chúng ta rất khó để xử lý, sửa chữa, nhân đợt này chúng ta hạn chế dần, không có mới và quy hoạch lại để thay đổi” - đại biểu nói.
Về các tuyến đường trên cao, đại biểu cho rằng, chỉ nên phát triển ở ngoài, trong phố nơi đông đúc hạn chế tối đa…
Về quy hoạch hệ thống y tế ở Thủ đô, theo đại biểu, đây là quy hoạch y tế không chỉ cho Nhân dân Thủ đô mà đây là quy hoạch cho một miền, thậm chí cả một quốc gia, vì hầu hết các bệnh viện lớn, đầu ngành đều đang tập trung Hà Nội.
Theo đại biểu, các bệnh viện lớn, đặc biệt là chuyên khoa thì nên tập trung cao độ, thậm chí nên có những trung tâm y khoa, trong đó có các viện chuyên khoa để phối hợp với nhau cho thật tốt. Càng mở rộng càng tốt nhưng nên ra ngoại vi với hệ thống đường xá rông rãi, có sân bay.
Các bệnh viện đa khoa dưới 500 giường phải có ở các quận, huyện, các phòng khám đa khoa thì phải có ở khắp các khu dân cư và càng gần dân càng tốt, tạo nên một hệ thống phục vụ trực tiếp cho dân, khi ốm đau dù nhỏ đến mấy lúc cần chỉ khoảng 15 phút là đến nơi.
Về giao thông theo đại biểu, Hà Nội cần phát triển đô thị theo định hướng giao thông TOD nhất là ngoại vi, kết nối vùng miền cả nước với tất cả các loại hình đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường không.
Về không gian ngầm cần có một đồ án riêng, nên mời chuyên gia thật giỏi, có thể là quốc tế ở các nước tiên tiến để làm quy hoạch và vẽ đồ án, nếu lần này không kịp thì cho phép Chính phủ làm và Quốc hội thông qua một ở một dịp khác, nhưng cần có câu đó ở đây để thiết kế.
Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô phải bám sát vào dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn
Góp ý vào quy hoạch chung và đồ án điền chỉnh tổng thế, đại biểu Trần Văn Tiến, đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc đồng tình với các tờ trình của Chính phủ, các báo cáo của Hội đồng thẩm định, Báo cáo thẩm tra, hồ sơ Quy hoạch Thủ đô và điều chỉnh Quy hoạch Thủ đô.
Đại biểu đánh giá cao về tư vấn và các cơ quan có liên quan đến Quy hoạch Thủ đô và điều chỉnh Quy hoạch Thủ đô đã hoàn thành khối lượng công việc rất lớn. Đến nay, cơ bản đã hoàn thành, trình Quốc hội cho ý kiến để phê duyệt theo luật định.
Về sự cần thiết lập quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch chung, đại biểu cho là cần thiết phải lập quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch chung như Tờ trình số 341 và 342 của Chính phủ.
Về sự phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, về tính thống nhất trong hệ thống pháp luật quy hoạch, đại biểu cho rằng, việc lập quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch cơ bản phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và tính thống nhất trong hệ thống pháp luật về quy hoạch.
Đối với Quy hoạch Thủ đô Hà Nội, về hồ sơ Quy hoạch Thủ đô Hà Nội, về sự phù hợp của quy hoạch… theo đại biểu là cơ bản phù hợp.
Tuy nhiên, theo đại biểu, về phạm vi quy hoạch đối với diện tích đất tự nhiên còn có sự chênh lệch so với nhiệm vụ quy hoạch và thời gian lập quy hoạch không đáp ứng theo tiến độ.
Về nội dung lập quy hoạch, đại biểu đồng tình với các nội dung lập quy hoạch, nhưng cần tập trung làm rõ thêm về nội dung, phân tích, đánh giá, dự báo các yếu tố, điều kiện đặc thù phát triển Thủ đô Hà Nội.
“Tôi đề nghị làm rõ thêm kết quả đạt được về phát triển kinh tế - xã hội, sử dụng đất đai, phát triển hệ thống đô thị và nông thôn so với mục tiêu, chỉ tiêu tại Quyết định số 1081 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô. Những chỉ tiêu nào đạt và không đạt, đồng thời đánh giá lại các tiêu chí về kinh tế - xã hội xem còn tiêu chí nào chưa đạt theo Quyết định số 1210 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đối với đô thị, đặc biệt là Thủ đô Hà Nội” - đại biểu phát biểu.
Về điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội, đại biểu cho rằng, thời gian quy hoạch quy định là ngắn hạn đến năm 2030, dài hạn đến năm 2045 và tầm nhìn đến năm 2065 chưa phù hợp với thời kỳ quy hoạch Thủ đô Hà Nội.
Cũng theo đại biểu, về nội dung điều chỉnh quy hoạch, cần đánh giá hiện trạng làm rõ thêm về kết quả sau 11 năm thực hiện Quyết định số 1259 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng đô thị Hà Nội. Đồng thời, đánh giá lại các tiêu chí về đô thị, còn tiêu chí nào chưa đạt theo quyết định định số 1210 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chí phân loại đô thị đối với đô thị, đặc biệt là Thủ đô Hà Nội.
Từ những phân tích trên, đại biểu đề nghị bổ sung báo cáo đánh giá sau 12 năm thực hiện Quyết định số 1259 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng đô thị Hà Nội để từ đó thấy được những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân để rút ra bài học cho công tác lập và điều chỉnh quy hoạch Thủ đô.
Thứ hai, hiện tại điều chỉnh quy hoạch được lập theo Luật Quy hoạch đô thị năm 2009. Trong khi Chính phủ đang trình Quốc hội cho ý kiến về Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn để thay thế Luật Quy hoạch đô thị năm 2009.
Do vậy, đề nghị tư vấn thực hiện điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô phải bám sát vào Quy hoạch Thủ đô và dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn để không xảy ra tình trạng quy hoạch chung mới được điều chỉnh lại phải điều chỉnh theo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn.
Hà Nội tổ chức hội thảo khoa học về quy hoạch Thủ đô | |
Cơ hội “vàng” thể hiện khát vọng xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại