Không phải vụ án nào do người tâm thần gây ra cũng được miễn trách nhiệm
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênNhững vụ việc đau lòng
Theo đó, khoảng 6 giờ sáng 5-2, người thân của chị L.T.H. (39 tuổi, ngụ xã Hương Giang) phát hiện đứa con hơn 2 tháng tuổi của chị H. nằm tử vong ở khu vực nhà bếp.
Ngay sau đó, người dân phát hiện chị H. đi xe máy rời khỏi nhà với ý định đi tự tử nên đã giữ lại đưa về nhà. Lãnh đạo địa phương cho biết, nguyên nhân ban đầu đươc xác định cháu bé bị chính mẹ đẻ là chị H. dùng dao chém chết. Được biết, vợ chồng chị H. có với nhau 2 người con, một bé trai hơn 4 tuổi và bé trai mới sinh hơn 2 tháng tuổi. Sau sinh chị H. có biểu hiện trầm cảm nặng.
Vụ việc đau lòng này xảy ra không phải là câu chuyện đầu tiên, trước đó, rất nhiều những vụ án trẻ nhỏ tử vong do chính mẹ sát hại. Nguyên nhân luôn được xác định do mẹ có dấu hiệu trầm cảm sau sinh.
Trước đó, sáng 18-11-2020, do bực tức con trai khóc không chịu ngủ nên chị L.H.T. (SN 1996, ngụ phường Lộc Phát, TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng) đã bế con trai L.T.Đ (9 tháng tuổi) vào nhà tắm dìm trong xô nước rồi bỏ đi vào nhà. Đến lúc không còn nghe cháu Đ. khóc, chị T. nói với em trai mình cùng ra xem thì phát hiện cháu bé đã tử vong.
Vợ chồng chị T. có 2 người con, cháu Đ. là con thứ hai. Chồng chị T. đang đi làm ăn xa nên người mẹ này ở nhà nuôi 2 con nhỏ và sống cùng với em trai ruột. Bản thân chị T. bị bệnh trầm cảm hơn 2 năm nay và thường xuyên phải điều trị ở TP HCM. Ngày 17-11, chị T. vừa điều trị bệnh trầm cảm từ TP HCM về thì xảy ra sự việc đau lòng này.
Rạng sáng 13-6-2017, cháu V.V.A. (35 ngày tuổi, ngụ xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất, Hà Nội) khóc, được mẹ cho bú và tiếp tục ngủ. Tuy nhiên, sau đó chị P.T.Tr. (SN 1998, mẹ ruột cháu bé) tỉnh dậy và bế con ra gần cầu thang lối lên tầng 2 của gia đình. Thấy có chậu nước hàng ngày tắm cho con đầy nước, chị liền thả cháu vào chậu trong tư thế sấp mặt.
Trong lúc đi lên tầng 2 thấy cục than hoa, chị Tr. liền viết dòng chữ “Tao sẽ giết cháu mày” rồi lên giường đi ngủ. Sau đó, người nhà phát hiện cháu A. tử vong trong chậu nước. Nguyên nhân dẫn đến vụ án thương tâm này sau đó được xác định là do chị Tr. mắc bệnh trầm cảm nặng nên xuất hiện những suy nghĩ tiêu cực.
Dòng chữ chị Tr. viết sau khi thực hiện hành vi thả con vào chậu nước |
Trầm cảm, loạn thần có phải chịu trách nhiệm hình sự?
Những vụ án kể trên là số ít trong rất nhiều những vụ mẹ ruột giết con xảy ra khi người mẹ được xác định gây án trong tình trạng trầm cảm sau sinh. Tuy nhiên theo các chuyên gia y tế, cần xác định rõ chứng trầm cảm và loạn thần trong các sự việc cụ thể này.
Thực tế một số phụ nữ sau khi sinh có thể có các biểu hiện trạng thái bệnh lý tâm thần với dấu hiệu rối loạn hành vi cảm xúc, ý thức hay tư duy. Các rối loạn hành vi, cảm xúc và ý thức xuất hiện vào thời kỳ người phụ nữ sinh đẻ thường là những trạng thái rối loạn tâm thần nặng. Khi người mẹ mắc bệnh lý này sẽ không có khả năng chăm sóc con chu đáo, thậm chí còn có hành vi cố tình gây hại cho con.
Theo thống kê, tỉ lệ phụ nữ trầm cảm sau sinh chiếm 5,1%, trong khi loạn thần sau sinh là 0,5%. Trầm cảm sau sinh và loạn thần sau sinh đều có sự khác nhau về bản chất.
Theo đó, trầm cảm thường có những dấu hiệu như có biểu hiện mệt mỏi, bi quan, có suy nghĩ tiêu cực như bản thân không làm tròn nhiệm vụ của một người mẹ; Khó tập trung công việc, suy giảm trí nhớ, khó ngủ, ngủ ít hoặc ngủ quá nhiều; Cảm giác mệt mỏi chán chường, không thiết làm gì, không thích hoạt động… Tuy nhiên, với tình trạng trầm cảm, người bệnh ý thức vẫn tỉnh táo, nhận thức được mọi việc quanh mình.
Còn chứng loạn thần sau sinh dễ nhận biết hơn. Thường người bệnh sẽ luôn tưởng tượng ra các sự việc hoang đường như có người theo dõi, có cảm giác bị ai đó chi phối, xui khiến. Bệnh nhân thường gặp ảo giác mà nếu không vượt qua được bệnh nhân sẽ bị chi phối, điều khiển và thực hiện những hành vi nguy hiểm. Chứng bệnh này biểu hiện ở sự rối loạn tư duy và rối loạn tri giác.
Vì vậy, để xác định rõ xem đối tượng hiện đang bị trầm cảm hay loạn thần cần thăm khám trực tiếp hay phải theo dõi giám định pháp y mới có thể có kết luận chính xác.
Và trong các trường hợp này, nếu có hành vi giết người, giết trẻ sơ sinh có bị định tội hay không, về vấn đề này, theo luật sư Nguyễn Phương Tuyến – Đoàn Luật sư Hà Nội, hành vi giết con đẻ có thể vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Giết người” được quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015 với tình tiết định khung “Giết người dưới 16 tuổi”.
Tuy nhiên, để khởi tố người mẹ, cơ quan điều tra phải làm rõ động cơ, mục đích và trạng thái tâm lý lúc người mẹ này ra tay sát hại con mình. Nếu xác định nguyên nhân gây ra cái chết cho con do mâu thuẫn gia đình và do bị ảnh hưởng về bệnh trầm cảm sau sinh thì cần thiết phải giám định khả năng nhận thức và điều khiển hành vi để làm căn cứ xử lý theo quy định của pháp luật.
Trường hợp kết luận giám định của cơ quan chuyên môn xác định người mẹ bị mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi trước, trong và sau khi phạm tội thì không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Giết người”.
Nhưng không phải bất cứ vụ án nào do người có bệnh án tâm thần gây ra cũng được miễn trách nhiệm hình sự. Theo Điều 51, Bộ Luật hình sự quy định về các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: “Người phạm tội là người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình”. Điều này có nghĩa nếu như cơ quan giám định xác định đối tượng chỉ mắc bệnh làm hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi thì đối tượng vẫn bị xử lý hình sự nhưng sẽ được hưởng tình tiết giảm nhẹ.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại