Bài 2: Di dời các cơ sở sản xuất, bệnh viện ô nhiễm môi trường khỏi đô thị trung tâm
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênNhà máy thuốc lá Thăng Long là 1 trong 9 cơ sở nhà đất tại Hà Nội sẽ phải di dời khỏi nội đô theo quy hoạch trên địa bàn TP đợt 1. Ảnh: Khánh Huy |
Bảo vệ môi trường là vấn đề được đặt ở vị trí ngang hàng với các hoạt động phát triển kinh tế, xã hội
Biện pháp này là cần thiết để Thủ đô thực hiện được yêu cầu về vùng bảo vệ nghiêm ngặt và vùng hạn chế phát thải của pháp luật về bảo vệ môi trường (như đã nêu ở trên) cũng như để thực hiện giải pháp về vùng phát thải thấp theo quy định của Luật Thủ đô (sửa đổi).
Theo PGS.TS Vũ Thị Duyên Thủy - Trường Đại học Luật Hà Nội, tại Điều 3 và Điều 20 Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), yêu cầu bảo vệ môi trường được xác định là nội hàm của nhiều thuật ngữ được sử dụng trong dự thảo luật cũng như hoạt động xây dựng quy hoạch Thủ đô, quy hoạch chung Thủ đô. Cụ thể là:
Thứ nhất, tại Điều 3 của dự thảo luật này, một số thuật ngữ, khái niệm được giải thích khá rõ ràng, trong đó thể hiện nội hàm bao gồm cả các vấn đề về yêu cầu bảo vệ môi trường. Chẳng hạn như:
Khoản 4, giải thích thuật ngữ đô thị thông minh: Đô thị thông minh là đô thị hoặc khu vực cư dân đô thị ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông và các công nghệ tiên tiến khác trong quản trị, điều hành đô thị, quản lí nguồn lực, cung cấp dịch vụ, nâng cao chất lượng cuộc sống và làm việc của cư dân đô thị, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường.
Khoản 8, giải thích thuật ngữ khu thúc đẩy thương mại và văn hóa: Khu thúc đẩy thương mại và văn hóa là khu vực tập trung các hoạt động dịch vụ, thương mại với các điều kiện về an ninh, trật tự, bảo vệ môi trường cao hơn so với quy định chung để thu hút du lịch, thúc đẩy các hoạt động thương mại trên địa bàn, cải thiện đời sống dân cư, bảo tồn các ngành, nghề truyền thống. Khu thúc đẩy thương mại và văn hoá được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo đề xuất của cộng đồng dân cư, UBND xã, phường, thị trấn và doanh nghiệp được lựa chọn vận hành khu thúc đẩy thương mại và văn hoá.
Khoản 10, giải thích thuật ngữ nông nghiệp sinh thái: Nông nghiệp sinh thái là mô hình nông nghiệp bền vững, chú trọng đến sự tương tác giữa các yếu tố môi trường, xã hội và kinh tế nhằm bảo vệ môi trường, hệ sinh thái vừa tạo ra các sản phẩm sạch, an toàn với sức khỏe của con người.
Khoản 11, giải thích thuật ngữ nhà đầu tư chiến lược: Nhà đầu tư chiến lược là nhà đầu tư có năng lực tài chính, quản trị, công nghệ nguồn hoặc đi đầu trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, y tế, văn hoá, giáo dục, bảo vệ môi trường, được lựa chọn tham gia đầu tư vào các chương trình, dự án trọng điểm và các dự án nằm trong danh mục dự án, ngành nghề thu hút nhà đầu tư chiến lược của Thủ đô Hà Nội.
Thứ hai, ngoài việc đưa bảo vệ môi trường trở thành một trong các nội dung để nhận diện các thuật ngữ nêu trên, tại Điều 20 điều chỉnh về Quy hoạch Thủ đô, Quy hoạch chung Thủ đô cũng xác định rõ yêu cầu bảo vệ môi trường. Theo đó, Quy hoạch Thủ đô, Quy hoạch chung Thủ đô phải bảo đảm xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường…
Như vậy, các quy định trên cho thấy bảo vệ môi trường là vấn đề được quan tâm và được đặt ở vị trí ngang hàng với các hoạt động phát triển kinh tế, xã hội. Điều này là hoàn toàn phù hợp với quan điểm phát triển bền vững - quan điểm giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa môi trường và phát triển đang được áp dụng rộng rãi ở tất cả các quốc gia trên thế giới.
Giao thẩm quyền mạnh hơn cho TP Hà Nội trong việc di dời cơ sở giáo dục, cơ sở sản xuất?
Tại Điều 20 về “Biện pháp bảo đảm thực hiện quy hoạch” có nêu rõ, cơ sở sản xuất công nghiệp, cơ sở y tế, cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và trụ sở các cơ quan, đơn vị trong đô thị trung tâm không phù hợp với Quy hoạch chung Thủ đô phải thực hiện việc di dời. Ảnh: Khánh Huy |
Tại Điều 20 về “Biện pháp bảo đảm thực hiện quy hoạch” có nêu rõ, trong khu vực nội đô lịch sử không mở rộng diện tích sử dụng đất của các bệnh viện hiện có. Không mở rộng, xây dựng mới khu công nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, cơ sở giáo dục nghề nghiệp không có trụ sở chính hoặc địa điểm đào tạo ở khu vực nội đô lịch sử trước thời điểm luật này có hiệu lực thì không được đặt địa điểm đào tạo trong khu vực nội đô lịch sử.
Cơ sở sản xuất công nghiệp, cơ sở y tế, cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và trụ sở các cơ quan, đơn vị trong đô thị trung tâm không phù hợp với Quy hoạch chung Thủ đô phải thực hiện việc di dời.
Quỹ đất của các cơ quan, đơn vị, cơ sở di dời khỏi đô thị trung tâm được ưu tiên sử dụng để xây dựng không gian công cộng và bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa.
Thẩm quyền quyết định việc di dời do Thủ tướng Chính phủ quyết định danh mục, biện pháp và lộ trình di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp, cơ sở y tế, cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và trụ sở các cơ quan, đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan, tổ chức Trung ương; UBND TP Hà Nội quyết định danh mục, biện pháp và lộ trình di dời các cơ sở không thuộc quy định tại điểm a khoản này.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết di dời cơ sở ô nhiễm, bệnh viện, trường học khỏi nội đô là nhiệm vụ được đặt ra từ lâu nhưng vẫn giậm chân tại chỗ. Trong khi đó, đây là mấu chốt để Hà Nội giải bài toán giảm dân số và giải quyết các vấn đề dân sinh bức xúc như ùn tắc, ô nhiễm, úng ngập. Hà Nội đã có định hướng quy hoạch thành phố thứ hai ở phía Tây, khu vực Xuân Mai.
Đây sẽ là đô thị mới về khoa học, công nghệ, giáo dục đào tạo. Trước khi đặt ra vấn đề này trong quy hoạch, Hà Nội đã bắt tay vào việc di dời các cơ sở trong nội đô. Tuy nhiên, hầu hết bệnh viện, trường đại học đều theo cơ chế tự chủ. Bây giờ giao đất mới, liệu các đơn vị có tiền xây không?
Vì vậy, Hà Nội đề nghị dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) xây dựng theo hướng giao thẩm quyền mạnh hơn cho TP Hà Nội, cần có cơ chế bỏ tiền ngân sách ra giải phóng mặt bằng, thậm chí xây trụ sở mới cho trường đại học, bệnh viện. Cơ sở cũ có thể trả lại cho thành phố hoặc làm cơ sở đào tạo sau đại học, cơ sở nghiên cứu hợp tác quốc tế để giảm dân cư. Khi di dời được hệ thống giáo dục đại học tức là giúp chuyển khoảng một triệu sinh viên ra khỏi nội đô, kéo theo gần bằng số lượng đó dân cư đi theo. Đây chính là mục tiêu trong phát triển quy hoạch Thủ đô.
Bí thư Hà Nội cho hay thành phố cũng đang tập trung phát triển hạ tầng giao thông theo trục lên phía Tây, như đường bộ lên Xuân Mai, đường sắt đô thị nối Văn Cao - Hòa Lạc và tiếp tục cải tạo tuyến quốc lộ hiện hữu. Năm 2009, Thủ tướng phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch xây dựng hệ thống trường đại học, cao đẳng tại vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050. Một trong những mục tiêu của quy hoạch là giảm mật độ sinh viên và số trường trong trung tâm đô thị. Bộ Xây dựng được giao chủ trì phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo lập quy hoạch, đề xuất hướng di dời một số cơ sở đạo tạo ở nội đô.
12 đại học, cao đẳng được đề xuất di dời, trong đó có Đại học Luật Hà Nội, Ngoại thương, Công đoàn, Xây dựng, Viện Đại học Mở Hà Nội... Tuy nhiên sau 14 năm, hầu hết trường vẫn ở lại nội đô.
(Còn nữa)
Bài 1: Quy định mới về vùng phát thải thấp |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại