Bài 1: Trở thành địa phương đi đầu trong phát triển nông nghiệp sinh thái
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênNghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị định hướng phấn đấu đưa Hà Nội “trở thành địa phương đi đầu trong phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống dân tộc. Ảnh: Khánh Huy |
Xây dựng nông thôn mới, xanh, hiện đại, gắn với phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn
Các bất cập, hạn chế trong chính sách, pháp luật về phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân ở Thủ đô được xác định: Thiếu chính sách, pháp luật mở đường cho việc đổi mới và phát triển các mô hình tổ chức kinh tế nông thôn, đặc biệt là các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; Pháp luật về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp hiện nay là rào cản việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao (CNC), nông nghiệp hữu cơ, tổ chức sản xuất theo mô hình hiện đại, thông minh, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi cung ứng, gây lãng phí trong việc khai thác sử dụng tài nguyên đất; Thiếu chính sách, pháp luật để thu hút, huy động nguồn lực xã hội cho phát triển nông nghiệp sinh thái, hiện đại hoá nông thôn, bảo vệ môi trường nông thôn và xây dựng người nông dân đủ năng lực làm chủ được chu trình sản xuất - tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi cung ứng và thụ hưởng thành quả của ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp trong giai đoạn mới
Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị định hướng phấn đấu đưa Hà Nội “trở thành địa phương đi đầu trong phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống dân tộc. Ưu tiên xây dựng vành đai xanh, bảo đảm môi trường sống. Chú trọng phát triển công nghệ giống, công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch, gắn với phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm, phát triển các sản phẩm làng nghề, nhất là các làng nghề truyền thống và các dịch vụ đặc trưng của Thủ đô”.
Về nguồn lực cho phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân Thủ đô, Nghị quyết xác định: “phát huy vai trò dẫn dắt của đầu tư công kết hợp khuyến khích các nguồn vốn từ khu vực tư nhân, khu vực đầu tư nước ngoài; khơi dậy, huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực từ đất đai, tài nguyên gắn với phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng và quy hoạch phát triển kinh tế xã hội”.
Mục tiêu chính sách đề ra trong dự thảo Luật Thủ đô nhằm: Xây dựng và phát triển nông nghiệp hàng hoá tập trung, nông nghiệp sinh thái, thân thiện với môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu; ứng dụng CNC, tập trung sản xuất cây, con giống năng suất, chất lượng, giá trị cao cho cả nước; Xây dựng nông thôn mới, xanh, hiện đại, gắn với phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch làng nghề giàu bản sắc văn hoá đặc trưng của Thủ đô; Xây dựng người nông dân Thủ đô văn minh, có kỹ năng, trình độ, là chủ thể xây dựng, thụ hưởng thành quả phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Cần nghiên cứu hoàn thiện cơ chế chính sách phát triển nông nghiệp sinh thái gắn với nông nghiệp đô thị
Người dân Phù Đổng (Gia Lâm, Hà Nội) đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp từ trồng lúa, chăn nuôi sang trồng cây cảnh hoa giấy, đem lại giá trị kinh tế cao. Nhờ đó đã tạo nên thương hiệu "Cây cảnh hoa giấy Phù Đổng”. Ảnh: Khánh Huy |
Theo ông Nguyễn Thanh Lâm - Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Thành ủy Hà Nội xác định phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân Thủ đô là một mục tiêu quan trọng được cụ thể hóa trong các chương trình, kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn 2030. Đến nay, nông nghiệp của Hà Nội đã có nhiều tiến bộ và đạt được những kết quả quan trọng, cụ thể: tốc độ tăng trưởng sản xuất ngành nông nghiệp đạt bình quân 2,5 -3,0%/năm (giai đoạn 2021 - 2023), giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản ước năm 2022 (theo giá so sánh) đạt 40.638,4 tỷ đồng, tăng 2,61% so với năm trước. Trong đó, giá trị sản xuất trồng trọt đạt 16.242,3 tỷ đồng, tăng 2,77%; giá trị sản xuất chăn nuôi đạt 19.969,6 tỷ đồng, tăng 2,49%; giá trị sản xuất dịch vụ nông nghiệp đạt 875,8 tỷ đồng, tăng 1,9%.
Tuy nhiên, hiện tại, phát triển nông nghiệp Hà Nội vẫn chưa đạt được như kỳ vọng, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế phát triển của Thủ đô: nông nghiệp Thủ đô chưa thực sự sở thành điển hình/kiểu mẫu nông nghiệp Thủ đô, mối lo về an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn còn thường trực với người dân, số lượng chuỗi nông sản có thể truy xuất nguồn gốc và khả năng nhân rộng còn hạn chế; công tác nghiên cứu, ứng dụng CNC, hiện đại, thông minh trong nông nghiệp còn kém hiệu quả, chưa trở thành trung tâm nghiên cứu chuyển giao ứng dụng khoa học về nông nghiệp (giống, công nghệ sản xuất, kỹ thuật nuôi trồng,...); phát triển nông nghiệp gắn với chương trình nông thôn mới (NTM) đạt hơn 90% ở hiện tại nhưng chưa có một mô hình NTM nâng cao điển hình của Thủ đô; và đặc biệt phát sinh các vấn đề về biến đổi khí hậu, môi trường và hệ sinh thái của thủ đô như hiện tượng nghịch nhiệt, bụi mịn trong thời gian qua. Chính vì vậy, việc xây dựng các định hướng phát triển nông nghiệp sinh thái kết hợp với phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao có ý nghĩa vô cùng quan trọng đến sinh kế của người dân và vị thế của Thủ đô Hà Nội.
Nông nghiệp hiện nay không chỉ làm ra sản phẩm mà còn tạo việc làm, thu nhập cho người lao động, đồng thời hướng tới bảo vệ tài nguyên và môi trường sinh thái cũng như các giá trị văn hóa. Nông nghiệp hiện đại còn hướng tới phát triển theo chuỗi giá trị, chú trọng các khâu sau thu hoạch và dịch vụ liên quan để nâng cao giá trị gia tăng. Với các hình thức sản xuất này, đất chỉ đóng vai trò như mặt bằng sản xuất.
Với vai trò là đầu tàu phát triển kinh tế - xã hội trong cả nước, TP Hà Nội và các cơ quan quản lý chuyên môn đã xác định rõ nông nghiệp, nông thôn của Hà Nội trong tương lai: Đảm bảo mục tiêu thành phố xanh, sạch, đẹp; Quy hoạch và đầu tư phát triển các vùng nông thôn đông dân, ven đô tại các địa bàn trên theo hướng đô thị hóa, hài hòa với không gian và cấu trúc kinh tế xã hội đô thị, thân thiện môi trường, gắn bó thiên nhiên. Về sản xuất nông nghiệp: Tập trung sản xuất hàng hóa theo tiêu chuẩn, có lợi thế để cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước; Tổ chức sản xuất nông nghiệp gắn với nông thôn mới nâng cao, và hình thành thêm các chuỗi nông sản có thể truy xuất nguồn gốc; Hình thành nguồn nhân lực cho phát triển nông nghiệp hiện đại, thông minh và hiệu quả, có thể ứng phó với những tình huống như đại dịch, thiên tai diện rộng; Phát triển nông nghiệp Thủ đô trở thành trung tâm nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng các sản phẩm khoa học trong nông nghiệp (Quyết định số 17/2012/QĐ-UBND).
Vì thế, Hà Nội cần nghiên cứu hoàn thiện cơ chế chính sách phát triển nông nghiệp sinh thái gắn với nông nghiệp đô thị; Hoàn thiện thể chế, chính sách cho phát triển nông nghiệp, nông thôn thành phố Hà Nội theo hướng thúc đẩy phát triển nông nghiệp xanh, gắn với du lịch và có sự liên kết chặt chẽ với các tỉnh/ các địa phương trong và ngoài vùng.
Theo Quyết định số 3215/QĐ-UBND, Hà Nội đã quy hoạch 9 nhóm vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung bao gồm các nhóm vùng sản xuất lúa chất lượng cao chuyên canh tập trung áp dụng phòng trừ dịch hại tổng hợp (IPM) và tái sử dụng phế phụ phẩm đồng ruộng, nhóm vùng sản xuất rau an toàn chuyên canh tập trung, nhóm vùng sản xuất cây ăn quả giá trị cao chuyên canh tập trung, nhóm vùng sản xuất hoa, cây cảnh chuyên canh tập trung, nhóm vùng sản xuất chè chất lượng cao chuyên canh tập trung, nhóm vùng nuôi thủy sản tập trung.
Hà Nội là trung tâm của các viện nghiên cứu và các trường đại học có thể tạo ra một bộ giống/ gen (cây trồng, vật nuôi, động vật, thủy sản) có chất lượng phù hợp với đặc thù các địa phương và nhu cầu thị trường. Đồng thời, Hà Nội có thể sử dụng công nghệ cao trong sản xuất giống/gen (cây trồng, vật nuôi, động vật thủy sản) có chất lượng cao phục vụ sản xuất nông nghiệp cho các tỉnh trong cả nước.
Người dân Hà Nội với nhiều làng nghề truyền thống có kinh nghiệp trong trồng cây hoa, cây cảnh (Nhật Tân, Ngọc Hà, Tây Tựu, Văn Đức) gắn với phát triển nông nghiệp xanh kết hợp với mô hình du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm, khám phá sử dụng thế mạnh về thiên nhiên và văn hóa Hà Nội.
Đồng thời với đó, cần sử dụng hiệu quả phế phụ phẩm nông nghiệp đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc duy trì nông nghiệp bền vững và phát triển kinh tế tuần hoàn và nâng cao thu nhập cho người dân. Nhiều chính sách của Nhà nước đã được ban hành nhằm thúc đẩy công tác quản lý phế phụ phẩm nông nghiệp. Tuy nhiên, chính sách còn thiếu đồng bộ nên nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và người nông dân còn gặp nhiều khó khăn trong triển khai. Nghiên cứu đã đề xuất một số giải pháp xử lý bao gồm giải pháp chính sách, giải pháp kỹ thuật công nghệ, giải pháp kinh tế và giải pháp hỗ trợ nâng cao hiệu quả quản lý phế phụ phẩm nông nghiệp tại Hà Nội và các địa phương khác trong cả nước. Thúc đẩy nghiên cứu và ứng dụng các giải pháp về cơ chế, chính sách và khoa học công nghệ trong xử lý rác thải hữu cơ và vô cơ nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường đô thị và nông thôn và tạo ra các sản phẩm tái chế hữu ích từ rác thải.
TOD nên được trở thành một trong những trọng tâm cần được lưu ý trong chính sách phát triển đô thị |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại