Chủ nhật 24/11/2024 17:25

Đề xuất cấm hình thức kinh doanh dược trên mạng xã hội

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Dự thảo Luật Dược (sửa đổi) nghiêm cấm hình thức kinh doanh dược trên mạng xã hội và các hình thức kinh doanh điện tử khác ngoài các hình thức quy định tại luật này.
Đề xuất cấm hình thức kinh doanh dược trên mạng xã hội
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan. Ảnh: Quốc hội

Nghiêm cấm hình thức kinh doanh dược trên mạng xã hội

Chiều 18/6, tiếp tục chương trình kỳ họp 7 Quốc hội khóa XV, các đại biểu thảo luận tại tổ về dự án luật Dược (sửa đổi).

Trình bày tờ trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho hay, Luật Dược góp phần tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, người dân. Sau hơn 7 năm triển khai thi hành Luật, ngành Dược đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, các quy định của pháp luật về dược đã tạo cơ sở pháp lý để phát triển theo hướng công khai, minh bạch, thể hiện tính tiên tiến, hội nhập với các nước trong khu vực và thế giới.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, một trong những điểm mới của dự thảo luật, đó là cho phép loại hình kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo phương thức thương mại điện tử.

Dự thảo luật nêu rõ, cơ sở kinh doanh dược theo phương thức thương mại điện tử có các trách nhiệm tuân thủ theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử, pháp luật về quảng cáo và pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giao dịch trên không gian mạng; phải bảo đảm bảo mật thông tin của người mua theo quy định của pháp luật về an ninh mạng. Đặc biệt, dự thảo nghiêm cấm hình thức kinh doanh dược trên mạng xã hội và các hình thức kinh doanh điện tử khác ngoài các hình thức quy định tại luật này.

Thẩm tra về nội dung trên, Ủy ban Xã hội của Quốc hội ủng hộ việc luật hóa quy định kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo phương thức thương mại điện tử. Điều này là cần thiết, nhằm điều chỉnh vấn đề đã phát sinh trong thực tiễn và còn khoảng trống pháp lý. Tuy nhiên, Ủy ban Xã hội cho rằng dự thảo luật cần quy định cụ thể hơn nữa về các loại thuốc, nhất là các thuốc được phép bán lẻ theo phương thức thương mại điện tử, các phương tiện kinh doanh thương mại điện tử, đối tượng được tham gia mua, bán, cách thức tư vấn, hướng dẫn sử dụng thuốc (đặc biệt là trách nhiệm của người phụ trách chuyên môn đối với việc bán thuốc trên môi trường điện tử).

Cơ quan thẩm tra dẫn chứng các cơ sở kinh doanh dược cố định, có thời gian hoạt động, người phụ trách chuyên môn phải có mặt trong toàn bộ thời gian cửa hàng hoạt động. Vậy, với các sàn giao dịch điện tử, ứng dụng thương mại điện tử, thời gian hoạt động 24/24, 7/7 ngày thì yêu cầu người phụ trách chuyên môn có mặt như thế nào?. Ngoài ra, trách nhiệm các bên liên quan khi xảy ra sự cố cũng phải được làm rõ; điều kiện để cho phép tổ chức sàn giao dịch điện tử đối với dược phẩm…

Cơ quan thẩm tra cũng cho rằng, trong hoạt động bán lẻ có sự hiểu biết khác nhau về thuốc giữa người bán và người mua, thậm chí có khác biệt giữa người bán thuốc và người kê đơn thuốc. Thực tế này đòi hỏi cần có quy định đặc thù để điều chỉnh, quản lý nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người dân.

Do đó, một số ý kiến đề nghị dự thảo luật chỉ nên tập trung quy định hoạt động bán lẻ thuốc theo phương thức thương mại điện tử để bảo vệ người tiêu dùng.

Việc quảng cáo thuốc hiện nay diễn ra rất tràn lan, thậm chí bát nháo

Góp ý vào dự thảo luật, đại biểu Trần Thị Nhị Hà, đoàn ĐBQH TP Hà Nội nêu lo ngại thời gian qua, có thực trạng một số mặt hàng như thuốc tránh thai, thuốc kháng sinh được quảng bá, rao bán trên một số sàn thương mại điện tử như Shoppee, TikTok shop. Trong đó, có một số loại thuốc gây nhiều tác dụng phụ như chảy máu, dị ứng.

Đề xuất cấm hình thức kinh doanh dược trên mạng xã hội
Đại biểu Trần Thị Nhị Hà, đoàn ĐBQH TP Hà Nội. Ảnh: Quốc hội

Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo quản lý chặt chẽ việc quảng cáo, rao bán các loại thuốc trên sàn thương mại điện tử.

Trước thực tế giá thuốc trên các sàn thương mại điện tử lúc nào cũng rẻ hơn giá bán buôn của các cơ sở kinh doanh thuốc truyền thống, đại biểu cho rằng phải đặt vấn đề về chất lượng, nguồn gốc của sản phẩm. Bà đề nghị ban soạn thảo đưa ra quy định để quản lý thuốc chặt chẽ.

Cũng quan tâm đến vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho rằng việc quảng cáo thuốc hiện nay diễn ra rất tràn lan, thậm chí bát nháo.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, cách thức quảng cáo thuốc trên các phương tiện thông tin đại chúng đang hình thành một thói quen sử dụng thuốc rất nguy hiểm cho người dân. Người bệnh chỉ cần nghe người này mách người kia là sử dụng.

Những quảng cáo đó không vì trách nhiệm cộng đồng. Do đó nếu bỏ việc xác nhận của cơ quan quản lý Nhà nước và chuyển sang hậu kiểm là rất đáng lo ngại.

“Đề nghị việc này cần thận trọng hơn, chưa nên bỏ xác nhận của cơ quan quản lý có thẩm quyền về quảng cáo thuốc, bán thuốc” – đại biểu Nga nói.

Nhất trí với việc thay đổi Luật Dược, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, đoàn ĐBQH TP Hà Nội cho hay, bản thân ông không có ngày nào không có người dân gọi đến hỏi "thuốc này có phải do anh quảng cáo, anh có dùng không mà người ta sử dụng hình ảnh anh để bán trên mạng mà người dân dùng rất nhiều, gây tác dụng phụ, tốn kém tài sản".

Đề xuất cấm hình thức kinh doanh dược trên mạng xã hội
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, đoàn ĐBQH TP Hà Nội. Ảnh: Quốc hội

Đại biểu đề nghị cần ghi rõ trách nhiệm của Bộ Y tế trong việc thuốc bán online gây nguy hại đến sức khoẻ, những sản phẩm quảng cáo là thuốc nhưng không phải là thuốc. Cụ thể, đề nghị ghi rõ trong dự thảo Bộ Y tế có trách nhiệm phát hiện, xử lý quảng cáo thuốc giả mạo trên mạng xã hội; cung cấp cho cơ quan chức năng điều tra và thông tin cho người dân biết để phòng tránh.

Liên quan việc mua thuốc theo đơn của thầy thuốc online, có đơn và nhà thuốc ship đến tận nhà, vừa qua Uỷ ban Xã hội cũng không ủng hộ ý kiến và chỉ đồng ý cho mua tại nhà thực phẩm chức năng. Theo đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, thực tế rất nhiều nhà thuốc chỉ cần chụp ảnh đơn thuốc là chuyển đến tận nhà, do đó nếu cấm cơ học thì không có giải pháp.

“Vì vậy tôi đề nghị cho triển khai nhưng phải quy định rõ ràng, bắt đầu từ chính nhà thuốc và chính các bệnh viện. Bệnh nhân ra viện, 3 tháng sau mua thuốc thì quy định những nhà thuốc có hồ sơ bệnh án điện tử có thể chuyển thuốc đến tận nhà cho người dân” - đại biểu Nguyễn Lân Hiếu nêu quan điểm.

Giới hạn độ tuổi hành nghề công chứng: Có nên hơn 70 tuổi? Giới hạn độ tuổi hành nghề công chứng: Có nên hơn 70 tuổi?
Đại biểu Quốc hội băn khoăn về quy định cấm công chứng viên thực hiện hành vi quảng cáo Đại biểu Quốc hội băn khoăn về quy định cấm công chứng viên thực hiện hành vi quảng cáo
Minh Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động