Thứ ba 07/05/2024 19:38
Để không còn những thảm kịch đau lòng vì trầm cảm sau sinh:

Cần nhất là sự quan tâm, chia sẻ về tâm lý của người thân

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Ngày nay “trầm cảm sau sinh” ngày càng được nhắc tới nhiều hơn khi nó đang gây ra nhiều vụ việc đau lòng. Nhiều trường hợp người mẹ rơi vào trầm cảm nhưng không được phát hiện và can thiệp kịp thời, đã tự hủy hoại cuộc đời và tước đi mạng sống của chính con mình.
Trầm cảm sau sinh, cau chuyện không của riêng ai. Ảnh minh họa
Trầm cảm sau sinh, cau chuyện không của riêng ai. Ảnh minh họa

Nỗi đau từ việc thiếu sự chia sẻ, cảm thông

Mới đây, chiều 5/4, tại TP Đà Nẵng xảy ra sự việc đâu lòng khi hai cháu bé 2 tuổi được xác định tử vong trong nhà, còn người mẹ được cho là bị trầm cảm không thấy đâu mà chỉ tìm thấy bức thư chị để lại và bỏ đi.

Cụ thể, khi ông nội vào nhà phát hiện 2 cháu sinh đôi nằm trên giường bất động, qua kiểm tra thì cả 2 đã không qua khỏi. Còn người mẹ bỏ đi đâu không rõ, chỉ để lại bức di thư đánh máy trên bàn phòng khách.

Được biết, người mẹ 41 tuổi bị trầm cảm sau sinh, đã từng đi BV tâm thần. Ngay trong tối 5/4, mọi người đã tìm thấy người mẹ đang chuẩn bị quyên sinh trên cầu Bà Rén nên giải cứu kịp thời. Sau khi trở về, hiện trạng của người mẹ vẫn chưa được ổn định, liên tục ôm gối bồng bế và hát ru con của mình. Có lẽ do tâm lý đang bất ổn nên chị vẫn chưa nhận thức được hai con mình đã ra đi mãi mãi.

Trước đó, cũng có nhiều thảm kịch đau lòng tương tự đã xảy ra mà nguyên nhân do người mẹ bị trầm cảm sau sinh. Gần đây nhất là những vụ việc: Người mẹ ở Nam Định dìm 2 con xuống sông tử vong; một sản phụ ở Phú Thọ nhảy từ tầng 7 xuống từ vong nghi mắc chứng trầm cảm sau sinh…

Chiều 10/3, tại BV Sản nhi Phú Thọ đã xảy một trường hợp tử vong do rơi từ tầng 7 tòa nhà chính của BV. Nạn nhân là chị N.T.M.P (SN 1989, trú tại phường Vân Cơ, TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ).

Nạn nhân là sản phụ mới sinh được khoảng 2 tháng, cách đây vài ngày, nạn nhân có đến BV khám. Nguyên nhân vụ việc phải chờ kết luận từ cơ quan chức năng. Theo một số thông tin, nạn nhân nghi mắc chứng trầm cảm sau sinh, đã ngồi rất lâu trước khi để lại áo, điện thoại di động và nhảy từ tầng 7 xuống…

Hay vụ việc người mẹ trẻ ở Nam Định dìm 2 con nhỏ của mình xuống sông khiến cả hai cháu tử vong vừa mới đây đã khiến dư luận bàng hoàng, xót xa, xảy ra vào 10h sáng ngày 8/3.

Điều này cho thấy, mang nặng đẻ đau một đứa trẻ chưa bao giờ là dễ dàng với bất kì người phụ nữ nào... Trong những vụ việc này, mọi người nhận ra những người mẹ ấy đáng thương và mong những ai đang chồng, là người nhà của sản phụ sẽ quan tâm đến vợ con/người thân nhiều hơn, tránh điều đáng tiếc tương tự xảy ra. Rất nhiều phụ nữ trải qua quá trình sinh nở hay gặp vấn đề về tâm lý sau sinh chia sẻ quan điểm về vấn đề này:

Vân Trần: Mình cũng đã từng nghĩ ôm hai đứa con của nhảy xuống sông hoặc ra đường cho xe cán, may mắn mình đã vượt qua. Phụ nữ sinh đẻ đã khó khăn vất vả rất nhiều chỉ mong đc chồng và gia đình quan tâm để ko phải suy nghĩ buồn phiền nhưng nhiều ông chồng và gia đình lại nghĩ mọi chuyện quá bình thường, kiểu “hồi xưa tao thế này thế kia…”. Lúc xảy ra chuyện thì xong rồi!

Lê Thị Nguyệt: Tôi cũng từng chìm đắm trong đau khổ không lối thoát và đã từng có ý định quyên sinh đời mình để khỏi phải lo nợ đời cho nhà họ. Và rồi giật mình nghĩ đến con mình sinh ra mà phải sống…

Thanh Tra: Hầu như phải 80 phần trăm sau khi sinh ai cung gặp vì áp lực đủ thứ, quan trong là người thân có quan tâm thì mới vượt qua được.

Ngọc Hồ: Nhớ lại ám ảnh, hồi đó đã có lúc định bịt miệng cho con khỏi khóc. Chao ôi, khóc cả đêm rồi cả ngày cũng không tha may mà về ngoại sớm có mẹ đỡ cho không là xác định trầm cảm. Sinh 2 đứa mà đứa mô cũng khó nhất là bé đầu, đến giờ vẫn ám ảnh với vụ nuôi bé đầu may mình mạnh mẻ đã vượt qua chứ ko là phát điên là có thật.

Ngọc Diễm: Ở nhà nghe tiếng khóc của con riết là dễ bị trầm cảm, vượt qua mấy tháng đó khó khăn lắm như ở tù giam hãm. Bé dễ dễ còn đỡ bé khó thì xác định luôn.

Tuyết Nguyễn: Đúng vậy, trầm cảm luôn khiến mình chán nản, ám ảnh và toàn nghĩ đến giải thoát, rất may mình mạnh mẽ vượt qua được giai đoạn đó.

Trần Thị Tường Vy: Trầm cảm sau sinh rất đáng sợ, chỉ có ai trải qua rồi mới biết nó như thế nào. Chị rất đáng thương nếu nhận được sự quan tâm chăm sóc của những người mà chị thương yêu có lẽ đã ko xảy ra sự việc thương tâm như hôm nay.

Trương Nga: Những ông chồng hãy yêu thương và chăm sóc vơ con mình phụ nữ mềm yếu lắm để bị trầm cảm.

Vụ việc đau lòng, khiến nhiều người không khỏi xót thương cho 2 em bé và chính mẹ của các em
Vụ việc đau lòng, khiến nhiều người không khỏi xót thương cho 2 em bé và chính mẹ của các em.

Chủ động phòng ngừa, phát hiện và có biện pháp can thiệp sớm

Trầm cảm sau sinh không phải là vấn đề mới nhưng vẫn có những vụ việc đau lòng xảy ra, để lại hậu quả, những tổn thương mất mát không gì bù đắp. Và có thể tiếp diễn nhiều vụ việc đau lòng khác nếu như mỗi người chồng, người cha, mỗi gia đình, người thân và bản thân phụ nữ chưa nhận thức rõ được những ảnh hưởng của trầm cảm để có biện pháp phòng ngừa, phát hiện và can thiệp kịp thời.

Theo các chuyên gia y tế, các triệu chứng trầm cảm thậm chí có thể bắt đầu ngay trong thời kỳ mang thai. Ở một số người có biểu hiện sau sinh và ở một số khác có thể không biểu hiện trong nhiều tuần sau khi sinh.

Cụ thể, người mẹ bị trầm cảm có thể phải trải qua nhiều trạng thái tâm lý tiêu cực như: Hoảng sợ, tuyệt vọng, cảm giác xấu hổ, tội lỗi, có ý định tự tử, thậm chí có ý nghĩ giết con mình… Trầm cảm sau sinh còn cản trở khả năng tương tác và gắn kết người mẹ với đứa con của mình.

Điều này cũng đặt ra câu hỏi: Liệu bản thân mỗi người chúng ta đã thực sự nhận thức được những ảnh hưởng của trầm cảm, trong đó có trầm cảm sau sinh hay chưa để từ đó có những biện pháp chủ động phòng ngừa, phát hiện và can thiệp sớm tình trạng này.

Vì vậy để tránh những hậu quả đau lòng và đáng tiếc do trầm cảm sau sinh, các bác sĩ khuyên trước nhất chính những phụ nữ khi mang thai cần chú ý chăm sóc tốt bản thân về cả sức khỏe và tâm lý. Đặc biệt, cần tránh căng thẳng và những cảm xúc tiêu cực không cần thiết.

Bên cạnh đó, gia đình, nhất là người chồng cần quan tâm đến tình trạng sức khỏe và những nhu cầu tâm lý của người vợ trong suốt thời gian mang thai, sau sinh và có biện pháp giúp đỡ công việc chăm sóc em bé để người mẹ có thể giảm bớt mệt mỏi và được nghỉ ngơi hồi phục sức khỏe tốt nhất.

Đặc biệt, sự chia sẻ về tâm lý, hỗ trợ của người chồng có vai trò rất quan trọng. Trên thực tế, ở những sản phụ thiếu sự quan tâm, giúp đỡ của chồng và người thân trong cuộc sống và chăm sóc con cái, có mâu thuẫn gia đình, bạo lực gia đình… thường dễ bị trầm cảm hơn.

Trường hợp người mẹ cảm thấy mình (hoặc người thân phát hiện sản phụ) có dấu hiệu luôn mệt mỏi, suy nhược, lo lắng, dễ kích động, có suy nghĩ tiêu cực… cần đi khám để có biện pháp hỗ trợ về tâm lý và điều trị kịp thời. Chỉ khi nhận thức và phát hiện sớm những dấu hiệu về trầm cảm, mới tránh được những sự việc đáng tiếp và đau lòng có thể xảy ra.

Mặc dù chưa xác định nguyên nhân chính xác nhất gây trầm cảm sau sinh nhưng các nhà nghiên cứu tin rằng trầm cảm sau sinh chủ yếu do nhiều yếu tố kết hợp như thể chất, tinh thần, tâm lý, xã hội. Trong đó, sự thay đổi nồng độ hormon trong cơ thể người phụ nữ sau sinh; Thay đổi thể chất và cảm xúc; Sự căng thẳng, mệt mỏi, thiếu ngủ; tiền sử người phụ nữ có mắc bệnh trầm cảm... là những yếu tố góp phần dẫn đến chứng trầm cảm sau sinh.
Vụ việc đau lòng về cái chết thương tâm của 2 em nhỏ: Chỉ vì người mẹ bị trầm cảm...
Khởi tố người mẹ dìm chết hai con nhỏ ở Nam Định
Trầm cảm tuổi học đường: Góc khuất tâm lý của trẻ có đang bị bỏ ngỏ!?
Linh Huy
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động