Thứ sáu 29/03/2024 02:35

Đề nghị Bộ GD&ĐT tiếp thu ý kiến quy định môn học Lịch sử là bắt buộc ở cấp THPT

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Ngày 22/5, UB Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội đã họp phiên toàn thể lần thứ 3 để xem xét, thảo luận nhiều nội dung quan trọng thuộc lĩnh vực ủy ban phụ trách, trong đó có Báo cáo chuyên đề về “Việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với môn Lịch sử cấp THPT”.
Đề nghị Bộ GD&ĐT tiếp thu ý kiến quy định môn học Lịch sử là bắt buộc ở cấp THPT
Lịch sử là môn học giữ vai trò chủ đạo trong giáo dục chính trị, tư tưởng đối với thế hệ trẻ; giáo dục lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc, truyền thống văn hóa, lịch sử...

Bà Nguyễn Thị Mai Hoa - Phó Chủ nhiệm UB Văn hóa - Giáo dục, Ủy ban đã có báo cáo về việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông đối với môn Lịch sử bậc THPT. Sau thời gian lấy ý kiến, đa số không đồng tình đối với việc đưa môn Lịch sử bậc THPT thành môn tự chọn vì nhiều lý do.

Lịch sử là môn học giữ vai trò chủ đạo trong giáo dục chính trị, tư tưởng đối với thế hệ trẻ; giáo dục lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc, truyền thống văn hóa, lịch sử, từ đó hình thành những phẩm chất của công dân Việt Nam, công dân toàn cầu trong xu thế phát triển của thời đại.

Thứ hai, học sinh THPT có tuổi từ 15-17 là lứa tuổi quyết định sự hình thành thế giới quan, hệ thống quan điểm về tự nhiên, xã hội và về các nguyên tắc, quy tắc ứng xử, định hướng giá trị của con người. Xét về khoa học giáo dục, việc bồi dưỡng kiến thức lịch sử cho học sinh THPT là cần thiết nhằm phát triển con người toàn diện, khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của con người Việt Nam.

Nếu học sinh không lựa chọn môn Lịch sử ở cấp THPT (số lượng có thể lên tới 50% học sinh), các em sẽ không được tiếp cận với những kiến thức rất quan trọng, có ý nghĩa giáo dục đối với lứa tuổi này. Ở nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Pháp, Úc, Nhật Bản, Trung Quốc, môn Lịch sử trong chương trình THPT luôn là môn học bắt buộc...

Vì vậy, các đại biểu dự phiên họp thống nhất đề nghị Bộ GD&ĐT tiếp thu ý kiến các tầng lớp Nhân dân, đội ngũ chuyên gia lịch sử, các đại biểu Quốc hội theo hướng quy định Lịch sử là môn học bắt buộc đối với cấp THPT trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với khối lượng kiến thức phù hợp; thiết kế bao gồm khối lượng kiến thức lịch sử (phần bắt buộc) và khối lượng kiến thức định hướng nghề nghiệp (phần lựa chọn). Khi môn Lịch sử cấp THPT là môn học lựa chọn, UB Văn hóa, Giáo dục đưa ra 3 khả năng.

Nếu học sinh lựa chọn môn Lịch sử là một trong 5 môn học lựa chọn, học sinh sẽ học tổng thời lượng 210 tiết/3 năm học (tăng 70 tiết so với Chương trình giáo dục phổ thông 2006).

Nếu học sinh lựa chọn môn Lịch sử là một trong 5 môn học lựa chọn, đồng thời lựa chọn chuyên đề học tập là môn Lịch sử, học sinh sẽ học tổng thời lượng 315 tiết/3 năm học (tăng 175 tiết so với Chương trình giáo dục phổ thông 2006).

Nếu học sinh không lựa chọn môn Lịch sử thì không học thêm tiết nào. Kiến thức phổ thông dừng lại ở kiến thức chương trình tiểu học, THCS và tích hợp ở một số môn học khác. Về thời lượng học ít hơn Chương trình giáo dục phổ thông 2006 là 140 tiết.

Cũng như ở giai đoạn giáo dục cơ bản, ở cấp THPT, nội dung giáo dục lịch sử cũng được đưa vào nội dung giáo dục của địa phương, trong đó có những chủ đề về lịch sử địa phương chiếm thời lượng khoảng 10 tiết/năm học cho mỗi lớp, đồng thời, môn Giáo dục quốc phòng và an ninh cấp THPT là môn học bắt buộc với thời lượng 35 tiết/năm học, trong đó giáo dục cho học sinh về truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc, lực lượng vũ trang nhân dân và nghệ thuật quân sự Việt Nam.

Sau khi nghe thảo luận, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết sẽ tiếp thu các ý kiến và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Tuy nhiên, cũng có ý kiến băn khoăn, nếu thực hiện điều này, sẽ phải sửa lại cả chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới. Việc xây dựng và ban hành Chương trình giáo dục phổ thông mới của Bộ GD&ĐT thực hiện theo quy định của pháp luật với các quá trình xây dựng và xin ý kiến góp ý đầy đủ các cấp trước khi ban hành vào năm 2018.

Đặc biệt, chương trình được xây dựng theo tinh thần Nghị quyết 88 của Quốc hội quy định giáo dục phổ thông 12 năm, gồm 2 giai đoạn giáo dục: Giai đoạn giáo dục cơ bản (gồm cấp tiểu học 5 năm và cấp THCS 4 năm) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (cấp THPT 3 năm).

Với chương trình môn Lịch sử, ở cấp THCS, được đưa vào giảng dạy một cách hoàn chỉnh và có hệ thống (giai đoạn giáo dục cơ bản). Ở cấp THPT, chương trình được xây dựng thành các chuyên đề học tập về các lĩnh vực của sử học, như: Lịch sử chính trị, lịch sử kinh tế, lịch sử văn minh, lịch sử văn hóa...

Đây là những nội dung chuyên sâu, giúp những học sinh có định hướng học các ngành khoa học xã hội và nhân văn tiếp cận nghề nghiệp tương lai. Sách giáo khoa mới lớp 10 cũng đã được các tác giả, nhà xuất bản viết theo hướng này. Nếu sắp tới Lịch sử trở thành môn bắt buộc, có nhiều ý kiến lo ngại có thể làm phá vỡ kết cấu, mục tiêu của chương trình. Vì không đơn giản chỉ thay đổi từ ngữ “lựa chọn” hay “bắt buộc”, mà quan trọng là không thể bê chương trình đang xây dựng theo hướng chuyên sâu sang để giảng dạy đại trà.

Được biết, đến nay chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã triển khai được 2 năm và chỉ còn 3 tháng nữa sẽ chính thức thực hiện với lớp 10. Thời gian qua, các trường THPT đã gấp rút và hoàn tất phương án tổ chức, tập huấn giáo viên, nhiều nơi còn tiến hành khảo sát và xây dựng xong các tổ hợp để học sinh lựa chọn theo yêu cầu định hướng nghề nghiệp của chương trình giáo dục phổ thông mới.

Vì thế, các trường đang lo ngại sẽ phải thay đổi phương án và công tác chuẩn bị. Vì thế rất cần những quyết định kịp thời để các trường còn chủ động trong việc chuẩn bị chương trình.

Phản hồi của Bộ GD&ĐT về môn Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông mới Phản hồi của Bộ GD&ĐT về môn Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông mới
Bài cuối: Lịch sử, Địa lý là môn tự chọn - Có dẫn đến một thế hệ trẻ không biết về nguồn cội?! Bài cuối: Lịch sử, Địa lý là môn tự chọn - Có dẫn đến một thế hệ trẻ không biết về nguồn cội?!
Bồi dưỡng giáo viên cốt cán bộ môn Lịch sử Bồi dưỡng giáo viên cốt cán bộ môn Lịch sử
Thái Phương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động