Chàng trai tiến bộ kinh ngạc khi học môn Lịch sử từ trào lưu nghiên cứu "cổ phục"
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên Vũ Ngọc Tuấn (bên phải ảnh) tìm được niềm yêu thích môn lịch sử từ việc nghiên cứu cổ phục qua Youtube (ảnh NVCC) |
Nhiều người thường cho rằng lịch sử và sáng tạo là hai phạm trù đối lập nhau về cách tiếp cận. Tuy nhiên, sáng tạo trong lĩnh vực lịch sử dưới góc nhìn của thế hệ Gen Z ((nhóm người sinh từ cuối những năm 1990, đầu những năm 2010) là sự sáng tạo hình thức truyền tải các thông tin lịch sử để giúp mọi người tiếp cận các kiến thức ấy một cách thoải mái, dễ chịu nhất.
Từ những nội dung đậm chất “Gen Z”
Thời gian gần đây, Di tích Nhà tù Hỏa Lò (phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã nhận được sự ủng hộ và quan tâm của đông đảo người dân trong nước và du khách quốc tế. Đặc biệt có nhiều bạn trẻ đến tham quan di tích với mong muốn được tìm hiểu thêm về một thời kỳ lịch sử oai hùng của dân tộc. Đây là kết quả ban đầu trong hành trình “kéo” người trẻ đến gần hơn với lịch sử dân tộc mà đội ngũ truyền thông của Di tích Nhà tù Hỏa Lò đã nỗ lực thực hiện.
Theo đó, từ khoảng đầu năm 2021, fanpage “Di tích Nhà tù Hỏa Lò - Hoa Lo Prison Relic" thường xuyên đăng tải những bài viết có nội dung về lịch sử được truyền tải bằng những hình ảnh, ngôn ngữ hài hước đậm chất Gen Z. Điển hình là việc lồng ghép lời bài hát, những câu đố hóm hỉnh, hình ảnh minh họa hài hước... gắn với những thông tin lịch sử tưởng chừng khô khan.
Đội ngũ truyền thông Di tích Nhà tù Hỏa Lò đều là những bạn trẻ sinh ra giữa và cuối thế hệ 9X. Các bạn từng chia sẻ rằng không muốn nêu tên cá nhân mà muốn được nhắc tới là một tập thể, cùng giúp nhau sáng tạo và xây dựng nội dung cho các bài đăng. Thông qua nền tảng mạng xã hội Facebook, các bạn muốn lan tỏa tình yêu lịch sử thông qua những tuyến nội dung hợp xu hướng và dễ tiếp cận. Hiện tại, fanpage “Di tích Nhà tù Hỏa Lò-Hoa Lo Prison Relic” đã thu hút hơn 162.300 người theo dõi, mỗi ngày nhận được hàng nghìn lượt yêu thích.
Đỗ Thành Nam (SN 2001) sinh viên khoa Viết Văn-Báo Chí, Trường ĐH Văn hóa Hà Nội thường xuyên theo dõi những bài viết trên Fanpage chia sẻ: “Động lực thôi thúc mình đến tham quan Di tích Nhà tù Hỏa Lò bắt nguồn từ những content (nội dung) cực kỳ “mặn mòi” của đội ngũ truyền thông. Các bạn ấy đã khơi dậy được sự chú ý, kích thích sự tò mò của nhiều bạn trẻ như mình.”
Còn Đoàn Minh Ánh (SN 2001), sinh viên khoa Lịch sử, Trường ĐH KHXH&NV Hà Nội cho rằng: Những sáng tạo mà đội ngũ truyền thông Di tích Nhà tù Hỏa Lò thực hiện không làm sai lệch nội dung lịch sử, mà giúp nhiều bạn trẻ hiểu và quan tâm hơn tới lịch sử dân tộc.
Nhân viên tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò nhanh chóng bắt trend “Ngày không cặp sách” tạo hiệu ứng lớn trên mạng xã hội (ảnh: Fanpage “Di tích Nhà tù Hỏa Lò - Hoa Lo Prison Relic”) |
… Đến cách tiếp cận lịch sử qua Video
Từ một học sinh thi vào lớp 10 Trường THPT Bắc Đông Quan (Thái Bình) với 4,5 điểm môn Lịch sử, bạn Vũ Ngọc Tuấn (SN 2002) đã tiến bộ kinh ngạc khi đạt được 9,75 môn Sử tại kỳ thi THPT Quốc gia năm 2020.
Ngọc Tuấn chia sẻ: “Thời gian ôn thi lớp 10 do chưa có phương pháp ôn luyện phù hợp, cứ nghĩ rằng Lịch sử là môn phải học thuộc nhiều nên mình không tập trung học. Tuy nhiên, đến năm lớp 12 sau khi nghiên cứu về cổ phục Việt trên Youtube, mình bắt đầu hứng thú và mong muốn được tìm hiểu và khám phá thêm những sự kiện, triều đại qua các thời kỳ lịch sử.”
Đặc biệt, khi thấy nhiều bạn trẻ “bắt trend” mặc cổ phục và đăng video trên nền tảng mạng xã hội Youtube, Tiktok, Ngọc Tuấn cảm thấy đây là một tín hiệu đáng mừng. Bởi như vậy là các bạn đã bắt đầu tìm hiểu, quan tâm tới các giá trị văn hóa trong lịch sử Việt Nam.
Nói về phương pháp học lịch sử, bạn Đỗ Thị Ngọc Xuyến (SN 2001), sinh viên trường ĐH Luật Hà Nội nhận thấy việc xem các video về lịch sử trên Youtube sẽ hiệu quả, dễ nhớ và tiết kiệm thời gian hơn.
Bạn Nguyễn Thị Trang (SN 2001) từng đạt giải Ba môn Lịch sử lớp 12 tỉnh Hải Dương cho biết: Trong thời gian ôn thi học sinh giỏi, Trang thường xuyên tìm kiếm những video về lịch sử Việt Nam và thế giới trên các kênh YouTube đã được xác thực thông tin để xem. Theo Trang phương pháp tiếp thu kiến thức này sẽ giúp nhớ lâu và dễ hiểu hơn là việc đọc sách.
Có thể thấy, phương pháp tiếp cận lịch sử qua video clip trên Youtube đang là xu hướng được nhiều bạn trẻ lựa chọn. Bởi video thường sống động hơn nhiều so với những con số và chữ cái dày đặc trên sách. Hiện nay, đã có khá nhiều nhóm làm về lịch sử nhận được sự ủng hộ của nhiều người. Có thể kể đến như: EZ Sử (có hơn 198 nghìn lượt đăng ký kênh), Dã sử (với hơn 103 nghìn đăng ký), Sử lược – Tóm tắt lịch sử (với hơn 120 nghìn lượt đăng ký kênh).
Anh Ngô Tiến Vinh (SN 1999 tại huyện Thường Tín, Hà Nội) hiện nay đang là người viết nội dung cho một số kênh lịch sử trên YouTube. Trong đó có kênh “Battlecry-Người kể sử” với hơn 217 nghìn người đăng ký.
Sinh ra trong một gia đình truyền thống Cách mạng, ngay từ khi còn bé, anh Ngô Tiến Vinh đã có hứng thú với những kiến thức lịch sử trong nước và thế giới. Tuy không phải là người học Sử chuyên sâu nhưng anh Vinh luôn duy trì thói quen đọc sách, nghiên cứu lịch sử qua sách, báo, TV, mạng xã hội hàng ngày. Nhận thấy hiện nay nhiều bạn trẻ còn “e ngại” khi học lịch sử, anh Vinh hy vọng những video trên các kênh Youtube lịch sử sẽ giúp các bạn tiếp cận lịch sử dễ dàng hơn.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại