Thứ ba 14/05/2024 13:54
Bảo vệ môi trường trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)

Bài 1: Quy định mới về vùng phát thải thấp

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết số 15-NQ/TW) xác định nhiệm vụ cho giải pháp về bảo vệ môi trường là “tạo chuyển biến rõ nét trong công tác bảo vệ môi trường, hướng tới xây dựng Thủ đô xanh, sạch, đẹp, phát triển bền vững; thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nhằm cải thiện chất lượng không khí; xử lý cơ bản ô nhiễm môi trường nước các hệ thống sông, hồ; hoàn thành cải tạo môi trường Sông Nhuệ - Sông Đáy, sông Tô Lịch; các chương trình chống úng, ngập; hạ tầng xử lý rác thải, nước thải, cây xanh đô thị... theo quy hoạch”.
Bài 1: Quy định mới về vùng phát thải thấp
Phương tiện cá nhân tăng cao làm tăng phát thải. Ảnh: Khánh Huy

Xây dựng một hệ thống quy định, giải pháp tổng thể về bảo vệ môi trường Thủ đô

Mục tiêu bảo vệ môi trường Hà Nội được Đảng bộ TP Hà Nội đề ra tại Nghị quyết số 11-NQ/TU của Thành uỷ Hà Nội về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn Thủ đô Hà Nội đến năm 2020 và những năm tiếp theo.

Để thực hiện được các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra trong các nghị quyết nêu trên cũng như định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các Nghị quyết của Đảng về phát triển kinh tế bền vững, chủ động thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, dịch bệnh; giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã kế thừa một số quy định tại Điều 14 của Luật Thủ đô 2012 về bảo vệ môi trường nhưng sửa đổi, bổ sung cho phù hợp như quy định tại Điều 29; đồng thời, chính sách về bảo vệ môi trường còn được thể hiện ở các điều khoản về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số: Lĩnh vực trọng điểm về khoa học công nghệ của Thủ đô bao gồm công nghệ môi trường, giảm phát thải các-bon, ứng phó với biến đổi khí hậu (khoản 1 Điều 25); về thu hút nhà đầu tư chiến lược (điểm a, khoản 1 Điều 44): xử lý ô nhiễm môi trường các dòng sông thuộc danh mục dự án trọng điểm của Thủ đô để thu hút nhà đầu tư chiến lược; Về ưu đãi đầu tư (điểm e, khoản 1 Điều 45) ưu đãi đầu tư đối với dự án sử dụng công nghệ cao, tiên tiến trong lĩnh vực moi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, xử lý chất thải, nước thải, dự án phát triển làng nghề truyền thống. Các quy định này cùng với Điều 29 tạo thành hệ thống giải pháp tổng thể về bảo vệ môi trường Thủ đô.

Quy định mới về vùng phát thải thấp ở Điều 29 gồm một số điểm nổi bật trong Luật Thủ đô thể hiện ở nội dung cơ bản sau:

Dự thảo quy định HĐND TP Hà Nội quy định: vùng phát thải thấp và các biện pháp cần thiết kèm theo để bảo đảm phát triển bền vững. Việc hình thành các quy định về điều kiện thực hiện vùng phát thải thấp nhằm thực thi có hiệu quả hơn quy định đối với từng phân vùng môi trường tại Điều 23 Luật Bảo vệ môi trường 2020 và các Điều 22 và 23 của Nghị định 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường (Nghị định 08/2022/NĐ-CP) về vùng bảo vệ nghiêm ngặt và vùng hạn chế phát thải.

Theo Nghị định 08/2022/NĐ-CP, các khu dân cư tập trung ở đô thị bao gồm khu vực nội thành, nội thị của các đô thị đặc biệt (trong đó có Thủ đô Hà Nội) là vùng bảo vệ nghiêm ngặt và khu vực vùng đệm của vùng bảo vệ nghiêm ngặt là vùng hạn chế phát thải. Yêu cầu về bảo vệ môi trường theo các phân vùng môi trường trên là phải đáp ứng các yêu cầu về quy chuẩn kỹ thuật về nước thải, khí thải quy định giá trị giới hạn cho phép của các chất ô nhiễm phù hợp với yêu cầu bảo vệ của phân vùng môi trường đối với vùng bảo vệ nghiêm ngặt, vùng hạn chế phát thải, bảo đảm không gây tác động xấu đến sự sống và phát triển bình thường của con người, sinh vật.

Tuy nhiên, những yêu cầu, điều kiện nêu trên chưa có: (a) các biện pháp nhằm khuyến khích đầu tư đối với lĩnh vực, phương thức sản xuất, kinh doanh dịch vụ có mức độ phát thải thấp trên địa bàn Thủ đô; (b) biện pháp khuyến khích sử dụng phương tiện giao thông có mức độ phát thải thấp (như đường sắt đô thị, xe điện, xe sử dụng năng lượng sạch, có mức độ phát thải thấp…); (c) biện pháp hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, phương tiện gây ô nhiễm di chuyển trong một số khu vực của Hà Nội (như khu nội đô lịch sử); (d) biện pháp sử dụng, áp dụng các trang thiết bị, máy móc, nguyên liệu sạch, năng lượng tái tạo…

Thuật ngữ bảo vệ môi trường trong Điều luật này sẽ được hiểu theo nghĩa rộng, thống nhất

Bài 1: Quy định mới về vùng phát thải thấp
Một mô hình máy đốt rác lọc thành dầu thô tại Sóc Sơn, Hà Nội. Ảnh: Khánh Huy

Theo PGS.TS. Vũ Thị Duyên Thủy - Trường Đại học Luật Hà Nội, để đảm bảo tính thống nhất, phù hợp hơn với yêu cầu bảo vệ môi trường nói chung và pháp luật bảo vệ môi trường nói riêng của các quy định này, PGS.TS. Vũ Thị Duyên Thủy có một số góp ý sau:

Thứ nhất, tên điều luật nên sửa đổi để đảm bảo bao quát hết các nội dung được điều chỉnh trong các điều khoản cụ thể. Nếu chỉ dùng thuật ngữ “giảm phát thải” thì không bao quát được hết các vấn đề được điều chỉnh tại khoản 2 đến khoản 5 của Điều luật này. Bởi lẽ, việc nghiêm cấm lấn chiếm, gây ô nhiễm sông, suối, hồ, ao, đầm, công viên, vườn hoa, khu vực công cộng; chặt phá rừng, cây xanh trái phép; xả chất thải chưa qua xử lí ra môi trường; sử dụng diện tích công viên, vườn hoa công cộng sai chức năng, mục đích hay việc san lấp, cải tạo sông, hồ, ao suối, đầm bị ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt phải phù hợp với quy hoạch đô thị, quy định về kiến trúc, cảnh quan, môi trường của Thủ đô không chỉ nhằm bảo vệ môi trường theo nghĩa hẹp, giảm phát thải mà còn bao hàm cả việc quản lí các hoạt động xả thải chất thải ra môi trường và cải thiện môi trường. Vì vậy, nên bỏ “và giảm phát thải” trong Điều luật này, chỉ nên quy định bảo vệ môi trường là đủ. Thuật ngữ bảo vệ môi trường trong Điều luật này sẽ được hiểu theo nghĩa rộng, thống nhất với cách hiểu thuật ngữ hoạt động bảo vệ môi trường đã được giải thích tại Điều 3 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020: Hoạt động bảo vệ môi trường là hoạt động phòng ngừa, hạn chế tác động xấu đến môi trường; ứng phó sự cố môi trường; khắc phục ô nhiễm, suy thoái môi trường, cải thiện chất lượng môi trường; sử dụng hợp lí tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu3. Theo cách hiểu này, giảm phát thải là một trong những hoạt động phòng ngừa, hạn chế tác động xấu đến môi trường. Điều đó có nghĩa, bảo vệ môi trường đã bao hàm trong nó hoạt động giảm phát thải.

Thứ hai, khoản 3 Điều luật này nên đề cập vấn đề xã hội hóa, vì đây là một biện pháp đã và đang mang lại hiệu quả trong bảo vệ môi trường tại nhiều quốc gia trên thế giới cũng như Việt Nam. Xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường là việc cho phép các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, hợp tác xã ngoài khu vực kinh tế nhà nước tự do hóa kinh doanh các hoạt động cung cấp dịch vụ bảo vệ môi trường, cùng với quá trình thu hẹp các lĩnh vực thuộc độc quyền Nhà nước. Điều đó có nghĩa người dân và các đối tượng tiếp nhận lợi ích môi trường sẽ tăng thêm đóng góp tài chính (thuế, cước phí dịch vụ, thậm chí cả một phần vốn đầu tư ban đầu...) và chủ động tham gia giám sát rộng rãi, dân chủ hơn để được thụ hưởng các dịch vụ và tiện ích môi trường đa dạng hơn, chất lượng cao hơn, thuận tiện và phù hợp nhu cầu của mình hơn.... Trong việc giải quyết các vấn đề môi trường của Thủ đô, đặc biệt là thu gom, vận chuyển và xử lí rác thải sinh hoạt, xã hội hóa bảo vệ môi trường sẽ góp phần không nhỏ trong việc huy động sức mạnh của các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, hợp tác xã ngoài khu vực kinh tế hà nước.

Với lí do đó, nên sửa quy định tại khoản 3 Điều 29 của dự thảo Luật như sau: “Bố trí nguồn lực, xã hội hóa và thu hút đầu tư vào các dự án phân loại, xử lí chất thải rắn sinh hoạt, xử lí ô nhiễm môi trường sông, suối, hồ, ao, đầm có công nghệ tiên tiến, hiện đại”.

Thứ ba, khoản 4 Điều 29 nên sửa lại cho hợp lí hơn. Theo Dự thảo thì UBND TP Hà Nội xem xét, quyết định bổ sung khối lượng chất thải rắn sinh hoạt theo hình thức đặt hàng… Quy định này nên sửa lại là UBND TP Hà Nội xem xét, quyết định bổ sung khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phải xử lí theo hình thức đặt hàng… Bởi lẽ, nếu quy định bổ sung số lượng chất thải rắn thì có thể dẫn đến hiểu nhầm và đi ngược lại với chủ trương khuyến khích giảm thiểu chất thải rắn sinh hoạt. Hơn nữa, không phải chất thải rắn sinh hoạt nào cũng cần xử lí mà chúng có thể được tái chế hoặc tái sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau. Chỉ những chất thải sinh hoạt phải xử lí thì UBND TP Hà Nội mới cần xem xét, quyết định bổ sung khối lượng theo hình thức đặt hàng đối với Nhà đầu tư đang thực hiện dự án xử lí chất thải rắn sinh hoạt tự nguyện chuyển đổi toàn bộ công nghệ của dự án sang đốt phát điện.

Thứ tư, khoản 5 điểm a nên sửa lại cho phù hợp với thực tiễn và mục tiêu giảm phát thải từ các nguồn thải động. Khoản 5 Điều 29 dự thảo luật quy định: “HĐND TP Hà Nội quy định vùng phát thải thấp cho Thủ đô và Vùng Thủ đô bao gồm quy hoạch vùng phát thải thấp, các biện pháp khuyến khích đầu tư đối với lĩnh vực, phương thức sản xuất, kinh doanh dịch vụ phát thải thấp trên địa bàn Thủ đô; biện pháp kiểm soát phương tiện giao thông cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ không đảm bảo tiêu chuẩn về phát thải, sử dụng năng lượng hiệu quả và chuyển dịch năng lượng”.

Quy định này vô tình đã tạo ra sự phân biệt đối xử giữa việc sử dụng phương tiện giao thông cá nhân và sử dụng phương tiện giao thông công cộng về nghĩa vụ đối với bảo vệ môi trường. Không thể phủ nhận việc sử dụng phương tiện giao thông công cộng là cần thiết để giảm phát thải, giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm không khí tại Thủ đô. Song điều đó không đồng nghĩa với việc các phương tiện giao thông công cộng là tuyệt đối an toàn cho môi trường, không cần kiểm soát. Vì vậy, để phù hợp hơn với thực tiễn và đảm bảo nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật, PGS.TS. Vũ Thị Duyên Thủy cho rằng quy định này nên được sửa như sau: “HĐND TP Hà Nội quy định vùng phát thải thấp cho Thủ đô và Vùng Thủ đô bao gồm quy hoạch vùng phát thải thấp, các biện pháp khuyến khích đầu tư đối với lĩnh vực, phương thức sản xuất, kinh doanh dịch vụ phát thải thấp trên địa bàn Thủ đô; biện pháp kiểm soát phương tiện giao thông, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ không đảm bảo tiêu chuẩn về phát thải, sử dụng năng lượng hiệu quả và chuyển dịch năng lượng”.

(Còn nữa)

Chính sách thu hút, trọng dụng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao Chính sách thu hút, trọng dụng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao
Thái Phương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động